Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa IV

Nguyện thứ 34: Thiết ngã đắc Phật, thập phương vô lượng bất khả tư nghị chư Phật thế giới chúng sanh chi loại, văn ngã danh tự, bất đắc Bồ Tát sanh nhẫn, chư thâm tổng trì giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong vô số lượng bất tư nghì thế giới chư Phật ở mười phương, nghe danh hiệu của tôi mà không được vô sanh pháp nhẫn, cùng với các món tổng trì mầu nhiệm, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Ý chính của đại nguyện nầy là nói sự lợi ích của phương pháp trì danh niệm Phật. Người trì danh niệm Phật sẽ được nhất tâm bất loạn, được ghi rõ trong Kinh A Di Đà.  Người được Trì danh niệm Phật Tam Muội muốn vãng sanh về cõi Cực Lạc sẽ được vãng sanh dễ dàng.

Nguyện thứ 35: Thiết ngã đắc Phật, thập phương vô lượng bất khả tư nghị chư Phật thế giới, kỳ hữu nữ nhơn, văn ngã danh tự, hoan hỉ tín nhạo, phát Bồ đề tâm yểm ố nữ thân, thọ chung chi hậu, phục vi nữ tướng giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, thế giới chư Phật vô lượng không thể nghĩ bàn ở mười phương, trong ấy có người nữ nào, nghe danh tự tôi, vui mừng, tin ưa, phát Bồ Đề Tâm, nhàm ghét thân gái, sau khi mạng chung, lại còn làm thân người nữ nữa, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Ý chính của đại nguyện nầy, người muốn vãng sanh về cõi Cực Lạc, phải thực hành ba điều kiện sau đây:

1- Nghe danh hiệu Phật và cõi Cực Lạc y chánh trang nghiêm vui  mừng tin ưa muốn được về.

2- Phát tâm Bồ Đề.

3- Nhàm ghét thân gái, chán khổ Ta Bà. Người tu đủ ba hạnh nầy chắc được vãng sanh, trong Liên Tông thường gọi là Hạnh Hân (ưa) và Yểm (nhàm chán).

Nguyện thứ 37: Thiết ngã đắc Phật, thập phương bất khả tư nghị Chư Phật thế giới, chư Thiên nhơn dân, văn ngã danh tự, ngũ thể đầu địa, khể thủ tác lễ, hoan hỉ tín nhạo, tu Bồ tát hạnh. Chư thiên thế  nhơn mạc bất chí kính, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, hàng chư Thiên nhơn dân, nghe danh hiệu tôi, cúi đầu đảnh lễ, năm vóc gieo mình, vui mừng tin mến, tu hạnh Bồ Tát, chư Thiên và người đời đều kính trọng người đó, nếu chẳng như vậy, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Ý chính của nguyện nầy, người muốn vãng sanh cần phải tu Ngũ Niệm Môn là Lễ Bái Môn, Tán Thán Môn, Tác Nguyện Môn, Quán Sát Môn và Hồi Hướng Môn. Ngũ Niệm Môn bài học sau có phân tích rõ.

Tổ Thiện Đạo dạy: Người tu Tịnh Độ muốn chắc được vãng sanh, việc thật hành phải đúng với những điểm sau đây:

1- Phải tương ưng với đại nguyện của Phật A Di  Đà.

2- Phải đúng theo kinh giáo.

3- Phải thuận theo lời Phật dạy.

4- Phải chuyên hành niệm Phật vì không tạp duyên nên được chánh niệm.

Qua những đại nguyện mà chúng ta vừa khảo sát ở trên thì đại nguyện thứ 33 là Quang minh chạm thân được lợi ích, đại nguyện thứ 34 là nghe danh hiệu được lợi ích, đại nguyện 35 là nói hạnh hân yểm để thoát khỏi nữ thân, đại nguyện thứ 37 nói người tu Tịnh Độ được nhơn thiên kính trọng. Trọng tâm những đại nguyện này không có ý hướng dẫn vãng sanh về cõi Cực Lạc. Duy có đại nguyện thứ 18 lấy Tín,  Nguyện, Trì danh vãng sanh Cực Lạc, đã được diễn tả đầy đủ trong Kinh A Di Đà, đại nguyện thứ 19 lấy phát tâm Bồ Đề, tu các công đức, phát nguyện vãng sanh, được diễn tả đầy đủ trong Kinh Vô Lượng Thọ. Đại nguyện thứ 20 lấy nhớ danh hiệu và cõi nước, gieo trồng các công đức lành, hồi hướng vãng sanh được diễn tả rành rõ trong Quán Kinh. Trong phạm vi bài này chúng tôi đặt trọng tâm vào đại nguyện thứ 19 và ý chính của Kinh Vô Lượng Thọ hầu hoàn tất những yếu điểm mà  Tổ Thiện Đạo đã dạy.


III.- Phương pháp lên thuyền từ:

Muốn được lên thuyền từ, hành giả phải có tự nguyện, chính mình phát nguyện thực hiện những điểm cần yếu để phù hợp với đại nguyện. Đó là phương cách lên thuyền từ một cách an toàn.

