Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

1.3.3.    Non nước Ngũ Hành một phong cảnh kỳ ảo và độc đáo:

Cách thành phố Đà Nẵng 8km về hướng Đông Nam và vượt qua con sông Trường Giang, người ta thấy mọc lên trên bãi cát trắng mênh mông gần bờ biển Tiên Chà những hòn núi tuy không cao nhưng có vẽ đặc sắc kỳ lạ đó là Ngũ Hành Sơn.

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng lai âu cũng hẳn là đây
Đá chen với núi màu năm sắc
Chùa nực hơi hương khói lượn mây
Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước
Tiều phu chóng búa dựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Khen bấy thợ trời khéo đắp xây. [27,17
]

Tọa lạc của quần thể Ngũ Hành Sơn nay thuộc phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng. Giữa cảnh trời mênh mông, giữa bãi cát trắng, bên dòng sông xanh uốn khúc, Ngũ Hành Sơn hiện lên gây thú vị cho những du khách đi tìm cảnh đẹp. Người Quảng Nam thường nói đất quê mình giàu linh khí, rõ ràng ở đây thiên nhiên đã tạo nên những cảnh đẹp tự nhiên thơ mộng

“Quê em có dãy Sông Hàn

Có hòn Non Nước có hang Sơn Trà”

“Sự tích của núi Ngũ Hành Sơn theo kho tàng truyện cổ Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi thì đây là năm ngón tay của Đức Phật đè lên mình Tề thiên đại thánh tương tự như trong truyện Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân. Năm ngón tay ấy là năm ngọn là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn. Còn tại Quảng Nam thì người ta lại cho rằng: ngày xưa Thần Kim Quy rẽ sóng biển đông vào đây đẻ một quả trứng rồng. Về sau, có năm mảnh trứng rồng nứt ra, lớn mãi thành năm ngọn như ta đã biết”. [24,70]

Quần thể này còn có nhiều tên khác là: Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn. Khoảng đầu thế kỷ XIX là Ngũ Hành Sơn và tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1837 lần thứ ba vua Minh Mạng ngự du và nhận ra thế đứng của năm ngọn núi ở đây theo phương vị Ngũ Hành của học thuyết Kinh Dịch Đông Phương nên đã đặt tên năm ngọn núi là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ Sơn và cho khắc tên vào núi. Trong số đó ngọn Thủy Sơn là đẹp nhất. Nhà vua rất thích cảnh non nước hữu tình của Ngũ Hành Sơn nên đã cho xây hành cung tại núi Thủy Sơn.

Khi nói đến núi non thì đâu đâu cũng có non núi cả, nhưng Ngũ Hành Sơn có một đặc tính cho lịch sử đất nước Việt Nam nói chung và Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng, là lịch sử hùng vĩ của đất Việt và người Việt. Tạo hóa đã giảng bày đâu đâu cũng có núi đá, các hiện tượng khắp trong trời đất, núi non muôn hình vạn trạng, nhưng Ngũ Hành Sơn là nơi có nhiều hiện tượng kỳ quan tự nhiên, nó tiêu biểu cho sự huy hoàng của xứ sở và nhân vật lỗi lạc oai hùng.

Vị trí của năm ngọn núi này được hình thành như sau:

Mộc Sơn: Nằm ở phía đông trên đường từ Đà Nẵng đi Hội An, sườn núi dựng đứng, trong núi có hang động nhỏ, xưa kia là nơi trụ trì của bà sư ni, tục danh “Bà Trung”; ngoài ra còn có một tảng cẩm thạch trắng tượng hình ấy có người gọi Phật Quan Thế Âm tọa sơn, có người gọi là Cô Mụ. [24,73]

Kim Sơn: Nằm hướng tây bắc, nằm giữa Thổ Sơn và Hỏa Sơn, gần Sông Trường Giang. Tại đây thời nhà Nguyễn có bến đò gọi là “Bến Ngự” vì trước đây nhà Vua Minh Mạng thường neo thuyền tại đây lúc viếng Ngũ Hành Sơn. Vào khoảng năm 1950, dân địa phương đã phát hiện ra một hang động dưới chân núi, đặt tên là động Quan Âm. Năm 1956 nhà sư Thích Pháp Nhãn đã mở rộng lối vào hang động và cho xây chùa Quan Âm bên trong.

Thổ Sơn: Là ngọn núi thấp hơn so với những ngọn núi khác, cây cối thưa thớt có nhiều dấu tích của kiến trúc Chăm thuở xưa còn sót lại.

