Góc phố đời người – Phóng Sự

Kỳ 5: Tri ân lề đường

Có những nghề sống bằng hè phố nay đã về chiều. Nhưng những người đã được nuôi sống bằng nghề này vẫn cố níu kéo dòng chảy của thời gian như một cách tri ân với nghề.

Đó là câu chuyện của một người khắc chữ lưu niệm và một người sửa viết máy nơi góc phố.

Hành nghề với tinh thần ông đồ xưa

Tên ông là Lê Văn Kính, nhưng khi ra nghề ông đặt cho mình “nghệ danh”: “Dũng – khắc chữ lưu niệm”. Thuở nhỏ, ông vẫn thường sưu tầm những mẫu chữ đẹp trên báo rồi tập viết lại trên đất trong những lần chăn trâu. Ấy là vì ông mê cái đẹp, chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống bằng cái nghề bán chữ đẹp bao giờ.

Với máu nghệ sĩ thích lang bạt, từ miền quê Hải Dương ông xách balô vào Sài Gòn, đi là để thỏa chí tang bồng chứ ông không có dự định gì cho mình ở vùng đất này cả. Sau nhiều ngày chu du ở đất Sài Gòn, số tiền ông mang theo cũng đã cạn, bàn chân số phận đã đưa ông đến với lề đường Lê Lợi. Ông say mê đứng nhìn một ông lão nhẹ nhàng đưa những nét chữ thanh thoát trên cây viết. Thấy ông đứng nhìn say mê, ông lão hỏi: “Mày có thích sống bằng nghề này không? Thu nhập gấp năm lần công chức đấy”. Từ đó, nỗi đam mê thuở nhỏ trong ông lại trỗi dậy, và ông quyết định làm thử. Đấy là năm 1980, khi ông vừa bước qua tuổi 21, nghề khắc chữ đang thịnh hành tại Sài Gòn.

Ông Kính kể: “Sẵn có hoa tay nên tôi học nghề nhanh lắm. Nhờ vốn chữ đẹp nên những dòng chữ lưu niệm tôi viết khách rất vừa ý, ngày càng nhiều người tìm đến. Thời bao cấp khó khăn là thế nhưng tôi sống sung túc, bởi thu nhập hồi đó của tôi phải gấp sáu bảy lần viên chức nhà nước. Mà không phải ai tôi cũng bán chữ cho đâu, với những người không biết thưởng thức, không biết tôn trọng cái đẹp thì chỉ một lần thôi, lần sau là tôi từ chối thẳng. Bởi nét chữ ngoài việc làm tôn thêm vẻ đẹp của kỷ vật, nó còn thể hiện cái tâm con người, không thể bán bừa bãi được. Tôi hành nghề với tinh thần của ông đồ cho chữ ngày xưa”.

Nhưng thời hoàng kim đó cũng qua nhanh. Cảnh từng hàng học sinh xếp hàng nhờ ông khắc chữ thưa dần, chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Ông xuýt xoa mỗi khi nhớ lại: “Thèm cái cảm giác được thấy nụ cười trên môi những đứa học trò trao nhau cây viết làm kỷ vật mỗi mùa tan trường. Thèm cái hồn nhiên, thanh khiết của ánh mắt đôi tình nhân rạng rỡ khi trao nhau những cây viết có khắc những dòng chữ bay bướm của tôi”. Bây giờ, lâu lắm mới có một vài học sinh ghé nhờ ông khắc chữ, mỗi lần như thế ông cố tình đưa nét chữ chậm hơn như thể để níu chân khách. Cũng một vài lần ông bắt gặp lại nét chữ của mình trên những cây viết chào bán ở phố cổ. Điều đó càng làm ông không thể bỏ cái nghề mà ít ai còn muốn mưu sinh.

