2.1.2. Văn hóa tâm linh:
Theo dòng lịch sử trải qua hơn hai ngàn năm nay, Phật giáo với tư tưởng bình đẳng, từ bi, bác ái, với thuyết luân hồi chuyển kiếp đã sớm được người Việt tiếp thu, ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa tinh thần tâm linh, đến niềm tin thiêng liêng ở người Việt.
Người Việt với bản chất là nông dân lúa nước và nương rẫy, chăn nuôi gia súc gia cầm, trọng nhân nghĩa, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Phật giáo với tính chất từ bi hỷ xả, nêu cao hạnh cứu khổ cứu nạn cho nhân loài nên đã được người Việt sớm tiếp thu một cách sâu rộng, triển khai Phật giáo thành một mảng sinh hoạt văn hóa đậm nét kéo dài mãi cho đến hôm nay.
Khi nói đến văn hóa tâm linh, ta nghĩ ngay đến những cái gì đó thiêng liêng, sâu thẳm mà không thể diễn tả hết được. Bất luận là già hay trẻ, trai hay gái thì từ trong sâu thẳm của tấm lòng mỗi người vẫn có một phần tâm linh ẩn hiện. Chúng ta có thể hiểu tâm là tâm niệm, là niềm tin. Linh là linh thiêng, là cái thiêng liêng cao cả. Như vậy văn hóa tâm linh là ý thức của con người về sự linh thiêng cao cả, đời sống tâm linh là sự thiêng liêng thần linh và hồn thiêng sông núi thường trực trong ý thức con người qua tín ngưỡng tôn giáo, được biểu hiện ra qua sự thờ tự và hoạt động nghi lễ.
“Nội dung văn hóa tâm linh là đề cập đến niền tin, cái thiêng liêng cao cả. Do đó khái niệm văn hóa tâm linh có thể hiểu: văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. [10,24]
Vấn đề tâm linh không chỉ có ở các tôn giáo, mà nó biểu hiện trên bất cứ lãnh vực nào, trong bất cứ con người nào dù họ không theo tôn giáo. Trong cuộc sống hằng ngày vẫn thấy rõ con người ít ai không có một phần tâm linh, một niềm tin thiêng liêng nào đó. Mặc dù họ không theo tôn giáo nhưng hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3, dù chẳng đến được núi Lĩnh đền Hùng nhưng trong lòng mỗi người dân Việt cũng nhớ đến một ý niệm thiêng liêng về giỗ tổ Hùng Vương. Mặc dù không theo tôn giáo, không theo Phật nhưng cũng ít ai không một lần đến lễ Thần lễ Phật vào những dịp xuân về.
Trong cuộc sống hiện nay chúng ta thấy rõ thường thường gia đình nào, một gian bán hàng kinh doanh làm việc nào lại không có một góc nhỏ đặt một bát nhang cầu cúng một vị thần hộ mệnh nào đó, với một lòng thành cầu khẩn cầu nguyện đuợc an ổn. Đây là một sự cầu cúng một niềm tin thiêng liêng cao cả về tổ quốc, anh linh về Bác Hồ vĩ đại, về Đảng, nhà nước v.v…
Mỗi con người sống trên cõi đời này bất luận sang hèn đều có một phần tâm linh, mặc dù phần tâm linh ấy không thấy được. Như có một người được một người bạn thân hy sinh tính mạng để cứu lấy tính mạng mình trong cơn nguy kịch, và như vậy người này suốt đời luôn mang trong mình hình ảnh thiêng liêng của bạn lúc ngã xuống nên nguyện trong lòng sẽ không làm bất cứ chuyện gì trái đạo, trái với lương tâm để phải hổ thẹn với vong linh người bạn. Không ít những chiến sĩ cách mạng, biểu tượng về đảng, tổ quốc thiêng liêng đã giúp cho họ có thêm sức mạnh vượt qua những hà khắc của gông cùm, những khủng bố, tra tấn dã man của địch trong nhà tù đế quốc. Trong chiến tranh không ít người đã hy sinh, đã mất tích và những kỷ vật họ để lại, những hình ảnh của người chồng, người con đã hy sinh đã trở thành hình ảnh thiêng liêng tạo nên niềm tin, sức mạnh cho nhiều người vợ, người mẹ vượt qua mọi cám dỗ, khủng bố của Mỹ Diệm, kiên trinh với cách mạng cho đến ngày toàn thắng. Mỗi người trong chúng ta khi vào thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong phủ Chủ Tịch thì tất cả đều mong muốn được thắp nén nhang để tưởng nhớ Bác, ấy là nhu cầu tâm linh dấy lên niềm tin thiêng liêng đối với Bác. Tất cả những điều trên nói lên đời sống tâm linh về một niềm tin, lý tưởng cao cả mà xã hội thừa nhận.
