Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương IV

b.      Ngày thứ hai

Trong ngày thứ hai, thần thức sẽ cảm nhận một hào quang sắc trắng, khi yếu tố nước hiện ra dưới dạng của pháp thân. Kinh chỉ rõ cõi này nằm về phía đông, là cõi của Phật Bất Ðộng.[5] Ðức Phật Bất Ðộng ngồi trên voi trắng, tay cầm chày kim cương[6] biểu tượng cho vật thể bất hoại.

Nếu cảnh giới Phật Ðại Nhật là do thức uẩn biến hiện, thì cảnh giới Phật Bất Ðộng là do sắc uẩn biến hiện trong thể tánh chân như. Cảnh giới này tràn ngập hào quang màu trắng, và biểu hiện của sắc uẩn trong cõi Ta-bà là địa ngục, phát ra một ánh sáng xám đục. Bị ác nghiệp chiêu cảm, thần thức có thể sanh tâm sợ hãi với hào quang sắc trắng chói lòa, và do đó hướng về ánh sáng xám đục củađịa ngục. Cảnh giới Phật Bất Ðộng là cảnh giới của tri kiến vững chắc bất hoại, nên nếu thần thức kiên tâm giữ vững chính kiến thì có khả năng an trú được trong cảnh giới này.

c.       Ngày thứ ba

Trong ngày thứ ba, thần thức sẽ cảm thấy một hào quang sắc vàng, biểu hiện yếu tố đất trong thể tánh chân như. Cõi này nằm ở phía nam, là cảnh giới của Phật Bảo Sanh.[7] Phật Bảo Sanh tay cầm báu vật, tượng trưng cho sự sung mãn, tăng trưởng. Cảnh giới này do thọ uẩn biến hiện.

Yếu tố của thế giới Ta-bà trong cảnh giới này là cõi người. Trong hào quang sắc vàng của cảnh giới Phật Bảo Sanh, cõi người xuất hiện dưới dạng của một thứ ánh sáng màu xanh nhạt. Thần thức tái sanh làm người thường sợ hãi hào quang sắc vàng của cõi Phật Bảo Sanh và thấy ánh sáng xanh nhạt của loài người là êm dịu thích hợp với mình.

d.      Ngày thứ tư

Qua ngày thứ tư, yếu tố lửa xuất hiện thành một cảnh giới ở phương tây, là cảnh giới của Phật A-di-đà.[8] Phật A-di-đà tay cầm một đóa hoa sen tượng trưng cho lòng từ bi. Dù trong mọi cảnh bùn lầy nhơ nhớp, hoa sen vẫn mọc lên thơm tho trong sạch.

Cảnh giới Phật A-di-đà do tưởng uẩn biến hiện, có hào quang sắc đỏ, tượng trưng cho chánh tri kiến trong từ bi. Thế giới Ta-bà hiện ra trong cảnh giới này bằng cõi ngạ quỷ, phát ra một ánh sáng vàng nhạt trong hào quang sắc đỏ mênh mông của đức Phật.

e.      Ngày thứ năm

Qua ngày thứ năm, yếu tố gió xuất hiện thành một cảnh giới ở phương bắc, cảnh giới của Phật Bất Không Thành Tựu,[9] tay cầm chày kim cương, ngồi trên chim thần Ca-lâu-la.[10]

Cảnh giới này do hành uẩn biến hiện, tràn ngập hào quang màu xanh lục. Thế giới Ta-bà xuất hiện trong cõi này bằng cõi A-tu-la, phát ra một ánh sáng màu đỏ nhạt. Hãy nhớ rằng giác ngộ là Niết-bàn, mê lầm là thế gian. Ở đây Niết-bàn là cõi Phật Bất Không Thành Tựu, và thế gian là cõi A-tu-la.

f.        Ngày thứ sáu

Ðến ngày thứ sáu một cảnh tượng mới mẻ xuất hiện: bốn mươi hai vị thiện thần, bốn vị thiên tướng, năm vị Phật và sáu cõi của thế giới Ta-bà cùng lúc hiện ra. Thần thức choáng váng sợ hãi, toàn thể vũ trụ như choáng ngợp, đầy hình ảnh.

