Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương I

Hình Spyang-pu

Sau thời gian nghiên cứu ở Tây Tạng và nhất là sau 3 năm nghiên cứu các truyền thống tang lễ ở vùng sông Nil, tôi phát hiện ra rằng ảnh tượng của người chết dùng ở Tây Tạng và ở Sikkim hoàn toàn giống với loại ảnh tượng được gọi là“tượng của Osiris”, tức là của người chết, vẫn được sử dụng ở Ai Cập. Hai loại ảnh tượng này có chung một nguồn gốc, và đều nhắm đến việc  giúp cho linh hồn người chết có được một nơi nương tựa và hướng dẫn họ đi trong thế giới sau khi chết.

Nơi gần bên vai trái của hình người chết ở giữa Spyang-pu, hoặc đôi khi là ngay ở giữa, phía dưới, người ta khắc các chữ tượng âm, liên hệ đến 6 cõi trong luân hồi, được tạm diễn dịch như sau:

S à Sura, cõi trời, cảnh giới của chư thiên.

A à Asura, cảnh giới A-tu-la.

Na à Nara, cảnh giới loài người.

Tri à Trisan, cảnh giới súc sanh, loài vật.

Pre à Pretam, cảnh giới ngạ quỷ.

Hu à Hung, cảnh giới địa ngục.

Sau khi tang lễ chấm dứt, tức là sau 49 ngày, hình vẽ Spyang-pu được mang ra đốt một cách trịnh trọng trên ngọn lửa của một ngọn đèn thắp bằng bơ, và người ta chào linh hồn người chết lần cuối cùng với những lời vĩnh biệt. Tùy theo màu sắc của ngọn lửa cháy lên mà người ta đoán biết số phận của người chết. Tro tàn của hình đã đốt được thu lượm vào trong một chiếc đĩa, người ta trộn tro ấy với đất sét, và dùng đất ấy để nắn hình những cái tháp nhỏ, gọi là sa-tscha. Một trong số những tháp ấy được để nơi bàn thờ ở nhà, số còn lại được đặt nơi có bóng mát ở các ngã tư, hay trên một đỉnh đồi, hoặc trong một hang đá, thường thì ở dưới một tảng đá to nhô ra.

Ðồng thời với việc đốt hình Spyang-pu, người ta phá hủy ảnh tượng người chết, và quần áo thì được hiến cho các vị Lạt-ma để bán cho người nào đến mua đầu tiên, và tiền bán được các vị ấy giữ  lấy xem như  tiền tạ lễ.

Ðược tròn một năm, người ta làm lễ tạ cho người chết. Ðó là lễ tạ ơn chư Phật đã cứu độ người chết. Và sau thời gian đó thì một người góa phụ có thể đi lấy chồng.

Phương thức hỏa thiêu thi hài người chết là điều rất phổ biến ở Tây Tạng, nhưng thường là vì thiếu chất đốt nên người ta có thể đưa xác lên một ngọn đồi cao hay một tảng đá lớn, để cho các loài chim, thú, đến ăn thịt, gọi chung là điểu táng, giống như ở các vùng Ba Tư và Bombay. Gia đình nào có đủ chi phí cho việc làm giàn hỏa thì sẽ thiêu xác. Trong những khu vực xa đô thị, người ta chôn xác. Khi người chết đã bị bệnh truyền nhiễm nặng, dễ lây lan, như bệnh đậu mùa chẳng hạn, thì người ta buộc phải chôn. Nói chung, người Tây Tạng không thích việc chôn xác, vì họ tin rằng cái xác chôn sẽ có thể bị linh hồn người chết nhập trở lại và hóa thành ma cà rồng. Theo cách nghĩ này, người ta chuộng việc thiêu xác hay làm cách nào đó để cho các yếu tố của xác thân tan biến ngay đi. Ðôi khi người ta cũng bỏ xác xuống sông giống như người Ấn Ðộ, hoặc một nơi nào có nước sâu.

Ðối với đức Ðạt- lai Lạt–ma hay những vị thánh thiện, tôn quý thì người ta ướp xác. Giống như ở Ai Cập xưa, xác chết được vùi trong một hộc muối biển trong vòng 3 tháng, cho đến khi muối hút hết các chất lỏng của thân, khiến cho cái xác khô teo lại. Rồi kế đó, người ta tô lên xác một hỗn hợp bột nhão gồm có những bột đất sét, bột gỗ chiên đàn, bột tiêu ớt, hay những chất thuốc trị mối mọt. Chất bột nhão ấy được tô vào những chỗ lõm như mắt, má, bụng… để cho hình xác trở lại bình thường, và khi xác khô cứng lại thì thành một xác ướp theo kiểu Ai Cập.

