Khai Thị Về Kinh Và Chú Thủ Lăng Nghiêm – Phần 2

CHÚNG SINH BIỆT NGHIỆP VỌNG KIẾN, VÀ ÐỒNG PHẬN VỌNG KIẾN

Trong Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn thảo luận về hai thứ điên đảo vọng kiến. Thế nào là hai thứ điên đảo vọng kiến?

Thứ nhất gọi là Chúng Sinh Biệt Nghiệp Vọng Kiến, tức là do mình đơn độc tạo nghiệp không giống với tất cả những người khác, tự mình kiến giải hành vi không giống kẻ khác, trong mọi trường hợp thì mình hoàn toàn đều khác.Thí dụ cho mình là người giỏi nhất, hại người lợi mình, thích những điều xa vời hão huyền hoặc làm những việc mà không có người nào dám làm. Ðó là tạo nghiệp, mà tự mình tạo thì mình thọ, so với người khác không giống nhau.

Loại thứ hai gọi là Chúng Sinh Ðồng Phận Vọng Kiến, tức là do chúng sinh cộng nghiệp tạo thành, mình cùng với tất cả những người khác thì đều giống nhau; cũng như thiên tai làm chết hàng ngàn vạn người thì đó gọi là cộng nghiệp, là một số người cùng chịu chung. Những người đó cùng tạo điều ác nên cùng thọ quả báo giống nhau.

Chữ “kiến” ở đây có nghĩa là kiến giải, bởi vì lấy si mê của chúng sinh làm của mình, nhận tên trộm làm con mình, cho nên sinh ra đủ thứ chấp trước vọng tưởng. Do vọng tưởng mà sinh ra mê hoặc, do mê hoặc mà tạo ra vô số ác nghiệp, bởi vậy cho nên cùng nhau thọ quả ác.

Bây giờ tôi xin kể một chuyện thật về Cộng nghiệp như sau: Năm Dân Quốc thứ 33 (1944), ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hoàn toàn không có mưa cả một năm trời, đất đai khô cằn mà còn bị thêm nạn châu chấu. Những con châu chấu này mỗi lần bay tới thì đầy cả bầu trời. Tất cả nông sản đều bị chúng ăn hết, thậm chí một ngọn cỏ một chiếc lá cũng không mọc lên nổi. Lúc bấy giờ có một đứa trẻ nhìn thấy trên trời có một ông già đeo cái túi, từ sáng đến chiều luôn tay vứt xuống những con châu chấu từ trong túi ấy bay khắp bầu trời.Dân ở đó vì quá đói nên giăng lưới bắt châu chấu về ăn cho đỡ đói. Họ nghĩ rằng châu chấu cũng là một nông sản nên không có chất độc. Ngờ đâu khi những con châu chấu này bị nấu chín rồi thì biến thành phân, thành đất bùn, ăn không được, không ai dám ăn cả. Vì đói quá nên dân chúng chỉ còn có cách là dời đến nơi khác. Từ tỉnh Hà Nam đến Trường An cách xa tám trăm dặm, trong khoảng đường có người chết không biết bao nhiêu mà kể; những người này chết một cách khủng khiếp, ai nấy nhìn thấy cũng khiếp sợ. Ðây có thể nói là một ví dụ do “cộng nghiệp” mà chiêu cảm lấy quả báo.

Bây giờ nói tới Biệt Nghiệp Vọng Kiến và Ðồng Phận Vọng Kiến. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật có giải thích rất rõ ràng.Thế nào là Biệt Nghiệp Vọng Kiến? Cũng như trong thế giới này, có những người mắt bị nhặm thì thấy trước mắt toàn một màu đỏ, ban đêm khi nhìn ánh đèn lại thấy xung quanh đèn có những vòng ánh sáng đủ màu. Bởi mắt có bịnh nên mới thấy những huyễn ảnh như vậy, thấy đủ năm màu tạp sắc trùng trùng điệp điệp. Con mắt bịnh này tượng trưng cho vô minh, ban đêm tượng trưng cho si mê, ánh đèn tượng trưng cho tạng tánh, tức là bổn tánh của mình, năm màu sắc tượng trưng cho Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm, là những trần cảnh giả tạo.

