Trung Thiên Trúc Sa Môn
Bát Lặc Mật Ðế dịch
“Trung Thiên Trúc” là một quốc gia tại Ấn Ðộ. Ấn Ðộ phân ra: Ðông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ấn. Trong mỗi khu lại có rất nhiều quốc gia. Sa Môn Bát Lặc Mật Ðế là người xứ Trung Thiên Trúc.
“Sa Môn,” Phạn ngữ dịch ra tiếng Trung Hoa là “Cần Tức,” nghĩa là chuyên cần tu giới, định, huệ, dập tắt tham, sân, si. “Cần tu” là không giải đãi, không thối chuyển, thời thời khắc khắc luôn tinh tấn dõng mãnh, cứ hướng về phía trước bước tới, chẳng thối chuyển, không lười biếng. Không lười biếng ở đây chẳng phải là chỉ một ngày không lười biếng mà là bất cứ ngày nào cũng không lười biếng; chẳng phải hôm nay tinh tấn, hôm sau giải đãi. Tinh tấn một ngày, giải đãi mười ngày thì không kể là tinh tấn, phải tinh tấn trọn đời, chuyên cần trì giới trọn đời.
Giới là:
Không làm điều ác
Làm mọi điều thiện
Không làm điều ác tức là làm mọi điều lành; nếu có thể làm tất cả mọi điều lành tức là chẳng làm các điều ác. Cho nên trì giới cần tinh nghiêm, “nghiêm tịnh tỳ ni, hoằng phạm tam giới,” phải lấy chính mình làm mẩu mực, tự mình nêu gương tốt. Ðó mới là trì giới.
Lại nữa phải tu định. Ðịnh là một thứ công phu của thiền định. Thiền định cần tu luyện thường xuyên thì mới sanh định. Do giới mà sanh định. Nếu quý vị muốn có định thì việc trước tiên là phải trì giới. Nếu thiếu trì giới tâm sẽ tán loạn, không thể nào có định được. Không có định, cố nhiên sẽ không sanh tuệ. Cho nên do định mà phát tuệ. Ðó gọi là Tam vô lậu học. Nếu mình cần mẫn tu giới định tuệ thì sẽ siêu xuất tam giới. Diệt được tham sân si thì chẳng bị đọa tam ác đạo.
Vì sao từ vô lượng kiếp đến nay mà chúng ta vẫn không thành Phật? Vẫn là chúng sanh? Vẫn đi ra vào mãi trong lục đạo luân hồi? Chỉ vì tham sân si tam độc làm cho chúng ta say đến mức mất hết giác ngộ. Chúng ta bị tham sân si tam độc làm cho mê mê hồ hồ, điên điên đảo đảo khiến cho chúng ta chẳng thể lội ngược dòng sanh tử, chỉ có cách thuận theo dòng lục trần phàm phu. Từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ vì tham sân si nó che lấp cái ánh sáng tự tánh của chính mình.
Tham, tức là chẳng biết chán. Sân, là do tham mà chẳng được nên nổi sân; chỉ vì tham chẳng biết chán nên khi chẳng được gì cả bèn sanh sân hận. Sanh sân hận rồi, sau đó mới tiến đến cảnh giới ngu si, đi vào con đường ngu si. Sân là ngọn lửa vô minh, vô minh tức là có nóng giận. Một khi lửa vô minh bùng cháy thì theo đó cơn sân bốc lên.
Vì sao có vô minh? Chỉ vì tiền kiếp mình tạo tội quá nặng. Do đó, tục ngữ có câu: “Lửa vô minh chẳng khác gì thần hổ, đó là do nghiệp căn từ tiền kiếp.” Lửa vô minh là gốc rễ của nghiệp từ tiền kiếp.
Thế nào gọi là ngu si? Người ngu si toàn khởi những vọng tưởng ngông cuồng. Thí dụ con ếch muốn ăn thịt con ngỗng, đó là ngu si bởi vì con ếch làm sao mà ăn ngỗng được? Lại nữa, không đi học mà muốn có mảnh bằng tiến sĩ, mạo nhận ta là học giả với phong độ của một tri thức, sống có vẻ như ta là một tiến sĩ. Chẳng đi học gì cả mà muốn có bằng tiến sĩ. Ðó mới là ngu si. Lại có người chẳng hề mua vé số mà muốn trúng độc đắc, không vốn muốn sinh lời, thì đó cũng là hạng người ngu si vậy. Không làm ruộng, nhưng vào mùa thu trông thấy người ta gặt lúa thì cũng muốn có thu hoạch hoa lợi như họ, đó là việc tuyệt đối chẳng thể có được.
