Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa Trong Thành Ngữ, Tục Ngữ

 Xin được bắt đầu bài viết bằng một điển tích Ngựa Tái Ông (hay còn gọi là Tái Ông thất mã).Chuyện xưa kể rằng: Thượng Tái ông có một con ngựa tốt mà ông vô cùng yêu quí. Thế mà một hôm con ngựa ấy đột nhiên biến mất. Nhiều người tỏ ý tiếc rẻ cho ông có cất tiếng hỏi thăm. Thế là ông nói với họ rằng biết đâu đó lại là điều phúc. Quả nhiên, ít hôm sau, chẳng những ngựa quí trở lại mà còn kéo theo mấy con nữa về cùng. Mọi người chúc mừng, ông lại bảo biết đâu đó lại là điều họa. Không ngờ, đúng như lời, con trai ông dùng con ngựa ấy mải mê phi nước đại, bất ngờ bị ngã gãy chân. Lần này, ông lại nói với mọi người không chừng đây lại là điều phúc. Thật vậy, ít lâu sau có giặc, bao nhiêu trai trẻ trong làng đều phải ra chiến trận, rất nhiều người trong số họ có ngày đi mà không có ngày về. Chỉ riêng con trai Thượng Tái ông vì tàn tật nên được ở lại và nhờ vậy mà vẫn còn sống sót.

Câu chuyện xưa bắt đầu từ một con ngựa ấy lưu lại đến ngày nay trở thành một điển tích quen thuộc nói về một vấn đề triết lý đã được đúc kết sâu sắc từ sự trải nghiệm đời sống của người xưa. Rằng phúc họa may rủi là những điều khó đoán định, khó lường trước được.

Thời xưa, ngựa là một con vật quen thuộc. Vào cái thuở Namchinh Bắc chiến, con vật vốn là một phương tiện phục vụ đắc lực cho chiến trận này hầu như mỗi khi được nhắc đến đều gắn liền với chiến trường, với trận mạc. Để chuẩn bị lực lượng, để rèn luyện quân đội, người xưa nói Chiêu binh mãi mã, Chiêu binh luyện mã. Để so sánh thế trận đối đầu không cân sức, ngựa cũng được ước lệ tượng trưng: Đơn thương độc mã  –  Thiên binh vạn mã. Nhưng gây ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh Da ngựa bọc thây ( hoặc Da ngựa bọc xương), Dặm nghìn da ngựa  để khắc họa tuyệt vời hình ảnh những chinh phu, những tráng sĩ với hoài bão lớn, với cái hùng tâm tráng chí tung hoành, với nợ tang bồng cứ phơi phới một hào khí nam nhi. Và cứ thế, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, họ đối đầu với cái chết oanh liệt nơi chiến trường đầy lằn tên mũi giáo. Còn nhớ câu thơ rất khí khái của tác giả Chinh Phụ Ngâm:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

Hay cụ Đồ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng ca ngợi sự hy sinh cao đẹp của những người nghĩa sĩ quê hương Cần Giuộc thời chống Pháp:

Một giấc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây.

Trăm năm âm phủ lấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ

Ngựa để xông pha nơi chiến trường, nhưng không chỉ có  thế. Những Cân đai xe ngựa, Lên xe xuống ngựa lại nói về những người có sự nghiệp lớn, có địa vị cao sang, danh giá trong xã hội. Ngựa được xem như một trong những yếu tố để đánh giá sự thành đạt, sự giàu có. Đôi khi ngựa còn được thắng kiệu vàng, được tra khớp bạc để bái tổ vinh quy, để tiểu đăng khoa nối tiếp theo đại đăng khoa.

Tuy nhiên, cho dù có được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật tượng trưng ước lệ nhưng những hình ảnh ngựa vừa nêu vẫn ít nhiều được tiếp nhận từ nghĩa cụ thể, nghĩa thực. Dân gian vẫn còn lưu truyền rất nhiều những hình ảnh ngựa mà người nghe chủ yếu chỉ nắm bắt lấy cái phần thông tin đầy ẩn ý thâm thúy và sâu sắc đàng sau đó mà thôi. Họ không quan tâm đến đối tượng ngựa được nhắc đến mà chủ ý là tìm hiểu xem người nói muốn bộc lộ điều gì. Trường hợp này có vẻ phổ biến hơn và khơi gợi lý thú hơn. Văn học dân gian có cả một kho tàng thành ngữ, tục ngữ sử dụng cách diễn đạt bóng gió này. Ở đây, chỉ xin nhắc lại những câu quen thuộc về hình ảnh ngựa mà thôi. Nào là Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, Ngựa quen đường cũ, Ngựa non háu đá, Cỡi ngựa xem hoa ; nào là Có chồng như ngựa có cương, Thẳng như ruột ngựa, Lông bông như ngựa chạy đường quai. Rồi thì Đầu trâu mặt ngựa, Làm thân trâu ngựa, Ngựa dập voi giày, Như ngựa bất kham….

Mặc dù vậy cơ sở để hình thành cách nói như trên rõ ràng là có liên quan mật thiết đến một số đặc điểm, đặc tính của loài động vật này. Chúng nhanh nhẹn hơn một số loài động vật khác như trâu, bò, lừa, lạc đà…(nên được ví với tốc độ – Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy – một lời đã nói ra, bốn ngựa phi theo không kịp), chúng đôi khi giở chứng bất kham, khó kềm giữ nếu không thắng lấy dây cương (nên lòng dạ không kiên định cứ hay thay đổi được thể hiện bằng thành ngữ  Mã ý viên tâm  tức là Ý ngựa lòng vượn  hoặc  Lông bông như ngựa chạy đường quai ). Nói đến chúng là nói đến một phương tiện chuyên chở, di chuyển, sử dụng (Ta có Ngựa quen đường cũ , cỡi ngựa xem hoa, Lên xe xuống ngựa, Cân đai xe ngựa…). Rồi nào là cỏ – thứ thức ăn quen thuộc của ngựa (Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ), nào là những nét rất đặc trưng của ngựa được chọn lọc để chuyển tải những đúc kết sâu sắc của dân gian ( Thẳng như ruột ngựa, Ngựa non háu đá, Đầu trâu mặt ngựa…)

Không như ca dao – thiên về tình cảm, tục ngữ thành ngữ lại thiên về lý trí. Nhưng trong một số trường hợp kém phổ biến hơn, ngựa xuất hiện trong những câu nói diễn tả sắc thái tình cảm âm tính. Dùng ngựa để than thở như Làm thân trâu ngựa. Dùng ngựa để chê bai những kẻ không có tính người như: Đầu trâu mặt ngựa ; để phê phán sự ngạo mạn hung hăng và bất chấp, thích đối đầu mà không lượng được sức mình của những người trẻ tuổi như Ngựa non háu đá, hay sống không có định hướng nhất định, không có mục đích rõ ràng là Lông bông như ngựa chạy đường quai. Ngựa còn được dùng để nguyền rủa độc địa, chẳng hạn Ngựa xéo voi giày, Ngựa dập voi giày.

Và cũng như biết bao câu thành ngữ- tục ngữ trong dân gian, sự phong phú về nét nghĩa trong những câu nói có hình ảnh ngựa- một con vật quen thuộc với con người nói lên tính chất tiềm ẩn về ngữ nghĩa của thành ngữ- tục ngữ rất lớn. Từ con vật rất gần gũi này, người xưa đã đem lại cho chúng ta những nhận thức vừa dung dị cụ thể vừa khái quát sâu sắc.

Ths. Trần Tùng Chinh

http://nguvandhag.wordpress.com/2011/10/31/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.