Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.4.2.    Lễ cầu an:

Theo dòng thời gian, Phật giáo cùng tồn tại trên cuộc đời này, và trong suốt thời gian đó những giáo lý, những kinh điển của Phật giáo đã thấm sâu vào máu tủy của mỗi người khiến mọi người đều ý thức được rằng mình là chủ nhân ông của nghiệp mà mình đã tạo, không ai có thể thay thế hay gánh chịu giúp mình được. Đức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, ngọn đuốc ta đã sắm sẵn rồi, các ngươi hãy thắp lên và đi theo lý tưởng của mình”. Và cũng từ ý này, cổ đức có câu :

“ Mỗi người có sẵn đèn lòng
Tự mình soi lấy chớ trông tầm ngoài
Cũng đừng ỷ lại vào ai
Phật, Tiên, Hiền, Thánh chính ngay tự mình”.

Như vậy, lễ cầu an ở đây cũng không ngoài ý này. Như chúng ta biết, cầu nguyện theo đạo Phật không phải là sự ban ơn hay giáng họa của các thần linh, mà ở đây tuỳ theo đối tượng, mục tiêu, ước muốn cầu mong cho mưa hòa gió thuận, nhân dân được mùa, đất nước hòa bình, thế giới hết chiến tranh v.v … Sự cầu nguyện theo đạo Phật là sự hướng đến phúc lợi và hạnh phúc của người khác, mong điều vui và an lành đến với xã hội, loài người hoàn toàn không có lòng vị kỷ, tóm thâu về cho mình.

Như chúng ta thấy, trong cuộc sống hiện tại, mọi người đều hay gọi là cầu an mỗi khi gia đình có người đau ốm, bệnh tật, hay những chuyện bất như ý thì đều đến xin cầu an. Họ cho rằng cầu an là cầu cho người bệnh được khỏe mạnh, được an ổn, sống lâu v.v…nên họ luôn đặt hy vọng vào những vị sư đến cầu an. Điều mà người viết muốn nhấn mạnh ở đây là mỗi người xuất gia, nhiệm vụ cao cả của mình là “ Thừa như lai sứ, hành như lai sự” vì vậy khi được Phật tử mời đi cầu an thì phải làm sao chỉ cho họ thấy được mục đích của sự cầu an, chúng ta cũng không thể từ chối những khi được thỉnh mời như vậy. Đức Phật dạy: “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và như vậy, từ những dịp cầu an đó, ta tiếp xúc với họ, gần gũi, khuyên răn, chỉ rõ cho họ biếi rằng cầu an này chỉ là sự trợ duyên mà thôi, không phải là hoàn toàn dựa vào sự cầu an đó mà được an ổn, an hay không an là do chính nơi hành động, việc làm, cách sống và cư xử hàng ngày của mình. ví như một người chuyên đi trộm cướp, giết người thử hỏi mời quý sư về để cầu an cho người đó thì người đó có được an hay không? Lại như một người chuyên đi làm phước, giúp đỡ mọi người, luôn sống trong sự bình thản thì cho dù không cầu an thì vị ấy vẫn luôn cảm thấy an lạc, hạnh phúc không sợ phải bất an. Vậy cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Nó không giới hạn ở việc cầu cho người bệnh sớm lành mạnh, tai qua nạn khỏi như nhiều người đã hiểu lầm. Để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và sự an lạc nội tâm, theo Đức Phật là mỗi người phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, phát huy các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi người, sống an trụ chánh niệm và tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại, không hoài vọng về quá khứ để thoát khỏi thế giới đau thương, không hoài vọng về tương lai để không lo âu sợ sệt, sống một cách sáng suốt bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi tham ưu ở đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng an, lúc nào cũng khỏe mạnh, cũng hạnh phúc không cần cầu nguyện và mong mỏi. Trái lại, nếu chúng ta sống buông lung, sa đọa, bỏ rơi hiện tại, không làm các điều thiện, rơi vào con đường tội lỗi thì dù có cầu nguyện, cầu an bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể an ổn được. Như vậy, vấn đề cầu an trong Phật giáo là nhấn mạnh đến sự an trú trong giây phút hiện tại, từng cử chỉ, từng hành động của mình được ý thức, được chọn lọc, được cảnh tỉnh thì tâm mình luôn được an lạc.

Trong quá trình hướng đến giải thoát của người xuất gia, Đức Phật cũng đã tuyên bố làụ Ngài chỉ đóng vai trò của đạo sư dẫn đường, không thể ban bố cho chúng ta kết quả giải thoát. Do đó, để đạt được chân lý giải thoát thì chúng ta phải tu tập, phải thực hành mới thể nghiệm được. Đức Phật đã khuyên:


“Hãy tự siêng trau dồi
Như lai chỉ thuyết dạy
Tự hành trì thiền định
Tự giải thoát ác nghiệp”.

Hay

“Chẳng phải nương người khác
Mà đạt được niết bàn
Do tự điều tự nương
Mà đích đến kiên cố” .

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.