Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần III

NGÀY THỨ TƯ

Sinh đại tàm quý phát tâm chí thành
Như vậy niệm Phật mới đạt nhất tâm

1. Tâm chúng sinh đầy đủ bảo tạng

Mọi người về đây tham dự Phật thất, sớm, trưa, chiều đều được nghe khai thị. Nói đến khai thị thật là hổ thẹn, vì tôi không có đủ trình độ, chẳng qua lấy kinh nghiệm tu hành của chính mình mà nói cho chư vị nghe thôi. Nếu chư vị thấy được thì giữ lấy, không được thì bỏ đi. Đương nhiên nếu có sai lầm, xin chư vị chỉ giáo cho!

Hai chữ “khai thị” nghĩa là gì? “Khai” nghĩa là mở, là hiển bày, hiển bày cái gì? Đó là hiển bày bản tâm vốn thanh tịnh nơi mỗi người, mà bản tâm này cùng với chư Phật vốn không khác. Người người trong tâm đều có bảo tạng, không phải chỉ riêng Phật mới có. Chỉ vì bản tâm chúng ta bị trói buộc bởi tham sân, phiền não, nên bảo tạng không thể chiếu soi được. Tuy nó không được phát hiện, nhưng nó vẫn ẩn chứa trong tâm của mọi người, không bao giờ hư hoại. Điều đó thật đáng tiếc cho chúng ta.

Đức Phật có vô lượng trí tuệ. Ngài biết chúng sinh cũng có bảo tạng như Ngài, biết rằng chúng sinh không thể biết được bảo tạng quý báu đó, do đó đức Phật vì muốn cho chúng sinh khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, nên từ trong Thường Tịch Quang mà hạ sinh đến thế gian, từ bi “khai thị” cho chúng sinh, chỉ cho chúng sinh thấy được bảo tạng quý giá của chính mình. Mỗi chúng sinh trong tâm đều có đầy đủ gia tài quý báu đó, không cần tìm kiếm bên ngoài. Song, phải tự mỗi người thâm nhập, phát huy bản tâm diệu dụng đó. Đức Phật không thể thay thế cho chúng sinh làm hiển lộ chân tâm được.

Chúng ta hiện tại, tuy là chúng sinh đang khổ não, song chúng ta phải biết rằng bảo tạng của Phật với mình vốn giống nhau. Đức Phật là người đã đạt được bảo tạng, tại sao chúng ta vẫn chưa đạt được? Nói ra thật hổ thẹn, chỉ vì chúng ta quá giải đãi, quá lười biếng, không có quyết tâm giải quyết sinh tử, cho nên nói “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc” là vậy. Nếu bạn không tu thì lấy gì để đắc. Chúng ta ngày nay, có đủ thiện duyên nghe được Phật pháp rồi, đã hiểu được lý đạo rồi, cần phải theo đó mà tu hành thì sự hiểu biết Phật pháp mới có lợi ích. Chỉ có tu là tốt, nếu bạn không tu sẽ bị ác nghiệp làm chướng ngại, cho nên nói “nghiệp lực không thể nghĩ bàn” là vậy. Song bạn cần phải biết bên cạnh nghiệp lực đó có Phật lực, lại càng không thể nghĩ bàn hơn. Mọi người niệm Phật không nên sợ nghiệp chướng nặng. Chỉ cần mọi người có tâm thành khẩn tha thiết mà niệm Phật, lão thật lễ lạy, đến một lúc nào đó công phu thành tựu, nhân duyên đầy đủ, quả báo sẽ thành tựu viên mãn.

2. Chuyển tâm phàm phu thành tâm Phật

Chư vị về đây đả thất, cần phải khéo dụng hoàn cảnh thanh tịnh mà tinh tấn dụng công niệm Phật, không nên như người thế tục quanh năm suốt tháng chỉ sống say chết ngủ trong vòng giả danh mộng huyễn, cũng không nên quá yêu thương, chăm sóc cho thân thể này. Tại sao? Chỉ vì lo cho nó mà chúng ta đã tạo biết bao tội lỗi. Chính nó mà cha mẹ chúng ta đã khổ nhọc để thành tựu như ngày nay. Chúng ta phải mượn nó tinh tấn dụng công niệm Phật để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Hy vọng mọi người phóng hạ thân tâm, tập trung dụng công niệm Phật. Có như thế công phu mới thành tựu, mới không phụ công sức của chư vị bỏ hết việc nhà về đây niệm Phật.

