1.3.2. Khái quát cảnh quan sinh thái về Thành phố Đà Nẵng:
Thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 1888. từ xa xưa đã là hải cảng quan trọng của Việt Nam, nay là một trung tâm kinh tế văn hóa, lịch sử một thành phố lớn nhất miền Trung. Đà Nẵng không những gắn bó mật thiết với Quảng Nam mà còn với cả miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và đông bắc Campuchia.
Ngày 1.1.1997 Thành phố Đà Nẵng chính thức trực thuộc trung ương cùng với Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng là một trong bốn thành phố lớn nhất Việt Nam. Với diện tích 942,45km2, dân số tính đến năm 2002 là 741.413 người, hiện nay Đà Nẵng có bảy đơn vị hành chánh là; Quận Hải Châu, Quận Thanh Khê, Quận Liên Chiểu, Quận Sơn Trà, Quận Ngũ hành Sơn, Huyện Hòa Vang, Huyện Đảo Hoàng Sa. [22,122]
Theo Cẩm Nang Du Lịch của Phạm Côn Sơn, Thành Phố Đà Nẵng về hành chính trực thuộc trung ương, diện tích 1.256,2 km2, có địa hình khá đa dạng. Phía Bắc giáp Thừa Thiên Huế, Nam và Tây giáp Quảng Nam, phía đông là biển, một bên là đèo Hải Vân cùng những dãy núi cao, một bên là Bán đảo Sơn Trà hoang sơ nhưng có những bãi biển tắm tuyệt đẹp. Ngoài xa khơi là quần đảo Hoàng Sa với ngư trường rộng lớn.
Vào thế kỷ thứ XVI, chúa Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ vùng Thuận Hóa để tránh việc bị Trịnh Kiểm giết hại. Khi vượt đèo Hải Vân tiến xuống Đà Nẵng – Quảng Nam, các chúa Nguyễn đã thấy được Hội An là chỗ thuận tiện cho việc buôn bán, trao đổi với thuyền buôn nước ngoài. Từ đây, thuyền buôn nước ngoài ồ ạt đến Hội An và quân đội nhà Nguyễn cũng ngày càng hùng mạnh nhờ mua được vũ khí dễ dàng. Trong khi Hội An đang nhộn nhịp tưng bừng, trong cảnh náo nhiệt ấy, Đà Nẵng đã lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ như một địa danh có vị thế. Để vào cảng thị Hội An, các tàu buôn thường đi thẳng vào sông Thu Bồn. Nhưng sau này do quá đông đúc, nhiều tàu lớn tìm đường đi vòng vào vịnh Đà Nẵng và từ đây Đà Nẵng đã trở thành một tiền cảng vào những thời kỳ sầm uất nhất của Hội An.
Những năm cuối thế kỷ XVIII, khi nhà Tây Sơn đã toàn thắng và bình định đất nước thì Đà Nẵng đã nổi lên như một đô thị quan trọng và náo nhiệt. Những người Anh khi đến đây đã thấy trong các công quán có nhiều vải lụa, hàng hóa Châu Âu. Một nhân viên trong sứ đoàn Anh Quốc trên đường đi Trung Hoa có ghé Đà Nẵng năm 1793 đã mô tả vịnh Đà Nẵng là nơi mà người ta có thể cho thuyền chạy khắp bờ biển mà không gặp tai nạn, đáy biển sâu từ 17-20 sải, vịnh Đà Nẵng xứng đáng mang danh là cảng lớn mà vững chắc nhất được thấy (trong khu vực mà xứ đoàn đi qua). Nó rất sâu cho nên khi cần thiết phải di chuyển các tàu bè vẫn yên ổn dù gió to bão lớn. Đáy biển đầy bùn nên neo rất bám. [15,23]
Theo đà phát triển của xã hội, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước, cùng với sự lãnh đạo của các cấp Chính Quyền, với sự nhiệt tâm và đồng lòng của người dân Đà Nẵng mà hôm nay Thành Phố Đà Nẵng đã thay da đổi thịt, đã vươn lên để bắt kịp với những thành phố khác. Những con đường được mở rộng và khang trang, với hệ thống thắp sáng thuận tiện, với sự mở rộng của thành phố đã làm thêm những chiếc cầu để thuận tiện cho việc sinh hoạt của dân. Cầu Sông Hàn, một chiếc cầu đẹp nổi tiếng, có hệ thống trục quay, đây là hệ thống trục quay đầu tiên tại Việt Nam. Chiếc cầu được bắt từ đường Trần Phú qua đến đường Ngô Quyền, nối hai quận Hải Châu và Sơn Trà rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán, sinh hoạt của người dân. Cầu Tuyên Sơn mới được thành lập nối quận Ngũ Hành Sơn với quận Hải Châu làm cho sự đi lại và sinh hoạt của hai quận này càng gần nhau hơn. Thêm nữa, một dự án đang được thi công đó là cầu Thuận Phước, được bắt từ Quận Hải Châu qua đến cảng Tiên Sa, chiếc cầu này rất dài, quy mô lớn, hiện nay đang được tiến hành đã được mấy trụ.