Trong đại nguyện thứ 19 có nói, người muốn về Cực Lạc phải thật hành 4 yếu tố:

1- Phải vì sanh tử mà phát tâm Bồ Đề:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn là một Thái Tử, Ngài đã chứng kiến cảnh khổ sanh, già, bệnh, chết của con người, Ngài đã không chịu nỗi, quyết tâm tìm ra phương pháp để cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Vì thế vào đêm mùng 8 tháng 2, Ngài ra đi bỏ lại vợ đẹp, con ngoan, phụ hoàng và xã tắc để tìm ra đạo giải thoát sanh tử nhiệm mầu. Suốt 11 năm tìm đạo, đã trải qua biết bao nhiêu là gian lao cực khổ, cuối cùng Ngài đã tìm ra được phương pháp diệt trừ nguồn gốc sanh tử đó là Đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Quả Vô Thượng Bồ Đề là quả giác ngộ rốt ráo, cắt đứt sạch mối manh sanh tử. Hàng phàm phu bị phần đoạn sanh tử, hàng nhị thừa bị biến dịch sanh tử, hàng Bồ Tát bị cách ấm sanh tử, chỉ có Phật quả mới thoát khỏi hẳn sanh tử. Người tu Tịnh Độ không vì phước báo nhơn thiên, không vì quả vị Thanh Văn, Duyên Giác cho đến Quyền Thừa Bồ Tát mà vì muốn thoát ly sanh tử phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, lấy đó làm mục tiêu cứu kính để cố gắng thực hiện. Do đó, người tu Tịnh Độ cần phải luôn luôn lòng dặn lòng, quyết tâm tu hành để một đời này được vãng sanh về cõi Tịnh Độ Cực Lạc, thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ba nẻo sáu đường và từ đó tu tiến đến thành tựu quả vị Vô Thượng Bồ Đề mới thôi. Người đời cần phải có mục tiêu cao thì mới có kết quả cao, người tu có phát tâm thực hiện mục tiêu cứu kính thì mới có kết quả cứu kính.

Bồ Đề còn là cái nhân cứu kính của người tu Phật nên trong Kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Tất cả việc làm,  nếu không phát tâm Bồ Đề đều là ma nghiệp.” Vì thế, trong đại nguyện thường lấy phát Tâm Bồ Đề làm điều kiện chính yếu.

2- Tu các công đức:

Các công đức ở đây không ngoài các thiện căn tu tập của người tu Tịnh Độ.

a.- Thế gian thiện căn: Tổ Ấn Quang thường khuyên các vị cư sĩ là phải “Nhân luân tận phận” có nghĩa là trước tiên phải làm tròn đạo nhân luân ở thế gian là hiếu dưỡng cha mẹ, tôn thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp, rồi đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh về Cực Lạc, khi lâm chung gặp thiện tri thức hộ niệm giúp đỡ cũng được vãng sanh.

b.- Trì giới thiện căn: Người tu luôn luôn phải tôn trọng giới luật làm thầy. Người trì giới khi chưa thành Phật cũng có nhiều lợi ích là chư Phật thường hộ trì, khi lâm chung lòng giữ được chánh niệm, thành tựu các công đức đều nhờ giới, đời sau có đầy đủ phước huệ, nên người tu Tịnh Nghiệp cần phải thọ trì Tam Quy, giữ đầy đủ các giới đã thọ, và không phạm các oai nghi. Người tu trì giới Thiện Căn đem công đức trì giới hồi hướng vãng sanh về Cực Lạc thì chắc được toại nguyện.

c.- Xuất thế thiện căn: Đây là trọng tâm của người tu Tịnh Độ mà cũng là chánh nhân xuất thế. Vì thế, người tu Tịnh Độ phải phát tâm Bồ Đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và khuyến tấn hành giả, rồi hồi hướng vãng sanh Cực Lạc. Người tu xuất thế thiện căn này là người có đủ thiện căn, phước đức, duyên phần mà trong kinh A Di Đà đã đề cập tới.

3.- Hết lòng phát nguyện:

Yếu tố nầy trong Vãng Sanh Luận cũng gọi là Tác Nguyện. Chữ Tác Nguyện có nghĩa là thực hiện những gì theo ý nguyện của mình mà trọng tâm là dứt sạch ý nghiệp, nên Tác Nguyện là Nguyện niệm danh hiệu Phật được liên tục để ý nghiệp không còn có cơ hội hoạt động nữa.

4.- Nguyện sanh: 

Trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận dạy: “Bồ Tát ở cõi trược muốn chứng vị Bất thối thật khó, chỉ có cách dễ nhất là nguyện sanh về Tịnh Độ, liền chứng vị Bất thối.” Đó là Bồ Tát còn như thế, chúng ta phàm phu trong sanh tử tội nghiệp chất chồng, nếu không một lòng nguyện sanh thì không thể nào thoát khỏi sanh tử. Lại nữa, nguyện sanh là động cơ mạnh mẽ để được sanh về Cực Lạc. Dù người đã được Tam Muội Thâm Diệu mà không có lòng nguyện sanh vẫn không được sanh về Cực Lạc.

