34 Công Thức Châm Cứu Thường Dùng

NHÓM THỨ 7

a) Phối huyệt: Khúc trì, Uỷ trung, Hạ liêm

b) Hiệu năng: thông Dương khí, tán Thấp khí, đuổi Phong khí, Hàn khí, sơ thông kinh lạc, tả Nhiệt khí, dứt đau.

c) Chủ trị: trị các chứng tý thuộc Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt.

d) Phép châm và cứu: châm Ủy trung, châm thẳng sâu 1 thốn đến 1 thốn rưỡi, tả; châm Khúc trì sâu 8 phân đến 1 thốn, tiên tả hậu bổ, cứu từ 3 đến 5 tráng; châm Hạ liêm, thẳng sâu 5 phân, cả bổ lẫn tả.

Các chứng thống, tý châm tả huyệt Ủy trung là chủ. Các chứng hành tý châm tả huyệt Khúc trì là chủ, tiên tả hậu bổ, thêm Hạ liêm.

e) Phép gia giảm: nếu thượng chi bị đau nhức nặng châm thêm Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc. Nếu hạ chi đau nhức nặng châm thêm Hoàn khiêu, Phong thị, Dương Lăng tuyền. Nếu đau nhức từ cánh tay đến các đốt ngón tay, châm thêm Bát phong, Bát tà, đều sâu 3 phân, dùng phép tả.

d) Giải phương: châm 3 huyệt này sẽ làm cho mạch khí đi từ biểu nhập vào lý, làm thông được khí bị trệ, bị mãn, thông kinh lạc, đuổi được 4 khí Phong, Nhiệt, Thấp, Hàn, giải được chứng tý.

NHÓM THỨ 8

a) Phối huyệt: Khúc trì, Dương lăng tuyền.

b) Hiệu năng: hành khí huyết, thông kinh lạc, thư cân, lợi quan tiết.

c) Chủ trị: ngực và hông sườn bị đau, bụng trướng, tiểu tiện đục do nhiệt kế ở Trường Vị, chi dưới và chi trên bị tê, bất toại…

d) Phép châm và cứu: châm nhóm huyệt này đều sâu 5 phân, bình bổ tả, lưu kim 15 phút, cứu 3 tráng.

e) Phép gia giảm: nếu tiểu tiện bị đục, châm thêm Quan nguyên sâu 3 phân; nếu thượng chi bị tê, châm thêm Kiên ngung sâu 5 phân; nếu hạ chi bị tê, châm thêm Hoàn khiêu sâu 1 thốn 5 phân, tùy theo tình hình mà bổ tả.

f) Giải phương: châm Khúc trì làm hành khí, hoà huyết, thanh Phế giải biểu; châm Dương Lăng tuyền là để tả Can và Đởm, bình được uất nhiệt. Phế chủ khí của toàn thân, Can chủ cân của toàn thân. Nếu Phế khí được thanh, khí huyết được lưu hành, Can khí được thư thả thì cân mạch sẽ được dưỡng, như vậy chứng tê và đau hông sườn sẽ đứt. Huống chi vị trí của 2 huyệt này lại nằm ở chỗ quan yếu của “tứ đại quan tiết” thuộc thượng hạ chi, nó có khả năng tuyên thông giáng khí, sơ thông, tiết cả…

NHÓM THỨ 9

a) Phối huyệt: Khúc trì, Tam Âm giao

b) Hiệu năng: thanh nhiệt, mát huyết, đuổi ứ huyết sinh tân huyết.

c) Chủ trị: phụ nữ bế kinh, băng lậu đái hạ, tích tụ loét độc, các chứng sưng thũng, đau nhức, co giật…

d) Phép châm và cứu: châm Khúc trì sâu 5 phân đến 1 thốn; châm Tam Âm giao sâu 5 phân, cả 2 đều tiên tả hậu bổ, lưu kim 10 phút, cứu 3 tráng.

e) Phép gia giảm: nếu bị bế kinh không thông, châm thêm Huyết hải sâu 1 thốn, tả, sau khi rút kim cứu 3 tráng. Nếu bị tích tụ châm thêm Can du sâu 3 phân, châm Dương Lăng tuyền sâu 1 thốn, tả. Nếu bị đái hạ, châm thêm Tỳ du sâu 3 phân, bổ, cứu 3 tráng.