Cho nên Ông Hồ Ðại Xuyên có làm bài thơ Huyễn Tưởng Thi diễn tả ý nghĩ của người ngu si như sau:
Háo hoa thường linh triều triều diễm,
Minh nguyệt hà phương dạ dạ viên,
Ðại địa hữu tuyền giai hóa tửu,
Trường lâm vô thọ bất dao tiền.
“Háo hoa thường linh triều triều diễm.” Người tham sắc muốn hoa ngày ngày tươi đẹp, chẳng bao giờ tàn. Cho nên họ ao ước hoa luôn tươi thắm, thậm chí muốn vợ mình chẳng bao giờ già, cứ trẻ đẹp mãi. Ðó là ý nghĩ của người tham sắc.
Còn người thích du ngoạn thì nghĩ gì? “Minh nguyệt hà phương dạ dạ viên.” Vào ngày rằm trăng tròn và sáng, qua rằm thì trăng khuyết một ít và càng ngày càng khuyết nhiều hơn. Người thích thưởng trăng bèn nghĩ rằng: “Nếu đêm nào trăng cũng tròn như thế này thì hay biết mấy!”
Người thích uống rượu, vì hiện nay rượu quá đắt, tốn kém nhiều, bèn nghĩ rằng: “Ngày ngày mình uống rượu, phải chi tất cả dòng suối trên mặt đất biến thành rượu, đến nơi nào cũng có rượu uống, chẳng tốn tiền mua rượu mà vẫn có thể say sưa. Như vậy thì hay biết mấy!” Khởi vọng tưởng như thế thì thật là ngu muội.
Còn người bị đồng tiền mê hoặc thì sao? Người này cũng khởi vọng tưởng chẳng kém. Hắn nghĩ bụng: “Tiền! Hiện nay mình phải làm lụng vất vả mới kiếm được tiền. Ước gì tất cả cây trong rừng đều biến thành tiền, chỉ đến lắc nhẹ là tiền rơi xuống tha hồ tiêu xài. Cây ở hai bên lề đường cũng thế. Quả là tốt lắm ư!”
Quý Phật tử nghĩ xem, trên đây là những thí dụ về vọng tưởng ngu si, làm không được mà cũng cố nặn óc nghĩ ra. Như vậy người sa môn thì sao? Người sa môn chẳng có tâm si mê vọng tưởng, nhất tâm tu đạo. Sa Môn có bốn hạng:
1. Thắng Ðạo Sa Môn – Bậc Sa Môn tu đạo chứng quả, gia nhập hàng ngũ Thánh nhân, được gọi là “thắng đạo sa môn.”
2. Thuyết Ðạo Sa Môn – Bậc Sa Môn giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, được gọi là “thuyết đạo sa môn.
3. Hoạt Ðạo Sa Môn – Bậc Sa Môn lấy pháp làm lẽ sống, lấy đạo làm lẽ sống. Trong Phật giáo hàng sa môn này có thể tu đạo lại vừa phát bồ đề tâm.
4. Ô Ðạo Sa Môn – Ô là dơ bẩn. Ðây là hạng Sa Môn chẳng giữ giới luật, chẳng tu giới định huệ, Chẳng đoạn trừ thâm sân si. Tuy cũng được gọi là sa môn, nhưng hàng sa môn này nên sanh tâm hổ thẹn, cần tự vấn lương tâm.
“Bát Lặc Mật Ðế,” là tên vị dịch giả bằng Phạn ngữ, dịch ra Hán Văn là “Cực Lượng,” nghĩa là lượng của Ngài rất lớn, có thể nói: Kiến thức của Ngài bao trùm cả trời đất, tâm của Ngài trong sáng như mặt trời mặt trăng.
Lại có thể nói tâm Ngài bao trùm hư không, lượng của Ngài trải khắp thế giới nhiều như cát sông Hằng, cho nên gọi là cực lượng.
