MỘT NIỆM
Chỉ một sát na,
Quay về nương tựa.
Giải ngay tội nghiệp,
Nhìn thấy Nhất thừa.
Đất trời thu nhỏ,
Đầu sợi long tơ.
Núi sông còn đó,
Chẳng mộng không mơ.
Đường về quê cũ,
Trăng gió ơ thờ.
Mây bay nước chảy,
Tiếng nhạc, lời thơ…
oOo
VÔ THƯỜNG
Lá phong đã đổi màu vàng,
Tàn thu lá đã chuyển sang màu đà.
Vô thường đang cất tiếng ca,
Ca bài diệu hữu lời là chân không.
oOo
Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ, Chủ Tịch Hội Đồng Sáng Lập Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Chủ Trương Tuần Báo Saigon Post.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Mật Tông Vấn Đáp
– Sen Nở Trời Âu Mỹ – 2003
Những bài viết và thơ đã đăng trên các báo chí và websites của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại:
– Trái tim ngài Quảng Đức
– Văn hoá và Phật Giáo
– Nhịp cầu cảm ứng
– Hồn thơ trong ánh mắt Thiền
– Sự đóng góp của Phật Giáo cho thế giới trong thế kỷ 21
– Người cư sĩ hải ngoại trước thời đại mới
– Xuân tâm, thơ
– Về quê, thơ
– Về chân tánh, thơ
I. Cái Nhìn Cập Nhật
Nhân loại đang bước vào Thế kỷ 21, đồng thời cũng vào đầu Thiên niên kỷ thứ 3 theo Tây lịch, dù rằng theo Phật lịch thì đã qua quá nửa ngàn năm thứ ba rồi. Đứng trước thời đại mới, người cư sĩ phải có “cái nhìn” cho hợp thời và đứng đắn về nhân sinh và vũ trụ để tu hành và sống đạo. Đó là tinh thần “Khế lý, khế cơ” của đạo Phật. “Khế cơ” là hợp với cơ duyên, với môi trường sống, với xã hội và nhân sinh. “Khế lý” là hợp với lẽ thật, hợp với lẽ sống, với quy luật vận hành của vũ trụ v. v…
Trái đất của chúng ta cho đến nay đã trải qua rất nhiều nền văn minh hiện còn lưu dấu, giờ đây đang ở vào thời kỳ của nền văn minh khoa học vật chất. Thời đại khoa học bắt đầu từ Thế kỷ 17 tiến triển trong 300 năm trở nên phong phú và rực rỡ vào Thế kỷ 20. Đây là thời đại mà tất cả chúng ta đều thấy và đang hưởng thụ với máy bay, xe hơi, truyền hình, điện thoại, computer v.v… khoa học càng phát triển thì thời gian dường như thâu ngắn lại và không gian có vẻ như thu hẹp lại. Trong khi đó thì các tôn giáo đều bị khoa học vấn nạn nhất là về mặt vũ trụ quan. Mới đây vào giữa tháng 2-2003 đài CNN loan tin về việc các khoa học gia của trung tâm NASA đã công bố về tuổi của vũ trụ này là 13.7 tỷ năm nhờ vào hình ảnh do tàu vũ trụ không người lái có tên tắt là WMAP (Wilkinson Microware Anisotropy Probe) cung cấp. Khi các khoa học gia công bố như vậy thì mặc nhiên phủ nhận về tuổi của vũ trụ trong kinh Cựu ước đến nay khoảng gần Bảy ngàn năm của Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Các khoa học gia phải công nhận thuyết vũ trụ của Phật giáo với Thành, Trụ, Hoại, Không tương tự như thuyết “Big Bang” mới được tìm ra năm 1929 bởi Edwin Hubble và thuyết “Hằng sa thế giới” của Phật giáo được khoa học công nhận với sự tìm ra hằng tỷ Thiên hà chứ không phải chỉ có Thiên đàng, Hỏa ngục và Thế gian nầy. Đó là về Vũ trụ còn với Nhân sinh thì“thuyết lượng tử và bản đồ Gene” chứng tỏ “Thuyết Tánh không và Duyên sanh” của Phật giáo đúng với khoa học.
Điều tôi vừa trình bày trên là cái nhìn về Vũ trụ và Nhân sinh của Khoa học ngày nay tương đồng với Phật giáo. Từ cơ sở đó nếu người Phật tử hiểu được thì đây là cơ hội để khoa học và Đạo Phật cùng bắt tay nhau phụng sự nhân loại và Thế kỷ 21 nầy là của Phật giáo và Khoa học.