Nhà ở của dân được nhà nước di dời và đưa về thành những khu phố văn hóa rất khang trang, ngay ngắn làm cho thành phố thêm đẹp hơn. Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang được công nhận là đô thị loại một. Nói chung người dân thành phố Đà Nẵng đang trên đà hoàn thiện và thực hiện một nếp sống văn minh hơn.
Đà Nẵnghôm nay được sáng lên với những khu du lịch sinh thái, những bãi tắm đẹp, những khu nghỉ mát lý tưởng như khu du lịch Bà Nà, bán đảo Sơn Trà… Bây giờ người viết muốn trình bày sơ qua và giới thiệu những điểm du lịch này.
Khu du lịch sinh thái Bà Nà Núi Chúa:
Câu nói nổi tiếng rằng “Đà Nẵng là một Việt Nam thu nhỏ” sẽ có thể bị coi là không chính xác nếu như ở Đà Nẵng không có Bà Nà, một dãy núi nhấp nhô cao vút với những cánh rừng nguyên sinh, suối thác và những huyền thoại xa xưa. Bà Nà uy nghi kề vai với các ngọn núi của Trường Sơn, thanh thản nhìn xuống thành phố cảng nhộn nhịp ngay dưới chân mình.
Núi Bà Nà cách trung tâm thành phố Đà Năng 48 km về phía tây, đỉnh nằm trên độ cao 1487m so với mặt nước biển, khí hậu dịu mát quanh năm (nhiệt độ trung bình năm 17 0c – 20 0c. Vào năm 1894 tức là chỉ với có mười năm sau khi thiết lập bộ máy đô hộ trên đất Việt Nam, viên toàn quyền Pháp Doumer đã nghĩ đến việc xây dựng những khu nghỉ mát dưỡng sức cho các nhân viên dân sự và sĩ quan Pháp. Ở phía Bắc người ta tìm thấy Sapa và Tam Đảo, phía Nam người ta tìm ra Đà Lạt những nơi lý tưởng để nghỉ mát. Còn ở miền Trung, dưới sự phụ trách của viên đại úy pháo binh tên là Debay trong nhiều năm liền trèo đèo vượt suối, từ Thừa Thiên Huế cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mãi cho đến đầu năm 1901 họ mới tìm thấy Bà Nà là địa điểm tốt nhất trong mấy chục ngọn núi ở sườn đông dãy Trường Sơn.
Năm 1919, con đường lên đỉnh Bà Nà được khởi công và từ đây những ngôi biệt thự tư nhân, khách sạn liên tục mọc lên.
Năm 1922, Ty Lục lộ Đà Nẵng bắt đầu được lệnh thiết kế và sửa sang đường xe hơi từ chân núi lên đỉnh và các đường lưu thông khác giữa các đỉnh núi với nhau.
Năm 1923 – 1945 Bà Nà đã thực sự trở thành một khu nghỉ mát của các viên chức cai trị cao cấp. Sau năm 1945 cách mạng tháng tám thành công, Pháp rút khỏi Đông Dương, Bà Nà vắng bóng người. Lúc Pháp lâm le tái chiếm Việt Nam, để ngăn chặn ý đồ và không cho chúng lợi dụng vị trí Bà Nà nằm sâu trong lòng hậu phương của ta, nhân dân đã quyết tâm triệt hạ Bà Nà theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Từ đây khu nghỉ mát này trở thành một bình địa hoang tàn, tiêu điều chìm mất dần trong rừng cây phủ kín.
Năm 1992 công ty dịch vụ Đà Nãng dự án khôi phục lại khu nghỉ mát Bà Nà nhưng bất thành vì không có kinh phí đầu tư.
Tháng 4 -1997 sở du lịch Đà Nẵng trình dự án khác với số vốn đầu tư dự kiến gần 60 triệu USD .
Tháng 10 – 1997 Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố chính thức ký quyết định số 3754 phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường lên khu nghỉ mát Bà Nà. Như vậy sau gần 100 năm được phát hiện, Bà Nà mới chính thức có chủ trương hoàn thiện từng bước cơ sở hạ tầng tiến đến khai thái tiềm năng du lịch trọn vẹn nhất.
