Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

KẾT LUẬN

Phật giáo vào Việt Nam đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc phát triển văn hóa. Vấn đề này chúng ta thấy là làm thế nào để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong khi bị đô hộ để giành độc lập, dân tộc Việt Nam vẫn là dân tộc Việt Nam, vẫn còn bản sắc văn hóa của mình. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã nói: “không phải súng đạn làm cho dân tộc bị tiệt chủng mà chính là văn hóa. Bảo vệ văn hóa chính là bảo vệ dân tộc”. Như vậy, Phật giáo đến với quần chúng, hòa cùng quần chúng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc”  [8,90]

Phật giáo vào Việt Nam đã thâm nhập và chan hòa với đạo lý cần kiệm, liêm chính, nhân nghĩa, trí dũng để trở thành Phật giáo Việt Nam vốn có truyền thống yêu hòa bình, tình nhân ái, nhưng đồng thời cũng biết sử dụng cái dũng đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, dù phải hy sinh cho đất nước, cho dân tộc. Nhận thức rõ điều này, nên dân tộc ta nói chung và người dân xứ quảng nói riêng sau hai cuộc chạm trán với kẻ thù, đã đề ra một sách lược cực kỳ quan trọng là phải bảo vệ cho được bản sắc văn hóa dân tộc, giáo sư sử học Phật giáo Lê Mạnh Thát nhận định: “Phật giáo từ thời Hai Bà Trưng đến vua Lý Nam Đế là Phật giáo chống nền văn hóa nô dịch của phương bắc và khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt Nam”. [8,90]

Ngày nay, khi đọc lại những trang sử mở nước của ông cha, ta còn thấy hiện lên hình ảnh của hàng vạn, hàng triệu đồng bào kế tiếp nhau, hết lớp người này đến lớp người khác, trong cả một quảng thời gian dài của nhiều thế hệ, đuổi hùm voi, phá bờ bụi, sẻ núi, đào sông, chinh phục cảnh hoang sơ để xây dựng làng mạc, khắc phục sự khô cằn của đất đai, rừng rú để mở con đường sống và cống hiến tư lương, đảm bảo thể trường tồn, phát triển của dân tộc hào hùng.

Đọc lại những trang sử xưa, càng nghĩ  tới công lao mở nước của tiền nhân, lớp con cháu càng có quyền tự hào và càng thấy rõ trách nhiệm bảo vệ mãnh đất thiêng liêng của tổ quốc, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong tình đồng bào ruột thịt, mặc dầu có những lúc chúng ta phải cam chịu cảnh nô lệ, nhưng chúng ta không thể đánh  mất nét văn hóa của dân tộc mình, và Phật giáo cũng chung với sự thịnh suy ấy nên từ khi du nhập vào Việt Nam có lúc thịnh, lúc suy, gắn liền với vận mệnh thăng trầm tất yếu của đất nước. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo với tinh thần từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha, bình đẳng bác ái đã cùng với tinh thần yêu nước và đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, tạo nên sức mạnh quật cường có thể đứng vững cho đến ngày hôm nay. Và không phải tới bây giờ mới thấy được đặc điểm ấy mà ngay trong những ngày xa xưa dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ quảng nói riêng đã có ý thức làm chủ đất nước rất sâu sắc.

“Quảng Nam là đất quê mình

Núi, đồng, sông, biển rành rành từ lâu

Thương yêu đùm bọc trước sau

Cùng trong Đại việt chung nhau cơ đồ”.

Với dân tộc, Phật giáo không đặt niềm tin mù quáng không kiểm nghiệm được mà Phật giáo đặt trên nền móng của sự hiểu biết và thực chứng. Phật dạy: “giáo pháp của ta mời người đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin”. Điều này cho thấy rằng dù ở trong xã hội nào giáo lý của Ngài cũng mang tính thực hành, mà chính con người là chủ nhân của mọi hành vi thân, khẩu, ý nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là điều mà Phật giáo góp phần trong việc giáo dục con người, nhắc nhở con người biết sống với thực tại, những gì hôm nay mình làm thì mình sẽ hưởng quả sau này. Vì vậy, ngay giờ phút hiện tại,  mọi người hãy sống cho mình, cho mọi người, làm cho cuộc đời này được bình yên và hạnh phúc hơn. Phật giáo dạy con người không phải bằng luật lệ, mà bằng nguyên lý đời sống cao đẹp, lòng khoang dung, vị tha, một hệ thống nhân từ biết thương yêu đồng loại, biết sống cho người và vì người. Đức Phật đem chân lý bình đẳng soi sáng cho nhân loại lúc đó còn khe khắt đến ngột ngạt trong bốn giai cấp. Ngài dạy: “ không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn” mọi người đều có quyền sống bình đẳng như nhau, không phân biệt, chia rẽ, hận thù. Đây cũng chính là một nếp sống phù hợp với nền văn hóa dân tộc vậy.

Phật giáo không phải là một tôn giáo cứng ngắt với những giáo điều mà là những nguyên lý phù hợp với cuộc sống và sự sáng tạo của nhân sinh tức là phải khế lý và khế cơ. Đạo Phật chóng lại mọi thái độ cố chấp và giáo điều cứng ngắt mà phải biết cởi mở, biết đứng vào hoàn cảnh của kẻ khác và để hiểu kẻ khác. Với giáo lý nhân quả nghiệp báo đã khích lệ con người không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình, đó là hồi chuông cảnh tỉnh con người phải biết phân biệt thiện ác, từ bỏ điều ác, thành tựu hạnh lành. Chính con người phải chịu trách nhiệm gọt rửa thân tâm, làm chủ lấy nghiệp của mình qua những hành động trong cuộc sống hằng ngày mà mình đã tạo và từ đó con người biết rõ nhân quả nên cũng bớt gieo những nhân xấu và cuộc sống được an lạc hơn. Với con đường thoát khổ thật sự nhân bản, tích cực, với phương châm từ bi, hỷ xả, với con đường Bát Chánh đạo đã giải phóng con người ra khỏi mọi nỗi khủng hoảng, khổ đau một cách triệt để.