Các vị thiên tướng lần đầu xuất hiện, bốn vị ở bốn cửa thành, thần thức có cảm giác như bị vây phủ bốn phía. Nghiệp báo làm thần thức thêm sợ hãi, đây là lúc thần thức thấy cõi lục đạo có vẻ như an toàn và thu hút mình. Tất cả cảnh tượng này đều do tâm thức biến hiện, tùy thuộc vào những xúc cảm, sự thèm khát của chính tâm thức.

g.      Ngày thứ bảy

Tất cả cảnh tượng của những ngày qua xuất phát từ trong thần thức, biến hiện thành thiện thần. Qua ngày thứ bảy những biến hiện bắt đầu có tính vô ký, nghĩa là không thiện không ác. Ðây là cảnh giới của Phật Minh Trì,[11] chủ về trí huệ, hay chánh kiến. Trong cảnh giới này, thế giới Ta-bà xuất hiện bằng cõi súc sanh, biểu hiện của sự vô minh, thiếu ý thức.

7.      Sự xuất hiện của các ác thần

Sau đó năm vị Phật lại hiện ra trước mắt thần thức dưới dạng các ác thần, có ba đầu, sáu tay. Các ác thần này tượng trưng cho một dạng khác của năng lực, nếu không được dùng vào những thiện nghiệp. Ngoài ra đối với năng lực vô minh như ái dục, tự ngã… thì năng lực của các vị Phật được xem là ác thần.[12] Các ác thần hiện ra là do các khuynh hướng xấu ác của thần thức. Lúc này, thần thức đứng từ góc độ của ma vương để nhìn về những năng lực đó.

Vì vậy, dưới mắt của thần thức các ác thần vô cùng dữ tợn. Họ ăn tươi nuốt sống, lột da lóc thịt. Các vị ác thần cũng có thể khác nhau tùy nơi các tính chất khác nhau của ma vương – khuynh hướng xấu ác – trong thần thức.

8.      Nhắn gửi với người chết

Trong văn minh Tây Tạng, cái chết xem ra không phải là cái gì quá đau khổ như cách nhìn của thế giới phương Tây, nơi mà ít có ai dám thẳng thắn đề cập đến cái chết. Thật ra, không có gì tàn nhẫn cho bằng khi một người sắp chết lại không có ai sẵn lòng ngồi bên cạnh để chia sẻ những cảm xúc và tiễn đưa người đó.

Trừ phi người sắp chết đang ở trong trạng thái mê man, bằng không thì ta cần nói rõ với người đó rằng họ sắp chết. Ðây là một điều khó nói, nhưng đối với vợ chồng hay bạn thân, đây chính là cơ hội của niềm tin cậy sâu xa nhất. Ðây là lúc thành tín nhất, cơ hội để giúp người chết đạt đến hạnh phúc, an lạc, chúng ta cần quan tâm đầy đủ.

Hãy nói rõ với người sắp chết rằng cái chết sắp đến.

“Cái chết đang đến, nhưng chúng tôi là những người thương mến bạn (cha, mẹ, anh, chị…), chúng tôi tiễn đưa bạn. Chúng tôi và bạn đều biết là bạn sắp chết, chúng ta gặp nhau nơi đây…”

Ðó là biểu hiện quý báu nhất của tình thương, tình bạn và mối liên hệ với nhau, người chết sẽ hết sức cảm khái.

Trong lúc này có thể đọc Luận vãng sanh cho người chết nghe, nhưng ta cần thấu hiểu sâu sắc giai đoạn này và thật sự nói chuyện, nhắn gửi với người sắp chết.

