Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần III

NGÀY THỨ HAI

Trí tuệ Bát-nhã đủ phước đức,
Niệm Phật vãng sinh trọng Trì danh

1. Vô tướng là chân Thật tướng

Mọi người đến đây dự Phật thất, chủ yếu là niệm Phật. Có bốn phương pháp niệm Phật: Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật. Tu Thật tướng niệm Phật phải có trí tuệ Bát-nhã và sự hỗ trợ của phước đức. Thật tướng là vô tướng, vô tướng là Thật tướng. Vì phàm phu chúng ta có sự nhận thức mâu thuẫn, cho vô tướng là không có gì, đã không có gì làm sao nói là chân thật được. Ví như nhà bếp không có gạo làm sao nấu cơm, trong nồi không có cơm thì những người hành đường lấy cơm ở đâu châm thêm cho các bạn? Phàm phu chúng ta cho rằng, đã là vật có sự tướng thì nhất định là có thật, nói như vậy là mê lầm. Phật pháp chân thật là không, vạn pháp tuy là giả tướng, song bản thể cứu cánh của nó là bất khả đắc, không thể thông qua hình tướng mà có thể nhận thức được, phải trải qua quá trình văn, tư, tu mới có thể hội nhập được, không niệm Phật, không giữ giới thì không thể lãnh hội được. Đó là một điều xin chư vị cần phải chú ý!

2. Y theo lời Phật dạy mà tín thọ phụng hành

Bản thể của Phật pháp vốn thậm thâm vi diệu không thể nghĩ bàn, nếu không có học hỏi nghiên cứu cho thấu đáo chắc chắn sẽ có sự nhận thức mâu thuẫn. Đối với hạng người thế trí biện thông trong thế gian, họ không thể nào tiếp nhận được Phật pháp. Thế trí biện thông là chỉ cho những bậc học giả, hoặc những người có địa vị chức quyền, giàu sang phú quý. Đối với những người này, họ chỉ ưa luận bàn những triết lý sâu xa, cái hiểu biết của họ không có dính dáng gì đến đời sống của họ. Họ là những học giả có kiến thức uyên thâm về thế gian pháp, nên khi nghe Phật pháp, có thể sinh ra hủy báng hay chê bai, cho Phật pháp là cao xa, là huyễn hoặc, là mê tín, là bi quan yếm thế, chán đời, chỉ toàn nói đến khổ đau. Đối với hạng thế trí biện thông này, là người con Phật, chúng ta nếu có gặp họ cũng không nên luận bàn hay tranh biện làm chi cho vô ích. Vì sao? Vì từ xưa đến nay, họ đâu có được phước duyên nghe Phật pháp như chúng ta. Từ chỗ không nghe, không hiểu biết nên trong tàng thức của họ không có hạt giống Phật pháp. Cho nên đối với họ, việc chê bai chánh pháp là điều không thể tránh được. Hãy thương yêu họ vì họ không thể lãnh thọ được Phật pháp để tu hành như chúng ta.

Người có thiện căn, mặc dù có nghe Phật pháp không hiểu được, thế nhưng đối với họ, vẫn đủ niềm tin để tiếp thọ Phật pháp, vẫn có nhận thức Phật pháp vốn là điều chân thật, không phải là lời nói hư dối. Họ vẫn khẳng định rằng, những lời Phật nói, tôi vẫn đủ đức tin và vẫn thực hành. Tuy nhiên, nếu Lý tôi không thể hội nhập được, tôi vẫn tin kiên cố y theo Sự để thực hành. Đối với hai hạng người trên, chúng ta nên nương theo hạng người có thiện căn với Phật pháp để học hỏi và tu tập, không nên học theo người thế trí biện thông mà bị dính mắc vào sở tri chướng, để rồi muôn kiếp phải luân hồi sinh tử. Chỉ nên nương theo lời Phật dạy mà thực hành.

3. Mượn giả tu chân cần hiểu lý

Tu trí tuệ Bát-nhã phải từ tướng hư giả mà khởi tu, từ tướng hư giả mới có thể đạt đến tướng chân thật. Giả tướng là pháp hư vọng, làm sao có thể đạt đến tướng chân thật được? Từ tướng hư giả, bạn phải liễu giải được tánh duyên khởi “không” của vạn pháp. “Không” tức là chân Thật tướng. Trong kinh Kim Cang, đức Phật có nói: “Nếu thấy các tướng là chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”. Như Lai tức là chỉ cho Thật tướng pháp thân.