Hỏa Sơn: Hai ngọn âm dương đối diện nhau, ngăn cách bởi một cánh đồng lúa xanh rờn. Trong Âm Hỏa Sơn có một thạch động, trên cửa vào có khắc “Chư Tiên Khách Hội Động” tương truyền là nơi tu tiên của một cao nhân ẩn sĩ; trong dương hỏa sơn cũng có một động, trên khắc “Quan Âm Động” và “Phổ Đà Sơn”. Các bậc cao niên cho biết nơi đây vua Lê Thánh Tông cho dựng tấm bia nói rõ: “một ngàn năm trước là đường bể, một ngàn năm sau là một ngọn núi nổi danh”. Chẳng rõ thực hư ra sao vì ngày nay giới khảo cổ chưa tìm ra được tấm bia này. Cũng tương truyền nơi đây về thời vua Minh Mạng có một vị công chúa vứt bỏ cám dỗ trần tục đến tu tại ngọn núi này.

Thủy Sơn: Là nhọn núi cao hơn cả trong năm ngọn núi, nằm song song với Mộc Sơn, đây là ngọn núi có nhiều kỳ quan thắng cảnh nhất. Ngay từ dưới chân núi, có hai đường lên đỉnh: đường tam cấp bằng đá, phía Tây Nam dẫn lên chùa Tam Thai với 156 bậc; đường tam cấp bằng đá phía Đông dẫn lên chùa Linh Ứng với 108 bậc. Ở ngọn núi này có rất nhiều chùa và Hang động. Chính những hang động này đã là các hình thế thiên nhiên thuận lợi cho các tu sĩ Phật giáo tìm đến trú ngụ, hành trì tu tập và xây đắp bàn thờ chùa Miếu. Đó là vào thế kỷ  XVI, lúc nhà Mạc tích cực đưa dân binh các vùng phía Bắc Hải Vân vào định cư ở Quảng Nam Đà Nẵng. Đây cũng là thời kỳ Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ, khi ấy cây rừng còn bao phủ khắp nơi trên núi và cả vùng đồng bằng xung quanh, các nhà sư đầu tiên đã sống ngay trong các hang động kín đáo, dần dần các đời tăng ni tiếp tục sau đã lập thêm các bàn thờ, dựng chùa  mới, quyên góp tiền của mở mang đường lên núi, lập am miếu, đến khi dân cư trong vùng càng ngày càng đông đúc, các Phật tử tín đồ quanh vùng thường xuyên tìm lên đây cúng bái, thờ tự, nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo độc đáo của miền đất phía Nam kinh thành Huế. Dưới đây, người viết muốn nói đến những hang động ở Thủy Sơn, còn những chùa tại đây sẽ được nói ở phần sau như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng.

Động Huyền Không: nằm phía sau bên phải chùa Tam Thai, đi qua cổng vòm có ba chữ Huyền Không Quan, tức là Động Huyền Không, cửa động rất tối, những bậc cấp dẫn sâu xuống lòng núi. Phải nói rằng tại Ngũ hành sơn có gần 30 thạch động mà chỉ có Động Huyền Không là đẹp nhất. Cái đẹp ở đây không phải lộng lẫy như ta tưởng mà cái đẹp có vẽ thiêng liêng huyền bí, cổ kính mầu nhiệm, khó mà tưởng tượng và mô tả cho hết. Động có dạng hình tròn, trong động không có các cột thạch nhũ, vách động tạo nên những hình tượng kỳ lạ thú vị, nơi thì trông giống như con hạc, con voi, nơi giống con kim quy, hình người thượng cổ hoặc hình con công bay, hay hình chim đại bàng, màu sắc và hình ảnh trong rất khó nhận định thật là huyền ảo giống như cái tên gọi của nó là “Huyền Không”. Trong động này có một nơi kỳ dị là động thạch nhũ, người ta tương truyền ở đây có hai mỏm đá thòng xuống tròn vo, từ khi có núi Ngũ Hành thì hai thạch nhũ này đã thường nhỏ nuớc, khi khai thiên lập địa có non nước là có thạch nhũ. Thạch nhũ này mùa nắng cũng như mùa mưa, nước thường xuyên nhỏ xuống, tương truyền trước đây ai đến cầu tự đều lấy nước đó để uống thì sẽ được như mong muốn. Nhưng từ khi Vua Thành Thái sờ tay vào thì một trong hai thạch nhũ không nhỏ nước nữa. Tóm lại, đây là hang động đẹp nhất mà thiên nhiên đã tạo ra. Ngài Thích Đại Sán (Ngài Thạch Liêm) người Trung Hoa đến đây năm ất hợi (1695) viếng thăm và ca ngợi rằng: Đây là động đẹp và sạch sẽ nhất trong tất cả các động, giữa động có hai pho tượng người ta thường gọi là ông Thiện và ông Ác đứng chóng kiếm uy nghi như để nhắc nhở con người về cái thiện cái ác, như để khuyên con người sống một đời sống hoàn thiện, đem lại cho đời cuộc sống an lành hạnh phúc hơn.

