Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.4.1.    Lễ hội Quan Thế Âm:

Phật Bà Quan Thế Âm, hình tượng một người phụ nữ tay cầm bình cam lồ, tay cầm nhành dương liễu luôn sẵn sàng rưới những giọt cam lồ để dập tắt những phiền muộn đau khổ của chúng sanh. Ngài thể hiện lòng đại từ, đại bi muốn cứu vớt tất cả chúng sanh đang mê ngủ bằng mọi cách, tâm của Ngài đau với nỗi đau của chúng sanh và sầu với nỗi sầu của chúng sanh. Ngài muốn bảo vệ, nuôi dưỡng và cứu vớt lấy chúng sanh như lòng của người mẹ hiền thương con chẳng muốn một phút xa rời. Người luôn nghĩ rằng: Nỗi sầu của các người là nỗi sầu của ta, niềm vui của các người cũng chính là niềm vui của chính ta” .

“Bồ tát Quán Thế Âm gắn liền với tín ngưỡng đức Phật A Di Đà tức tịnh độ giáo, một tín ngưỡng được hình thành ở bắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I . Ngài được các kinh điển  sơ kỳ của Tịnh Độ giáo nói đến cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí là hai vị thị giả của Đức Phật A Di Đà. Sau đó Ngài được nói riêng một mình như một vị Bồ Tát đầy lòng từ bi, thệ nguyện cứu khổ cứu nạn chúng sanh đang đau khổ trong cuộc đời này.” [8,107]

Kinh Bi Hoa nói vì sao Ngài có tên là Quán Thế Âm : “Lúc bấy giờ, Đức Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài nói rằng: Thiện Nam Tử do ngươi quán sát trời, người cùng tất cả chúng sanh trong ba đường ác, khởi lòng đại bi muốn đoạn trừ các khổ não cho chúng sanh, muốn cho chúng sanh được an lạc, nên nay ta thọ ký cho ngươi tên là Quán Thế Âm”. Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng nói rằng: “Ngài cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí …bốn vị Bồ Tát vì lòng từ bi, thệ nguyện dấn thân vào con đường phụng sự, đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sanh, không chịu vào cảnh giới tối thượng của chư Phật”. Kinh Pháp Hoa ghi rằng: “Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hiện thành thân Phật, thân Bích chi Phật, thân Đại Tự Tại Thiên, thân Tiểu vương, thân người Nam, thân người Nữ cho đến thân Dạ xoa, La sát, Phi nhơn…tóm lại, vì bi nguyện độ sanh Ngài có thể hóa hiện trên từ thân Phật dưới cho đến thân quỷ Dạ Xoa, La Sát để hóa độ chúng sanh. Chính sự hóa thân đó đã làm cho hình ảnh của Ngài nói riêng, Phật giáo nói chung trở nên năng động và tích cực hơn trong sự cứu khổ độ sanh”. [8,111]

Qua những bài kinh đã dẫn, chúng ta thấy được hình ảnh của Ngài luôn hiện hữu bất cứ ở đâu để cùng chúng sanh san sẻ những niềm vui, nỗi khổ, có thể hiện tất cả các thân vì cứu độ chúng sanh. Hình ảnh của Ngài là hình ảnh của đại từ đại bi, của tình thương bao la phủ trùm tất cả.

Tín Ngưỡng Quan Âm ở nước ta đã có từ thời Lý với câu chuyện vua Lý Thánh Tông nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen, giơ tay đón mình lên và ngày nay chùa Một Cột ở Hà nội có liên quan đến tích ấy.

Tín ngưỡng Quan Thế Âm ở chùa Hương bắt nguồn từ chuyện Nam Hải Quan Âm của một nhà sư Trung Quốc thời Nguyên du nhập vào nước ta và đã được Việt hóa vào thế kỷ thứ XV. Nội dung câu chuyện nói về vua Diệu Trang Vương có ba cô công chúa, trong đó có cô công chúa Diệu Thiện tài sắc vẹn toàn, luôn có tín tâm với Phật pháp. Vua Trang Vương không có con trai nên muốn lập phò mã để kế vị, hai người phò mã của Diệu Thanh và Diệu Âm không có tài, hơn nữa muốn chiếm ngôi vị, vì vậy vua Trang Vương mong muốn công chúa Diệu Thiện kén phò mã. Diệu Thiện từ chối và cầu xin vua cha được tu theo đạo Phật, vua Trang Vương khuyên thế nào cũng không được nên đành giả vờ cho công chúa đến chùa Bạch Tước tu hành. Trong khi đó vua ra lệnh cho các sư phải bắt chúa Ba làm việc thật nặng, thật nhiều để công chúa thối chí mà nản đường tu. Nhưng ngược lại nàng Diệu Thiện vẫn kiên trì, chăm chỉ vui vẻ làm tất cả các công việc không phàn nàn:

Chúa Ba thấy nói mừng  rằng
Hữu thân hữu khổ lẽ hằng thế gian
Ta đà vào chốn thiền quan
Chỉ mong đắc đạo, há toan tiếc mình
”.