Vì do chúng sinh có vọng kiến nên mới có huyễn ảnh ở ngoại cảnh; nếu vọng kiến mà trừ rồi thì bịnh không còn nữa, ánh sáng huyễn ảnh đó làm sao mà có được? Con mắt tốt tượng trưng cho trí huệ chân thật, còn bóng đèn tượng trưng cho chân lý. Dùng trí huệ chân thật mà thấy được chân lý, thì Nhất Chân Pháp Giới hoàn toàn không có Ngũ ấm, Ngũ Trần gì cả.

Cũng như có người mắt mình vốn không có bịnh nhưng tự mình lại làm cho có bịnh. Giống như một anh chàng hút thuốc phiện vậy, có lần anh ta cười lớn trong khi anh ta đang đứng trước một bức tường.

-Tôi hỏi: “Tại sao anh cười?”

-Anh ta trả lời: “Thật là kỳ quái! Bức tường này thật đẹp, nó có đủ năm màu ánh sáng chiếu rọi bốn phía.”

Ðó chỉ là do huyễn ảnh mà ra, không có bịnh mà hút thuốc phiện thì tâm thần trở nên điên đảo. Những huyễn ảnh đó vốn là giả lại cho là thật, nên thân ở trong mê mà chẳng biết mình mê! Trên đây đã lược giải Biệt Nghiệp Vọng Kiến.

Tiếp theo, trong Kinh lại giải thích thế nào là Ðồng Phận Vọng Kiến. Thí dụ như trong Diêm Phù Ðề có một châu nhỏ, chỉ có hai nước mà quả báo chiêu cảm không giống nhau. Dân chúng của một nước thì thọ cảm ác duyên, toàn gặp những tai nạn bất tường; còn dân ở nước lân cận thì chẳng bị gì cả. Ðó là do vọng hoặc, vọng nghiệp, vọng kiến mà tạo thành.

Như hiện tại ở Mỹ, miền Ðông thường có tai họa bão lụt làm chết nhiều người, nhưng miền Tây Nam thì hoàn toàn vô sự. Ðó là vì nghiệp cảm chỉ tại miền Ðông mà thôi, không có tại miền Tây Nam vậy.Hoặc có kẻ thấy hai mặt trời hay hai mặt trăng thì đều là những điềm bất tường; người xưa nói: “Thiên vô nhị nhật, Dân vô nhị quân.” (Trên, không có hai mặt trời; Nước, không có hai vua.)

Ở Trung Hoa, về đời nhà Hạ, vua Kiệt là người bạo ngược, trên không trung bỗng nhiên hiện ra hai mặt trời, nhà Hạ nhân đó mà diệt vong. Ðó là điềm hung dữ được báo trước.Ngoài ra còn có những điềm gọi là Vựng, Thích, Bội, Quyết. Những ác khí bao quanh mặt trăng làm mờ mặt trăng thì gọi là Vựng; khí đen che lấp mặt trăng gọi là Thích; khí trắng ở bên cạnh mặt trăng gọi là Bội, mà che đi một nửa thì gọi là Quyết. Ðó là những điềm xấu thuộc về mặt trăng.

Lịch sử Trung Hoa có chép rằng khi mặt trăng bị che lấp bảy lần thì Hán Cao Tổ ở Bành Thành bị giặc Hung Nô vây khốn.Ngôi sao có ánh sáng dài sau đuôi gọi là Tuệ, tức là sao chổi; hào quang ngắn hơn quét đi bốn phía thì gọi là Bột Tinh; ở trên không trung xẹt xuống gọi là Phi Tinh; ở dưới mà vọt lên gọi là Lưu Tinh; đó đều là những điềm xấu thuộc về các ngôi sao.

Sách Xuân Thu có chép rằng vua Tống Nhượng Công không có nhân nghĩa nên sao xẹt xuống như mưa, vua Tần Thủy Hoàng hết sức bạo ngược thì sao chổi xuất hiện; đó cũng là những điềm không lành.Ác khí ở phía trên mặt trời gọi là Phụ, ở bên cạnh mặt trời gọi là Nhĩ. Sau khi trời mưa mà xuất hiện cầu vồng thì gọi là Hồng Nghê, buổi sáng gọi là Hồng, buổi chiều gọi là Nghê; đó đều là những điềm xấu của mặt trời. Tóm lại, bên cạnh mặt trời, mặt trăng có hiện ra những khí đó đều là những điềm báo trước sự bất tường.

Ở nước Trung Hoa, mỗi khi một triều đại thay đổi thì đều có những điềm bất tường xảy ra. Có lần, một vị Hoàng Ðế thấy điềm bất tường nơi một ngôi sao, liền triệu quan Thiên Văn đến để hỏi sẽ xảy ra điềm tốt hay xấu.