Chúng ta đắp tượng Phật nhằm mục đích gì? Nhằm giúp chúng sinh nương nơi tướng tốt của Phật mà phát khởi tâm cung kính tu hành. Nếu không mượn tượng Phật hư giả thì chúng sinh nương ở đâu, lấy cái gì lễ bái cúng dường, làm mô phạm cho chính mình? Tất cả đều phải từ tướng hư giả mà khởi tu hành. Nói duyên khởi là hư giả, thế nhưng không thể xa lìa tướng hư giả mà tu đạo xuất thế được.
Vì vậy, chúng ta cần phải phát tâm tu tập theo sự tướng. Phải liễu giải được Thật tướng sự tướng của vạn pháp vốn là không, sự tướng vốn là vô tướng, vô tướng chính là phước Bát-nhã, phước vô tướng. Phước Bát-nhã vô tướng là gì? Đó là loại phước mà khi chúng ta tạo, không có sự chấp trước. Ví như khi làm phước, bạn còn thấy mình là người cho, thấy người nhận và chấp trước vào công đức đó, đó là bạn dụng tâm thế gian tu thiện để cầu phước báo rồi. Phước báo của việc làm đó đương nhiên là có, có gieo nhân tất phải có quả. Song, phước báo đó chỉ là phước báo của trời người, là Đệ nhị nghĩa đế. Nếu bạn lấy phước đó mà mong liễu sinh thoát tử, muốn thành Phật thì không thể nào có được. Như vậy, chúng ta phải tu phương pháp nào mới có thể liễu sinh thoát tử? Chúng ta phải lấy vô ngã tướng, vô nhân tướng và vô chúng sinh tướng, mà tu tất cả thiện pháp, thì mới có thể thành tựu việc liễu sinh thoát tử.

4. Tu Thật tướng phải nương vào trí tuệ

Như thế nào mới là Thật tướng niệm Phật chân chính? Đứng về phương diện duyên khởi mà nói, như đã nói ở trên, hư tướng là không có tướng chân thật, tất cả đều do nhân duyên hợp lại mà thành, bản thân của nó không có tướng chân thật. Y theo lý duyên khởi nhất tâm chỉ quán, đó là niệm Phật Thật tướng. Dù bạn có lý giải như thế nào đi chăng nữa, tuy nhiên hư giả vẫn là hư giả. Thế nhưng, vẫn phải tu cái chân thật. Nếu nói hư giả không có tu thì hoàn toàn sai lầm. Nếu không từ sự mà khởi tu thì làm sao có thể nhập được Thật tướng niệm Phật! Bạn không thâm nhập Thật tướng niệm Phật, làm sao có thể liễu đạt đến chỗ chân thật “phàm những vật có hình tướng, tất cả đều hư vọng” (kinh Kim Cang)? Như khi bạn ăn cơm, nếu bạn thấy cơm là hư giả, không chịu ăn, thì làm sao bạn có thể giữ gìn thân để tu hành vãng sinh được. Tuy cơm là duyên sinh, là vô ngã, là giả, nhưng nó có thể nuôi dưỡng thân xác của bạn. Bạn có thân thể khỏe thì mới có thể tu hành tự lợi, lợi tha và làm tất cả các việc. Cho nên, tuy là hư giả nhưng nó cũng có công năng; nếu bạn cho nó là hư giả rồi không ăn, bạn không ăn chắc chắn sẽ chết. Phật pháp giảng “không” là muốn cho bạn nhận thức được nguyên lý chân thật, nói có là muốn cho bạn tu tập tất cả các thiện pháp, không xa lìa sự tướng. Do đó, Tổ Huệ Năng có nói: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ”. Chúng ta phải ở tại thế gian mà tu hành mới có thể thành tựu các pháp.

Nếu nói các pháp xuất thế gian là hư vọng, nhưng thế pháp của phàm phu có hư vọng hay không? Đương nhiên là càng thêm hư vọng. Chúng ta cần phải chú ý: “Phàm những vật có hình tướng đều là hư vọng”. Nếu bạn có thể “thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”. “Không”, không phải là không có, cũng không phải lìa sự tướng mới là không. Bạn phải liễu đạt tất cả các pháp chỉ là một khối duyên sinh giả tướng, không có tánh chân thật, như vậy mới là liễu giải được tánh không. Tuy là không, nhân ngã là giả tướng, thế nhưng phải y theo nhân quả mà tu hành, thuận theo nhân quả mà tạo tác. Có nhân tất phải có quả, làm ác phải đọa Tam đồ. Vì vậy, Lý Sự cần phải hiểu rõ mới có đủ trí tuệ để tu niệm Phật Thật tướng. Trong Thật tướng có vô tướng, trong vô tướng có Thật tướng. Không là Chân đế, có là Tục đế. Muốn hiểu rõ Chân đế, các bạn phải dụng công nghiên cứu tu hành, mới có thể thấu hiểu được.