Trong cuộc sống gia đình, phần tâm linh cũng khá phổ biến, không một gia đình nào lại không có bát nhang để thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Ngày xưa dân ta có câu:
“Sống về mồ về mả
Ai sống về cả bát cơm”.
Trong cuộc sống gia đình, cái cần cho sự tồn tại cuộc sống con người không phải chỉ có bát cơm mà phần tất yếu nữa đó là phần mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên thiêng liêng, có sức mạnh truyền lệnh tập hợp con cháu trong mỗi gia đình, gia tộc xưa và nay. Hằng ngày chúng ta thường nghe những thông tin trên đài phát thanh về việc nhắn tin tìm mộ liệt sĩ, những việc làm như vậy cũng không ngoài việc tìm lại sự mất mát trong tâm linh người sống, đó là hình ảnh thiêng liêng của người ruột thịt mất đi, còn đọng lại ở một biểu tượng nấm mồ. Như vậy có thể nói bàn thờ tổ tiên là biểu tượng máu thịt thiêng liêng, là phần tâm linh bao trùm, lôi cuốn người ta quây quần đoàn tụ nhớ về cội nguồn, duy trì những giá trị thiêng liêng chuyển giao cho con cháu.
Vấn đề tâm linh trong Phật giáo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Đức Phật nêu lên niềm tin vào thuyết vi tạo giả, không có thần linh nào tạo ra muôn vật, con người ở thuyết vô thường, vạn vật luôn biến đổi. Một tôn giáo có khả năng thích ứng, cởi mở, không hẹp hòi, không giáo điều cứng nhắc, tôn giáo của trí tuệ và tình thương, một tôn giáo không biết biên giới. Trong sinh hoạt hằng ngày, tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo phải làm hết sức mình để truyền đạt tới mọi người, mọi gia đình những giá trị tâm linh và đạo đức của đạo Phật. Hình ảnh ông Bụt, nhà sư, ngôi chùa vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, cho nên tiếng nói của Phật giáo rất thân thiết và gần gũi, dễ thấm vào lòng người.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Thật đẹp, hình ảnh hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông được giữ gìn dưới mái chùa. Ở nông thôn, nếp sống và nhịp sống của bà con nông dân từ một thời rất xa xưa đã quyện chặt với nếp sống của nhà Chùa, của Phật giáo và chất siêu tục toát lên từ nếp sống đó, hẳn đã giúp cho người dân Việt Nam khi cần có thể vượt lên những cái tầm thường của đời sống thế tục như cái danh, cái lợi, hướng tới những giá trị tâm linh cao cả mà nếu thiếu chất vị ấy thì đời sống con người buồn tẻ và vô vị lắm.
Chúng ta có thể nhận thấy vào thời nhà Lê, Nho giáo được đề cao. Năm 1461 vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm xây thêm chùa quán, vua cho sát hạch sư sãi, ai đủ trình độ mới tiếp tục tu hành. Nhưng vua vẫn chấp nhận dựng đàn chay trong các chùa ở kinh đô để cầu mưa. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đời Nguyễn ra lệnh cấm các đình thần tham gia vào Phật pháp, trong khi đó các bà hoàng hậu, hoàng phi vẫn thờ Phật, lễ Phật trong cung điện. Như vậy đủ cho ta thấy dẫu bề ngoài có cứng nhắc bao nhiêu đi nữa, thì trong sâu thẳm của cõi lòng vẫn có một chỗ niềm tin về tâm linh ngự trị. dù nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, qua bao biến đổi, qua chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt v.v… nhưng chẳng thời nào dứt được tiếng mỏ tụng kinh trong chùa.
Chùa là ý niệm rất gần gũi với con người, từ trong nếp sống, nếp nghĩ của con người, người ta đều luôn xem chùa là nơi dừng nghỉ của những âm linh quá cố, ở nông thôn mỗi ngôi làng đều có một chùa.
“Quê em có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi”
Thật gần gũi và giản dị với con người, chùa là nơi để người ta dừng nghỉ những phiền muộn lo toan, để cho tâm tư lắng đọng. Chúng ta hãy suy nghĩ những câu thơ của Nguyễn Bính:
“Trên đường cát bụi một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt niệm nam mô”
Văn hóa tâm linh cũng đã để lại biết bao giá trị văn hóa qua những kiến trúc nghệ thuật, những không gian thiêng liêng của các pho tượng Phật, những giá trị văn hóa tinh thần qua các nghi lễ, những ý niệm thiêng liêng trong ý thức con người.