Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh – Chương 8-10

Phần 3: Sống Chánh Niệm – Thi Kệ – Hiệp ước sống chung với đất mẹ

Thi Kệ thiền tập trong đời sống hằng ngày

Thi kệ là những bài thơ nho nhỏ giúp ta nuôi dưỡng ý thức chánh niệm trong đời sống hàng ngày, giúp ta biết nhìn sâu vào mọi vật quanh ta. Thực tập đọc thầm những bài thi kệ khi ăn cơm, rửa bát, đánh răng, quét nhà, đổ rác v.v… giúp ta có được an lạc thảnh thơi khi làm những công việc thường nhật này mà ta thường nghĩ là chẳng có gì đáng quan tâm. Những hình ảnh dùng trong thi kệ rất thiết thực. Ta cũng có thể tự làm ra những bài thi kệ thích hợp với những công việc ta đang làm như đi xe, mặc áo v.v… Thi kệ cũng nhắc nhở cho ta nhớ rằng mỗi ngày đất Mẹ đều hiến tặng cho ta những món quà thật quý giá.

Quơ dép

Đặt chân lên mặt đất
Là thể hiện thần thông
Từng bước chân tỉnh thức
Làm hiển lộ pháp thân.

Ta thực tập bài thi kệ này khi vừa xuống giường và đặt chân lên đất. Ta cũng sử dụng bài thi kệ này khi đi thiền hành hay đi bất cứ đâu. Pháp thân (Dharmakaya) là thân thể (kaya) của pháp (Dharma), là con đường của hiểu biết, thương yêu. Trước khi nhập diệt, Đức Bụt nói với hàng đệ tử của ngài: “Chỉ có nhục thân của ta là tan biến, còn pháp thân của ta thì còn mãi với đời”. Pháp thân cũng có nghĩa là tinh hoa của vạn hữu. Tất cả mọi hiện tượng trong đời sống như tiếng chim hót, tia nắng ấm, ly trà thơm bốc khói v.v… đều là biểu hiện của pháp thân. Chúng ta cũng cùng một thuộc tính với những mầu nhiệm ấy của vũ trụ. Chúng ta không cần phải đi trên mây hay trên nước để biểu diễn thần thông. Có thần thông thật sự là biết sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết đi từng bước thảnh thơi trên vùng đất xanh tươi, biết trân quí sự sống đang có mặt một cách mầu nhiệm. Lúc ấy pháp thân sẽ không ngừng tỏa rạng khắp nơi.

Vặn nước

Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chay
Ơn nước luôn tràn đầy.

Dù ta có biết nước từ đâu đến, từ suối cao hay từ lòng đất sâu, ta vẫn có thói quen xem đó là một sự kiện đương nhiên phải có. Ta vẫn chưa ý thức được một cách sâu sắc là sự sống có được là nhờ có nước. Cơ thể chúng ta hơn 70% là nước. Nhờ có nước ta mới có đủ rau trái và thực phẩm để ăn. Nước là một người bạn thân, một vị Bồ Tát nuôi sống muôn loài sinh vật trên trái đất. Nước hữu dụng vô cùng tận. Đọc bài kệ này trước khi mở vòi nước hay trước khi uống nước giúp ta cảm nhận được dòng nước mát mẻ đang lưu chuyển nhẹ nhàng trong suốt châu thân. Đón tiếp ân cần món quà vô giá từ nước là thắp sáng ý thức biết ơn để tiếp tục nuôi dưỡng và giữ gìn sự sống của muôn loài trên trái đất.

Rửa tay

Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này.

Trái đất xinh đẹp của chúng ta đang lâm nguy. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị ta khai thác quá mức, sông hồ biển cả bị ô nhiễm, môi trường sinh sống của con người và các loài khác đang bị ta phá hũy, ta tàn phá rừng cây, đất đai, không khí và tầng ozon. Vì vô minh, vì sợ hãi mà ta đi đến chỗ tiêu diệt hành tinh xanh của chúng ta, tiêu diệt môi trường sinh sống của con người. Đất giữ gìn nước và nước cho sự sống. Nhìn vào đôi tay và quán chiếu sâu sắc khi nước chảy trên tay, ta sẽ có đủ tuệ giác sáng suốt để giữ gìn và bảo vệ hành tinh xinh đẹp, đất Mẹ của chúng ta.