Nghề khắc chữ bây giờ còn thật ít người như ông ngồi trên phố. Để có thể sống để giữ nghề, ông chuyển qua khắc chữ lưu niệm trên đá, viết lưu niệm trên tranh, trên gỗ… Cũng từ đấy, nét chữ của ông được cất giữ ở nhiều nơi hơn. Ông kể: “Chữ của tôi hiện diện ở nhà một số nguyên thủ, các chính khách trong và ngoài nước. Từ cây viết của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đến bức tranh tặng các nguyên thủ từ Á sang Âu”. Và mới đây nhất, trên món quà mà TP.HCM tặng Tổng thống Mỹ George W. Bush nhân dịp ông Bush sang thăm VN cũng có những dòng chữ là nét viết của ông. Trong những năm sống cùng góc phố với nghề, ông đã kịp truyền nghề lại cho hai người học trò. Một người đã qua Mỹ hành nghề, còn người kia cũng sang sống ở Pháp và cả hai vẫn làm nghề này như một nghệ thuật trên đường phố.

Nghệ nhân cuối cùng trên phố

Ở Sài Gòn, có lẽ ông là một trong những người cuối cùng sống bằng nghề sửa viết máy. Tên ông là Bùi Quý, năm nay đã ngoài 60. Bộ đồ nghề nuôi sống cả gia đình ông 30 năm nay vỏn vẹn chỉ là một hộp gỗ với vài cây viết máy và mấy bình mực. Hỏi chuyện, ông chỉ thở dài: “Hết thời rồi, ra đây ngồi để thiên hạ thấy vẫn còn nghề này chứ sống làm sao nổi. Thỉnh thoảng mới bán được cây viết cũ cho người sưu tập viết thì chỉ đủ ăn cháo qua ngày để nuôi nghề. Nhưng tôi vẫn cứ ngồi đây như một định mệnh”.

Đưa mắt nhìn dòng xe cộ ngược xuôi, ông nhớ lại những ngày hoàng kim của nghề: “Thời mà người ta còn dùng viết lá tre, viết Kim Tinh thì cả ngày làm không hết việc. Hết sửa viết cho học trò lại đến bơm mực cho công chức, và cũng không ít lần khách của tôi là những người có chức sắc ở thành phố này đấy. Giàu thì không giàu nhưng lúc đó chưa bao giờ tôi phải lo nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền. Còn bây giờ tôi thèm cảm giác bàn tay luôn được lấm mực như ngày nào”. Ông lần mò lấy từng cây viết rồi giới thiệu tỉ mỉ về “tiểu sử” của nó, về “lịch sử” tồn tại của chúng. Cây viết vô tri vô giác bỗng trở nên sống động theo ký ức của ông: “Cây này có xuất xứ từ Đức, ngày trước chỉ những công chức hạng sang mới dùng. Còn cây này do Trung Quốc sản xuất, giới sinh viên thời đó rất chuộng…”. Cứ thế, mỗi cây viết, mỗi loại viết với ông không chỉ gắn với cuộc mưu sinh mà còn là những kỷ niệm. Trong hộp đồ nghề của mình, ông vẫn còn giữ một nửa lọ mực màu tím chưa kịp bơm hết. Ông đang muốn cất giữ lọ mực ấy như một kỷ vật, như chính nó đã từng nhuốm màu tím lãng mạn trên những dòng lưu bút, trên những bức thư tình của một thời.

Mới đây, ở góc phố quen thuộc ông thường ngồi 30 năm qua, người ta đã không còn thấy ông ngồi sau thùng sửa viết, mà chỉ còn vợ ông ngồi nhìn những cây viết úa vàng màu thời gian. Bà nói ông bị bệnh, đang phải nằm điều trị ở bệnh viện. Bà kể trước khi nhập viện ông vẫn nhắc bà: “Bà nhớ mở cái hộp viết của tui ra chưng ở góc phố nhé, biết đâu lại có người mua, may ra kiếm chút tiền đóng viện phí”. Suốt một đời ông ngồi lặng lẽ nơi góc phố bơm mực cho người, bao lứa học trò nhờ dòng mực của ông giờ đây đã trưởng thành, nhưng ông mong được một lần bơm mực cho con cũng không thể được, vì do nghèo khó nên con ông không một ai được học hành đến nơi đến chốn và bây giờ cũng lam lũ như ông ngày xưa. Ông mơ một căn nhà dù chật hẹp để nương thân khi già yếu, nhưng mãi vẫn chỉ là ước mơ. Có mấy ai còn nhớ đến ông già bơm mực sửa viết trên phố ngày xưa…

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.