Chúng ta tham dự Phật thất cần phải khắc kỳ thủ chứng. Trước tiên, thân và tâm cần phải giữ gìn không cho nó loạn động, cũng không nên nói chuyện tạp, chuyện thị phi thế gian, phải giữ gìn thân tâm, có như thế bảy ngày mới có thành tựu. Sở dĩ gọi là “đả thất”, đứng trên mặt văn tự mà giải thích, “thất” là bảy, là chỉ cho thức thứ bảy, nghĩa là chúng ta phải đem thức thứ bảy mà chuyển thành “Bình Đẳng Tánh Trí”. Vì sao? Vì thức thứ bảy là cội gốc của chấp ngã, là đầu mối của tham, sân, si. Giả như bạn muốn bố thí, chính thức này sẽ cản trở bạn, không cho bạn làm phước. Thức thứ bảy chấp vào kiến phần của thức thứ tám là thức A-lại-da làm ngã. Ngoài ra, phải chuyển Tiền Ngũ Thức thành Thành Sở Tác Trí, thức thứ sáu thành Diệu Quan Sát Trí, chuyển thức thứ tám thành Đại Viên Cảnh Trí. Vì thế, tác dụng của Phật thất là chúng ta đem tám thức mà chuyển thành bốn trí. Có như thế, mới biến đổi tâm phàm phu thành tâm Phật được. Bạn niệm Phật chính là đang chuyển tâm phàm phu của chính mình thành tâm Phật vậy!

Như thế nào là tâm Phật? Tâm Phật chính là tâm thanh tịnh, tâm không thanh tịnh chính là tâm phàm phu. Cho nên, tâm Phật và tâm chúng sinh vốn không hai, chỉ có khác nhau ở chỗ là thanh tịnh hay không thanh tịnh mà thôi. Tại sao tâm chúng ta không thể thanh tịnh? Chỉ vì chúng ta không có tâm hổ thẹn và tâm chí thành mà thôi. Một người làm việc ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm… toàn thân đều có tội chướng. Song, chỉ cần người đó tâm sinh đại hổ thẹn, chí tâm sám hối, phát tâm đại chí thành, nguyện không tái phạm, đồng thời ra sức làm việc thiện thì tội chướng liền tiêu trừ. Cho nên nói: “Ngày ngày hướng phía Đông, quay đầu là hướng Tây”, hay “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vì thế, phát tâm đại hổ thẹn, đại chí thành chính là nương vào giới. Công đức niệm Phật thật vô lượng, có thể khiến cho tội chướng tiêu trừ. Một khi tội chướng tiêu trừ tâm trở nên thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ khiến Lục căn được viên minh, biến thành Lục thông tự tại. Nếu bạn có thể phát tâm đại tàm quý, đại chí thành mà dụng công niệm Phật nhất định có thể vãng sinh Tây Phương, viên thành quả Bồ-đề, rộng độ chúng sinh đồng vãng sinh Tịnh độ.

3.Vãng sinh Tây Phương viên chứng Tam bất thối

Vãng sinh đến thế giới Cực Lạc có một điểm rất tốt là chứng Tam bất thối: 1. Vị bất thối; 2. Hạnh bất thối và 3. Niệm bất thối, tức là một khi được vãng sinh đến Tây Phương liền chứng một lần ba loại Tam bất thối. Không giống như một số kinh điển nói rằng, chứng Tam bất thối phải có thứ lớp.

Hành giả tu tập tại thế giới Ta-bà phải phá trừ ngã chấp, đoạn phiền não Kiến Tư hoặc, chứng quả A-la-hán liền dự vào dòng Thánh, không còn rơi lại địa vị phàm phu đó là Vị bất thối. Người chứng được Sơ quả nhất định sẽ chứng được quả A-la-hán. Chứng được Sơ quả thì không còn rơi vào ba đường ác mà chỉ luân hồi trong hai cõi trời và người mà thôi. Những người này tu chậm nhất là bảy đời mới có thể thoát khỏi Tam giới. Tuy nhiên, nếu tinh tấn tu hành thì không nhất định là bảy đời mà có thể ba hoặc năm đời. So sánh giữa họ và phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta đáng thương vô cùng, vì chỉ lui tới trong sáu nẻo luân hồi. Nếu người nào làm ác, phạm giới thì lại rơi vào ba đường ác. Người muốn chứng được Hạnh bất thối cần phải phát tâm đại Bồ-tát, hành Bồ-tát đạo, đồng thời phải đoạn trừ Kiến Tư hoặc và Trần sa hoặc, trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sinh thì mới được xem thành tựu Hạnh bất thối. Người muốn chứng Niệm bất thối thì niệm niệm phải an trụ trong thanh tịnh chân như, phải phá trừ vô minh, đồng thời chứng được pháp thân thì mới đạt được Niệm bất thối.