-Vị Khâm Thiên Giám tâu rằng: “Ðây là điềm hết sức bất tường, Bệ Hạ có thể sẽ tử vong, nhưng thần có cách làm cho vị Tể Tướng chịu điều hung dữ ấy thay cho Bệ Hạ, Bệ Hạ có bằng lòng không?”

-Nhà vua trả lời: “Tể Tướng lo liệu quốc gia đại sự thì làm sao có thể chết thay cho ta được.”

-Viên quan lại hỏi: “Có thể chuyển tai họa đến nhân dân chăng?”

-“Dân là gốc của nước, ta vì dân mà làm, có thể nào để dân chết thay cho ta được.”

-“Nếu vậy thì chuyển tai họa này đến mùa màng được chăng?”

-“Mùa màng mà mất thì dân sẽ chết đói, đó là chuyện ta không thể làm được!”

Quan Khâm Thiên Giám nghe xong liền sụp lạy mà tâu rằng: “Hoàng Thượng đúng là bậc minh quân có lòng nhân từ, thì nhất định sẽ chuyển được điều hung dữ thành điều kiết tường; Hoàng Thượng nhất định không thể chết được!”

Quả nhiên, ngày hôm sau điềm xấu trên trời biến mất, không còn thấy nữa. Việc đó chứng minh rằng không có chuyện gì là cố định, chỉ do tâm mình mà chuyển biến thôi. Nếu tâm thiện thì có thể chuyển điều xấu thành điều tốt; cho nên Lão Tử nói rằng:

“Hồi tâm thú thiện,
Thiện tuy vị vi nhi Thiện Thần tùy chi.
Hồi tâm hướng ác,
Ác tuy vị vi nhi Ác Thần tùy chi.”

Dịch là:

“Quay tâm hướng thiện,
Ðiều thiện tuy chưa làm mà Thiện Thần đã theo sát. Chuyển tâm về ác,
Ðiều ác tuy chưa làm mà Ác thần đã kề bên.”

Thần thì có thiện có ác; Thiện thần thì bảo hộ thiện nhân, Ác thần thì trừng phạt kẻ ác, cho nên nói rằng: “Họa, phước vô môn, Duy nhân tự chiêu.” (Họa, phước không cửa vào, Chỉ do mình tự chuốc lấy.)Nếu trong tâm mình không làm điều ác thì điều bất tường (không lành) không thể phát sinh.


TRÌ CHÚ TRƯỚC TIÊN PHẢI CHÁNH TÂM THÀNH Ý
(Vạn Phật Thành ngày 25 tháng 1 năm 1981)

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn,
Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.
Sở tác chư pháp tất cứu cánh,
Bất tăng bất giảm đáo Niết Bàn.”

Dịch là:

“Tụng trì, thầm niệm, ít nói năng,
Dạy dỗ, lợi vui, khắp nơi nơi.
Mọi việc làm ra đều cứu cánh,
Không tăng, không giảm, tới Niết Bàn.”

Học Chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học Chú mới có cảm ứng. Chánh tâm cũng chưa đủ, cần phải thành ý. “Thành” tức là lúc nào mình cũng hết sức chuyên chú, chuyên tâm, không xao lãng, không làm những chuyện cẩu thả, tắc trách. Ðược vậy thì mới có cảm ứng.

Nếu không “chánh tâm, thành ý,” nếu trong lòng đầy dẫy tư tưởng sai lầm, làm hại kẻ khác, tức là mình làm chuyện của ma. Pháp của ma vương là hại người, không lợi ích cho ai cả.

Nếu thật sự muốn tu hành thì trong bất cứ trường hợp nào cũng không được làm hại kẻ khác. Phải nuôi tâm làm lợi chúng sinh; không được học Chú để hàng phục ma quỷ hoặc đi đấu với người khác.

Người theo Phật Giáo không có kẻ thù, không tìm người để trả thù. Ðối với kẻ cố ý hại mình, mình phải nhẫn nại, tu hạnh Nhẫn Nhục Ba-la-mật; không sinh tâm báo thù. Ðó là chỗ cao siêu, là ưu điểm của Phật Giáo mà các tôn giáo khác thiếu sót.