5. Đệ nhất nghĩa đế cứu cánh là không

Nếu y theo Đệ nhất nghĩa đế mà nói, Thật tướng chân như cứu cánh là không. Nói nhiều thì lại càng sai, nói đúng hơn “tâm suy nghĩ tức là sai”. Tâm phải không có một mảy may trụ chấp vào bất kỳ một pháp nào, ngay cả danh từ “không” cũng không trụ, cũng phải bỏ đi, đó mới gọi là niệm Phật Thật tướng, niệm Đệ nhất nghĩa đế không, cũng là niệm mà vô niệm. Mọi người nghe qua khó mà hiểu được? Học Phật pháp, điều đáng sợ nhất là không hiểu, vì không hiểu sẽ đưa đến hiểu lầm, rồi sinh ra hủy báng. Nhưng chúng ta nghe dần dần sẽ liễu giải được thôi. Nếu không giảng, thì mãi mãi chư vị sẽ không thể hiểu được. Hiện tại trong khóa tu, chúng ta không dùng phương pháp Thật tướng niệm Phật, mà chỉ chú trọng Trì danh niệm Phật thôi. Niệm Phật Thật tướng là chuyên nhờ vào tự lực, trong khi đó căn cơ chúng ta ở đây còn thấp kém nên chỉ chú trọng Trì danh niệm Phật là chính, vì Trì danh niệm Phật là nhờ vào tha lực. Thời đại mạt pháp ngày nay, nếu không nhờ vào tha
lực sẽ không bao giờ có ngày liễu sinh thoát tử. Chư vị nên chú ý điều đó!

Phật pháp giảng bản thể muôn vật là không. Song, tất cả hiện tại sự vật là có. Giống như hư không, bản chất của nó vốn là không. Song trời đất, sông núi, tất cả các tinh cầu, nhân vật đều trụ trong hư không, từ hư không mà lưu xuất. Bản thể hư không, không có cái gì nên gọi là không. Chính vì bản thể vốn là không đó mới có năng lực chứa tất cả các pháp. Không có một pháp nào mà không trụ trong hư không, nếu lìa “không” sẽ có pháp gì nữa không? Chúng ta hằng ngày theo tập quán, chỉ cho rằng “không” là không có gì cả. Song, “không” không phải là không có gì. Như chư vị xem, hiện tại trong Niệm Phật đường này, bản chất là không, nếu không có “không” thì làm sao có thể dung chứa được tượng Tam Thánh? Làm sao có thể chứa đựng được những thứ trang nghiêm khác? Lại nữa, làm sao có chỗ cho chúng ta niệm Phật, lạy Phật? “Không” chính mới có thể dụng, “không” có không thì không có thể dụng. Do đó, chư vị nghe qua trí tuệ có thể phát khởi rồi, hy vọng từ đây chư vị không còn ngộ nhận cho “không” là không có gì nữa. Xin chư vị hằng ngày cứ lấy hư không quán sát làm thí dụ, chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh. Một lúc nào đó, chư vị sẽ liễu giải được nghĩa lý vi diệu chân không của Phật pháp. Chúc chư vị thành công!

6. Vô thường biến các pháp thành không

Phật pháp giảng vạn pháp là vô thường. Thế giới có thành, trụ, hoại, không; con người có sinh, lão, bệnh, tử; tâm có sinh, trụ, dị, diệt, tất cả các pháp đều là vô thường. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật có dạy cho chúng ta rằng: “Quốc độ hư giả, mạng sống vô thường”. Quốc độ thuộc về khí thế gian, con người thuộc về hữu tình thế gian. Tất cả vũ trụ là khí thế gian, hữu tình thế gian đều ở trong vũ trụ. Vũ trụ dung chứa tất cả vạn pháp, song vạn pháp thì không thường trụ, niệm niệm biến diệt, từng giây từng phút sinh diệt không ngừng. Thân thể con người chúng ta, các tế bào cũng sinh sinh, diệt diệt biến đổi trong từng Sát-na. Một người không phải sống đến tám mươi, chín mươi tuổi chết rồi mới gọi là diệt, mà ngay cả những khi còn nằm trong bào thai cũng đã sinh diệt không ngừng rồi.

