Người Aztec, người Maya và người Ai Cập cổ thuộc ba nền văn minh rất khác nhau nhưng lại cùng chung một biểu tượng: các kim tự tháp. Tuy nhiên, trong ba nền văn minh cổ đại này, những chuẩn mực về thiết kế kim tự tháp do người Ai Cập đặt ra được phần lớn mọi người công nhận là kiểu kim tự tháp cổ điển: một công trình đồ sộ với đế vuông, bốn mặt trơn hình tam giác hướng đến đỉnh. Còn người Aztec và người Maya lại xây những kim tự tháp của họ theo hình các bậc nối tiếp nhau có đỉnh dẹt.
Saqqara: Kim tự tháp đầu tiên (Ảnh: Google)
Theo lời giải thích của Donald Redford – giáo sư chuyên nghiên cứu nền văn minh Địa Trung Hải cổ xưa tại bang Pennsylvania, có thể người Ai Cập cổ chọn kiểu dáng khác biệt cho những ngôi mộ pharaoh của họ vì họ tôn thờ thần mặt trời. Thần mặt trời của người Ai Cập được coi là đấng sinh thành các pharaoh. Thần đã tự tạo ra mình từ một ngọn đồi nhỏ có hình kim tự tháp trước khi tạo ra các vị thần khác. Hình dáng của kim tự tháp tượng trưng cho các tia sáng mặt trời.
Theo giáo sư Redford, “người Ai Cập bắt đầu xây dựng các kim tự tháp một thời gian ngắn sau năm 2700 trước công nguyên, thời kì hoàng kim của các kim tự tháp dành cho hoàng tộc kéo dài khoảng 1000 năm, đến năm 1700 trước công nguyên”. Kim tự tháp đầu tiên được hoàng đế Djoser triều đại Ai Cập thứ ba xây dựng. Kiến trúc sư của kim tự tháp đầu tiên là Imohtep. Ông đã xây dựng một kim tự tháp hình bậc thang bằng cách chồng sáu ngôi mộ hình chữ nhật của các đời vua trước đó. Lớn nhất và nổi tiếng nhất là các kim tự tháp tại thành phố Giza, trong đó bao gồm kim tự tháp Giza của pharaoh Khufu.
Nhiều thế kỉ nay, con người đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về quá trình xây dựng các kim tự tháp. Một số cho rằng các kim tự tháp chắc chắn do các sinh vật ngoài trái đất xây dựng. Còn những người khác lại tin rằng người Ai Cập đã sở hữu một bí quyết đã bị thất truyền qua nhiều thế hệ.
Theo giáo sư Redford, mặc dù quá trình xây dựng các kim tự tháp rất phức tạp nhưng nó cũng không hoành tráng như đa số chúng ta vẫn nghĩ. Có khoảng 20.000 đến 30.000 nhân công được huy động để xây dựng kim tự tháp Giza trong vòng chưa đầy 23 năm. Nhưng hãy thử so sánh với Thánh đường Notre Dame tại Paris, người ta phải mất đến gần 200 năm để hoàn thiện thánh đường này.
Cũng theo giáo sư Redford, các pharaoh đều bắt đầu xây dựng các kim tự tháp dành cho mình ngay khi họ lên ngôi. Đầu tiên, pharaoh phải thành lập một ủy ban xây dựng kim tự tháp bao gồm một đốc công, một kỹ sư trưởng và một kiến trúc sư. Thường thường các kim tự tháp được đặt bên bờ tây sông Nile với quan niệm rằng linh hồn của các pharaoh sẽ hòa cùng với ánh mặt trời khi mặt trời lặn xuống trước khi tiếp tục chu trình bất diệt cùng vầng thái dương. Giáo sư Redford thêm rằng, hai yếu tố quyết định đến vị trí xây dựng kim tự tháp là các kim tự tháp phải hướng đến chân trời phía tây nơi mặt trời lặn, đồng thời phải gần thành phố trung tâm Memphis của Ai Cập cổ đại.