Nâng bát không

Tay nâng chiếc bát không
Tôi biết rằng trưa nay
Tôi có đủ may mắn
Để có bát cơm đầy.

Còn rất nhiều người trên trái đất đang đói khổ, khi họ nhìn vào chiếc bát không, họ không biết khi nào họ mới có được bát cơm đầy. Cho nên khi nhìn vào chiếc bát không, ta cũng thấy trân quý như đang nhìn vào bát cơm đầy. Ta rất may mắn khi còn có thức ăn, ta đọc bài kệ để nuôi dưỡng lòng biết ơn và thương xót những người đang đói khổ, ta nguyện sẽ tìm cách giúp đỡ họ.

Nâng bát đầy

Tay nâng bát cơm đầy
Tôi thấy rõ vạn vật
Đang dang tay góp mặt
Để cùng nuôi dưỡng tôi.

Nhìn vào bát cơm có thức ăn thơm ngon, ta ý thức được nỗi đắng cay của những người đang đói khổ và thiếu dinh dưỡng. Nhìn vào bát cơm ta có thể thấy được đất Mẹ, thấy được bác nông dân và tình trạng bi đát của sự phân phối thức ăn không đồng đều gây ra. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, người ta thường ăn những thức ăn được nhập khẩu từ các nước khác như cà phê được nhập từ Colombia (Nam Mỹ), sôcôla từ Ghana (Châu Phi), gạo thơm từ Thái Lan. Trẻ em ở các nước này không bao giờ được thưởng thức những món ăn ngon trừ trẻ em con nhà giàu, bởi vì người ta đem đi xuất khẩu tất cả những thứ gì ngon để đổi lấy ngoại tệ. Trước mỗi bữa ăn, ta chắp tay, thở thật sâu và đọc lên bài kệ này để duy trì chánh niệm, ta nghĩ đến những người không có đủ thức ăn để ăn. Ta nguyện sẽ học cách sống đơn giản hơn, để có thêm thời giờ và năng lượng giúp thay đổi những tình trạng bất công vẫn đang còn tồn tại trên thế giới.

Làm vườn

Đất đưa ta ra đời
Rồi đất ôm ấp ta
Sinh diệt trong hơi thở
Sinh diệt như hằng sa.

Đất là Mẹ của chúng ta. Mọi sự sống đều sinh ra từ đất Mẹ, được đất Mẹ chở che và nuôi dưỡng. Mỗi chúng ta là con của Mẹ, sinh ra từ đất Mẹ và một lúc nào đó sẽ trở về cho đất Mẹ ấp ủ. Quán chiếu kỹ, ta sẽ thấy ta không ngừng sinh và diệt trong từng hơi thở. Khi làm vườn, ta hãy để những ngón tay của ta tiếp xúc với đất để cảm nhận được sự mầu nhiệm của đất. Làm vườn giúp ta phục hồi năng lượng rất nhanh. Sống ở thành phố ta ít có cơ hội để cuốc đất trồng rau, chăm sóc hoa cỏ. Ta có thể tìm đâu đó một miếng đất nho nhỏ đủ để cho ta trồng ít cây, ít hoa hay ít rau để chăm sóc và trân quý. Tiếp xúc được với đất là một phương pháp mầu nhiệm giữ cho thân tâm khỏe mạnh.

Tưới cây

Nước mát và mặt trời
Cùng làm nên màu xanh
Cam lồ của Bồ Tát
Rớt xuống nơi sa mạc
Thành biển xanh mênh mông

