Nhiều thuật ngữ trong Đạo Pháp mang tính cách thật căn bản chẳng hạn như Giác ngộ hay sự Quán thấy sáng suốt (Bodhi), Vô thường(Anitya), sự Tương liên giữa mọi hiện tượng hay Lý duyên khởi(Pratityamutpada), v.v… Trong số này có một thuật ngữ khá quan trọng là Khổ đau (Duhkha), tuy nhiên thuật ngữ này tương đối ít được tìm hiểu cặn kẽ, có lẽ vì khổ đau là những gì quá hiển nhiên ai cũng biết. Thật vậy tất cả chúng sinh đều gặp khó khăn nhiều hay ít không có một ngoại lệ nào cả.
Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng Phật giáo không phải là một tín ngưỡng yếm thế hay tiêu cực, trái lại luôn tin tưởng vào khả năng tích cực của con người và nhất thiết chủ trương mang lại cho con người sự kết hợp hài hòa giữa hiểu biết và tình thương, giữa suy tư và lòng tin tưởng. Sự sống tự nó không phải là một sự bất ổn, chính các thể dạng tâm thức của chúng ta làm phát sinh ra khổ đau hay an vui trong cuộc sống của chính mình. Như vậy thì chúng ta phải hiểu như thế nào về từ “Khổ đau” hay “Duhkha” trong giáo lý nhà Phật ?
Nguồn gốc và từ nguyên của chữ “duhkha”
Duhkha là một từ tiếng Phạn gồm hai từ ghép lại là : duh và kha.Kha có nghĩa là cái lỗ tròn ở giữa bánh xe dùng để đưa cái trục xe vào đó.Duh có nghĩa là “bất ổn”, “bất an”, “rối loạn” (mal-aise, ill-being, faintness, dis-comfort…) . Chữ “dys” trong cổ ngữ Hy lạp phát xuất từ tiếng Phạnduh và mang cùng ý nghĩa trên đây. Người ta thường thấy trong các ngôn ngữ Tây phương những từ như : dys-fonctionnement, dys-function (sự vận hành rối loạn), dys-harmonie, dis-harmony (sự lệch lạc, bất hài hòa), v.v… Trong lãnh vực y khoa có một từ chuyên môn về một bệnh lý gọi là “rối loạn dys“ (dyspraxie – dyspraxia) thường thấy nơi trẻ em. Một số trẻ em gặp nhiều khó khăn và rối loạn trong việc học hành thí dụ như đánh vần khó khăn, viết chữ lộn ngược, không làm tính được. Bậc cha mẹ hay thầy cô không hiểu đấy là căn bệnh rối loạn của chúng nên la rầy, đánh đập chúng và như thế càng đẩy chúng vào tình trạng rối loạn hơn, tạo ra mặc cảm, lo âu, sợ sệt mang lại những khổ đau vô cùng lớn lao cho chúng.
Chữ duh trong duhkha ám chỉ một cái lỗ bánh xe bị lệch, méo mó, không đều đặn. Khi lắp bánh xe vào trục thì bánh xe sẽ bị lệch, quay không đều, khập khiễng, toàn bộ chiếc xe khi chạy sẽ lắc lư và không đi xa được. Đấy là hình ảnh tượng trưng cho khổ đau và sự vận hành không suông sẻ của nhân loại. Tất cả mọi sự vật và biến cố trong thế gian này không được “lắp ráp” một cách khít khao và ăn khớp với nhau đúng với những gì chúng ta hằng mong muốn, thế nhưng dục vọng lại muốn mọi sự phải suông sẻ, trơn tru, trường tồn và bất biến. Chính vì thế mà sinh ra khổ đau.
Trong bài thuyết giảng đầu tiên tại Ba-la-nại Đức Phật đã nêu raBốn Sự Thật Cao quý (Tứ Diệu Đế), và trong Sự Thật thứ nhất Đức Phật nêu lên khái niệm về khổ đau và vô thường, đấy là những gì làm nền tảng cho giáo lý. Dựa trên nền tảng đó Bốn Sự Thật liên kết chặt chẽ và mạch lạc với nhau giúp hình thành toàn bộ Đạo Pháp. Bốn sự thật ấy như sau:
1- Sự sống là khổ đau, bởi vì tất cả đều vô thường
2- Nguồn gốc của khổ đau phát sinh từ dục vọng
3- Phương thuốc chữa chạy là đình chỉ mọi dục vọng
3- Có một con đường mang lại sự chấm dứt đó, đấy là con đườnggồm tám giới luật (Bát chánh đạo).