Phần trung tâm của các kim tự tháp thường được xây dựng từ đá vôi lấy trong vùng. Đá vôi có chất lượng tốt hơn được dùng để xây lớp ngoài của kim tự tháp khiến chúng có một màu trắng lấp lánh có thể nhìn được từ cách xa hàng dặm. Đá đặt trên đỉnh thường là đá granit, bazan hoặc bất kì loại đá cứng nào khác có thể mạ được vàng, bạc hoặc electrum – hợp kim vàng và bạc. Đặc biệt những viên đá đó phải phản chiếu tốt ánh sáng mặt trời.
Giáo sư Redford cho biết việc các nô lệ bị ép buộc tham gia vào công cuộc xây dựng các kim tự tháp như mọi người vẫn nghĩ là không hề đúng. “Quan niệm về nô lệ của nền văn minh Ai Cập cổ là một vấn đề rất phức tạp do bản thân những khía cạnh hợp pháp của sự phục tùng có giao kèo cũng như chế độ chiếm hữu nô lệ cũng phức tạp”. Những người nông dân nghèo đi xây dựng kim tự tháp sẽ được miễn thuế, họ được đưa đến các công trường xây dựng, nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và quần áo.
Những kim tự tháp tại Giza (Ảnh: Google)
Phương pháp cắt và vận chuyển đá của người Ai Cập cổ đại hiện vẫn đang được nghiên cứu. Các học giả đã tìm được bằng chứng người Ai Cập cổ sử dụng những cái đục bằng đồng đỏ để khai thác sa thạch và đá vôi. Đối với những loại đá cứng hơn như granit hay diorit đòi hỏi phải có những dụng cụ mạnh hơn. Dolerit – một loại đá lửa màu đen rất cứng được người Aswa sử dụng để lấy đá granit.
Trong quá trình khai quật, các cối giã bằng dolerit đồ sộ được sử dụng để đập những mẩu đá bên ngoài khối granit cần lấy. Theo Redford, có khoảng 60 đến 70 người đàn ông làm nhiệm vụ đập đá. Ở phần đáy, họ sẽ chèn những miếng gỗ vào các khe bị cắt rồi đổ nước vào những khe này. Miếng gỗ chèn sẽ nở ra, tách đôi viên đá rồi sau đó chúng trượt xuống một con tàu đang đợi sẵn.
Một nhóm người hoặc một đàn bò sẽ kéo những tảng đá trên một đường trượt được bôi trơn bằng dầu đã chuẩn bị sẵn. Giáo sư Redford nói rằng hình ảnh trên ngôi mộ có niên đại từ thế kỉ 19 trước công nguyên tại miền trung Ai Cập đã mô tả “một bức tượng thạch cao tuyết hoa cao hơn 6m được 173 người đàn ông dùng bốn sợi dây thừng kéo, bức tượng đi đến đâu sẽ có một người đàn ông khác bôi trơn đường trượt đến đó.”
Khi các khối đá được vận chuyển đến công trường, những con dốc nhỏ được xây dựng để đưa đá lên kim tự tháp. Người ta dùng gạch làm từ bùn để tạo những con dốc đó rồi phủ vữa lên trên để làm cứng bề mặt. Redford chú thích: “Nếu họ liên tục nâng những con dốc từng chút một khi kéo đá lên thì họ sẽ đưa được những khối đá lên đúng vị trí khá dễ dàng”. Ông cũng cho biết, ít nhất thì một con dốc như thế hiện vẫn còn tồn tại.
Khi giải đáp những hoài nghi về chuyện tại sao những khối đá nặng như thế có thể được vận chuyển mà không cần máy móc, giáo sư Redford đã nói rằng: “Tôi thường cho những người còn hồ nghi xem một bức ảnh chụp 20 người làm của tôi tại một địa điểm khảo cổ đang kéo một khối đá granit nặng hai tấn rưỡi. Tôi biết điều đó là hoàn toàn có thể bởi chính tôi cũng tham gia kéo đá.”
Trà Mi (Theo Physorg)
http://www.khoahoc.com.vn/khampha