Từ nơi tâm quyết tu vượt qua  tất cả những chướng ngại nên động đến trời đất. Ngọc hoàng sai chủ Thần xuống bảo vệ chúa Ba, giúp chúa ba làm mọi việc mà không thấy mệt. Vua Trang Vương thấy nhà chùa không lay được ý định của công chúa nên nổi giận đốt chùa, giết sư. chúa Ba xúc độâng trước cảnh ấy nên tìm cách cứu lấy chùa và các nhà sư:

Chúa Ba kêu lạy bốn phương
Vì tôi để vạ cho vương đến người
Mười phương Phật chín phương trời
Hoàng thiên hậu thổ chứng lời cho không
Cầm dao cắt máu ròng ròng
Lạy trời đem máu rảy tung lên trời
Tự nhiên chuyển động dời dời
Sấm ra, mưa xuống khắp nơi chùa chiền
”.

Vua Trang Vương càng giận sai đem công chúa ra hành quyết, nhưng làm đủ mọi cách mà không hại được công chúa:

…. Quan quân áp đến xôn xao
Bỗng đâu mãnh hổ nhảy vào tha đi

Công chúa Diệu Thiện vào động Hương Tích tu chín năm đắc đạo thành Phật Bà Quan Âm

“Thần thông biến hóa tự nhiên
Một thân hóa được ra nghìn muôn thân
Mắt soi khắp hết cõi trần
Lắng tai nghe thấu xa gần bốn bên”

Trở lại vua Trang Vương do vì tính hiếu sát và đốt chùa giết sư nên bị thiên đình trừng phạt lỡ loét khắp mình hôi tanh ghê gớm, ghê tởm, thuốc nào chữa cũng  không  lành. Chúa ba thương cha bệnh hoạn đau khổ nên hóa thành  một lão  tăng đến xin chữa bệnh  cho vua và chỉ cho vua  đến chùa Hương Tích  xin tay và mắt của tiên mới mong chửa khỏi. Chúa ba nhân tiện đó biến hóa cho tay và mắt của mình để cứu cha ra khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, vua TrangVương  mới thấu hiểu, cải hối giác ngộ Đạo Phật nhiệm mầu quyết chí  tu hành và nhường  ngôi lại cho thừa tướng trị nước. Như vậy, do sự tu hành và  quyết chí tu hành của  Chúa Ba nên đã cảm hóa được cả gia đình đều vào con đường giác ngộ, cuối cùng  tất cả đều được chứng quả. Qua đây, chúng ta  thấy rằng truyện Nam Hải Quan Âm nhằm nêu cao hạnh từ bi, thương người, vì lòng hiếu hạnh mà xả thân mình cứu cha, ở đây chữ hiếu này vượt lên trên chữ hiếu tầm thường, chúa ba muốn độ cha mẹ khỏi những ác nghiệp và đưa mọi người đến được với  đạo:

“Chân như Đạo Phật rất màu
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài”

Câu chuyện Hương Tích là nơi đắc đạo của Phật Ba Quan Âm đã tạo thành sức mạnh niềm tin về sự cứu khổ cứ nạn nên đã bao đời nay trong lòng người lúc nào cũng có hình ảnh của Phật Bà Quan Âm luôn sẵn lòng chia sẻ với mọi người, sẵn sàng cứu vớt mọi loài. Như chúng  ta  đã biết Quan Thế Âm là vị Bồ Tát  luôn quán sát, thấu hiểu những âm thanh của mọi người, là vị Bồ Tát được biểu tượng  hóa của  lòng từ bi. Do thế, để có thể nhận được sự gia hộ do Bồ Tát Quan Thế Âm trao tặng thì  tất cả chúng ta phải học hạnh từ  bi của người bằng cách hướng thẳng lòng thành kính của mình vào các việc làm từ thiện, giúp đỡ mọi người cứu tế những vật dụng cần thiết khi có người thiếu thốn nhằm phù hợp với đặc tính chân chánh của  Bồ Tát  Quan Thế Âm. Bằng những việc làm như thế, chúng ta sẽ tích lũy đựơc nhiều công  đức với hy vọng sẽ được tái sanh trong  một thế giới lý  tưởng, tức cõi  cực lạc.