Bốn Sự Thật Cao quý được ghi chép bằng chữ viết khoảng hai trăm năm sau khi Đức Phật tịch diệt. Sau đó thì các lời giảng ấy liên tục được bình giải và khai triển thêm, mang ra áp dụng dưới muôn ngàn hình thức khác nhau và làm thay đổi bộ mặt của Á châu suốt hơn hai mươi thế kỷ, và ngày nay dường như cũng đang làm thay đổi cả xã hội phương Tây. Vì thếduhkha hay khổ đau mà Đức Phật nêu lên cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn còn là một Sự Thật đối với nhân loại. Vậy duhkha hay khổ đauthật sự là gì?
Định nghĩa của khổ đau hay duhkha
Khổ đau hay duhkha là ” những gì khổ nhọc và bất toại nguyện mà con người phải chịu đựng” trong sự sống, trái ngược lại với “những sự cảm nhận hài hòa và trọn vẹn“. Có tám cảnh huống mang lại sự bất toại nguyện : 1) sự sinh, 2) già nua, 3) bệnh tật, 4) cái chết, 5) phải kết hợp với những gì hay với những người mà mình không thích, 6) phải xa lìa những gì hay những người mà mình yêu quý, 7) không thực hiện được hạnh phúc mà mình ước mơ, 8) phải gánh chịu sự biến động của năm thứ cấu hợp hayngũ uẩn. Ngũ uẩn gồm có một cấu hợp vật chất tạo ra thân xác và bốn cấu hợp thuộc lãnh vực tâm thần, tất cả kết hợp với nhau tạo ra cá thể con người.
Tám thứ khổ đau trên đây được phân bố dưới ba thể dạng :
a) khổ đau thể xác và tinh thần (bất toại nguyện 1 đến 5)
b) khổ đau vì bản chất vô thường của mọi hiện tượng và biến cố (bất toại nguyện 6-7) c) khổ đau liên hệ đến sự hiện hữu trói buộc trong điều kiện (bất toại nguyện 8)
- Thể dạng thứ nhất của khổ đau gọi là duhkha duhkha (“khổ đau của khổ đau“) tượng trưng cho những thứ khổ đau đơn giản và thô thiển nhất, đấy là sự sinh, già nua, bệnh tật, cái chết, phải kết hợp với những gì mình không thích. Thể dạng khổ đau này gồm luôn cả những khổ đau phát sinh từ sự cố gắng muốn vượt thoát các thứ khổ đau trên đây.
- Thể dạng thứ hai của khổ đau gọi là viparinama duhkhata (“khổ đau của sự đổi thay“) có nghĩa là mọi hiện tượng cấu hợp đều phù du tức là vô thường, và chính sự vô thường đó mang lại khổ đau. Chúng ta lúc nào cũng muốn trẻ đẹp, luôn giữ được các khả năng tinh thần và thể xác, thế nhưng hiện tượng vô thường đã ăn sâu vào ngũ uẩn khiến ta không thể nào bảo tồn được mãi mãi những gì trên thân xác và trong tâm thức. Ta cố bám víu vào những gì yêu quý, nhưng vô thường cuốn trôi tất cả. Sự cảm nhận về hiện tượng phù du đó gọi là khổ đau.
- Thể dạng thứ ba của khổ đau là samskaraduhkhata (“khổ đau của sự hình thành” còn gọi là “khổ đau thường xuyên“) phát sinh từ năm thể dạng cấu hợp của sự bám víu do điều kiện mà có, tức là ngũ uẩn. Đó là sự bất toại nguyện sâu kín về sự hiện hữu của ta trong thế giới ta bà. Những khổ đau đó phát sinh từ cảm tính thiếu trọn vẹn và hoàn hảo về sự hiện hữu của mình và những sinh hoạt bất thành đúng theo sự mong muốn của mình, đấy là những gì phản ảnh sự thiếu thỏa mãn sâu kín của bản năng. Trong bài thuyết giảng đầu tiên và trong Sự Thật Cao quý thứ nhất Đức Phật đã cho biết “năm thứ cấu hợp của sự bám víu là khổ đau” : bám víu vào thân xác, bám víu vào tư duy và xúc cảm hiển hiện lên trong tâm thức của mình.