f) Giải phương: nhóm huyệt này gồm 2 huyệt, một thuộc Âm kinh, một thuộc kinh Dương, thông bên trong, đạt đến bên ngoài, hài hoà Âm Dương; châm Khúc trì là để thanh nhiệt, giải độc, đuổi Phong, lợi Thấp; châm Tam Âm giao vì huyệt này là cái then chốt của Túc Tam Âm kinh, là 1 yếu huyệt trị về huyết chứng. Châm 2 huyệt này sẽ làm cho ứ huyệt tự tán, huyết tự hoà, tà nhiệt tán, chứng băng lậu ngừng, kinh bế tự thông. Nếu chúng ta “tư” Thân Âm thì thủy sẽ nuôi được Mộc. Can chủ về sơ tiết, Tỳ chủ về vân hoá. Nếu Can và Tỳ được hoà thì các chứng tích tụ, co giật sẽ khỏi. Đối với vấn đề loét độc, sưng thũng đó là huyết phân thọ tà, khi đã điều được khí, đã thông được ứ thì nhiệt sẽ tán, việc sưng thũng sẽ tiêu. Huyệt Huyết hải có khả năng hoà huyết, hoá ứ, huyệt Can du và Dương Lăng tuyền tăng cường cho việc hoà Can khí, huyệt Tỳ du làm kiên Tỳ lợi Thấp, khi mà Tỳ vận hành được kiện thì đái hạ sẽ tự ngưng.

NHÓM THỨ 10

a) Phối huyệt: Túc Tam lý, Tam Âm giao

b) Hiệu năng: ích khí, dưỡng Âm, kiện Tỳ bổ hư

c) Chủ trị: Tỳ Vị hư hàn, ăn không biết ngon, ăn không tiêu, hình thể gầy yếu, thường hay ẩu hoặc tả, hoặc “ngũ canh tiết tả”, chân bị tê không có cảm giác, đau nhức, bụng bị đau…

d) Phép châm và cứu: châm Túc Tam lý sâu 5 phân, sau khi rút kim cứu 7 tráng; châm Tam Âm giao sâu 5 phân, mũi kim hướng lên trên, sau khi rút kim cứu 3 đến 5 tráng, đều dùng phép tả, sau khi đắc khí lưu kim 10 phút.

e) Giải phương: Túc Tam lý là huyệt Hợp của Túc Dương minh Vị kinh, có thể thăng Dương ích Vị, ôn trung, tán Hàn. Huyệt Tam Âm giao là hội huyệt của Túc Thái âm Tỳ kinh, Túc Quyết âm Can kinh và Túc Thiếu âm Thân kinh, nó có khả năng tư Âm kiện. Tỳ, hoạt huyết khử ứ. Vả lại, Vị chủ về thọ nạp cốc khí, Tỳ chủ về vận hoá. 2 huyệt này nếu phối nhau sẽ làm khởi phát được Dương khí của Trung tiêu, kiện Tỳ, tưới thắm Âm dịch, làm sung cho Vị dịch.

Khi mà khí huyết được điều hoà, kinh mạch được thông sướng, Tỳ Vị được kiện thì việc ăn uống sẽ tăng lên và khi mà cái nguồn sinh hoá được sung túc thì tà khí không thể tấn công được. Nhóm huyệt này chuyên để chữa cho những chứng bệnh thuộc hư tổn, các nhà dưỡng sinh trân trọng.

Tuy nhiên, bệnh nào đó phải được chữa bằng phương nào đó, gia giảm cho đúng cách, kết quả sẽ rất tuyệt vời.