Nước chính là cam lồ của Bồ Tát có khả năng phục hồi sự sống. Mưa làm tươi mát mùa màng và giúp con người không rơi vào tình trạng nóng bức đói khổ. Đức Bồ tát Quan Thế Âm thường cầm một bình cam lộ trong tay trái và một cành dương liễu trong tay phải. Ngài rải xuống những giọt nước cam lộ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu, làm hồi sinh những tâm hồn khô héo, mệt mỏi vì khổ đau. Khi tưới cây cũng giống như tưới nước cam lồ, những cơn mưa từ bi rơi xuống làm cho cây cỏ xanh tươi. Khi ta tưới cây là ta tưới toàn bộ trái đất. Và khi tưới cây, ta trò chuyện với cây cối cũng như ta đang trò chuyện với chính ta. Ta cùng có mặt với mọi hiện tượng khác vì tất cả đều liên đới mật thiết với nhau. Con người hiện nay cảm thấy xa lạ với nhau vì chưa hiểu được sự tương quan mật thiết này. Ta không thể nào tách mình ra khỏi xã hội hay bất cứ cái gì. Cái này có vì cái kia có, điều này trong kinh Bụt nói rất rõ, đó là bản chất tương tức tương duyên của cuộc đời. Cho nên tưới cây là một thực tập sâu sắc giúp ta thể hiện lòng từ bi, chứng nghiệm lý tương tức và duyên sinh của vạn vật.

Đổ rác

Một thùng rác bẩn
Một bông hồng tươi
Muôn vật chuyển hóa
Thường trong vô thường.

Rác nào cũng có mùi rất hôi, nhất là rác hữu cơ trong giai đoạn phân rữa. Nhưng phân rác dùng để bón cây rất tốt. Một đóa hồng thơm và một thùng rác bẩn chỉ là hai mặt của một thực tại. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Mọi thứ đều được chuyển hóa. Đóa hồng tươi sau sáu ngày sẽ trở thành rác bẩn. Và sau sáu tháng rác bẩn lại trở thành hoa thơm. Khi ta nói vô thường là ta nói trong ý nghĩa đó, cái gì rồi cũng sẽ chuyển hóa cũng sẽ đổi thay. Cái này chuyển thành cái kia, cái kia chuyển thành cái này. Tập nhìn sâu, ta thấy được cái một nằm trong cái tất cả. Hiểu được sự tương quan chằng chịt của vạn pháp, ta không còn bị xao động bởi những biến đổi vô thường của cuộc sống. Ta sẽ thấy được cái thường trong vô thường, và thấy được hoa thơm trong thùng rác bẩn.

Thiền buông thư

Nghỉ ngơi là điều kiện đầu tiên đưa đến trị liệu. Khi những con thú trong rừng bị thương, chúng thường tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ. Chúng nằm tĩnh dưỡng trong yên lặng nhiều ngày, không còn nghĩ đến chuyện đi săn mồi, đi kiếm thức ăn hay chuyện gì khác. Chúng chỉ cần nằm yên nghỉ, và những vết thương của chúng có điều kiện để tự chữa lành. Còn chúng ta, khi đầu óc quá căng thẳng, chúng ta thường tìm đến tiệm thuốc tây để mua thuốc an thần. Sau đó ta vẫn tiếp tục làm cho đầu óc thêm căng thẳng. Chúng ta không biết học cách tự chữa cho mình.

Ta tích lũy những căng thẳng lâu ngày trong cơ thể qua cách sống hàng ngày của chúng ta như cách ta ăn uống, và sức khỏe chúng ta dần dần bị hao mòn. Cho nên thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Ta để cho toàn thân được buông lỏng, và ta lần lượt để tâm gửi tình thương đến từng tế bào, đến từng bộ phận trong cơ thể.

Khi ta ở nhà, ta có thể tập thở có chánh niệm và tập buông thư toàn thân ít nhất là một lần trong ngày. Ta có thể sử dụng phòng khách để tập buông thư, ta có thể buông thư hai mươi phút hoặc hơn thế. Một người nào đó trong gia đình có thể hướng dẫn cho gia đình tập thiền buông thư. Những người trẻ có thể học cách hướng dẫn thiền buông thư cho cả gia đình.

Ở các trường học hiện nay, tôi nghĩ nên có phòng dành riêng cho học sinh tập thiền buông thư. Các thầy cô giáo nên học kỹ phương pháp thiền buông thư để giúp các em học sinh thực tập buông thư trước khi vào lớp hoặc giữa các tiết học. Ta có thể tập buông thư trong tư thế ngồi hay nằm. Thầy cô giáo và học sinh có thể cùng nhau tập thở và tập buông thư để giảm bớt căng thẳng, đồng thời học tiếp xúc với phần tâm linh trong đời sống. Là bác sĩ, ta cũng giúp bệnh nhân tập buông thư. Là bệnh nhân ta cũng tập thở và buông thư để tự chữa lấy mình và hồi phục lại sức khỏe cho nhanh chóng. Các nghị sĩ trong Quốc Hội cũng có thể thực tập thở và buông thư. Ở nghị viện, các cuộc tranh luận thường kéo dài cả ngày đêm, gây rất nhiều căng thẳng. Để làm được những quyết định đúng đắn, các nghị sĩ cần có đầu óc thư giãn thoải mái. Thực tập thư giãn là một thực tập rất khoa học, chẳng có gì là tôn giáo cả. Mỗi lần được thư giãn là đã thấy khỏe rồi, cho nên đây là một sự thực tập cần thiết.