Khổ đau là một bệnh lý
Những gì vừa trình bày trên đây chẳng qua cũng chỉ là diễn biến của bệnh trạng nơi con người. Y khoa tân tiến ngày nay khám phá ra một số các triệu chứng bệnh lý phát sinh từ thân xác và tâm thức và sử dụng một số phương pháp chữa chạy mang lại ít nhiều hiệu quả. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đức Phật đã chẩn bệnh cho con người và mô tả những khổ đau mà con người thường xuyên phải gánh chịu trên thân xác và trong tâm thức. Ngài phân tích cho chúng ta thấy nguyên nhân sâu kín của đủ mọi thứ bệnh tật đang đày đọa con người và kê ra một toa thuốc hóa giải tận cội rễ của tất cả các thứ khổ đau ấy mà Ngài gọi chung làduhkha. Thế nhưng không mấy ai trong chúng ta biết đem cái toa thuốc ấy ra mà dùng.
Cái toa thuốc gồm có bốn thể dạng, từ chẩn bịnh cho đến các vị thuốc kê khai. Thật ra cách trị bệnh ấy cũng khá tương tợ với nền y học cổ truyền Ấn độ : 1- đấy là bệnh gì?, 2- bệnh ấy sinh ra từ nguyên nhân nào?, 3- làm thế nào để ngăn chận được nguyên nhân ấy?, 4- phải chữa chạy ra sao để làm cho nguyên nhân ấy chấm dứt? Phật giáo gọi cách chẩn bệnh và toa thuốc ấy là Tứ Diệu Đế và các vị thuốc mà Đức Phật kê khai cho chúng ta là Bát Chánh Đạo.
“Đế thứ nhất” là sự chẩn bịnh : chúng sinh đang bị tám thứ ốm đau hoành hành từ thể xác đến tâm thần : “Này các tỳ kheo, đây là Sự Thật Cao quý về khổ đau : sinh là khổ đau, già là khổ đau, bệnh tật là khổ đau, cái chết là khổ đau, bắt buộc phải kết hợp với những gì mình không thích là khổ đau, xa lìa những gì mình yêu quý là khổ đau, không đạt được những gì mình thèm muốn là khổ đau, tóm lại năm thứ cấu hợp của sự bám víu là khổ đau“. (Theo bản dịch của W. Rahula trong quyển L’Enseignement du Bouddha, Seuil, 1961).
“Đế thứ hai” tìm hiểu nguyên nhân của bệnh lý :”Này các tỳ kheo, đây là Sự Thật Cao quý về nguồn gốc của khổ đau. Đấy là sự thèm khát được tái sinh, được tiếp tục hình thành, sự thèm khát đó liên hệ mật thiết với sự đam mê quá đáng trong sự tìm kiếm những lạc thú của giác cảm, hết nơi này đến nơi khác, trong sự hiện hữu và sự hình thành, và cả trong thể dạng không-hiện-hữu“, (cùng trích dẫn trên đây, id).
“Đế thứ ba” trình bày về phương thuốc giúp chấm dứt khổ đau. Đức Phật dùng các chữ “ngưng nghỉ” hay “đình chỉ” (nirodha) để chỉ thể dạng phi-hiển-hiện của mọi thứ dục vọng trên đường tu tập, làm dịu xuống và lắng xuống những thể dạng phát sinh từ những điều kiện trói buộc. Đức Phật gọi kết quả mang lại là niết-bàn (nirvana), có nghĩa là sự “tắt nghỉ ” hay đơn giản là “hết bệnh” : “Này các tỳ kheo, đây là Sự Thật Cao quý về sự chấm dứt khổ đau. Đấy là sự đình chỉ hoàn toàn của sự thèm khát, buông bỏ nó, từ bỏ nó, tự giải thoát ra khỏi nó, tách rời ra khỏi nó“, (cùng trích dẫn trên đây, id).