            NHÓM THỨ 11

a) Phối huyệt: Dương Lăng tuyền, Túc Tam lý

b) Hiệu năng: điều hoà Can và Tỳ, thư Can kiện Tỳ

c) Chủ trị: trị các chứng do Can và Tỳ bất hoà như “trung tiểu”, “đình ẩm”, tích trệ, nuốt nước chua, miệng đắng, tiêu chảy, ẩu thổ…

d) Phép châm và cứu: Cả 2 huyệt này đều châm tả, không cứu, lưu kim 10 phút.

e) Phép gia giảm: nếu miệng đắng, nuốt nước chua nặng, châm thêm Can du, Đởm du, sâu 3 phân, tả, nếu ẩu thổ châm thêm Nội quan, sâu 5 phân, tả.

f) Giải phương: Túc Tam lý là Hợp huyệt của kinh Túc Dương minh, thuộc Thổ trong Thổ. Khi châm tả Túc Tam lý là để làm sơ tiết trọc khí trong Vị, làm thông Dương khí trong Vị, làm cho trọc Âm phải giáng xuống và thanh Dương được sinh ra. Dương Lăng tuyền là huyệt quan trọng của Túc Thiếu dương kinh, châm tả sẽ làm “thanh” được nhiệt khí của Đởm kinh, sẽ “bình” được hoành nghịch của Can Mộc, từ đó giáng được khí đang thượng nghịch. Can thuộc Ất Mộc, đởm thuộc Giáp Mộc, đây là chúng ta đã làm cho Mộc hoá được Thổ. Can và Vị được hoà, Tỳ và Vị được kiện, bệnh sẽ được khỏi.

            NHÓM THỨ 12

a) Phối huyệt: Hợp cốc, Thái xung

b) Hiệu năng: mở rộng và vận hành khí huyết, trấn Can, trừ Phong.

c) Các chứng: cuồng điên, đầu thống, choáng váng, mắt đỏ, sưng thũng đau…

d) Phép châm và cứu: châm Thái xung sâu 3 phân; châm Hợp cốc sâu 5 phân; nếu thể trạng người bệnh bị hư thì tiên bổ hậu tả; nếu thực thì tiên tả hậu bổ. Khi nhiệt thịnh thì dùng phép tả, không lưu kim, không cứu, nếu hàn thì lưu kim.

e) Phép gia giảm: nếu có thêm đàm phối với Phong long, sâu 5 phân, bình bổ bình tả, Dương Lăng tuyền sâu 5 phân, tả. Nếu bị chứng, “thiên phong” thì châm thêm Thần môn, Bách hội, đều sâu 2 phân, tả Thần môn, bổ Hợp cốc.

f) Giải phương: Hợp cốc là huyệt Nguyên của kinh Thủ Dương minh. Thái xung là Du huyệt của kinh Túc Quyết âm, Cả 2 huyệt đều nằm chỗ vùng gối và khuỷ tay, nơi quan trọng trong người. Tuy nhiên, công năng của chúng lại khác nhau: Hợp cốc chủ về khí, Thái xung chủ về huyết. Do đó, Hợp cốc có công năng điều khí, phát hạn giải biểu, đuổi Phong trần thống; Thái xung lại có công năng điều huyết, khai lợi quan tiết, đuổi Phong trấn áp được nỗi lo sợ, trừ đau nhức, dẫn khí hạ hành. Phối cả 2 huyệt sẽ điều được khí huyết, hoà được Âm Dương, trừ Phong, bình Can khí. Châm thêm Phong long, Dương Lăng tuyền sẽ trừ đàm, tiết Hoả châm thêm Bách hội, Thần môn sẽ làm an thần, bớt lo sợ…

g) Ghi chú: nhóm huyệt này trị những chứng điên giản quá thực rất có kết quả, khi châm thêm Thần môn, Bách hội sẽ trị được chứng ngũ giản. Nhóm này chính là nhóm mà Châm cứu đại thành gọi là “Tứ quan huyết”…

NHÓM THỨ 13

a) Phối huyệt: Dương Lăng tuyền, Phong long, Chi câu

b) Hiệu năng: Thư Can hoá đàm tả nhiệt thông tiện

c) Phép Châm và cứu: các huyệt trên đều châm sâu từ 5 phân đến 1 thốn, đều tả, không cứu, lưu kim 5 phút.

d) Phép gia và giảm: nếu là chứng đại tiện bí kết nặng châm thêm Đại hoành, sâu 5 phân tả, châm Đại trường du 3 phân, tả.