Sau cùng khi toàn bộ xác ướp đã khô cứng, thì người ta quét lên đó một lớp nước sơn màu vàng, và xác ướp được đặt thờ trong một tu viện hay tịnh xá.

Bốn cách làm mất xác của người chết nói trên xuất phát từ quan niệm cho rằng thân người gồm có 4 yếu tố cấu thành là đất, nước, gió, lửa.

Chôn xác là trả về cho đất. Bỏ xuống sông là trả về cho nước. Ðiểu táng là trả về cho gió, vì loài chim sống trong không khí. Thiêu xác là trả về cho lửa. Ðó là tóm lược những ý nghĩa huyền bí ẩn sau các hình thức tang lễ của người Tây Tạng.

Sau khi chết, trong thời gian từ 3 ngày rưỡi đến 4 ngày, người ta tin rằng thần thức của những người bình thường ở trong một trạng thái giống như ngủ say, không biết là mình đã ra khỏi thân người. Gian đoạn đầu tiên ấy của thân trung ấm được gọi là Tschikhai-Bardo hay trạng thái chuyển tiếp ngay sau khi chết.

Trong giai đoạn này, trước tiên là ánh sáng trong suốt lóe sáng trong dạng thể nguyên sơ của nó. Rồi nếu thần thức người chết không thể nhận được nó, nghĩa là không thể tự duy trì trong trạng thái siêu việt, không biến đổi, phù hợp với ánh sáng ấy, thì ánh sáng ấy bị mờ dần đi theo nghiệp lực. Khi ấy bước vào giai đoạn thứ hai.

Khi giai đoạn đầu chấm dứt, thần thức chợt tỉnh ra, biết được là mình đã chết và bắt đầu trải qua giai đoạn thứ hai, gọi là Tschőnyi-Bardo, hay là trạng thái chuyển tiếp của kinh nghiệm thực tại. Trạng thái này sẽ tan biến đi khi chuyển sang giai đoạn thứ ba, gọi là Sipa-Bardo, hay là trạng thái chuyển tiếp khi chuẩn bị tái sanh. Trạng thái này sẽ chấm dứt vào lúc thần thức thực sự tái sanh vào một trong các cảnh giới của sáu cõi luân hồi.

Sự chuyển tiếp từ một giai đoạn này sang giai đoạn khác của thân trung ấmdiễn tiến cũng tương tự như tiến trình của sự sanh ra. Thần thức chợt tỉnh, đi từ cơn mê này sang  cơn mê khác, cho đến cuối giai đoạn thứ ba.

Khi bắt đầu thức tĩnh trong giai đoạn thức hai, thần thức nhìn thấy từng hiện cảnh tượng trưng tức là các ảo giác do nghiệp lực tạo ra bởi các hành động đã làm khi còn sống. Những điều đã suy nghĩ, đã làm trước đây, giờ trở thành những đối tượng khách quan. Các hình  ảnh được nhìn thấy hoàn toàn do sự tưởng tượng một cách có ý thức, được sanh khởi từ những gì trước đây đã nhìn thấy và ăn sâu, phát triển trong tâm thức. Các hình ảnh ấy hiện ra rồi đi qua, trong một toàn cảnh trang nghiêm và mạnh mẽ, như nội dung ý thức cá biệt của mỗi người.

Trong giai đoạn thứ hai, thần thức nếu không giác ngộ sẽ vẫn còn chìm trong một phần ảo tưởng, tự nghĩ rằng cho dù đã chết nhưng vẫn còn có một xác thân. Cho đến khi thần thức hoàn toàn hiểu rõ rằng mình thực sự không còn có thân xác nữa, thì thần thức bắt đầu cảm thấy khao khát, mong muốn có một xác thân. Sự khao khát lên đến cùng cực không thể vượt qua, thôi thúc thần thức đi tìm một xác thân, và vào lúc ấy thì sự ưa thích theo nghiệp lực tất nhiên sẽ trở thành quyết định. Thần thức bước vào giai đoạn thứ ba để tìm đường tái sanh.

Khi thần thức thực sự được tái sanh trong thế giới này hay thế giới khác, thì trạng thái sau khi chết sẽ chấm dứt.

