Một số cha mẹ khác lại không biết cách dạy con. Trong thực tế, nhiều người đã có cháu nội cháu ngoại nhưng vẫn không biết cách dạy con dạy cháu. Cách giáo dục con cái cần phải học, phải kinh nghiệm, phải tìm hiểu tâm lý của trẻ, phải tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà có phương pháp giáo dục phù hợp…
Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng đang là nỗi lo của toàn xã hội, đâu là nguyên nhân của vấn nạn này?
Chúng ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân chính như sau:
1. Do nền nếp gia đình lỏng lẻo, cha mẹ không có thời gian chăm lo, quản giáo con cái.
2. Một số cha mẹ lại không ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái, chỉ nghĩ đơn thuần thương con là lo cho con ăn ngon mặc đẹp, cho tiền nhiều để con tiêu xài, sắm xe xịn, điện thoại đắt tiền cho con sử dụng, con muốn gì được nấy, không để con thua kém bạn bè v.v… tức đáp ứng mọi đòi hỏi về vật chất của con.
Một số cha mẹ khác lại không biết cách dạy con. Trong thực tế, nhiều người đã có cháu nội cháu ngoại nhưng vẫn không biết cách dạy con dạy cháu. Cách giáo dục con cái cần phải học, phải kinh nghiệm, phải tìm hiểu tâm lý của trẻ, phải tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà có phương pháp giáo dục phù hợp. Có khi gặp những tình huống khó khăn, bị bế tắc, không biết cách xử lý, không tìm ra được phương hướng giáo dục con cái, các bậc cha mẹ cần phải nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý. Trẻ ngày nay khác với trẻ thời xưa, có điều kiện tiếp xúc nhiều với xã hội bên ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet… Hoàn cảnh xã hội, điều kiện, môi trường nuôi dưỡng, dạy dỗ ngày nay cũng khác, cho nên có những phương pháp, cách thức ngày xưa không còn phù hợp với hoàn cảnh bây giờ.
Lại có không ít cha mẹ dạy “hư” con cái. Điều này nghe trái tai, bởi có ai cho rằng mình dạy “hư” con cái bao giờ, nhưng sự thật là như thế: Dạy con cái cách tiêu tiền, hưởng thụ vật chất (ăn chơi, chưng diện, khoe đẹp, khoe giàu, xa hoa phung phí trong cách ăn mặc, xài tiền, sử dụng các phương tiện hiện đại, cờ bạc, rượu chè, hút sách…), vô tình hoặc cố ý, trực tiếp hoặc gián tiếp dạy con cái cậy quyền cậy thế, cậy tiền của mà xem thường người khác, xem thường đạo đức, xem thường pháp luật, dạy con cái cách kiếm tiền và sử dụng tiền bằng các hành vi, thủ đoạn bất chính trái đạo lý, vi phạm pháp luật (mua bán bằng cấp, chức vụ, tiếng tăm, tham ô, tham nhũng, lợi dụng lòng tin của người khác, lừa đảo, chiếm đoạt…)
3. Do nhà trường đặt nặng giáo dục tri thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, xem nhẹ việc dạy trẻ làm người, không quan tâm đến việc dạy về những giá trị sống và kỹ năng sống.
Nhân cách trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhưng không được quan tâm giáo dục, những tình cảm, tâm lý, đạo đức tốt không được “gieo trồng” và “chăm sóc”, trẻ không được cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết để chọn lựa những giá trị sống, để biết cách thích nghi, ứng phó với những tình huống xảy ra khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp. Trẻ không được giáo dục, định hướng để chọn lựa, tiếp thu những cái có lợi, loại bỏ những cái có hại, từ đó trẻ chơi vơi giữa “chợ đời” đầy chông gai, cám dỗ, trẻ bị chao đảo giữa những giá trị ảo và thật, giữa làn ranh thiện ác, tốt xấu, trẻ không xác định được mục tiêu đời mình, dễ dàng tiêm nhiễm những thói hư tật xấu dẫn đến hư hỏng, bị tha hóa do nhận thức sai lầm, lệch lạc. Ngay cả người đã trưởng thành nếu nhận thức kém, thiếu hiểu biết, không quan tâm rèn luyện trau giồi nhân cách đạo đức vẫn có thể bị tha hóa huống chi là trẻ.