 Thích Nữ Chúc Kim (Tu Viện Quảng Đức)

http://thuvienhoasen.org/

_____________________

THƯ MỤC

[1]. Đào Duy Anh – Lịch Sử Việt Nam – NXB Văn Hóa Thông Tin 2002.

[2]. Đào Duy Anh –  Văn Hóa Sử Cương – NXB Bốn Phương 1938.

[3]. Toan Ánh – Tín Ngưỡng Việt Nam – NXB Văn Nghệ 2000.

[4]. Nguyễn Văn Bôn – Văn Nghệ Dân Gian Quảng Nam Đà Nẵng (2 tập) – NXB Sở Văn Hóa Thông Tin 1984.

[5]. Minh Chi – Truyền Thống Văn Hóa và Phật Giáo Việt Nam – NXB Tôn Giáo 2003.

[6]. Nguyễn Khắc Chung – Chuyện Tâm Linh Việt Nam – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2002.

[7]. Ngô Văn Doanh – Thánh Địa Mỹ Sơn – NXB Trẻ 2004.

[8]. Giác Dũng – Phật Việt Nam dân Tộc Việt Nam – NXBTôn Giáo 2003.

[9]. Nguyễn Đăng Duy – Văn Hóa Việt Nam Buổi Đầu Dựng Nước – NXB Hà Nội 2002.

[10]. Nguyễn Đăng Duy – Văn Hóa Tâm Linh – NXB Văn Hóa Thông Tin 2002.

[11]. Nguyễn Đăng Duy – Phật Giáo Với Văn Hóa Việt Nam – NXB Hà Nội 1999.

[12]. Nguyễn Sinh Duy (dịch) – Ngũ Hành Sơn – NXB Đà Nẵng 1996.

[13]. Phạm Ngọc Điền (phiên dịch) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn Biên Soạn – Đại Nam Nhất Thống Chí (tập 2) – NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1970.

[14]. Nguyễn Hiền Đức – Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong – NXB Thành Phố 1995.

[15]. Phạm Hoàng Hải – Đà Nẵng Trên Con Đường Di Sản – NXB Đà Nẵng 2004.

[16]. D-G-E- Hall – Lịch Sử Đông Nam Á – NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội 1997.

[17]. TT. Thích Trung Hậu – Ca Dao Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam – NXB TP. HCM  2002.

[18]. Thông Thanh Khánh – Dấu Aán Phật Giáo Chămpa – NXB Mũi Cà Mau 1999.

[19]. Phan Khoang – Việt Sử Xứ Đàng Trong – NXB Văn Học 2001.

[20]. Thái Văn Kiểm – Đất Việt Trời Nam – Nguồn Sống Xuất Bản 1960.

[21]. Nguyễn Lang – Việt Nam Phật Giáo Sử Luận  (tập II)  – NXBVăn Học Hà Nội 2000.

[22]. Đà Linh – Lấp Lánh  Xứ Quảng – NXB Đà Nẵng 2003.

[23]. TT. Thích Thiện Nhơn – Tư Tưởng Kinh A Hàm – Lưu Hành Nội Bộ 1995.

[24]. Lê Minh Quốc – Hỏi Đáp Non Nước Xứ Quảng (4 tập) – NXB Trẻ 2003.

[25]. Lê Văn Siêu – Việt Nam Văn Minh Sử Cương –  NXB Lá Bối 1967.

[26]. Phạm  Côn  Sơn – Văn Hóa Phong Tục Việt Nam  ABC– NXB Văn Hóa Dân Tộc 2002.

[27]. TT. Thích Hương Sơn – Lịch Sử Ngũ Hành Sơn Chùa Non Nước 1971.

[28]. Nguyễn Quang Thắng – Quảng Nam Đất Nước Và Nhân Vật – NXB Văn Hóa 2001.

[29]. Trần Ngọc Thêm – Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam – – Trường Đại Học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 1995.

[30]. Viên Trí – Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm – NXB Tôn Giáo Hà Nội 2003.

[31]. Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin Du Lịch – Non Nước Việt Nam – NXB   Hà Nội 2994.

[32]. Chu Quang Trứ – Di Sản Văn Hóa Dân Tộc Trong Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo Việt Nam – NXB Mỹ Thuật 2001.

[33]. Phan Lạc Tuyên – Lịch Sử Bang Giao Việt Nam Đông Nam Á – Viện Đào Tạo Mở Rộng Khoa Học Đông Nam Á TP. Hồ Chí Minh 1993.

[34]. Nguyễn Phước Tương – Hội An Di Sản Thế Giới – NXB Văn Nghệ TP. HCM 2004.

[35]. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam  Viện Triết Học – Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam – NXB Khoa Học Xã Hội 1998, tr.31.

[36]. Nguyễn Khắc Viện – Kể Chuyện Đất Việt – NXB Ngoại Văn + Hà Nội 1988.

[37]. Việt Nam – Đất Nước Lịch Sử Văn Hóa – NXB Sự Thật 1991.

(Luận Văn Tốt Nghiệp của tác giả)
This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.