Nói chung, sự mô tả như trên là một tiến trình bình thường. Còn đối với các tâm thức đặc biệt, có sự tu tập và giác ngộ, thì chỉ trải qua giai đoạn của những ngày đầu tiên sau khi chết mà thôi. Một vị chân tu giác ngộ có thể không phải trải qua giai đoạn mang thân trung ấm bằng cách đến thẳng cảnh giới của chư thiên, rồi với một hóa thân ở đó, sau khi đã vứt bỏ xác thân bằng xương thịt họ vẫn giữ được sự sống liên tục của tâm thức, không dứt đoạn. Khi đó, vị ấy suy nghĩ như thế nào sẽ tức khắc trở thành như thế ấy, trong hiện tại cũng như trong vị lai, bởi vì chính tâm thức tạo ra thế giới sự vật và là nguồn gốc của mọi hành động tốt hay xấu. Nhân đã gieo thế nào thì quả sẽ gặt đúng như thế ấy.

Trong suốt thời gian ở trong trạng thái chuyển tiếp khi chưa tái sanh vào một đời sống khác, thần thức người chết luôn bị các ảo tưởng của nghiệp lực chi phối.Thân trung ấm được sung sướng hay đau khổ tùy theo mỗi trường hợp nghiệp lực cá biệt của mỗi người.

Ngoài sự giải thoát bằng cách được vãng sanh về một trong các cõi tịnh độ của chư Phật sau khi chết, nếu phải tái sanh thì cảnh giới tốt nhất được khuyến khích chính là cõi người. Tái sanh vào bất cứ cảnh giới nào khác với cảnh giới của loài người đều sẽ làm trì trệ việc tu tập để đạt đến giải thoát hoàn toàn.[7]

Có một ý nghĩa tâm lý xác định gắn liền với hình ảnh các thiện thần hiện ra trong giai đoạn mang thân trung ấm. Nhưng muốn nắm hiểu được điều ấy, chúng ta không nên quên rằng các cảnh tượng mà thần thức người chết nhìn thấy trong giai đoạn mang thân trung ấm không phải là những cảnh tượng thật. Chúng chỉ là ảo giác biểu lộ các tưởng tướng do tâm thức của người ấy tạo ra. Hay nói một cách khác, chúng là các hình tướng được nhân cách hóa của những thôi thúc thuộc tinh thần trong trạng thái sau khi chết.

Như vậy, các thiện thần là các hình tướng được nhân các hóa của những tình cảm thuộc nhân tính cao cả nhất, có nguồn gốc ở trung tâm tâm lý của con tim. Chúng được hiện ra trước dưới dạng thức các vị thiện thần, bởi vì theo tâm lý mà nói thì các thôi thúc của con tim luôn đi trước các thôi thúc của trí óc. Chúng hiện ra với hình dạng các thiện thần để tác động đến thần thức người chết vì những mối liên hệ của họ với thế giới loài người chỉ vừa mới bị dứt đoạn. Người chết đã bỏ lại những bà con thân thuộc, bạn bè và những công việc còn dở dang, những ước muốn chưa thỏa mãn; và trong nhiều trường hợp họ cảm thấy một sự luyến tiếc sâu sắc, một ước mong tìm lại được cơ hội đã mất để được giác ngộ về tinh thần trong một đời sống khác ở kiếp người.

Nhưng nghiệp lực thường mạnh mẽ hơn mọi sự thôi thúc và luyến tiếc của họ. Nếu nghiệp lực của người chết không cho họ được giải thoát trong các giai đoạn đầu thì họ đi lang thang xuống đến các giai đoạn mà sự thôi thúc của con tim phải nhường chỗ cho những thôi thúc của trí óc.

Cũng giống như việc các thiện thần là sự nhân hóa các tình cảm, các ác thần là sự nhân hóa các lý luận và nguồn gốc của chúng nằm ở trung tâm tâm lý của trí óc. Nhưng một thôi thúc phát xuất từ con tim cũng có thể biến đổi thành lý luận trong trí não, cho nên các ác thần cũng có thể là các thiện thần được tái hiện dưới một dạng thức khác.

Sau khi các thôi thúc tình cảm giảm dần và những thôi thúc lý trí hoạt động, và thần thức người chết càng lúc càng nhận biết được tình trạng đang diễn tiến. Họ bắt đầu dùng các khả năng siêu việt của thân trung ấm theo cách như một đứa trẻ bắt đầu dùng các khả năng thuộc giác quan của bình diện con người. Tuy nhiên, nghiệp lực vẫn làm chủ và xác định những giới hạn. Trong đời sống con người thì các thôi thúc thuộc tình cảm hoạt động mạnh trong thời trẻ và mất dần đi khi về già; khi ấy chúng được thay thế bằng những lý luận. Cũng vậy, trong giai đoạn mang thân trung ấm sau khi chết, các kinh nghiệm được trải qua ban đầu sung sướng hơn các kinh nghiệm sau chót.