Động Tàng Chơn: Nằm sau chùa Linh Ứng, một cửa đá trên thềm lởm chởm khoảng hai bước, mở ra một hành lang ngắn, những cây cối nho nhỏ mọc tựỉ do trong đất được các tượng đá lồi lõm giữ lại đó là cửa bên phải; trong khi trên tường đá bên trái thấy ghi tích từ xa xưa thời Minh Mạng “Tàng Chơn Động” (động của sự tỉnh tâm đích thực). Nghe tên Tàng Chơn Động, người ta cũng nghĩ ngay ý nghĩa mà người xưa đã đặt cho nó cái tên ngụ ý chứa đựng tất cả thiên nhiên chơn thật của vũ trụ, con nguời như là chứa tàng trữ kho tàng chơn lý, chơn thật nên gọi là Tàng Chơn. Động này khó diễn tả vì tình thế không phải là một, vào đến động người ta thấy một thung lũng chiều dài 10 thước, chiều ngang bảy thước hình chữ nhật, hoàn toàn có ánh sáng mặt trời đầy đủ, thoáng đãng nhờ thông lên trời qua cửa hang “Thiên Long Cốc”,  giữa động có thờ Thái Thượng Lão Quân, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cang, bên phải thờ Thần Chiêm Thành. Ánh sáng trời xuyên qua động càng làm tăng vẽ đẹp trong động. Khi nói Tàng Chơn Động là tên của một đông chính, ngoài ra còn có năm động nhỏ là: Động Tam Thanh, Động Hang Gió, Động Chiêm Thành (Hời), Động Bàn Cờ và Động Hang Ráy. Trong Động Tam Thanh trước đây người ta thờ thần gió là thượng Thanh, trung Thanh, hạ Thanh (bây giờ không còn nữa), vì thế nên gọi là Động Tam Thanh. Động có hình thế dài dài, tròn tròn, có thể đi vào sâu và tối om. Kế đến là Động Hang Gió, đến đây bước thêm khoảng mười tầng cấp và quẹo lại, trong khi đang mệt mỏi thì nghe những luồng gió vi vu thổi đến để đón chào và tiếp đãi mọi người bằng một  buổi tiệc mát dịu, đứng lại và thưởng thức sự khỏe khoắn của luồng gió thổi. Nơi đây, quanh năm suốt tháng gió thổi lòng lộng. Sau khi rời khỏi Hang Gió, ta phải trở về Động Tam Thanh, xuống cấp để tiến về Động Hang Hời. Người ta trang trí trước cửa động những hình tượng bằng đá theo phong tục Chiêm Thành, hình tượng này như các vị thần đứng gác cửa. Động có hình bán nguyệt, vùng đất này ngày xưa là của người Chiêm Thành ở, bây giờ người ta kỷ niệm gọi là Động Hang Hời (Động Chiêm Thành). Rời khỏi động Chiêm Thành và tiến bước qua Động Hang Ráy, hình thế của cổ tích cẩm thạch bao phủ, màu đá cũng hiện đủ ngũ sắc rất là cổ kính, động này thông ra ngoài trời, ở phía ngoài động có loài cây ráy xanh xanh mọc lên rất nhiều nên người ta gọi là Động Hang Ráy. Sau khi rời khỏi Động Hang Ráy đến động cuối cùng là Động Bàn Cờ. Theo sự tương truyền trên đỉnh núi các vị tiên hay xuống đây đánh cờ (bây giờ không còn nữa), trải qua với tuế nguyệt lâu đời, lại theo vết thăng trầm của thế sự, của thời gian vận hội nước nhà, sự tương truyền huyền thoại này không còn nữa. Người ta lập tại đây một tảng đá vuông vức giống như bàn đánh cờ tướng, ngoài ra, người ta còn đặt những tảng đá tròn chung quanh bàn làm đòn ngồi. Đây là biểu hiện cho bàn cờ tại Ngũ Hành Sơn. Trải qua hàng nghìn năm, Động Tàng Chơn được coi là động lưu giữ mọi chân lý của vũ trụ, vẻ đẹp nguyên thủy của nó dường như không thay đổi.