Vị Sa môn này rất thông minh, có trí tuệ. Ngài mang “Kinh Lăng Nghiêm” truyền sang Trung Quốc. “Kinh Lăng Nghiêm” vốn chẳng dễ gì truyền ra nước ngoài. Lần đầu tiên Ngài có ý định mang bộ Kinh này sang Trung Quốc, nhưng đến cửa ải thì bị tra xét, và chẳng những nhà cầm quyền cấm mang bộ Kinh ra khỏi nước mà chính ngay cả Ngài cũng bị cấm xuất dương. Lần thứ hai, Ngài bèn chép bộ Kinh trên lụa rất mỏng với nét chữ cực nhỏ. Rồi Ngài tự rạch bắp tay đặt kinh vào rồi kéo da phủ kín vết thương, thoa thuốc cao lên, và bằng cách này Ngài đã thành công mang bộ Kinh Lăng Nghiêm ra khỏi nước.
Ðối với người Trung Hoa Kinh Lăng Nghiêm rất lợi ích. Ngày xưa có nhiều vị tổ sư xuất gia cũng như cư sĩ, nhờ đọc tụng Kinh Lăng Nghiêm mà khai ngộ. Trong quá khứ, Kinh Lăng Nghiêm đã mang nhiều lợi ích đến cho rất nhiều người. Do đó công tác dịch Kinh Lăng Nghiêm của Ngài đối với chúng ta hiện tại và tương lai sẽ giúp ích rất nhiều. Cho nên những người nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm đều nên biết đến vị Sa-môn dịch giả này.
Vị Sa môn này thuộc ba hạng sa môn nói trên và không thuộc vào hạng thứ tư. Ngài đến Trung Quốc vào đời nhà Ðường, Sau khi Võ Tắc Thiên thoái vị. Ngài khởi sự dịch bộ Kinh này vào ngày 23 tháng 5 khi Ngài tới Quảng Châu.
Ðối với Phật-pháp và Phật giáo, Kinh Lăng Nghiêm có tác dụng và uy lực rất lớn. Cho nên người nghiên cứu Phật-pháp trước tiên cần hiểu rõ đạo lý trong Kinh Lăng Nghiêm.
Ngày nay, chúng ta phải hộ trì bộ Kinh này, đừng để kinh bị mai một.
Nếu chúng ta không sinh vào thời điểm này thì chúng ta chẳng có trách nhiệm gì cả. Chúng ta hiện ở trong đời này, vậy bổn phận chúng ta là phải dùng toàn lực và mọi khả năng để hộ trì bộ kinh này.
Khảo xét quá trình lịch sử Phật giáo, bộ Kinh Lăng Nghiêm vốn xuất xứ từ Long Cung. Ngài Long Thọ Bồ Tát đã đọc bộ Long Tạng tại Long Cung. Lúc xem đến bộ Kinh này, Ngài dùng trí nhớ của Ngài ghi lại toàn bộ Kinh, do đó trên thế gian mới có bộ Kinh Lăng Nghiêm này. Nước Thiên Trúc xem bộ Kinh Lăng Nghiêm là quốc bảo, cấm truyền ra nước ngoài. Vì người Trung Hoa có nhân duyên lớn với Phật giáo, nên mới được một vị Thắng Ðạo Sa Môn chẳng tiếc thân mạng mang bộ kinh này sang Trung Quốc. Hiện nay ai có thiện duyên xem được bộ Kinh Lăng Nghiêm đều nên đảnh lễ vị Sa môn này.
Trí Giả Ðại Sư lúc chưa thấy bộ Kinh Lăng Nghiêm đã từng hướng về nước Ấn Ðộ ở phương tây rập đầu lạy tên bộ Kinh này. Ngài lạy như vậy trong mười tám năm, nhưng rất tiếc Ngài vẫn chưa được trông thấy tận mặt bộ Kinh. Như vậy chúng ta may mắn có thiện duyên hơn Trí Giả Ðại Sư, chẳng cần lễ bái nhiều năm mà đã gặp được Kinh Lăng Nghiêm. Quý vị nghĩ xem, có phải nhân duyên của chúng ta hơn Trí Giả Ðại Sư chăng?