Những lúc không ngủ được, ta có thể tập buông thư để lấy lại sức. Nằm trên giường, ta buông lỏng toàn thân và theo dõi hơi thở. Thực tập như vậy có thể giúp ta lấy lại giấc ngủ dễ dàng. Mà dù không ngủ lại được, tập thở và buông thư vẫn giúp ta được nghỉ ngơi. Ta cũng có thể lắng nghe Kinh, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng và được nuôi dưỡng. Điều quan trọng là ta để cho thân tâm có cơ hội được yên nghỉ.

Khi thực tập thiền buông thư với nhiều người, ta có thể dùng những bài tập để hướng dẫn họ. Khi thực tập một mình, ta có thể ghi âm những bài tập và lắng nghe để được hướng dẫn.

Bài tập buông thư

Ta nằm trong tư thế thoải mái, hai cánh tay để buông xuôi theo thân thể. Ta để cho thân thể được nghỉ ngơi, thư giãn. Ta ý thức rõ ràng mình đang nằm trên nền nhà, toàn thân đang tiếp xúc với nền nhà. (Dừng một chút) Ta như có cảm tưởng là toàn thân đang mềm ra và lún dần xuống mặt đất (Dừng một chút)

Ta ý thức được hơi thở đang đi vào đi ra. Thở vào, biết mình đang thở vào; thở ra, biết mình đang thở ra. Thở vào, thấy bụng mình đang phồng lên; thở ra, thấy bụng mình xẹp xuống. (Dừng) Phồng lên… xẹp xuống… phồng lên… xẹp xuống. (Dừng)

Thở vào, để tâm vào đôi mắt của mình; thở ra, để cho đôi mắt được thư giãn. Để cho hai mắt chìm sâu vào trong đầu mình… thư giãn mọi cơ bắp ở quanh mắt… đôi mắt thật quý giá vô cùng, đôi mắt cho ta thấy bao nhiêu hình sắc tuyệt vời… hãy để cho đôi mắt có dịp được nghỉ ngơi… ta gởi đến đôi mắt tất cả lòng thương quí và biết ơn. (Dừng)

Thở vào, ta để tâm nơi miệng mình. Thở ra để cho miệng được thư giãn nghỉ ngơi. Ta buông thư tất cả những cơ bắp quanh miệng… đôi môi của ta là những cánh hoa xinh đẹp… hãy nở một nụ cười nhẹ nhàng… mỉm cười để làm rơi rụng tất cả những căng thẳng trên khuôn mặt… dần dần hai má cũng được thư giãn… quai hàm cũng được thư giãn… cổ họng cũng được thư giãn… (Dừng)

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai vai. Thở ra, để cho hai vai được thư giãn. Để cho hai vai lún dần xuống sàn nhà… hãy buông hết xuống sàn nhà tất cả những căng thẳng tích lũy bấy lâu nay… Trong quá khứ, ta đã gánh vác quá nhiều trên đôi vai của mình… bây giờ ta hãy đặt chúng xuống đất, để cho hai vai ta được nhẹ nhõm… Ta gởi đến đôi vai tất cả lòng thương quí và biết ơn.

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai cánh tay. Thở ra, ta buông thư hai tay. Để cho hai tay dần lún xuống sàn nhà… rồi cánh tay… khuỷu tay… cổ tay… các ngón tay… tất cả đều mềm ra, hoàn toàn thư giãn. Có thể cho các ngón tay cọ quậy chút đỉnh để các cơ bắp được thư giãn.