“Đế thứ tư” là phần kê khai các “vị thuốc” diệt trừ khổ đau. Các “vị thuốc” ấy gồm có tám thứ và phải đồng loạt đem ra áp dụng : “Này các tỳ kheo, đây là Sự Thật Cao quý của sự diệt trừ khổ đau. Đấy là Con Đường Cao quý gồm có tám nhánh, ấy là sự quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng, sự tĩnh tâm đúng“, (cùng trích dẫn trên đây, id).
Tám nhánh của Bát Chánh Đạo được phân ra làm ba nhóm:
1- Nhóm thứ nhất thuộc về đạo đức hay giới luật (sila) gồm có :
a) ngôn từ đúng : không nói dối, không dèm pha, không nói những lời hung bạo, không nguyền rủa, không ba hoa vô ích.
b) hành động đúng : không sát sinh, không trộm cắp, tôn trọng luân lý trong lãnh vực tính dục, giúp đỡ người khác biết sống một cách ngay thật.
c) phương tiện sinh sống đúng : không sinh sống bằng những nghề làm hại đến người khác và các chúng sinh khác (chẳng hạn như buôn bán khí giới, lường gạt, làm nghề đồ tể, chăn nuôi súc vật để giết thịt, phá rừng, v.v…), nói chung là phải biết tôn trọng sự sống và kính trọng tất cả chúng sinh.
2- Nhóm thứ hai thuộc sự tĩnh tâm hay thiền định (samadhi) gồm có :
a) cố gắng đúng : ngăn chận các thói quen tâm thần kém đạo đức phát sinh trở lại, không để cho các thứ dục vọng độc hại mới phát sinh và điều khiển mình, cố gắng tạo ra các thể dạng tâm thức lành mạnh và tốt đẹp, phát huy thêm những thể dạng tâm thức tốt sẵn có.
b) chú tâm đúng : ý thức và chú tâm vào thân xác, giác cảm, sự sinh hoạt tâm thần, tư duy và các khái niệm.
c) tập trung tâm thức đúng : đây là lãnh vực thiền định, chẳng hạn như sự tập trung tâm thức bằng hơi thở.
3- Nhóm thứ ba là sự hiểu biết tối thượng hay bát nhã (prajna) gồm có:
a) tư duy đúng : tức là từ bỏ hay là quên chính mình, không ích kỷ, yêu thương tất cả chúng sinh và bất bạo động.
b) sự hiểu biết đúng : thấu triệt được Tứ Diệu Đế.
Lời kết
Trong phần trên đây có đề cập đến một thứ bệnh lý gọi là “bệnh rối loạn dys” của trẻ em làm cho chúng không học hành được. Bậc cha mẹ, thầy cô thường không hề giúp đỡ chúng còn la rầy và đánh đập khiến chúng thêm khổ sở và mặc cảm. Bậc cha mẹ và thầy cô phải nhìn thấy nguyên nhân mang lại những rối loạn đó của chúng để thương yêu và giúp đỡ chúng. Về phần chúng ta, không có ai la rầy hay đánh đập vì những sai lầm và những thể dạng bệnh hoạn như nóng giận, ăn nói và hành động điên rồ chi phối chúng ta, họa chăng đôi khi luật pháp cũng trừng phạt khi hậu quả do những thể dạng ấy mang lại trở nên quá nặng nề. Vì thế chúng ta cũng nên ý thức và tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa nào mang lại khổ đau cho chính mình để loại bỏ chúng. Đức Phật kê sẵn cho chúng ta toa thuốc và cách điều trị, hãy đem ra mà dùng.
Khi có một người cầm gậy đánh ta, ta không oán trách cây gậy làm cho ta đau đớn, ta cũng không oán trách người cầm gậy đánh ta bởi vì người ấy cũng chỉ là nạn nhân của những bấn loạn đang điều khiển họ. Điều mà chúng ta oán trách là nguyên nhân mang lại những xúc cảm hung bạo chi phối người cầm gậy. Vì thế bổn phận của chúng ta là mang cái toa thuốc mà chúng ta đang sử dụng để cố gắng khuyên những người đang gánh chịu khổ đau, đang bị sự rối loạn chi phối nên theo đấy mà điều trị.
Hoang Phong
http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/