Chẳng những hữu tình là vô thường, mà tất cả vạn vật trong vũ trụ, chỉ là giả danh tạm thời, không có thường trụ chân thật. Niệm niệm biến diệt đều là vô thường, đến một lúc nào đó nhất định cũng phải tiêu diệt. Bạn thử tìm xem có một vật nào là trường tồn bất diệt không? Không có một vật nào trên thế gian này trường tồn bất diệt cả. Tất cả đều biến đổi không ngừng, bản chất của chúng thay đổi trong từng Sát-na. Trong một phút thôi, thân thể của bạn không hoàn toàn giống một phút trước đó nữa, mà các tế bào nó biến đổi không ngừng. Tế bào này chết, tế bào khác lại sinh, cứ luân phiên nhau thay đổi không có lúc nào dừng nghỉ. Vì thế, Phật mới dạy cho chúng ta thế gian này không có gì gọi là trường tồn cả, mà ngược lại, tất cả đều bị luật vô thường chi phối. Tất cả vạn vật đều phải chịu quy luật tự nhiên đó là sinh, trụ, dị, diệt, hoặc thành, trụ, hoại, không. Đối với chúng hữu tình thì phải chịu quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Do bản thể các pháp vốn là vô thường nên nó vốn là không, không có thật ngã mà tất cả đều là vô ngã, là duyên sinh thôi.

Bản tánh của chúng ta vốn thanh tịnh như thái không, nhưng chỉ vì hiện tại chúng ta khởi nhiều vọng tưởng nên mới bị phiền não, khổ đau luân chuyển trong biển khổ phàm phu. Một khi còn ở địa vị phàm phu, chúng sinh chắc chắn không thể nào tránh khỏi tạo nghiệp luân hồi. Còn nếu chúng ta nhớ Phật, niệm Phật tức là chúng ta đang đi trên lộ trình tiến đến quả vị Phật. Như vậy, tại sao cần phải niệm Phật? Vì niệm Phật là đình chỉ vọng tưởng. Vọng tưởng dừng tâm liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh, tức đồng Phật vãng sinh Tây Phương.

7. Một câu A-di-đà đầy đủ vạn đức

Bậc thiền giả tham thiền, cũng thuộc vô tướng. Mục đích của người tham thiền là thể nhập được chân tánh. Thông thường, họ lấy các câu thoại đầu như “Người niệm Phật là ai?”, “trước khi cha mẹ chưa sinh ra, ta là ai?”… Đứng về lý mà nói, tại sao cần phải tham thiền hoặc tham thoại đầu? Cổ đức có nói: “Vì căn tánh con người vốn hạ liệt, không có đủ trí tuệ, không có đủ năng lực thâm nhập được bản tâm, nên chư Tổ từ bi lập ra các phương tiện như vậy”. Giống như người già cả, người bệnh hoạn không thể tự mình nỗ lực đi một mình được, nên cần phải mượn cây gậy. Nhờ vào cây gậy mới có thể đi được.

Hiện tại, chúng ta đang niệm Phật, thì vốn “tâm là Phật, Phật là tâm”. Thế nhưng, có một số người dám mạo muội cho tâm là Phật, vì thế họ không cần phải niệm Phật hay tu hành làm chi cho nhọc xác. Song, tuy tâm là Phật, nhưng bạn phải biết chúng ta hiện đang là phàm phu nghiệp chướng rất nặng nề, tâm còn đầy dẫy ô nhiễm, cho nên cần phải niệm Phật. Vì danh hiệu Phật A-di-đà vốn đầy đủ vạn đức trang nghiêm. Phật thường an trụ trong pháp thân thanh tịnh, tất cả các nghiệp ác và tội chướng của Ngài đều đã tiêu trừ, tất cả các công đức tu hành đều đã viên mãn. Nếu có người nào dám mạo muội tự xưng họ đã là Phật rồi, chứng tỏ người này không có thiện căn. Hạng người này dù có gặp được nhân duyên tốt cũng không thể nào tu tập được, vì không có chủng tử của Phật pháp.

Chúng ta không cần phải lý luận sâu xa làm gì, mà chỉ cần luôn biết an phận, lão thật niệm Phật. Cứ niệm Phật giống như đứa bé chăm chú mớm sữa mẹ, ngày qua ngày đứa bé sẽ lớn dần. Cứ niệm Phật như ăn cơm. Có ăn thân thể mới có sức khỏe để làm việc. Việc niệm Phật cũng như vậy. Chúng ta không cần phải lý luận làm gì cho mất thời gian, chỉ cần có tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, chắc chắn sẽ dần dần đạt được nhất tâm bất loạn. Tâm bất loạn, liền được vãng sinh. Kính thỉnh chư vị hãy chí thành mà niệm Phật!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.