Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.3. Ảnh hưởng của Phật giáo trong Ca dao Tục ngữ vùng Quảng Nam Đà Nẵng:

Khi nói đến ca dao tục ngữ, giáo sư  Cao Huy Thuần nhận xét rằng: “Ca dao Tục ngữ là gia tài văn hóa của dân tộc. Chúng ta thừa hưởng gia tài đó từ quần chúng, vì quần chúng vừa là người sáng tạo, vừa là người lưu giữ bằng cách truyền miệng từ đời này qua đời khác, một lời thốt ra rồi đồng thanh tương ứng như thử đó là sự thật của chính lòng mình, như chính mình thốt ra”.

Phật giáo đã đến với cuộc đời, đã là nhịp thở của cuộc sống nên đã tô bồi cho đất nước một nền văn hóa có thể nói là sinh động hơn. Trong đó ca dao tục ngữ cũng mang chất vị của Phật giáo. Ca dao tục ngữ là một loại hình tư duy mang tính triết học của nhân dân, thể hiện lối sống phong tục tập quán của người dân đã lâu đời, đã ảnh hưởng sâu đậm trong văn minh Việt Nam. Vậy ca dao tục ngữ vùng Quảng Nam Đà Nẵng cũng đã diễn tả màu sắc, những nỗi bất công thống khổ của xã hội và của con người, cũng như những khát vọng và quyền tự do tinh thần của con người bị bóc lột, áp bức. Đồng thời nêu cao những tình cảm trong sáng bắt nguồn từ đời sống lao động cần cù, từ những sinh hoạt xã hội lành mạnh. Những bài ca dao ấy được sản sinh từ các “tác giả nhân dân” tại địa phương, từ dòng văn nghệ dân gian hay từ văn học thành văn, ca dao xứ Quảng cũng mang cái vẻ chân chất trong văn phong, trong ngữ điệu, không gột dũa trau chuốt như ca dao các tỉnh phía bắc

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Lòng ta như chén rượu đầy
Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi

(Ca dao QNĐN)

Trong bài tham luận đọc tại hội nghị văn học dân gian miền Trung, tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3 năm 1981 tiến sĩ Lê văn Hảo nhận xét: “Ca dao, dân ca Nam Trung Bộ (trong đó có Quảng Nam Đà Nẵng) có một cái gì rất độc đáo trong chất thơ, chất sống, chất tình ở đây. Nó nói lên một phần phong cách con người ở vùng đất mới mãnh liệt, thắm thiết nhưng mọc mạc, chất phác, thật thà đến vụng về, thô tháp không trau chuốt, ít mượt mà, có cái gì phóng khoáng đến táo bạo”. Tính cách này chúng ta thử nghe qua câu ca dao của xứ Quảng:

“Ăn không lo của kho cũng hết”. Câu tục ngữ như nhắc nhở con người nên siêng săng làm ăn, đừng ỷ lại mình nhiều tiền lắm của mà phung phí, không lo làm ăn thì đến một ngày nhìn lại của kho chất đống đến mấy đi nữa cũng sẽ hết. Từ ý này, ta biết rằng người xưa cũng hiểu qua giáo lý Phật giáo, đức Phật thường khuyên con người hãy tinh tấn lên, cho dù kiếp này ta có được hưởng giàu sang phú quý là do kiếp trước ta gieo những hạt giống tốt nên đời nay ta hái những quả ngọt như vậy, nếu ta không biết tạo thêm những hạt giống tốt khác thì dù phước  đời trước ta có nhiều bao nhiêu đến khi hết thì ta cũng phải chịu cảnh cơ hàn. Vì vậy có câu ca dao sau:

đạo đời báo phúc chẳng lâu
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai

Hay:

Khuyên ai ăn ở cho lành
Kiếp này không được để dành khiếp sau

Con người đất Quảng là vậy, tính tình ngay thẳng, chất phác còn có tiếng là “hay cãi”. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có nhận xét: “xưa thường bảo (Quảng Nam hay cãi) đó là vì Quảng Nam là đất có truyền thống hiếu học, có một nền học vấn cao và thích suy tư đắn đo” là bởi do khí hậu khắc nghiệt, con người luôn phải đối đầu với thiên tai bảo lụt nên con người luôn phấn đấu trong học tập, học hỏi những kinh nghiệm để đương đầu với những thiên tai đem lại, vì vậy con người hay suy tư đắn đo là vậy.