Tóm lại: Nếu chúng ta thật hiện trọn vẹn bốn điểm trên là chúng ta đã tương ưng với đại nguyện và phù hợp với Kinh Vô Lượng Thọ vậy.


IV.- Lợi ích:

Người tu theo Phật Nguyện có những điều lợi ích như sau:

1- Cảm và ứng hợp nhau: Muốn đưa một thỏi thép vào trong quỹ đạo của một từ trường thì thật là khó, nhưng đối với những người biết được Tính cảm ứng của từ trường, chỉ cần chuyền điện vào thỏi thép để thỏi thép ấy biến thành cục nam châm, thì tức khắc từ trường sẽ hút thỏi thép ấy vào thẳng trung tâm. Cũng thế, đại nguyện của đức Phật là một từ trường lớn, còn chúng ta mang nghiệp là thỏi thép nặng, còn 4 điều kiện trong đại nguyện là điện lực. Chỉ cần chúng ta thực hiện đúng yêu cầu của đại nguyện thì tức khắc chúng ta sẽ được tùy nguyện vãng sanh. Do đó,  Cổ Đức đã nói: ” Di Đà sáu chữ niệm luôn, móng tay chưa động Tây Phương đã về” là thế.

2- Chư Phật và Bồ Tát thường gia hộ:
Trong Kinh A Di Đà dạy: Người trì niệm danh hiệu Phật thì tất cả chư Phật trong sáu phương đều hộ niệm, và luôn luôn có 25 vị Đại Bồ tát thường theo gia hộ. Do đó, người niệm Phật các ma không khuấy phá, nghiệp chướng ít hoành hành, nên Cổ Đức cho pháp môn Tịnh Độ là con đường bằng phẳng, rộng rãi, không có hầm hố chông gai, nên hành giả dễ đi mà mau đến.

3- Kết quả chắc chắn: Người tu Thiền và các pháp môn khác, chỉ còn một chút hoặc nghiệp chừng   bằng sợi tơ, vẫn phải theo nghiệp mà chịu cảnh luân hồi.  Trái lại, người tu theo Phật Nguyện nếu trong đời đã sạch nghiệp thì được tự tại vãng sanh, dù công đức tu hành chưa cao, nghiệp cũ vẫn còn, khi lâm chung cũng nhờ năng lực của đại nguyện mà được mang nghiệp vãng sanh về cõi Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi, đầy đủ thắng cảnh, thắng duyên, nghiệp thức tự nhiên tiêu diệt. Chừng đó thì công nào không đủ, quả nào không tròn.

Người tu theo Phật Nguyện lấy đại nguyện của Phật A Di Đà làm động cơ tiếp dẫn, nhưng song song với đại nguyện chúng ta phải có tự nguyện, dùng năng lực của chính mình thật hiện những điểm yêu cầu chính yếu trong đại nguyện thì sức ta và sức Phật hợp nhau, nguyên lý cảm ứng cho ta kết quả rõ ràng.

Pháp tu này có rất nhiều lợi ích và thực tế, vì pháp môn nầy chủ trương chuyên tu, nhất hướng chuyên niệm. Nhất hướng là lòng luôn luôn nhớ về Tây phương, tâm luôn luôn ở một chỗ. Trong kinh dạy: Giữ tâm một chỗ, thì không có việc gì chẳng làm xong. (Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện). Chuyên niệm là chuyên xưng danh hiệu của Phật A Di Đà, không có tạp hạnh và tạp tu, nhờ có chuyên tu mà tâm dễ dàng được chánh định. Đó là những điểm thù thắng của phương pháp tu nầy. Vì thế, Tổ Thiện Đạo dạy: “Nếu chuyên tu, mười người tu, mười người được vãng sanh, trăm người tu, trăm người được vãng sanh. Trái lại, nếu tạp tu thì mười người tu không được một, vì không tương ưng với Đại nguyện. Điều ấy chúng ta cần phải suy nghĩ chín chắn trước khi hạ thủ.


Câu hỏi:

1. Nhiếp hóa Phàm Phu về cõi Cực Lạc có bao nhiêu Đại Nguyện? Nội dung của các Đại Nguyện như thế nào?

2. Muốn được lên thuyền từ để sang bờ giác Tịnh Độ, hành giả phải thực hành những điểm then chốt nào?

3. Năm Pháp lấy lò đốt thân là Pháp của 96 thứ ngoại đạo, muôn Thánh đồng quở. Chúng ta may gặp Chánh Pháp sao lại theo bánh xe của Tà kiến?

4. Trụ tướng bố thí kế quả vô thường thêm tăng lòng hữu vi, trái với đạo vô vi. Trong kinh nói: “Không phải ngã mà có thể thuận lý”. Vì sao chấp chặt sự duyên trần mà không quan tâm đạt Đạo?

Thích Hồng Nhơn

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.