Người được vãng sinh Tịnh độ, không nhất định phải đoạn trừ nghiệp cảm, chỉ cần người đó có tin sâu, nguyện thiết, nhất tâm niệm Phật, chỉ mười niệm tâm không vọng tưởng thôi cũng được Đới nghiệp vãng sinh. Một khi vãng sinh Tịnh độ, người đó được sống chung với các bậc thiện nhân và chư đại Bồ-tát, người đó nhất định sẽ không còn bị duyên xấu lôi kéo, cho nên chứng được Vị bất thối. Lại nữa, người được vãng sinh Tịnh độ do nhân duyên được gần chư Thánh nhân, nên ngày ngày được nghe Phật pháp để tu tập, công phu ngày càng cao nên không còn bị chướng duyên làm trở ngại nữa, liền chứng được Hạnh bất thối. Người được Đới nghiệp vãng sinh Tịnh độ, hóa sinh trong hoa sen, một khi hoa nở liền thấy Phật. Do nhân duyên được thấy Phật nên niệm niệm tâm mong cầu thành Phật, do đó không có chướng duyên làm thối tâm hướng về quả Bồ-đề vô thượng nữa, người này liền chứng được Niệm bất thối. Thật vậy, khi người nào được vãng sinh Tịnh độ sẽ chứng được Tam bất thối, được vào hàng Nhất sinh bổ xứ, thật thù thắng vô cùng!

4. Trì niệm Phật Thánh hiệu Tất cánh Bất thối

Trong kinh chỉ có đề cập đến Tam bất thối, chớ không có nói đến Tất cánh bất thối. Tất cánh bất thối là gì? Đó là chỉ cho việc chuyên trì danh hiệu, viên mãn vô ngại, không thể nghĩ bàn. Không luận là định tâm niệm hay tán tâm niệm, có niệm hay không niệm, chỉ cần bạn niệm tai nghe rõ ràng. Mặc dù bạn không niệm, nhưng danh hiệu Phật cũng tự nhập vào tàng thức của bạn làm thành chủng tử không bao giờ mất. Giả như đời nay bạn không được liễu sinh thoát tử, trải qua vạn kiếp về sau, đến một lúc nào đó chủng tử này sẽ thành thục, chắc chắn bạn nhờ vào công đức niệm Phật đó cũng được liễu sinh tử và thành Phật.

Niệm Phật công đức không thể nghĩbàn. Thí như vào thời Phật còn tại thế, một hôm Phật ở tại Tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, có một ông già không biết từ đâu đến xin vào gặp Phật để xin xuất gia. Lúc đó, đệ tử lớn của Phật là ngài Xá-lợi-phất liền nhập định quan sát thử ông này trong vòng tám vạn đại kiếp trở lại có nhân duyên lành gì để xuất gia hay không. Sau khi nhập định xong, Ngài liền bảo với ông già: “Ông không có thiện căn gì làm sao có thể xuất gia được?”. Nghe xong ông già buồn bã, khóc lóc van xin thảm thiết. Phật nghe được tiếng khóc, liền hỏi chúng đệ tử có việc gì mà ông già khóc lóc như thế. Sau khi nghe chúng đệ tử trình bày sự việc, đức Phật liền nói: “Ông có thể xuất gia, vì tám vạn đại kiếp về trước ông có thiện căn”.