e) Giải phương: Phong long là huyệt lạc của Túc dương minh vị kinh, liên lạc đặc biệt với Túc Thái âm tỳ, có thể giáng tức là đi xuống dưới để hợp với túc thái âm kinh, khi nó có được khí của Thái âm thấp thổ, nó sẽ làm cho nhuận trường để thông xuống dưới. Dương Lăng tuyền là huyệt Hợp thuộc Thổ của kinh Túc thiếu dương, tính của nó là trầm giáng, là thư giải được khí của Can và Đởm, đặc biệt là châm xuyên qua đến huyệt Túc Tam lý, nó sẽ đóng vai trò dùng Mộc để sơ thông được Thổ. Huyệt Chi câu là huyệt của kinh Thủ thiếu dương Tam tiêu, nó làm thanh được khí tam tiêu, tức là thông được khí ở phủ, làm giáng nghịch hoả đó là ý nghĩa của câu nói “khí tam tiêu được thông thì tân dịch được hạ, vị khí nhờ đó mà được hoà”. Ba huyệt này phối với nhau có sự thừa khí lẫn nhau, là một phối hợp huyệt làm được hạ khí một cách hoà hoãn. Nếu châm thêm đại hoành, đại trường du sẽ tăng thêm công năng “Đại thừa khí”.

Ghi chú: ba huyệt này được phối với nhau không những có kết quả tốt với thực chứng của phủ, ngoài ra các bệnh chứng đưa tới do đàm hoả như điên cuồng, lỗi nghịch, quai bị, cao huyết áp… cũng rất có kết quả. Các học giả nên nghiên cứu thêm, nhóm huyệt này không những có tác dụng của “thừa khí” ngoài ra còn có hiệu quả làm thay đổi vai trò của thang “ôn đởm trường” và “cồn đàm hoàn”…

NHÓM THỨ 14

a) Phối huyệt: Khí hải, Thiên khu

b) Hiệu năng: bổ thận, tráng dương, sơ thông Đại tiểu trường, làm tiêu trệ khí.

c) Chủ trị: phúc thống, phúc trướng, trường minh, tiết tả quyết nghịch, thoát dương, khí suyễn, thất tinh, âm súc, tiểu tiện bất lợi, phụ nhân chuyển bảo, nguyệt kinh không đều, xích bạch đái…

d) Phép châm và cứu: ở người già, huyệt Khí hải không nên châm sâu hoặc không nên châm, nên dùng ngải cứu của phép “Thái ất thần châm cứu” là ổn nhất. Khi nào khí huyết hư, lấy việc châm bổ khí hải làm chủ, sâu 3 đến 5 phân, cứu 5 đến 7 tráng. Huyệt Thiên xu là nơi ở của hồn phách, thông thường không nên châm, nếu như cần, có thể dùng hào châm, châm cạn nên cứu nhiều hơn.

e) Giải phương: khí hải là huyệt quan trọng của Nham mạch, là nơi phát ra mạch khí của Nhâm mạch, là nơi gọi là “biển của sự sinh khí”, là nơi hội của khí huyết, là gốc rễ của việc hô hấp, là: “phủ tàng tinh” cho nên nó được xem là huyệt quan yếu của vùng hạ tiêu. Châm nên dùng phép bổ, bổ Mệnh môn, làm “ích” thêm cho khí Nguyên dương, ví như thêm cũi dưới đáy nồi nước không bị suy, ngoài việc có khả năng trị bệnh, nó còn làm cho con người sống được lâu, kéo dài tuổi thọ huyệt Thiên xu có nhiệm vụ làm phân lợi thủy cốc, hấp thu khí tinh vi, truyền hoá cặn bã, làm thanh khiết được các trọc khí…

Tóm lại, châm huyệt Khí hải là để làm phấn chấn Nguyên dương, làm tán được khí Âm tà, đúng với câu nói: “Làm ích được cái nguồn của Hoả nhẫm đánh tan màn Âm khí”. Huyệt trên phối với Thiên xu nhằm làm điều hoà khí của Trường Vị, làm lợi được sự vận hành của nó. Đây là phối huyệt quan trọng trong việc trị các chứng hư lao, thân thể suy nhược, tạng bị suy, trừ được tích hàn cố lãnh… Nó tương đương với các phương “Thiên hùng tán, Thận khí hoàn”…

This entry was posted in Sức Khỏe, Đời Sống. Bookmark the permalink.