Tháng 9 -1998 chính thức khai trương khu du lịch này. Từ đây, đỉnh núi Bà Nà trở thành khu du lịch thu hút một số lượng du khách khổng lồ từ mọi miền đất nước. Với một địa hình bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, Bà Nà có những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, hệ động thực vật phong phú đa dạng, là nơi nghỉ mát lý tưởng. Vào những lúc trời quang mây tạnh, từ trên đỉnh núi du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Thành phố Đà Nẵng, thấy từ chân đèo Hải Vân đến Bán Đảo Sơn Trà, sông Thu Bồn uốn quanh ôm lấy những cánh đồng trù phú, những bãi biển Mỹ Khê, Bắc MỹAn, Non Nước Ngũ Hành, tất cả cảnh thiên nhiên như một bức tranh sống động hiếm nơi nào có được.
Trên đỉnh núi, được sự cho phép của Chủ Tịch Thành Phố, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền mà Thượng Toạ Thích Thiện Nguyện đã khai sơn một ngôi chùa tại khu du lịch này, với tên gọi là Chùa Linh Ứng Bà Nà, thu hút rất nhiều khách thập phương vào lễ Phật, viếng chùa, tạo điều kiện cho tôn giáo được truyền bá rộng rãi, ấy là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước.
Ngũ Hành Sơn Non Nước:
Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía Đông Nam, bên bờ biển Đông và dòng sông Trường Giang. Năm ngọn núi cao ngạo nghễ đứng giữa trời mây, mỗi ngọn một dáng vẻ rất ấn tượng. Núi gần biển và sông nên người dân thường gọi là Hòn Non Nước (sẽ được trình bày ở phần sau)
Bán đảo Sơn Trà:
Tại Thành phố Đà Nẵng có một miền đất vừa rất gần và vừa rất xa, vừa thân quen và vừa cách trở, đó là Bán Đảo Sơn Trà, một vùng đất thấp phủ kín vùng nguyên sinh nhô hẳn ra ngoài biển. Đây là tấm lá chắn khổng lồ, là luồng phổi xanh của khu đô thị trung tâm, đối diện bên kia là Hải Vân, hai vùng núi này quay vùng cửa Sông Hàn thành một vùng biển vừa rộng vừa kín đáo. Đứng ở bất kỳ chổ nào trên đất Đà Nẵng cũng nhìn thấy được những mái rừng xanh thẳm nhấp nhô của bán đảo Sơn Trà. Tuy gần gũi và thân quen như thế, nhưng cũng có rất nhiều người chưa từng biết và đặt chân dù một lần trên mõm núi này.
Thực ra hàng chục ngàn năm trước, đây là một hòn đảo bốn bề nước biển vây quanh, nhưng rồi phù sa từ các cửa sông đổ ra đã tạo thành dải đất nối Sơn Trà với đất liền. Là các ngọn núi vươn ra biển, lại nằm ở khúc lồi nhất của vòng cung bờ biển Tổ Quốc; cũng từ trên đỉnh Sơn Trà ta có thể nhìn thẳng ra tới Trường Sa bao quát toàn bộVịnh biển Đà Nẵng Thành Phố, Sông Hàn, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn… cũng chính vì thế, ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX các ông Vua nhà Nguyễn đã cho lập các đồn phòng thủ, đồn quan sát tiền tiêu ở đây. Năm 1858, chính Sơn Trà là nơi hạm đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã tấn công mở màn cho kế hoạch xâm lược Việt Nam.
Thực dân Pháp sau khi chiếm đóng Đà Nẵng đã xây dựng trên Sơn Trà những lô cốt, đồn an trú án ngữ con đường biển đi vào vịnh cảng, xây những đài quan trắc Rađa từng giờ từng phút quét đôi mắt thần kiểm soát mặt nước biển đông, kiểm soát vùng trời miền Trung, dẫn đường bay cho các hành lang hàng không quốc tế bay qua không phận Đà Nẵng. Nhìn lên đỉnh Sơn Trà, chúng ta sẽ thấy ba quả cầu trám màu trắng đục trong như các quả bóng Golf, đó chính là các trạm Rađa quan trắc.
Với dáng vẻ trữ tình, bán đảo Sơn Trà luôn gây ấn tượng hiền hòa phóng khoáng và thoải mái cho khách nhàn du. Người ta luôn có cảm giác an lành, thư thái trước cảnh trời nước mênh mong, cảnh sắc hài hòa hữu tình cùng với những luồng gió lộng từ ngàn khơi làm cho khách du lịch được sảng khoái hơn. Bán đảo Sơn Trà có hình dáng như một bức bình phong vươn ra biển khơi che chắn gió cho thành phố Đà Nẵng, giữ cho thành phố Đà Nẵng được yên ổn luôn với thời gian.