Thiện căn gì? Trước tám vạn đại kiếp về trước, ông là người tiều phu chuyên đốn củi trên núi. Một ngày nọ, ông bị cọp rượt, trong lúc nguy nan, vội leo lên cây, chỉ niệm “Nam mô Phật”. Từ đó, trải qua vô lượng kiếp, nay nhân duyên của ông đã thành thục và có thiện căn để xuất gia, đồng thời về sau cũng có thể chứng được quả A-la-hán. Điều đó trong kinh Pháp Hoa cũng được Phật nói đến: “Nếu có người tâm tán loạn, đi vào trong bảo tháp, chỉ niệm Nam mô Phật cũng được thành Phật đạo”. Thật vậy, người trong thế gian cũng thế, tuy họ không có tin Phật, thế nhưng khi gặp thiên tai hoặc nguy hiểm, miệng niệm “A-di-đà Phật” hay “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát”. Chỉ cần niệm danh hiệu Phật một lần cũng đã có chủng tử rồi, trải qua vô lượng kiếp và đến một ngày nào đó nhất định thiện căn của họ thành thục, cũng có thể thành Phật như mọi người, đó chính là Tất cánh bất thối.

Hiện tại, chúng ta về đây tham dự Phật thất, mỗi ngày có ít nhất là mười hai tiếng công phu, niệm Phật tối thiểu là mấy vạn câu, lễ Phật năm trăm lạy, công đức không đó thể vãng sinh được hay sao? Nhất định chúng ta được vãng sinh! Không cần phải niệm đến nhất tâm bất loạn mới được vãng sinh. Trong kinh có đề cập đến hai loại nhất tâm bất loạn. 1. Lý nhất tâm; 2. Sự nhất tâm. Người chứng được Sự nhất tâm tức được Vị bất thối, sẽ sinh vào Phương Tiện Hữu Dư Độ. Chứng được Lý nhất tâm tức được Niệm bất thối, sẽ được sinh vào Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Phàm phu chúng ta, hiện tại không thể đạt đến cảnh giới Sự và Lý nhất tâm, song chỉ cần chúng ta niệm Nam mô A-di-đà Phật là đã được Tất cánh bất thối, sớm muộn gì chúng ta cũng được vãng sinh Tây Phương. Do đó, mọi người chỉ cần thành tâm chấp trì danh hiệu là có thể vãng sinh. Vì thế, không cần phải sợ mình niệm Phật có được vãng sinh hay không, tâm tán loạn làm sao có thể vãng sinh? Quan trọng nhất là bạn có chấp trì danh hiệu hay không, có đầy đủ tín, nguyện để niệm Phật hay không. Nếu bạn có đầy đủ tín, nguyện thì nhất định bạn được vãng sinh. Được vãng sinh hay không do nơi bạn vậy.

5. Thánh hiệu Di-đà là nước cam lồ

Thế gian thường nói: “Chánh thắng tà”, song cũng có lúc tà thắng chánh. Giống như thời đại mạt pháp hiện nay, tà thuyết của ngoại đạo rất thịnh hành, lắm lúc người học đạo lấy giả làm chân, nhận chân cho là giả. Thế nhưng, tà thì luôn có giới hạn, nó không thể nào thắng chân được. Tại sao? Tục ngữ có nói:

Thiện như thân tùng,
Ác như loài hoa.
Hoa nở tùng không động.
Một ngày sương tuyết đổ,
Thấy tùng không thấy hoa”.

Chúng ta là người biết đạo, giống như nước nhất định sẽ tưới tắt được lửa, nhưng nếu nước chỉ có một bát làm sao có thể dập tắt được một xe củi đang cháy. Thời đại mạt pháp hiện nay, tà thuyết ngoại đạo rất thịnh hành, trong khi chúng sinh thiện căn kém cỏi, nghiệp chướng lại sâu dầy, lấy một ít nước thiện căn làm sao dập tắt được ngọn lửa ác nghiệp sâu dầy của nhiều đời. Vì thế, mọi người khi niệm Phật mới có vọng tưởng, lúc lạy Phật mới có tạp loạn, đau lưng.

Tuy là như vậy, song nhiều nơi lửa rất lớn, nước không thể dập tắt được, chỉ có dùng nước cam lồ mới rưới tắt được lửa lớn. Cũng vậy, khi chúng ta niệm Phật, có vọng tưởng tạp loạn không nên sợ nó. Chỉ cần bạn niệm một câu A-di-đà Phật, A-di-đà Phật… cứ câu này nối tiếp nối câu kia không cho gián đoạn, vọng tưởng làm sao khởi lên. A-di-đà Phật chính là dòng nước cam lồ thanh tịnh, có công năng tiêu trừ vọng tưởng trần cấu cho chúng sinh, giúp chúng sinh tiêu trừ tội chướng từ vô thỉ cho đến ngày nay.