4. Do phim ảnh bạo lực và game bạo lực khơi dậy và nuôi dưỡng những cảm xúc, tâm lý tiêu cực nơi trẻ như sân hận, thù hằn, đố kỵ, tính hiếu chiến, dễ kích động…
Thế giới ảo của game bạo lực là một trong những nguyên nhân lớn khiến trẻ trở nên chai lì, lạnh lùng, vô cảm, độc ác, mất nhân tính. Trẻ tiếp xúc quá nhiều với game bạo lực, hóa thân thành nhân vật trong game, khi trở về với thế giới thật bên ngoài, trẻ luôn bị thế giới game ám ảnh. Thế giới bạo lực của game chỉ có chiến tranh, hận thù, trả đũa, đánh nhau, giết chóc, thế giới của game là thế giới không có lý lẽ phải quấy, thiện ác, chánh tà, không có đạo lý, không có luật pháp, không có hòa bình, nhân đạo, mà chỉ có hai phe đối lập là người chơi và nhân vật ảo trong game. Khi đã tiếp xúc quá nhiều với game, thế giới bên ngoài trong mắt trẻ sẽ giống như thế giới của game (thế giới của chiến tranh, thù hận, thế giới của giang hồ), và trẻ có hành vi ứng xử như trong thế giới của game, có nghĩa là dùng vũ lực để giải quyết vấn đề: Đánh giết bằng dao búa, gậy gộc, súng đạn v.v.. Điều này không có nghĩa là trẻ không phân biệt được đâu là thế giới ảo của game và đâu là thế giới thật bên ngoài, mà là tâm lý trẻ bị những tác động, ảnh hưởng từ thế giới game, từ đó phát triển theo hướng không lành mạnh, nhận thức, nhân cách phát triển lệch lạc. Hơn thế nữa, tính hung hãn, bạo động, hiếu chiến trong con người nếu luôn bị game kích hoạt làm cho trổi dậy và được nuôi dưỡng làm cho phát triển thì dần dần nó trở thành tính cách của con người, con người thật bên ngoài trở thành hiện thân của nhân vật trong thế giới ảo game.
5. Môi trường xã hội không lành mạnh, những hình ảnh không đẹp trong thế giới người lớn (rượu chè sáng tối, cờ bạc đỏ đen, ăn chơi vô độ, gây gổ, đánh nhau, cư xử thiếu văn hóa, lái xe lạng lách, vượt đèn vượt trạm, xem thường pháp luật, khạc nhổ phóng uế bừa bãi, nói tục chửi thề; vô cớ gây sự đánh người, giết người; xung đột giữa người lớn với nhau chỉ vì những va chạm, mâu thuẫn nhỏ nhặt. Người dân kém ý thức đạo đức, kém ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, không có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Khắp nơi đâu đâu cũng chuộng vẻ hào nhoáng bên ngoài, thích ăn chơi hưởng thụ, chạy đua đi tìm những giá trị ảo), phim ảnh, sách truyện, game bạo lực, quá nhiều thông tin về tệ nạn xã hội trên các báo đài, mạng internet tác động vào tình cảm, tâm lý trẻ, khiến cho hình ảnh con người và xã hội trong mắt trẻ trở nên xấu xa, đen tối (ít người tốt, nhiều kẻ xấu, cuộc sống luôn tiềm ẩn những nỗi bất an), từ đó trẻ luôn có tâm lý phòng thủ, chống đối, nghi ngờ, lo sợ. Xã hội còn tồn tại quá nhiều bất công phi lý khiến cho trẻ không có niềm tin vào điều tốt, điều thiện không có niềm tin vào công bằng, lẽ phải…
6. Phim ảnh, webside khiêu dâm, tình cảm ướt át, nhăng nhít không phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhưng vẫn bàng bạc khắp nơi, bày ra trước mắt trẻ, khiến trẻ rơi vào tình trạng yêu đương sớm, xao lảng việc học, lạm dụng tình dục, phá thai…