“ Ví  như một cái ti vi được trang bị các thiết bị cần thiết để có  khả  năng đón nhận tín hiệu phát ra  từ vệ tinh  nhằm tạo ra  âm thanh thích hợp và hình ảnh  được truyền đến. Cũng thế trong lãnh vực tôn giáo người tiếp nhận cũng phải nổ lực trong  một số điều kiện tất yếu nhằm thỏa mãn các nhu cầu của người cho. Nghĩa là bất cứ ai ước mong nhận được sự hộ trì  của Bồ Tát Quán Thế Âm mà tác giả ví như một vệ tinh tâm linh, người ấy cần phải tạo ra các thiết bị tương ứng luôn có sẵn trong thân thể  vật lý của họ nhằm để tự  liên kết với đặc điểm cao đẹp  của Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là lòng từ bi, phương pháp để tạo ra hoặc để xây dựng các  thiết bị tâm linh nhằm đón nhận  tín hiệu từ bi được ban phát ra từ vệ tinh tâm linh Quan Thế Âm là phải tu tập lòng từ bi. Kết quả người ta có thể chờ đợi  là việc tu tập lòng  từ  bi  không  những sẽ không  tạo ra  bất cứ mâu thuẫn , xung đột  nào với môi trường hiện nay chúng ta đang sống, mà việc làm ấy rõ ràng còn soi sáng  cách  hiểu biết và nắm bắt của Tín đồ Phật giáo về lý tưởng Bồ tát cũng như sự  chứng ngộ lý tưởng ấy trong cuộc sống hằng ngày bằng cách thực hành các  thiện nghiệp”. [30,264]

Ngày  nay, lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức vào ngày 19 tháng  2; 19 tháng 6; và 19 tháng 9 mỗi năm để kỷ niệm ngày hiển linh của Bồ tát. Riêng tại Đà Nẵng, ngày vía Quan Thế Âm Bồ tát được tổ chức long trọng vào ngày 19 tháng 2. Lễ vía Ngài được tổ chức tại Chùa Quan Thế Âm thuộc ngọn kim của  Ngũ Hành Sơn. Lễ hội này đựơc tổ chức lần  đầu tiên vào năm 1960 nhân lễ khánh  thành tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tại động Hoa Nghiêm. Sau đó, năm 1962 lễ hội được tổ chức tại động  Quan Âm, sau ngày hoàn toàn thống nhất đất nước, từ năm 1991 lễ hội được tổ chức lại với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú hơn và kéo dài  trong  ba  ngày.

Cũng như bao lễ hội khác, lễ hội Quan Thế Âm bao gồm hai phần: phần lề và phần hội. Phần lễ mang đậm màu sắc nghi lễ Phật giáo bao gồm lễ dâng hoa, dâng lên Ngài những đóa hoa tinh khiết với tất cả lòng thành của những người con Đà Nẵng nói riêng và của cả nước chung, ai ai cũng hướng lòng mình lên đảnh lễ và cúng dường với ước mong rằng tất cả sẽ noi gương từ bi của Ngài. Tiếp đó là lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, để nhắc nhở mọi người hãy trải lòng từ bi cho tất cả. Muốn cho chúng sanh an lạc thì mọi người hãy sống với nhau bằng tất cả lòng từ bi thì không sợ gì chiến tranh, loạn lạc. Kinh Pháp Cú có câu kệ:

“Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu” ( PC. 5)

Kế đến là lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm, lễ thuyết giảng này được một bậc cao minh ngồi trên pháp tòa, hướng về thính chúng nhắc lại, kể lại những hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm và qua đó khuyên thính chúng phải học những hạnh ấy bằng cách làm tất cả các việc thiện để có cảm ứng với hạnh nguyện của Ngài. Trong khi thuyết giảng, những câu ca dao, tục ngữ của Phật giáo cũng được nhắc đến. Vì thế, người nghe rất lấy làm gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình, rất dễ đi vào lòng người và dễ thực hiện:

Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người

Thật đẹp, thật có ý nghĩa và thật thân thương và gần gũi biết bao khi người viết chứng kiến cảnh có một chú Công An giao thông, với đồng phục của một người đang thi hành công vụ, đang làm trách nhiệm của mình, khi thấy một bà lão muốn qua đường nhưng do đường quá đông bà lão cứ đứng tần ngần mãi không thể qua được,  thế là chú Công An lập tức chạy đến nắm tay bà lão ân cần dẫn qua đường dưới sự chăm chú và ngạc nhiên của những con mắt người đi đường,  mặc dù việc của mình  đang bận rộn. Đó là hạnh từ bi, đâu có xa lạ, đâu có to tát gì ngoài những việc làm như thế trong cuộc sống. Ca dao Quảng Nam có câu:

Dù tu đến cửa thiên thai
Không bằng lượm một nhành gai giữa đường
”.

