Truyền Kỳ Về Vị Thiền Sư-Tổ Nghệ Đúc Đồng Việt Nam

(Phunutoday) – Từ xưa tới nay, người ta vẫn tranh cãi không ngớt về thân thế của thiền sư Không Lộ, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông thực tế chỉ là một “cái bóng” lẫn lộn của thiền sư nổi tiếng khác là Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng, những sự tích còn lưu lại cho tới ngày nay đều cho thấy, thiền sư Không Lộ là một nhân vật hoàn toàn có thực…

Từ ngư dân cao đạo

Theo những gì mà sử sách còn ghi lại, thiền sư Không Lộ sinh năm 1016, mất năm 1094, vốn tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê ở Hải Thanh, Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Có người lại nói, không biết sư tên thật là gì, chỉ biết là người họ Dương, quê ở làng Hải Thanh. Tuy nhiên, các sử liệu đều thống nhất cho rằng, họ Dương nhiều đời làm nghề bắt cá kiếm sống qua ngày, nhưng đến đời Dương Không Lộ thì lại là người rất thạo văn chương và giàu lòng từ thiện.

Vốn nuôi chí hải hồ từ nhỏ nên khi còn thiếu thời, Dương Không Lộ đã dạo chơi khắp các nơi từ Tam Điệp, Thần Phù, Lộng Khê (Thái Bình)… Khi tới Chùa Am tại làng Lại Trì, thấy cảnh phật thanh tịnh, huyền bí mới đem lòng mến đạo. Vì vậy, tới năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 2, tức năm 1044, khi mới 29 tuổi, Dương Không Lộ quyết định xuống tóc, xuất gia tu Phật. Khi mới bắt đầu đi tu, Dương Không Lộ cùng với hai người bạn là Giác Hải và Từ Đạo Hạnh cùng theo học thiền sư Lôi Hà Trạch.

Ít lâu sau đó, sư Từ Đạo Hạnh về tu ở chùa Thiên Phúc, nay là Sài Sơn, xã Phúc Sài, Sơn Tây, còn hai sư Không Lộ và Giác Hải về chùa Diên Phúc, thuộc Hải Thanh, Nam Định cùng chuyên tâm nghiên cứu về đạo Thiền.

Tới năm 1059 đời vua Lý Thánh Tông, khi cùng ngồi bàn nghĩa trong kinh với hai đạo hữu lâu năm là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, Dương Không Lộ nói rằng: “Chúng ta đã nghe pháp Phật nhiệm màu từ lâu nhưng chưa được thấu. Chi bằng chúng ta sang tận Thiên Trúc nơi Phật giáng sinh để học đạo mới mong đạt thành chánh quả được”. Từ Đạo Hạnh và Giác Hải đều cho là phải, thế rồi cả ba người cùng nhau tìm đường sang Tây Thiên học đạo.

Truyền thuyết kể rằng, khi cả ba đi đến xứ răng vàng, thấy đường xá hiểm trở, khó đi, đang định quay về thì bỗng thấy một ông già chèo một chiếc thuyền nhỏ, thảnh thơi đi dạo chơi trên sông, 3 người cùng đến hỏi: “Thưa cụ, từ đây sang Tây Thiên đường còn bao xa?” Cụ già đáp: “Đường núi hiểm trở, đi bộ không được đâu, tôi có chiếc thuyền này có thể chở giúp các ông sang được, lại có cây gậy cho các ông cầm, cứ chỉ thẳng về phía Tây Vực mà đi, thì sẽ đến ngay”.

Nói xong cụ già đọc bài kệ. Đọc kệ xong, chỉ trong khoảng giây lát thuyền đã ghé đến bến Tây Thiên. Ba người nhờ vậy đến được Tây Thiên, học được phép linh dị. Sau khi đắc đạo, ba người kết nghĩa làm anh em, Từ Đạo Hanh làm huynh trưởng, rồi cùng trở về truyền bá Phật pháp cứu giúp cho đời.

