Những Ai Cần Cảnh Giác Với Dầu Ôliu?

Dầu thu được từ trái ôliu (một loại cây truyền thống của vùng Địa Trung Hải) thường được sử dụng trong nấu ăn, mỹ phẩm, dược phẩm, xà phòng, làm nhiên liệu thắp sáng… So với các loại dầu thực vật khác, dầu ôliu được xem là “nữ hoàng” vì chứa nhiều chất béo có lợi và vi chất tốt cho sức khoẻ. Nhưng vẫn có những người phải cảnh giác với loại dầu này.

Trái và dầu ôliu. Ảnh: Phan Hương

Lợi ích của dầu ôliu

Với hệ tim mạch: nhờ chứa nhiều axít béo có lợi, dầu ôliu có thể giúp phòng ngừa các chứng bệnh xơ cứng động mạch, cao huyết áp, bệnh tim, thận, xuất huyết não, huyết khối, bệnh Alzheimer và đột quỵ thông qua việc thúc đẩy tuần hoàn máu. Theo một nghiên cứu mới từ Pháp, thực hiện trên 7.625 người hơn 65 tuổi ở ba thành phố khác nhau, những người dùng dầu ôliu mỗi ngày thì tỷ lệ bị đột quỵ thấp hơn 41% so với người không dùng.

Với hệ tiêu hoá, dầu ôliu có chức năng giảm bớt vị chua, ngăn chặn nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng, đồng thời còn kích thích sự bài tiết mật, giúp hàm lượng mỡ trong thực phẩm hạ thấp và dễ hoà tan, nhờ đó dễ hấp thu qua niêm mạc ruột, phòng bệnh viêm dạ dày, viêm túi mật và sỏi mật.

Với hệ xương khớp, dầu ôliu nhờ chứa vitamin D và canxi giúp tăng cường chức năng đổi mới trong xương, thúc đẩy hệ xương phát triển, duy trì mật độ cho xương, giảm nguy cơ loãng xương. Dầu ôliu còn ngăn chận khả năng phát triển chứng viêm khớp.

Với hệ nội tiết, một chế độ ăn giàu dầu ôliu, nhiều tinh bột và chất xơ hoà tan từ trái cây, rau, đậu và ngũ cốc rất có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Nó vừa giúp làm giảm cholesterol xấu, đồng thời kiểm soát đường huyết và tăng cường hoạt động của insulin. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy người bình thường sau khi sử dụng dầu ôliu, hàm lượng đường trong máu giảm 12%. Tạp chí khoa học Diabetes Care cho thấy một chế độ ăn uống theo phong cách Địa Trung Hải (giàu dầu ôliu) làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường týp 2 gần 50% so với chế độ ăn uống ít chất béo.

Với da: dầu ôliu được dùng trong mỹ phẩm dưỡng da, dưỡng móng, chống nứt môi, tẩy trang, làm tóc mềm mượt. Vitamin E chống lão hoá nên phụ nữ sử dụng dầu ôliu sẽ có làn da mịn màng tươi sáng và xoá được nếp nhăn.

Phòng ung thư: các hợp chất phytonutrient có trong dầu ôliu, oleocanthal, có tác động giảm viêm và giảm nguy cơ gây ung thư vú và tái phát. Squalene và lignans có trong dầu ôliu cũng được nghiên cứu về tác động phòng ngừa và ngăn chận ung thư ruột kết, tá tràng, vú và da.

Công dụng khác: dầu ôliu còn được dùng làm thuốc nhuận tràng, tẩy xổ được xem là “chất tẩy rửa” cho cơ thể. Dầu ôliu được áp dụng đối với da bị côn trùng đốt (sử dụng tại chỗ), ráy tai trong viêm tai giữa, diệt chấy rận, vết thương, vết bỏng nhẹ, bệnh vẩy nến, xoá vết rạn da do mang thai.

Những ai không nên dùng?

Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vì nhiều tài liệu ghi nhận không đảm bảo an toàn khi dùng lượng lớn dầu ôliu (>30g/ngày/đường miệng).

Người đang dùng thuốc trị tiểu đường: thuốc hạ đường huyết tương tác với dầu ôliu nên có thể làm lượng đường trong máu xuống thấp. Cần giám sát chặt chẽ lượng đường trong máu nếu dùng chung với thực phẩm có dầu ôliu, liều điều trị cần phải được thay đổi. Một số loại thuốc được sử dụng cho bệnh tiểu đường bao gồm glimepiride (Amaryl), glyburide (DiaBeta, Glynase PresTab, Micronase), insulin, pioglitazone (Actos), rosiglitazone (Avandia), Chlorpropamide (Diabinese), glipizide (Glucotrol), tolbutamide (Orinase), và một số thuốc khác kể cả thực phẩm chức năng.

Người cao huyết áp đang dùng thuốc hạ áp, vì dùng chung dầu ôliu trong khi điều trị cao huyết áp có thể gây tụt huyết áp đột ngột. Các thuốc hạ huyết áp bao gồm captopril (Capoten), enalapril (Vasotec), losartan (Cozaar), valsartan (Diovan), diltiazem (Cardizem), Amlodipine (Norvasc), hydrochlorothiazide (Hydrodiuril), furosemide (Lasix)… Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc khi đang uống thuốc.

Dùng bao nhiêu là tốt?

Trong thực phẩm, dầu ôliu được sử dụng như tất cả các loại dầu ăn khác, chiên, xào, xốt dầu giấm. Quả ôliu ngâm giấm đặc biệt không thể thiếu trong món bánh pizza truyền thống.

Người bình thường nếu bị táo bón dùng 30ml dầu ôliu (khoảng hai muỗng canh trong ngày). Với người huyết áp cao là 30 – 40g mỗi ngày thêm vào khẩu phần ăn. Phòng nguy cơ bệnh tim mạch, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng 23g dầu ôliu mỗi ngày để cung cấp 17,5g axít béo đơn không bão hoà trong khẩu phần.

Dầu ôliu an toàn khi được sử dụng với liều thích hợp qua đường ăn uống hàng ngày. Còn khi bôi lên da, một số trường hợp có thể bị dị ứng và viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, một số người tiếp xúc phấn hoa ôliu có thể bị dị ứng đường hô hấp theo mùa.

DS LÊ KIM PHỤNG

_________________

Lưu ý: Nên ép dầu ở nhiệt độ thường bằng phương pháp tự nhiên, tránh sử dụng nhiệt độ cao hoặc dùng hoá chất trong quy trình chiết xuất và tinh chế dầu vì sẽ làm hỏng các thành phần hoạt chất. Nếu mua dầu thành phẩm thì nên đọc kỹ thành phần ghi trên bao bì sản phẩm (tối thiểu hàm lượng axít oleic phải từ 55 – 85% axít béo). Cần bảo quản ở nhiệt độ mát, tránh dầu bị hydrogen hoá sẽ biến thành axít béo dạng trans (trans fat) rất có hại.

Nguyen Phuoc Long

http://www.docsachysinh.com/hoa-duoc/nhung-ai-can-canh-giac-voi-dau-oliu/

This entry was posted in Sức Khỏe, Đời Sống. Bookmark the permalink.