Ngày nay, cùng hòa nhịp với nhịp phát triển của thành phố, bán Đảo Sơn Trà cũng đang chuyển mình với những bãi du lịch sinh thái hấp dẫn như phía bắc có bãi Tiên Sa, Bãi Bắc; phía nam có Bãi Bụt, Bãi Xếp, Bãi Rạng, Bãi Nam…thu hút một lượng đồ sộ khách du lịch không ngớt đổ sô về đây. Điểm nổi bật ở đây người viết muốn nói đến là dù thành phố phát triển đến đâu thì luôn tạo điều kiện cho tôn giáo (Phật Giáo) cũng phát triển đến đó. Bãi Bụt hiện nay cũng đang được sự cho phép của các cấp chính quyền, luôn tạo điều kiện cho Thượng tọa Thích Thiện Nguyện được khai sơn và đang thi công ngôi chùa mang tên Linh Ứng Bãi Bụt tại khu du lịch này. Ngôi chùa Linh Ứng này là tên gọi thứ ba trong thành phố Đà Nẵng đó là: Linh Ứng Non Nước, Linh Ứng Bà Nà và đây là Linh Ứng Bãi Bụt. Như vậy Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng cũng đang trên đà đi lên theo nhịp bước của thành phố.
Đèo Hải Vân:
Cho đến ngày nay, tất cả các thành phố trên đất Việt Nam, chưa đâu có Khải Hoàn Môn. Thế nhưng thành phố Đà Nẵng non trẻ từ mấy thế kỷ nay đã có cho mình một Khải Hoàn Môn hùng vĩ trấn ngự ngay cửa ngõ đầu tiên bước vào thành phố Khải Hoàn Môn bằng đá gạch cổ kính uy nghi này chính là Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi đã được Vua Lê Thánh Tông đặt cho tuyệt danh là “ Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. [15,61]
Đèo nằm sát cạnh thành phố Đà Nẵng, giúp cho thành phố biển giữa hai miền đất nước này thêm vẽ kỳ quan ngoạn mục, đỉnh đèo xưa kia là một quan ải có đồn canh gác giữ ranh giới hai nước Việt Nam và Chiêm Thành, nay còn di tích Hải Vân Quan và là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành Phố Đà Nẵng.
Đèo Hải Vân có chiều dài khoảng 20 km, kéo dài từ địa phận Thừa Thiên Huế đến Thành Phố Đà Nẵng. Đây là một bức tường thành thiên nhiên quan trọng ngăn các đợt gió mạnh từ phương bắc tràn về. Vì vậy, các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam trở vào hầu như quanh năm ấm áp và không có mùa đông như các miền ở phía Bắc. Dãy núi này không chỉ là ranh giới phân chia hành chánh mà nó còn là ranh giới phân chia hai vùng khí hậu khác hẳn nhau ở Việt Nam. Vì vậy Tản Đà có viết:
“Hải Vân đèo lớn vừa qua
Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè”
Như vậy, Hải Vân là một bức bình phong thiên nhiên khổng lồ che chở cho Tthành phố Đà Nẵng nằm ngay dưới chân mình. Ngăn che những luồng gió mùa đông bắc mang cái rét thổi vào đồng ruộng và những đợt gió lào thổi sang. Vì vậy, đèo Hải Vân đã giữ cho Đà Nẵng được yên lành, một cuộc sống êm đềm ít bị bão lụt.
Trong thời kháng chiến chống pháp của nhân dân ta, quân Pháp rất lo ngại đường đèo này vì thường bị tấn công bất ngờ mà lần nào cũng bị tiêu hao lớn, thiệt hại nặng nề. Người dân Quảng Đà có câu:
Hải Vân cao ngất tầng mây
Giặc đi đến đó bỏ thây không về.
Vào thế kỷ thứ XVIII, danh sĩ Ngô Thì Chí đã ghi nhận vẽ hùng vĩ của Hải Vân: “Ngọn núi này khí át sông ngăn, thế nuốt biển, tầng đá chập chùng khó vịn, cây cối sum sê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như vang lên tiếng sóng vang trời, suối chảy rào rào như mưa tuôn nước từ lưng chừng trời đi xuống.”
Đèo Hải Vân ngày nay và mai sau càng thêm khởi sắc, đường hầm xuyên sơn đã thông nhau hai phía Bắc Nam. Khi đường này thông xe vào khoảng 2005, thành phố Đà Nẵng sẽ thêm phần sinh động. Các hoạt động du lịch sẽ thuận lợi, hào hứng thêm do những điều kiện đi lại dễ dàng, nhanh chóng hơn.