7. Các thông tin quảng cáo rầm rộ trên báo chí, truyền hình, mạng internet, điện thoại di động liên tục tác động kích thích, khơi gợi những ham muốn, dục vọng của con người, khiến trẻ mắc phải những chứng bệnh như đua đòi, ăn diện, muốn thể hiện mình, thể hiện đẳng cấp qua việc tiêu tiền, xài hàng hiệu, cờ bạc rượu chè, ăn chơi hút sách, xa hoa trụy lạc, ham chuộng hư danh…
Trong nhiều trường hợp, đối với nền giáo dục gia đình, trẻ không hấp thụ được gì cả từ tình cảm đạo đức cho đến nhận thức hiểu biết giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách. Không ít trẻ còn chịu ảnh hưởng, bị những tác động xấu từ môi trường gia đình khiến chúng hình thành tâm lý tình cảm, nhận thức một cách tiêu cực, nhân cách lệch lạc. Cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ, không có khẩu giáo thích hợp (những lời dạy dỗ, khuyên răn, nhắc nhở, chia sẻ, động viên, an ủi…), không có thân giáo (hành động, việc làm chính đáng, lối sống chuẩn mực làm gương cho trẻ học tập, noi theo), nhiều bậc cha mẹ có biểu hiện xấu khiến trẻ không có sự kính trọng cha mẹ, không có sự kính trọng những người lớn tuổi, khiến trẻ mất niềm tin vào người lớn, mất niềm tin vào lời dạy của cha mẹ, thầy cô, mất niềm tin vào điều hay lẽ phải và không có lòng tự trọng. Ví dụ như tình trạng cha mẹ giáo dục con bằng đòn roi, chỉ biết đánh đập, chửi bới, mắng nhiếc mà không dạy được điều gì, không giải thích cho con trẻ hiểu, không khuyên bảo, không quan tâm xem trẻ nghĩ gì, muốn gì, tại sao trẻ lại có hành vi như thế. Có những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực, thường xuyên là nạn nhân bạo hành của cha hoặc mẹ mình, tình cảm, tâm lý bị tổn thương, khi lớn lên chúng có tính yếu đuối, nhút nhát, thiếu tự tin, luôn bị nỗi sợ hãi bạo lực ám ảnh. Những trường hợp khác trẻ trở nên chai lì, cứng đầu khó dạy hơn, khi lớn lên chúng lại trở thành những kẻ có hành vi bạo lực như chúng đã từng chịu đựng thuở nhỏ. Cũng có tình trạng trẻ sống trong gia đình thiếu tình thương yêu, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, khi gặp những khó khăn, rắc rối trong đời sống, trong học tập không được cha mẹ chia sẻ, giúp đỡ tháo gỡ, đôi khi còn bị áp lực từ gia đình, cha mẹ, từ công việc, học tập, dần dần trẻ rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn chán, bất cần đời, không thiết sống, bỏ nhà đi hoang, hoặc dễ mắc phải các bệnh trầm cảm, stress, tâm thần. Không ít trẻ nổi loạn, tìm đến rượu bia, cờ bạc, ma túy do buồn chán, bất mãn, mất niềm tin, mất ý chí phấn đấu khi cho rằng cha mẹ không yêu thương mình, coi rẻ mình, không xem trọng mình, không nhìn nhận khả năng mình, bởi những đứa trẻ này thường bị cha mẹ chửi bới, mắng nhiếc, nguyền rủa mỗi khi tức giận, căng thẳng, bực bội, mỗi khi con cái không làm theo ý mình, thậm chí vô cớ trút giận lên đầu con cái khi mình gặp chuyện bực mình nơi công việc.