Quảng Nam là đất quê mình
Núi non sông biển rành rành từ lâu
Thương yêu đùm bộc trước sau
Cùng chung đại Việt chung nhau cơ đồ
Tây sơn giáp ngọ dựng cờ
Nhân dân đoàn kết cõi bờ đắp xây

( Ca dao QNĐN)

Qua câu ca dao ta thấy được tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của người dân xứ Quảng, đồng sức đồng lòng mới chiến thắng được kẻ thù. Từ đây ta có thể liên tưởng đến lời Phât dạy: “Ta không sợ ngoại đạo phá hoại ta, mà Ta chỉ sợ chính con vi trùng trong áo ta phá hoại ta mà thôi”. Ở đây đức Phật muốn nhấn mạnh, hãy hòa hợp thì không ai có thể xen vào để chia rẽ, phá phách. Vậy nên trong giáo lý đạo Phật có pháp lục hòa khiến mọi người đều có pháp lạc trong cuộc sống. Như vậy với câu ca dao xứ Quảng, ta thấy đều có chất liệu Phật giáo ở trong đó.

“ Đất Điện Bàn vừa xanh vừa mát
Người Điện Bàn dào dạt tình thương
Dù đi chín huyện mười phương
Lòng ta vẫn thấy nhớ thương Điện Bàn”

( Ca dao QNĐN)

Ca dao ở xứ Quảng cũng như lịch sử hình thành xã hội của vùng đất này có lẽ chỉ mới xuất hiện từ sau thế kỷ XV, so với tuổi của ca dao Việt Nam vốn có từ sau thời đại Hùng Vương thì ca dao này quả là còn rất non trẻ, chủ yếu nói lên tinh thần tương thân giữa con người với con người. Nhưng điều này không phải đơn giản như ta nghĩ là giúp đỡ lẫn nhau mà ở đây nói lên tinh thần đoàn kết của dân tộc.

  Dù cho cạn nước Thu Bồn
Hải vân hóa cát, biển đông thành đèo
Dù cho cay đắng trăm điều
Cũng không lay được tình  keo nghĩa dày

Hay:

Giúp nhau khi đói mới hay
Nói chi bù cặp những ngày ấm no”.

(Ca dao QNĐN)

Ở đây ta thấy được tấm lòng con người xứ Quảng ảnh hưởng tinh thần từ bi  của đạo Phật. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, tức là cho họ niềm vui lúc họ đang bị những điều bất an, những điều không như ý, sẵn sàng chia bùi sẻ ngọt với bất cứ hoàn cảnh nào. Trong Phật giáo ta thấy tấm gương của Quan Âm Thị Kính sẵn sàng chịu đựng mọi oan ức để đem đến niềm vui cho người khác.

Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người

Hay :

Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Như thế ca dao đã nói lên được đạo đức sống của con người, từ trong nếp sống, từ trong văn hóa, sinh hoạt, đạo đức ấy được thể hiện trong cuộc sống bình thường giữa người với người, đạo đức ấy tồn tại trong mấy ngìn năm qua, và trong khoảng thời gian ấy, ca dao cũng đã đi sâu vào đạo đức Phật giáo từ lúc nào không biết. Đôi khi trong cuộc sống, trong cư xử hàng ngày, họ sử dụng mà không biết đó là đã ảnh hưởng của Phật giáo. Đạo lý ấy hết sức đơn giản và thực tiễn, nó bao gồm những bổn phận phải làm và những điều nên tránh như đạo làm con, làm thầy, làm bạn, làm trò v.v…

Một ngày ở với người thân
Cũng như con cá vượt môn hóa rồng

Hay

Người khôn chẳng đặng nói nhiều
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn”