Thở vào, ta đưa ý thức đến trái tim của mình… Thở ra, cho phép trái tim được thư giãn… (Dừng)… Đã từ lâu ta quên chăm sóc cho trái tim của ta, vì ta chỉ lo làm ăn, bận bịu suốt ngày, rồi căng thẳng, bực bội, làm cho trái tim ta mệt mỏi… (Dừng)… Trong khi đó trái tim làm việc cho ta suốt ngày đêm không ngừng nghỉ… Ngay bây giờ hãy nhẹ nhàng ôm lấy trái tim bằng chánh niệm… hãy nói lời xin lỗi với trái tim và hứa từ nay sẽ chăm sóc trái tim với tất cả lòng thương quí và biết ơn.

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai chân. Thở ra, cho phép hai chân được thư giãn. Để rơi rụng tất cả những căng thẳng, để hai chân được hoàn toàn thư giãn… từ bắp đùi… đến đầu gối… đến mắt cá chân… bàn chân…các ngón chân… tất cả đều được hoàn toàn thư giãn. Có thể cọ quậy chút đỉnh các ngón chân. Gởi đến từng ngón chân tất cả lòng thương quí và biết ơn…(Dừng)

Thở vào, thở ra… ta thấy toàn thân nhẹ nhàng làm sao… như những cánh bèo đang trôi êm đềm trên mặt nước… không cần phải đi đâu nữa… không cần phải làm gì cả… ta thấy mình thong dong như mây bay trên bầu trời… (Dừng)

(Hát vài bài hát) (Dừng)

Đưa ý thức trở về với hơi thở… để ý đến bụng đang phình lên, xẹp xuống… (Dừng)

Theo dõi hơi thở. Ý thức về hai cánh tay và hai chân của mình… nhẹ nhàng lay động hai tay hai chân rồi duỗi thẳng. (Dừng)

Ta nhẹ nhàng ngồi dậy. Rồi nhẹ nhàng đứng lên.

Theo bài tập trên, ta có thể đưa ý thức đến từng bộ phận của cơ thể, để tâm chăm sóc từng bộ phận trong khi thở vào thở ra, nhất là những nơi đang đau nhức, để những nơi đó có thêm năng lượng tự chữa trị. Ta gửi theo từng hơi thở tất cả lòng thương quí và biết ơn của ta đến từng bộ phận của cơ thể, vì cơ thể của chúng ta là người bạn đồng hành thân thiết nhất.

Thiền lạy

Thực tập thiền lạy là tập trở về với đất Mẹ, trở về với gốc rễ tổ tiên tâm linh và huyết thống, để nhận ra rằng ta không bao giờ đơn độc một mình, mà ta luôn được nối liền với tổ tiên tâm linh và huyết thống của ta. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên và cùng với tổ tiên ta đi về tương lai. Thực tập thiền lạy để buông bỏ ý niệm về một cái ngã riêng biệt, đồng thời tự nhắc nhở mình rằng mình chính là một phần của đất Mẹ, một phần của sự sống.

Khi ta tập lạy năm vóc sát đất, ta thấy mình trở nên nhỏ bé, giản dị và hồn nhiên như một đứa trẻ. Khi lạy xuống tiếp xúc với đất, ta cũng thấy mình bỗng trở nên vĩ đại như một cây cổ thụ với những cái rễ đâm sâu trong lòng đất, và hút được nước từ tất cả các nguồn. Thiền lạy cũng là cơ hội giúp ta tiếp xúc và được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi của đất, và nhờ đất chuyên chở chuyển hóa giùm ta những khổ đau ta đang có trong lòng như giận hờn, tham lam, sợ hãi, buồn tủi, bất mãn v.v…

Ta chắp tay búp sen, và từ từ lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất (hai tay, hai chân, và trán). Hãy để cho năm vóc của ta được nghỉ ngơi thoải mái trên sàn nhà. Ta cũng có thể lạy theo kiểu người Tây Tạng, toàn thân nằm dài trên mặt đất. Khi lạy xuống, ta để hai bàn tay mình ngửa ra, để chứng tỏ ta không có gì để dấu diếm với Tam Bảo. Thực tập năm cái lạy một hai lần, ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn, và lòng nhẹ đi rất nhiều khổ đau. Ta thấy có thể hòa giải được với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu và với bạn bè của ta.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.