Từ những lời dạy ấy, thính chúng dường như nhận thấy thấm hẳn vào lòng mình, và trong lễ hội ấy thường có sự chia sẽ, cứu tế đến những người nghèo khổ qua hạnh từ bi.

Nam mô đức Phật Quán Âm
Ra tay cứu độ trầm luân mọi loài

Trong phần lễ còn có phần lễ trai đàn chẩn tế. Đặc biệt là lễ rước tượng Quan Thế Âm đi quanh Ngũ Hành Sơn, mỗi quận, huyện, chùa đều có hóa trang làm Ngài Quán Thế Âm, ngồi trên đài sen và được Phật tử khiêng trên kiệu đi quanh Ngũ Hành Sơn với hàng ngàn người mặc lễ phục, theo sau là cả một dòng người rực rỡ hoa đăng, với một không khí thật trang nghiêm và thành kính.

Phần hội gồm những sinh hoạt văn hóa cổ truyền đượm tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc như hội cắm trại, trong đó có nhiều đề tài thi về Phật pháp, nấu ăn, hóa trang, hát dân ca, thi thơ, ca nhạc, thả đèn trên sông, đua thuyền trên sông và hát tuồng v.v… Đặc biệt, hội múa rồng và múa lân sẽ được tổ chức trên sông, du khách đi dự lễ hội sẽ được nhìn thấy một cảnh quang hoành tráng, ngoạn mục. Tất cả những sinh hoạt đó đều mang đậm bản sắc dân tộc nói chung và văn hóa Đà Nẵng nói riêng. Như vậy, qua lễ hội Quan Thế Âm chúng ta thấy lòng tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm của dân tộc Việt Nam quả thật rất sâu sắc và gần gũi với cuộc sống. Có thể kết luận lễ hội Quan Thế Âm với bài: Ngày hội Quán Âm của Tâm Thông – Trần Ngọc Cơ.

Quảng Nam có núi Ngũ Hành
Mây năm sắc phủ non xanh bốn mùa
Bồng lai sánh hẳn không thua
Hoa thơm cỏ lạ cảnh chùa ở đây
Là chùa Non Nước xưa nay
Danh lam đệ nhất của rày Miền Trung
Có hang có động lạ lùng
Có đường xuống đất có hang lên trời
Vọng Giang, vọng Hải hai đài
Hang trong Huyền Lạc, động ngoài Thiên Long
Bên chùa có động Huyền Không
Cửa ngoài có tượng Quan Âm Phật Bà
Quỳ đây ta ngỡ là ta
Lạc vào tiên cảnh hay là thiên cung
Càng nhìn càng thấy lạ lùng
Đá như gấm dệt sắc tung muôn màu
Thêm nhiều hình đá xem lâu
Dường như cử động nhiệm mầu thần tiên
Lách vào qua một hang bên
Có hai thạch nhũ từ trên là đà
Nước đâu trong đó chảy ra
Từ từ từng giọt thiệt là lạ thay
Nầy ai chưa đến chốn này
Với ai đã có những ngày lên đây
Nhớ là khi sự năm nay
Tại đây sẽ mở hội ngày Quan Âm
Hội này thường có hàng năm
Tháng hai mười chín luôn trong mấy ngày
Mau mau chuẩn bị từ nay
Để cùng trẩy hội viếng rầy non tiên
Quan Âm là đấng mẹ hiền
Tình thâm mẫu tử một niềm vì ta
Những khi tai nạn xảy ra
Nhờ Ngài phò hộ mà ta an lành
Từ bi biến hóa muôn hình
Mười hai lời nguyện quyết tình độ sanh
Ơn Ngài hơn cả cao sanh
Muôn ngàn gọi chút tâm thành của ta
Hội này đừng chớ bỏ qua
Đừng vì công của đường xa ngại ngùng
Về đây ngày hội Quán Âm
Để cùng lễ Phật phát tâm bồ đề
Lấp bằng bể khổ sông mê
Dâng cao đuốc tuệ diệt bề tối tăm
Về đây cầu đức Quan Âm
Nước nhà thạnh trị muôn dân thái bình.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.