Chính cuộc hành trình sang Tây Thiên học đạo cùng với nguồn gốc câu chuyện chữa bệnh “hóa hổ” kỳ lạ của vua Lý Thần Tông, người được cho là do sư Từ Đạo Hạnh hóa thân mà thành, khiến nhiều người lầm lẫn thiền sư Không Lộ với sư Minh Không vốn là đệ tử của sư Từ Đạo Hạnh.

Chuyện kể rằng, khi ba người ngồi thuyền đến Thiên Trúc, Từ Đạo Hạnh ở lại giữ thuyền, còn Giác Hải và Không Lộ lên bờ học phép. Sau khi học được phép thiêng, Giác Hải và Không Lộ đã bỏ về trước.

Từ Đạo Hạnh ngồi giữ thuyền 3 ngày mà không thấy tin tức của 2 bạn đồng hành đâu, đúng lúc đó bỗng thấy một cụ già đi đến. Từ Đạo Hạnh vái chào rồi hỏi: “Cụ có thấy 2 người lên học đạo đó không?”. Cụ già nói: “Hai người đó đã học được phép thiêng của ta và đã trở về nước rồi”. Từ Đạo Hạnh bèn vái lạy và kể rõ cho cụ biết mọi chuyện, cụ già nghe nói bèn sai Từ Đạo Hạnh gánh 2 thùng nước về nhà, rồi dạy cho mọi phép thiêng cùng phép rút đất chân truyền Đà-la-ni.

Chùa Keo
Chùa Keo

Sau khi học xong phép thiêng, Từ Đạo Hạnh tự hiềm vì 2 người bạn đã thất ước, bèn đọc thần chú khiến 2 người bạn đang đi đường đau bụng quá phải ngồi nghỉ. Sau đó, Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất vượt lên phía trước, rồi hóa thành một con hổ núp trong bụi rậm đợi Giác Hải và Không Lộ đi qua mới nhảy ra dọa. Tuy nhiên, Không Lộ đã biết trước ý định của Từ Đạo Hạnh, cứ ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à? Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…”

Từ Đạo Hạnh biết mình còn kém Không Lộ đành hiện lại nguyên hình, lạy tạ và khẩn khoản nói: “Ngu đệ không tự biết mình, trót làm điều xúc phạm, xin đạo huynh tha thứ. Quả báo sau này có sa vào nghiệp chướng ấy, xin đạo huynh ra tay cứu giúp”. Quả báo mà Từ Đạo Hạnh nói đến sau này chính là việc ông phải đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông và mắc phải căn bệnh “hóa hổ” kỳ lạ mà không danh y nào có thể chữa được, và chính thiền sư Không Lộ nhớ lời bạn dặn khi xưa đã ra tay cứu giúp.

Đúc đồng
Đúc đồng

Cũng có người lại nói rằng, khi nghe Từ Đạo Hạnh xin được cứu giúp, cả Không Lộ và Giác Hải đều nói rằng: “Chúng tôi bây giờ đã lớn tuổi, tất cả chỉ còn trông đợi ở Minh Không”. Chính vì vậy, người thực sự đã giúp Từ Đạo Hạnh chữa bệnh “hóa hổ” cho Lý Thần Tông là sư Minh Không chứ không phải là sư Không Lộ. Điều này được cho là sát với thực tế hơn, vì khi vua Lý Thần Tông mắc bệnh hóa hổ lúc hai mươi mốt tuổi, tức năm 1136, thì thiền sư Không Lộ đã viên tịch vào năm 1094, do đó không thể là người chữa bệnh cho Lý Thần Tông được. Trong khi đó, thiền sư Nguyễn Minh Không viên tịch năm 1141, do vậy nói rằng Minh Không chữa bệnh cho vua Thần Tông thì hợp lý hơn cả.

Tới ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam

Sử sách cũng ghi chép rằng, sau khi đắc đạo, sư có thể bay lên không trung, hoặc đi trên mặt nước giống như Sư tổ Đạt Ma. Thậm chí có truyền thuyết còn kể rằng, mỗi khi thiền sư Không Lộ đi vào rừng sâu, núi cao, cọp thấy cũng phải cúi đầu, rồng gặp cũng phải nép phục. Những pháp thuật của Dương Không Lộ không thể đo định được.