( Ca Dao QNĐN )</p>

Người xưa muốn khuyên con cháu hãy học hỏi những cái hay, cái tốt, cái thiện nơi bạn mình, nơi cuộc sống hàng ngày và ngay trong xã hội, còn những cái không tốt thì chớ có bắt chước theo dù rằng người đó là Thầy, là ba, là mẹ mình hay chăng nữa, những cái không tốt, không đem lại lợi lạc cho cuộc đời và cho chính mình thì đừng nên học. Chư tổ thường dạy rằng:


“ Người khôn nói ít nghe nhiều
Lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han
Trước người hiền ngỏ khôn ngoan
Nhường trên một buớc rộng đàng dễ đi
Việc người chớ nói làm chi
Chuyện mình mình giữ mới là người khôn”

Ta thấy được chư tổ dạy phải biết nghe những điều nên nghe và tránh những điều không đáng nghe để mỗi ngày ta nuôi lớn những điều tốt ở trong ta, làm cho nó lớn dần thêm nữa và từ đó sẽ không có chổ cho những gì xấu, dỡ chiếm chỗ trong tâm mình. Trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy rằng: “Thân cận thiện hữu, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”. Và ca dao cũng đã có câu:

“ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tất cả những câu Ca dao Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng đều khuyên con người những đạo lý sống làm sao để tốt đạo đẹp đời. Từ đây, ta có thể nhận định rằng đức tính cần cù trong lao động sẵn có, với tính thông minh sáng tạo trong cuộc sống thì ở con người xứ Quảng này dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều nhân nghĩa, lễ phép cũng được tôn trọng triệt để.

Người dân xứ Quảng vốn dĩ cần cù trong lao động, lại trọng thực tế nên những bài học kinh nghiệm được biểu hiện qua những câu ca dao, tuc ngữ là những nhận xét thực tiễn sinh động trong cuộc sống, và có thể nói hầu hết tục ngữ ở đây đều mang cái cốt cách “ăn to nói lớn” của con người xứ Quảng, nhưng chứa đựng và bao hàm tất cả những tinh hoa của cuộc đời. Trong đó, quan niệm hiếu thảo trong gia đình đối với cha mẹ cũng không bị ràng buộc hoàn toàn cứng nhắc theo những điều nho giáo vốn từ bao đời ngự trị trong tâm hồn nhân dân ta, lại thêm bị các điều đại phong kiến nhồi nhét những tư tưởng trung quân cực đoan khiến lắm khi tình cha con không bằng nghĩa vua tôi. Người dân ở vùng đất mới này có quan niệm phóng  khoáng hơn so với những quan niệm thông thường của xã hội phong kiến.

“Ngó lên rừng thấy cặp cu đang đá
Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua
Anh ra đi giúp nước thờ vua
Xây lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha
Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa
Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào
Chữ trung anh để thờ cha
Chữ hiếu thờ mẹ, chữ hòa thờ em”

( Ca dao QNĐN)

Hay :

Ơn cha tượng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau
”.

Đó những lời ca dao ấy cũng đề cao đạo hiếu, khuyên răn con cháu phải biết nghĩ đến công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Dù ngày nay ta giỏi đến bao nhiêu, tài đến chừng nào thì cũng phải nghĩ đến công ơn cha mẹ, nếu không có bàn tay chăm sóc của mẹ, nếu không có lòng lo lắng của cha thử hỏi ta có được ngày nay hay không? Ta tập tễnh bước những bước đầu tiên thử hỏi nếu không có bàn tay nâng đỡ của cha mẹ hướng dẫn, nâng đỡ thì ta có thể đi được như hôm nay hay không. Vì vậy ca dao Việt Nam có câu:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu

Câu ca dao như nhắc nhở người con rằng bổn phận của mình là phải báo hiếu. Cho dù mình làm phước thiện cứu kẻ khác, hay là xa hơn nữa là phát tâm làm chùa, đúc tượng in kinh v.v… mà trong khi đó cha mẹ đói no mình không biết, đau ốm mình không hay, như vậy thì những việc làm của mình đâu có ích lợi gì. Phật dạy : “gặp thời không có Phật, thờ cha kính mẹ là thờ Phật vậy”. Hạnh hiếu trong đạo Phật không chỉ đơn thuần là lo cho cha mẹ miếng cơm chén nước, hay  chăm sóc khi cha mẹ đau ốm, mà ở đây ta phải hướng dẫn cho cha mẹ vào con đường thiện, biết về nhân quả nghiệp báo, khuyên cha mẹ đừng gieo những nhân xấu để sau này phải chịu những quả đắng, hướng dẫn cha mẹ biết kính Phật, trọng Tăng v.v… ấy mới chính thực là người con có hiếu trong hàng Phật tử vậy.