Tuy Cơ Ðốc Giáo có nói rằng “ái địch” (thương kẻ địch), nhưng đó chỉ là trên phương diện ngôn ngữ, thực sự họ có thể hiện được trong hành động không? Họ luôn luôn xem người Phật Giáo như kẻ địch, họ có thương yêu những người Phật Giáo không? Chắc chắn là không, vì họ gọi người Phật Giáo là nghịch đồ, là ma quỷ!

Tôn chỉ hết sức trọng yếu của Phật Giáo là: Nếu bạn là ma quỷ thì tôi tuyệt đối không làm tổn hại bạn, không sinh lòng đối kháng, mà ngược lại, sẽ tìm cách để nhiếp thọ bạn. Ðây là giáo nghĩa đặc biệt nhất của đạo Phật. Ðối với chúng sinh luôn phát tâm từ bi, không làm hại kẻ khác.

Chú Lăng Nghiêm là chú kinh thiên động địa, khiến quỷ thần phải run sợ, là linh văn hết sức hiệu nghiệm. Học Chú Lăng Nghiêm rồi thì phải luôn luôn phát tâm từ bi, cử tâm động niệm không được làm hại người khác. Nếu ai đối với mình không tốt cũng đừng khó chịu, đừng oán ghét. Tâm mình cần phải rộng lớn như ba ngàn thế giới vậy, vạn vật đều có thể chứa gọn trong tâm mình; đó chính là bản sắc của người Phật tử vậy!

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn.” Câu chú “Yin two na” (Nhân đa la) dịch nghĩa là tụng trì, hoặc là mặc niệm, hoặc thiểu ý ngôn; tức là mình không cần nói nhiều, cũng không vọng tưởng nhiều, chuyên tâm thì linh, tán loạn thì không cảm ứng.

Thế nào là chuyên nhất? Tức là luôn luôn đừng sinh tâm làm hại chúng sinh. Nếu có tâm làm hại kẻ khác thì tương lai sẽ gặp chuyện hết sức nguy hiểm; bởi vì: “Ða hành bất nghĩa tất tự tệ.” (Nếu luôn làm chuyện bất nghĩa, thì mình sẽ tự tiêu diệt mình.)

Mình hại kẻ khác tức là mình đã hại chính mình. Mình giết cha người, thì có kẻ chắc chắc sẽ giết cha mình; mình giết anh người thì sẽ có kẻ giết anh mình; đó là luật nhân quả. Là Phật tử thì cần phải làm lành lánh dữ. Nếu không tạo nhân ác, thì sẽ tránh được quả ác trong tương lai.

“Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.” Câu này nói rằng lấy Phật Pháp chỉ dẫn, giáo hóa chúng sinh, làm cho tất cả mọi người đạt được chỗ lợi ích, hoan hỷ. Khi thấy có chuyện gì lợi ích cho người khác thì mình làm ngay:

“Tài bồi tâm thượng địa,
Trưởng dưỡng tánh trung thiên.”

Dịch là:

“Vun bồi miếng đất tâm linh,
Nuôi lớn bầu trời bản tánh.”

Thường giúp kẻ khác thì lâu ngày tự nhiên sẽ có đức hạnh. Không phải chỉ kêu gọi người khác làm lợi ích cho mình, mà tự mình không làm lợi ích kẻ khác. Kẻ nuôi dưỡng tánh ỷ lại và chỉ muốn tận hưởng tiện nghi là kẻ không có khí phách.

Hãy xem trên đời này, những kẻ chuyên đi tìm tiện nghi cho mình kết quả đều thất bại; nếu các vị không tin thì hãy nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Bất luận là ai, với lòng tham không đáy, chuyên đi tìm tiện nghi cho chính mình thì kết quả đều không tốt. Nếu mình đem lại lợi ích cho người khác, làm cho mọi người hoan hỷ, thì đi tới đâu ai ai cũng kính phục mình.

Khổng Tử nói rằng: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính, Tuy man mạch chi bang, hành hỹ.” (Lời nói chân thật, Hành động chắc thật, cung kính, thì dù ở nơi nguy hiểm cũng vẫn được an toàn.)

Một lời nói ra thì phải thành thật, không được gian trá, lừa dối kẻ khác. Hành vi thì phải hết sức thành thực, trung hậu, khiêm nhường, cung cẩn. Bất cứ làm việc gì cũng có lòng “khiêm cung hòa kiết”; không được cống cao ngã mạn, coi mình như ông trời, không ai sánh bằng. Như vậy thì không thể chấp nhận được!

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.