Mọi người về đây tham dự Phật thất, cần phải dụng công tinh tấn niệm Phật, hãy dùng dòng nước cam lồ A-di-đà Phật mà tưới tắt hết tất cả phiền não tham sân. Lửa có thể đốt ở phạm vi sơn hà đại địa, chớ không đốt được hư không, cho nên chung quy chánh luôn thắng tà là vậy. Tà có thể thắng một thời chớ không thể tồn tại lâu dài được. Thiện giống như cây tùng, ác như loài hoa. Tùng tồn tại bốn mùa, hoa chỉ nở được trăm ngày rồi cũng rụng. Cho nên, người làm ác không bao giờ tồn tại lâu dài, gieo nhân ác rồi cũng gặt quả ác. Chúng ta là người tu hành phải xót thương cho họ, vì bản tâm của họ vốn cũng có thiện căn như chúng ta, chỉ vì một niệm vô minh, bất giác mà tạo ra tội ác như vậy. Nếu có thiện duyên trợ giúp, chung quy họ cũng giác ngộ, xả bỏ tà mà quay về chánh.

6. Một đời nhất tâm niệm Thánh hiệu có thể thành Phật đạo

Chư vị nghe qua mười phần cũng đã có lòng tin được một phần. Nếu như biết mình thiện căn kém cỏi, nghiệp chướng sâu dầy, không có phước báo, nhất định phải niệm Phật cho nhiều, tinh tấn mà dụng công thì nghiệp chướng mới có thể tiêu trừ, mới có an vui được. Duy chỉ có niệm Phật cho nhiều nghiệp chướng mới tiêu, phước tuệ mới tăng trưởng, một bát nước làm sao có thể dập tắt được một xe củi đang cháy? Chúng ta cần phải có lòng tin kiên cố, tin rằng “chỉ xưng Nam mô Phật, đều có thể thành Phật đạo”, quyết định đời nay vãng sinh để được thọ hưởng vui sướng. Có nên cầu đời sau vãng sinh không? Một đời chúng ta đã chịu biết bao thống khổ hà huống gì là phải trải qua tám vạn đại kiếp như lão già Tu-bạt-đà-la. Thọ sinh nhiều đời phải chịu nhiều khổ não. Vì thế, chúng ta phải quyết định đời nay vãng sinh thôi, nhất định Phật A-di-đà từ tôn sẽ tiếp dẫn. Kính thỉnh chư vị phải tự mình quyết tâm vậy!

Mọi người mỗi ngày niệm Phật đều có đọc hai câu kệ: “Bốn mươi tám nguyện mong độ chúng, hoa sen chín phẩm rước lên ngôi”. Vãng sinh Tây Phương được chia thành ba hạng là Thượng, Trung, Hạ. Mỗi hạng lại chia thành ba phẩm, cộng lại tất cả là chín phẩm. Do sự dụng công của chúng sinh có khác nhau nên mới có cảm quả vị không đồng. Người niệm Phật được Lý nhất tâm thì được vãng sinh Thượng phẩm, được Sự nhất tâm thì sinh vào Trung phẩm. Người niệm Phật tuy chưa đạt nhất tâm, cũng có thể vãng sinh Hạ phẩm. Người phạm tội Ngũ nghịch, Thập ác, nếu có thể thành tâm niệm Phật sám hối, cũng có thể vãng sinh Hạ Hạ phẩm. Đó là nhờ vào nguyện lực của Phật A-di-đà và Đới nghiệp vãng sinh, đó cũng là một điểm rất đặc biệt của pháp môn Tịnh độ. Đối với chín phẩm, cũng được gọi là người gieo một phần nhân thì hưởng một phần quả. Cũng như trong thế gian, người có tiền ít thì mua đồ rẻ, có tiền nhiều thì mua đồ đắt, nếu có tiền ít mà muốn mua đồ dùng cao cấp làm sao có thể mua được? Cho nên, người giải đãi nếu có thể tinh tấn niệm Phật đến nhất tâm cũng được sinh Thượng phẩm, đạo quả Bồ-đề viên mãn cũng có thể thành Phật.

Do đó, mọi người cần phải chí tâm lạy Phật, niệm Phật thì có được vãng sinh hay không? Chẳng những được vãng sinh mà còn được sinh ở phẩm vị cao nữa. Nên biết: “Thân này đời nay không độ, biết đến khi nào độ được thân”. Hy vọng chư vị tinh tấn dụng công niệm Phật, cầu sinh Tây Phương!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.