Tương truyền, vào năm 1066, thời vua Lý Nhân Tông, vua kiến tạo điện Hưng Long cả năm mới xong, điện cực kỳ tráng lệ. Bỗng trên nóc có hai con chim cáp đậu kêu to, tiếng vang như sấm. Vua lo buồn chẳng vui, quan chỉ huy thấy thế tâu: “Điềm này chỉ có Không Lộ và Giác Hải mới trừ được.” Vua bèn sai ông đi thỉnh Không Lộ, ngày rằm tháng giêng, ông đến trước chùa của Không Lộ.

Vừa nhìn thấy mặt quan, Dương Không Lộ đã hỏi: “Quan chỉ huy sao đến chậm vậy?”. Ông quan chỉ huy hỏi lại: “Sao thầy biết trước chức của tôi?”. Không Lộ mỉm cười đáp: “Ta cỡi trăng đạp gió chợt vào thành vua, sớm đã nghe biết việc này.” Liền hôm ấy, Không Lộ đến kinh đô, thẳng đến điện Hưng Long, rồi tụng chú thầm, hai con chim lạ ấy nghẹn cổ chẳng kêu, giây lát sau liền rơi xuống đất. Nhờ công trạng này, vua Lý Thần Tông thưởng cho Không Lộ một ngàn cân vàng, và năm trăm khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa và phong chức quốc sư.

Ngoài những truyền thuyết về những phép thần thông kỳ lạ, Dương Không Lộ còn được coi là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Tương truyền rằng, Dương Không Lộ có ý định đúc “An Nam tứ đại khí” nhưng hiềm nỗi nước ta khi đó rất thiếu đồng. Khi đó, Dương Không Lộ nghĩ rằng: “Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được”.

Nghĩ xong, Sư thẳng đường sang Bắc triều (Trung Quốc). Khi sư xin vào chầu, ngỏ ý xin đồng mang về nước. Vua Tống hỏi sư mang được bao nhiêu, Dương Không Lộ nói chỉ xin một quảy mang về. Vua Tống bật cười đồng ý ngay, cho rằng, một mình sư với cái quảy thì chẳng mang được bao nhiều đồng về nước Nam. Tuy nhiên, đến khi vào kho thì Không Lộ lấy hết cả đồng mà quảy vẫn chưa đầy. quan giữ kho le lưỡi lắc đầu, vào triều tâu việc ấy cho vua. Vua ngạc nhiên hối hận, nhưng lỡ hứa rồi, không biết làm sao.

Về nước, Không Lộ đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, đúc một tượng Phật Di-đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Không Lộ đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại, Không Lộ đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, Không Lộ đúc một cái vạc. Phần còn dư, Không Lộ đem về chùa quê làng đúc một đại hồng chung nặng ba ngàn ba trăm cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước, Giao Thủy nặng ba ngàn cân. Cũng kể từ thời Không Lộ, nghề đúc đồng ở nước ta mới phát triển và hậu thế vẫn coi Không Lộ như là ông tổ của nghề đúc đồng ở Việt Nam.

Cái chết của thiền sư Không Lộ cũng được người đời sau gắn cho nhiều huyền thoại. Theo những gì còn được ghi chép lại, thì vào ngày 3 tháng 6 năm Hộ Trường Khánh thứ 10 (tức 1094) đời Lý Nhân Tông, thiền sư Không Lộ viên tịch.

Thiền sư Không Lộ
Thiền sư Không Lộ

Người ta nói rằng, khi ấy môn đồ của thiền sư đã làm lễ hoả táng, thu xá lợi Phật, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang, là nơi sư trụ trì. Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết dân gian còn được lưu lại tại chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình) thì lại kể rằng, trước khi viên tịch, thiền sư hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Cho tới ngày nay, pháp thân của Dương Không Lộ vẫn còn được lưu giữ ở phần điện phía trong chùa.

Theo sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự.

Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi. Trong đó, một nửa chuyển về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo – Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định), một nửa vượt sông đến định cư ở phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo – Thái Bình.

Bằng Hư

http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201201/Truyen-ky-ve-vi-thien-su-to-nghe-duc-dong-Viet-Nam-2127190/

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.