“Bạn sắp giã từ người thân, gia đình và nơi ăn chốn ở để ra đi. Nhưng sẽ còn nhiều điều còn tồn tại, đó là mối liên hệ với bạn hữu và đạo pháp. Bởi vậy, hãy cố gắng gìn giữ mối liên hệ đó. Mối liên hệ đó là phi ngã, không tùy thuộc vào sanh mạng. Sau khi chết, bạn sẽ thấy nhiều cảnh tượng hiện ra, như bạn sẽ rời bỏ xác thân này, hay những gì trong quá khứ của bạn quay trở về như trong mộng. Dù bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, hãy cứ bình tĩnh nhận lấy, đừng sợ hãi, đừng trốn chạy. Hãy bình tĩnh cảm nhận những gì xảy ra!”

Lúc ta nói điều này, ý thức thông thường của người chết bắt đầu tan rã, nhưng đồng thời một thần thức bậc cao hơn xuất hiện, ghi nhận những tình cảm, sự kiện xảy ra chung quanh. Lúc này, nếu ta cho người chết có được một tình thương đậm đà, một sự tin cậy sâu sắc, và nói cho họ nghe sự chân thật, chứ không phải chỉ là những lời đẩy đưa qua chuyện, thì đó chính là những gì quý giá và quan trọng nhất.

Lúc này ta có thể giải thích cho người sắp chết một cách đơn giản tiến trình của cái chết, sự tan rã dần dần của tứ đại và các cảm giác liên hệ, rồi đến giai đoạn thấy hào quang của chân tâm. Quan trọng nhất đối với người chết lúc ra đi là sự bình tĩnh, cần phải có một sức mạnh ghê gớm mới giữ mình luôn được tỉnh táo, vì sự bất an thường xuyên chờ chực sẵn.

Khi các vị thiện thần và ác thần xuất hiện, không ai có thể giúp thần thức được nhiều nữa. Luận vãng sanh này chỉ rõ ta có thể nhắn gửi thần thức bằng cách tưởng nhớ tới họ, mô tả cho họ thấy những cảnh tượng xảy ra. Khi ta làm như thế, chủ yếu là ta tự nói với mình, tăng thêm cho ta niềm tin và sức mạnh. Người chết sẽ hưởng được một phần niềm tin và sức mạnh quí báu đó. Với tâm tư đó, hãy đến với người chết, chia sẻ cho họ sự bình tĩnh cần thiết trong giai đoạn mangthân trung ấm.

Dịch từ bản tiếng Anh “The Tibetian Book of the Death” (Lạt-ma Kazi Dawa Samdup)

Nguyên tác: Bardo Thodol của Tây Tạng – Nguyên Châu – Nguyễn Minh Tiến Biên dịch

http://tuvien.com


[1] Ở đây hàm ý “chết” có nghĩa là chấm dứt một giai đoạn nào đó, không nhất thiết là chấm dứt mạng sống.

[2] Tứ đại: Bốn yếu tố tượng trưng cho sự cấu thành của vật chất, gồm có đất (tượng trưng cho thể rắn), nước (tượng trưng cho thể lỏng), gió (tượng trưng cho sự chuyển động) và lửa (tượng trưng cho hơi ấm, năng lượng).

[3] “Thức ăn” ở đây không chỉ là thực phẩm, mà chỉ đến tất cả những gì thần thức mong muốn được chiếm hữu, như tiền bạc, danh vọng, trình độ…

[4] Mahãvairocana, Hán dịch âm là Tỳ-lô-giá-na dịch nghĩa là Ðại Nhật Như Lai.

[5] Akşobhya, Hán dịch âm là A-súc, dịch nghĩa là Bất Ðộng Như Lai.

[6] Vajra

[7] Ratnasambhava, Hán dịch là Bảo Sanh Phật.

[8] Amita, Hán dịch âm là A-di-đà, viết tắt của Amitābha (Vô lượng quang – ánh sáng vô lượng) và Amitāyus (Vô lượng thọ – tuổi thọ vô lượng). Vì thế, danh hiệuA-di-đà bao gồm cả hai nghĩa này.

[9] Amoghasiddhi, Hán dịch là Bất Không Thành Tựu.

[10] Garuda

[11] Vidyādhara, Hán dịch là Minh Trì.

[12] Vì sự đối chọi, tương phản với chúng.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.