Nhiều cha mẹ dạy con một đàng nhưng mình lại làm một nẻo, không làm gương cho con trẻ trong cách sống, trong cách ứng xử, từ đó lời dạy của cha mẹ không có uy tín, không có hiệu quả giáo dục. Con trẻ thường xem cha mẹ là thần tượng, là người đáng kính đáng yêu, khi thấy cha mẹ có những biểu hiện không tốt, không gương mẫu thì trẻ dễ bị sốc, thất vọng, mất niềm tin. Ở trường, một số thầy cô không gương mẫu đã làm hoen ố hình ảnh người thầy vốn được xem là gương mẫu, mô phạm và đáng kính đáng yêu. Bệnh thành tích, bạo hành (dùng đòn roi, hình phạt phản giáo dục, nặng lời mắng nhiếc, nhục mạ, quát tháo…), cờ bạc, rượu chè, nhận tiền hối lộ của phụ huynh học sinh để nâng điểm học sinh, giúp chạy trường, chạy điểm… đã khiến cho trẻ mất niềm tin vào những gì cha mẹ và thầy cô dạy, mất niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Có nhiều trường hợp trẻ nhận thức sai lầm, lệch lạc, cho rằng một số hành vi tiêu cực là điều bình thường, hiển nhiên và ai cũng có lối hành xử như thế, vì thấy cha mẹ hoặc thầy cô, bạn bè, những người xung quanh làm, ví dụ như nói tục, chửi thề, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dùng tiền để lấy lòng người khác, để mua chuộc, chạy tội, bù đắp lỗi lầm, giải quyết khó khăn v.v…
Ở trường trẻ được cô giáo dạy khi qua đường phải qua nơi có vạch trắng, không được leo ngang qua dải phân cách, tới ngã tư gặp đèn đỏ phải dừng xe… Nhưng trẻ thường thấy người lớn làm ngược lại, như là vượt đèn đỏ, leo qua dải phân cách, chen lấn giành đường, cư xử kém văn hóa khi va vẹt, tham gia giao thông mất trật tự, không tôn trọng luật giao thông v.v.. Ở các lớp Mẫu giáo, cô giáo dạy trẻ không được nói tục, chửi thề, nhưng có nhiều người Việt Nam có thói quen chửi thề, do đó đi đến đâu trẻ cũng nghe chửi thề, dần dần trẻ cũng như người lớn xem việc chửi thề như chuyện bình thường, không còn nghĩ chửi thề là việc xấu. Không ít thanh thiếu niên còn xem chửi thề, “ăn to nói lớn” như là cách khẳng định rằng mình không thua kém ai, là biểu hiện cho người khác biết mình oai phong, “ngon lành”, “oách”… Đó là nhận thức sai lầm, lệch lạc về giá trị con người, về cách khẳng định giá trị bản thân.
Học sinh bước ra khỏi cổng trường, thầy cô xem như hết trách nhiệm. Nhìn thấy học sinh lái xe máy chở ba chở bốn, đùa giỡn, lạng lách trên đường phố, nghe học sinh nói tục, chửi thề, thầy cô không nhắc nhở, khuyên răn, không quan tâm giáo dục. Nếu người lớn, thầy cô, phụ huynh học sinh quan tâm đến hoạt động học tập, sinh hoạt của trẻ một cách sâu sát, biết làm gương cho trẻ thì việc giáo dục trẻ dễ dàng hơn.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, cần nỗ lực ở nhiều mặt, đồng thời nhìn nhận những khiếm khuyết của mình để khắc phục, quan tâm hơn việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng môi trường tốt đẹp, lành mạnh, hiền thiện, gương mẫu cho thế hệ trẻ. Hy vọng toàn xã hội chung tay vì thế hệ tương lai, đó cũng chính là vì tương lai đất nước.
Minh Hạnh Đức
http://www.daophatngaynay.com