Trong một ý nghĩa khác thì các thiện thần hay ác thần chính là sự biểu hiện của tâm thức, là biểu hiện của những thần lực phổ quát. Người chết liên hệ với các thần lực đó một cách mật thiết, không thể dứt được. Người chết là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ; tất cả các thôi thúc thâm nhập xuyên qua họ, cũng như tất cả các năng lực tốt hay xấu.

Theo ý nghĩa đó, Samanta Bhadra[8] chính là cái thiện phổ quát, nhân hóa thực tại, tức là ánh sáng trong suốt nguyên sơ của pháp thân vô sanh, vô tướng. Ðức Phật Ðại Nhật là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng, là nguyên nhân của các nguyên nhân. Ðức Phật Ðại Nhật làm hiển lộ mọi sự vật giống như người ta gieo giống; đức Phật mẫuHư không nhãn là tâm địa phổ quát đón nhận các hạt giống ấy. Từ đó, chúng biến hóa thành các hệ thống của những thế giới. Kim Cang Tát-đỏa tượng trưng cho sự bất biến; đức Phật Bảo Sanh là vị tượng trưng cho nguồn gốc của mọi cái đẹp trong vũ trụ. Ðức A-di-đà là lòng từ bi vô hạn. Phật Bất Không Thành Tựu là sự nhân hóa quyền năng tối thượng, vạn năng. Các thiện thần, ác thần tương ứng với các tư tưởng xác định của người chết, với các đam mê, sự thôi thúc mãnh liệt hay vừa phải, thuộc nhân tính hay của bậc siêu nhân hoặc hạ tiện…

Trong quyển sách này cũng chỉ ra rất rõ bằng những lời xác ngôn lặp đi lặp lại, rằng không một vị thiện thần, ác thần hay cảnh tượng nào được trông thấy là có thực cả. Ðối với thần thức người chết, khi trông thấy mọi cảnh tượng, chỉ cần biết rằng đó là biểu hiện những tư tưởng riêng của chính họ là đủ. Chúng đơn thuần chỉ là nội dung của ý thức hiện ra do tác dụng của nghiệp thức, cũng như các bóng dáng trong trạng thái trung gian của những hoa đốm ở hư không, dệt thành các giấc mộng… Sự nhận thức trọn vẹn về tâm lý này sẽ giải thoát cho thần thức người chết ngay trong thực tại. Vì lẽ đơn giản đó mà quyển Luận vãng sanh này đã được tôn xưng là Ðại giáo lý dẫn đến sự giải thoát qua lắng nghe.

Thần thức người chết là khán giản duy nhất của một toàn cảnh kỳ diệu, những thấy biết ảo giác. Mỗi mầm tư tưởng của nội dung ý thức đều theo nghiệp lực sống lại, và thần thức người chết giống như một đứa bé kinh ngạc khi nhìn các hình ảnh được phóng to trên màn ảnh. Họ quan sát các cảnh tượng mà không biết rằng đó chỉ là ảo ảnh, hoàn toàn giả dối, hư huyễn, trừ khi trước đây họ đã có một quá trình tu tập chứng ngộ.

Trước tiên là các cảnh tượng sung sướng và vinh quang, phát xuất từ những mầm thôi thúc và khát vọng có tính cách thánh thiện nhất. Nhưng những cảnh tượng đó cũng có thể làm cho người không hiểu biết phải khiếp sợ.

Tiếp đó, các cảnh tượng ấy tan biến thành những cảnh phát xuất từ các yếu tố tinh thần tương ứng với bản chất thấp kém hay thuộc thú tính. Các cảnh tượng này làm cho thần thức người chết hoảng hốt và muốn trốn chạy. Nhưng than ôi, các cảnh tượng ấy với thần thức người chết vốn chỉ là một, nên dù họ chạy trốn ở đâu chúng cũng bám theo họ.

Không hẳn là tất cả những người chết đều trải qua, đều nhìn thấy cùng những cảnh tượng giống như nhau, cũng giống như mọi người không ai có thể cùng sống chung và nhìn thấy giống như nhau trong một cơn ác mộng. Những gì mà người chết trước đây đã từng học hỏi thì họ sẽ tin vào điều đó. Những tư tưởng được gieo cấy vào tâm thức của con người có thể ảnh hưởng trọn vẹn đến nội dung tinh thần người ấy.

Do đó, người Phật tử, người tín đồ Ấn Ðộ giáo, hoặc Hồi giáo, Cơ Ðốc giáo… đều sẽ trải qua các cảnh tượng khác nhau khi mang thân trung ấm, sẽ nhìn thấy những gì theo đúng như giáo lý họ đã được truyền dạy…

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.