Động Huyền Vi: Động nằm sau chùa Linh Sơn, thuộc ngọn Dương Hỏa Sơn ở Ngũ Hành sơn, hội Phật giáo xã Hòa Hải đã phát hiện ra động vào năm 1953. Động Huyền Vi trông như một bức tranh thiên nhiên sống động, qua cửa hang dài 3m là vào động, chiều dài khoảng 10m, chiều ngang 2m, có nhiều ngách hang nhỏ. Trên các ngách hang do nước và gió xâm thực đã tạo nên những hình ảnh cỏ cây, hoa lá, muôn thú, trước cửa hang có một con cá sấu thiên tạo rất đẹp. Động còn  có tên là động Di Đà, động  này có dấu đặc biệt là trong cổ tích có hiện ra hình  tượng  Phật và Thánh Giống như  một nơi thờ tự. Tượng Đức Phật Di Đà, cùng Đức Hộ Pháp và Tứ Thiên Vuơng coi rất oai vệ, uy nghi. Tượng Đức Hộ Pháp và Tứ Thiên Vương phải nhờ ánh đèn mới thấy rõ, vì thế sau khi khánh thành động có đặt bàn thờ. Từ đó mới có danh từ là động Di Đà hay Huyền Vi Động. Ngoài ra tại Ngũ Hành Sơn còn có rất nhiều động như Động Hoa Nghiêm, Động Quan Âm Động Âm Phủ, Động Vân Thông…

Tại Ngũ Hành Sơn, ngoài những thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, những chùa  chiền, hang động thì chúng ta không thể không nói đến làng  nghề chạm khắc đá. Tại đây, đa số người dân sống quanh vùng này đều làm nghề khắc đá. Khi đến Ngũ Hành Sơn, hai bên đường các cửa hàng nằm sát nhau. Với vô vàn các bức tượng khác nhau, các đồ vật, phù điêu, mỹ nghệ bằng đá muôn màu muôn vẻ. Lùi sâu vào trong một chút là các khu nhà xưởng ngổn ngang đá, ngổn ngang tượng đang  làm dở với những người thợ đang lúi húi đục khắc xung quanh. Rẽ lên một chút, bám vào chân núi là những khu vườn tượng khổng lồ, tượng đứng, tượng nằm, tượng cổ, tượng hiện đại, điêu khắc Châu Âu, mang  nét điêu khắc mỹ thuật Ấn Độ và Trung Hoa muôn màu muôn vẽ chen vai thích cách, tượng la liệt trên mặt đất, trên các hang  động nhỏ ẩn vào vách đá với đủ loại đá trắng, đá đen, đá vân đá hồng khiến cho người xem phải bối rối không  biết  nên bắt đầu ngắm nhìn từ đâu và sẽ nhìn những gì. Đây là một làng nghề, là cả một dãy phố nghề luôn tưng bừng đón khách tham quan du lịch và  mua sắm quà lưu niệm.

Mặt hàng này không những thịnh hành khắp cả nước và mỗi ngày có hàng  chục container chở những kiệt tác này vượt đại dương đi đến  khắp nơi trên thế giới. Không chịu thỏa mãn với việc chỉ làm tượng theo mẫu, nhiều nghệ nhân trẻ đã say sưa sáng tác ra những tác phẩm hiện đại thi thố với bạn bè năm châu. Đã và đang có những ý tưởng táo bạo về các vườn tượng sáng  tác có quy mô hoành tráng, đã có những dự định làm thay đổi bộ mặt làng nghề nơi chân núi chờ đón du khách và các nhà điêu khắc Quốc Tế.

Những người dân sống dưới chân núi đã  được hưởng  nhiều phúc lộc của Ngũ Hành Sơn. Thuở xưa núi cho cho đá để làm nghề, rồisau núi gọi du khách bốn phương đến cho họ sống, cho họ phát triển. Bây giờ làng nghề có thể trả ơn Ngũ Hành Sơn khi họ làm cho núi đẹp hơn, họ gọi khách du lịch đến với núi nhiều  hơn. Tất cả là nhờ vào đất nước ổn định hòa bình,  nhờ vào du lịch quảng  giao. Nói văn hoa ra thì ở Ngũ Hành Sơn lúc này có cả thiên trời, địa lợi, nhân hòa. Bây giờ làng  nghề tượng đá Ngũ Hành Sơn đã là một phần tất yếu không thể thiếu được của Đà Nằng cả về kinh tế du lịch, cả về nghệ thuật và văn hóa. Tương lai của làng còn rộng mở và đầy hứa hẹn, tên tuổi của làng này đã nghiểm nhiên nằm trong  danh mục của  mạng lưới du lịch và của giới điêu khắc trên khắp thế giới.

Tóm lại Ngũ Hành Sơn là một nơi danh lam thắng cảnh, một kỳ quan của  thành phố Đà Nẵng, càng lúc thành  phố Đà Nẵng càng đông  khách du lịch. Với Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn chẳng những  là một trung tâm  Phật giáo, một miền đất hành hương mà còn là một quần thể du lịch đầu tiên trong biên niên sử du lịch của  thành phố. Người dân địa phương tin rằng đây là một vùng đất thiên của  Đà Nẵng, tự hào với Ngũ Hành Sơn, năm ngọn núi Cẩm Thạch kề sát bên nhau tạo nên một  kỳ quan hùng vĩ  và thơ  mộng.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.