Đêm rằm tháng bảy Vu lan
Phận con báo hiếu muôn ngàn ghi âm

Hay :

Niệm Phật ba vạn sáu ngàn
Cầu cho cha mẹ đài vàng thảnh thơi

Sau những đức tính cần cù trong lao động, nhân nghĩa trong cuộc sống, hiếu hạnh với cha mẹ thì ca dao, tục ngữ xứ Quảng còn chịu ảnh hưởng về nhân quả của Phật giáo, mọi người dân đều có thể áp dụng, họ nhắc nhở nhau một cách quá tự nhiên, quá thuần thục đến nỗi họ không để ý hay không ngờ rằng đó là giáo lý nhà Phật chăng. Chẳng  hạn như khi gặp một cảnh khổ sở, một tai biến xảy ra trong  đời, họ tự nhủ một cách  tự  nhiên “vì kiếp trước đã vụng đường tu” nói rất chân thật, rất nhiệt  tình.

Ham ăn thì lú, ham ngủ thì mê

Hay :

Ăn không lo của kho cũng hết

Những lời nói thật đơn giản, dễ hiểu nhưng rất thấm về ý nghĩa, về sự chuyển hóa của con người. Con người vốn là vô thường, do nhân duyên mà sanh, do bốn đại hòa hợp mà thành, một mai tan hoại thì không còn nữa. Cho nên câu ca dao ấy bao hàm lý vô  thường và  nhân quả ở trong đó. Khuyên người hãy sớm nhận  chân được sự  thật  của  cuộc đời mà phấn đấu tranh  đua với  thời  gian để  một mai vô thường  đến thì  ta  trở  tay không  kịp

Đời người khác nữa là hoa
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn

Sự sống của con người cũng vậy đó, rất nhanh nên phải nhận biết để có một sự sống tốt đẹp hơn. Trong  kinh  pháp  cú  có dạy:

Tâm dẫn đầu các  pháp
Tâm là chủ  tạo tác
Nếu nói  hay hành  động
Với tâm niệm bất định
Khổ não  liền theo sau
Như xe theo bò  vậy
” (PC. 1)

“Tâm dẫn đầu các  pháp
Tâm là chủ  tạo tác
Nếu nói  hay hành động
Với  tâm niệm thanh tịnh
An lạc  liền theo sau
Như bóng  chẳng  rời hình” (PC.2)

Như vậy, đạo Phật trong hơn hai ngàn năm nay đã chan hòa đời sống của mình trong đời sống của dân tộc nói chung, của người dân xứ Quảng nói riêng, đã vui cái vui của dân tộc, đã buồn cái buồn của dân tộc, và đạo Phật cũng đã chi phối tất cả mọi sinh hoạt của con người xứ Quảng từ triết  lý đạo đức, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, văn chương, tình cảm, nếp sống được thấy rõ trong những bài ca dao tục ngữ vậy.

2.4. Phật giáo với lễ hội:

Vấn đề lễ hội trong Phật giáo ta thường thấy bản thân Phật giáo không có hội mà chỉ có lễ. Thế nhưng có hai lý do, một là thời Lý – Trần mọi sinh hoạt văn hóa được diễn ra ở ngôi chùa, cho nên lễ hội diễn ra ở chùa được duy trì kéo dài mãi cho đến ngày nay. Hai là ở Phật giáo ngôi chùa đã hỗn dung tín ngưỡng thờ Thần, thờ Mẫu vào trong  đó nên lễ hội diễn ra ở ngôi chùa. Cả hai khía cạnh hội chùa mang tính chất là hội làng.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.