THAY LỜI KẾT
Một trong những nghi vấn tất yếu sẽ nảy sanh với hầu hết những ai đọc qua tập luận này có lẽ là về tính xác thực của nó.
Như đã nói từ đầu, tập luận này có một nguồn gốc khá bí ẩn và không hề được chính thức xếp vào ba tạng kinh điển của Phật giáo. Hơn thế nữa, tập luận đề cập đến vấn đề những trạng thái vào lúc chết và sau khi chết một cách rõ ràng và chắc chắn, mà không hề trích dẫn bất cứ kinh văn nào.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên một sự việc như thế này xảy ra, nếu chúng ta nhớ lại sự ra đời của kinh điển Ðại thừa mà về mặt lịch sử được xác định sớm nhất là phải vào khoảng 100 năm trước Công nguyên, nghĩa là khoảng hơn 400 năm sau Phật nhập diệt. Ðiều này cũng có nghĩa là, lần kết tập kinh điển đầu tiên tại thành Vương-xá[24] đã không hề có các kinh điển Ðại thừa. Mặc dù vậy, tín đồ Phật giáo ngày nay không ai hoài nghi về tính xác thực của những kinh điển này, bởi chúng đã trở thành cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo trong hàng ngàn năm qua.
Trở lại vấn đề bản văn này, tiến sĩ Evans Wentz đã dẫn quan điểm của các vịLạt-ma Tây Tạng để giải thích bằng cách đưa ra một sự tồn tại song hành của hai phần giáo lý công truyền và mật truyền. Ðiều này có lẽ cũng có phần tương tự với lý do được đưa ra khi giải thích về sự xuất hiện của kinh điển Ðại thừa, cho dù được công bố sau khi Phật nhập diệt hơn 400 năm nhưng vẫn được tin là do chính Phật thuyết dạy.
Thật ra, cũng giống như hệ thống kinh điển Ðại thừa, cuốn Luận vãng sanhkhông phải là bản văn duy nhất xuất hiện theo cách này. Trong khoảng thời gian từ năm 1150 đến 1550, người ta ghi nhận đã có một số lượng đáng kể những bản văn về giáo lý bí truyền được tìm thấy trong vùng núi sâu ở Tây Tạng, và sự phát hiện ra những bản văn này đã dẫn đến nhiều cải cách về tín ngưỡng.[25]
Về mặt lịch sử, vấn đề nguồn gốc thật sự của kinh điển Ðại thừa và các bản văn tương tự như cuốn Luận vãng sanh này sẽ vẫn còn là bí ẩn, hoặc ít ra là người ta có thể gán cho chúng tính chất “ngụy tạo” như một số người đã làm. Tuy nhiên, về mặt tín ngưỡng thì lý do giải thích như được đưa ra trên đây là hoàn toàn có thể chấp nhận được, và thậm chí trong một chừng mực nào đó, sự giải thích có vẻ như không cần thiết.
Ở đây dùng cụm từ không cần thiết, là bởi vì niềm tin được đặt vào tập luận này không hoàn toàn nhờ vào sự giải thích ấy, hay chí ít thì nó cũng chỉ có một tác dụng tích cực đối với sự tiếp cận ban đầu mà thôi. Ðiều quan trọng quyết định hơn cả chính là nội dung giáo lý được truyền dạy trong tập luận. Vì thế chúng ta sẽ đi sâu vào khía cạnh này và tạm gác lại những phân tích lý luận khác cho các nhà văn bản học hoặc sử học.
Sự góp mặt của những học giả phương Tây như W. Y. Evans Wentz và Carl Gustav Jung trong tập sách này có lẽ cũng là một điều thú vị đáng để chúng ta quan tâm. Những vị này đã đến với Luận vãng sanh bằng một tầm nhìn rộng mở và góp phần giải bày cho chúng ta thấy được nhiều ý nghĩa sâu kín của tập luận.
Ðặc biệt, tiến sĩ Evans Wentz với công trình nghiên cứu về các tang lễ ở Tây Tạng và những vùng phụ cận sông Nil đã tìm ra được mối quan hệ giữa những nền văn hóa cổ xưa, mà theo ông rất có thể có cùng một nguồn gốc. Những giải thích của ông về các hình thức tang lễ tại Tây Tạng cho chúng ta thấy ảnh hưởng bao trùm của tập luận này trong văn hóa Tây Tạng, cho dù trước đây nó chưa từng được công khai truyền dạy.
Carl Gustav Jung thì lại phân tích Luận vãng sanh này từ một góc độ khác hơn, với tư cách là một nhà tâm lý học, hay phải nói chính xác hơn là phân tâm học, bởi vì ban đầu ông vốn là một học trò của sigmund Freud. Với ông, Luận vãng sanh được nhìn nhận như là một dạng siêu phân tâm học, bởi vì nó mô tả những điều mà không một con người bình thường nào có thể tự trải nghiệm qua để phân tích được.[26] Mặc dù vậy, ông thừa nhận tính đúng đắn và những ích lợi mà tập luận đã mang lại cho chính bản thân ông. Chính Jung là người đã không chịu hài lòng với những kết quả nghiên cứu cũng như học thuyết của Sigmund Freud, đã tuyên bố tách rời và khai sáng ra một chuyên ngành tâm lý học khác theo hướng của riêng mình. Những gì mà Jung theo đuổi và đạt được có giá trị như thế nào chúng ta sẽ không bàn đến, nhưng điều quan trọng muốn nói ở đây là chính trong quá trình nghiên cứu học tập, ông là một trong những người đã phát hiện ra được và giới thiệu với phương Tây những giá trị tinh thần của tập Luận vãng sanh này.
Trong một chừng mực nào đó, Luận vãng sanh cũng giúp chúng ta vén lên tấm màn bí mật về sự tái sanh của các vị Ðạt-lai Lạt-ma[27] Tây Tạng. Những sự thật được ghi chép cụ thể về sự tái sanh của họ – mà không phải là truyền thuyết – đã là cho người phương Tây cảm thấy vô cùng khó hiểu nhưng lại không sao phủ nhận được.
Trường hợp điển hình gần đây nhất là sự tái sanh của vị Ðạt-lai Lạt-ma thứ 13, trở thành Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14, chính là vị đương nhiệm hiện nay.
Ðức Ðạt-lai Lạt-ma thứ 13 là Tubten Gyatso (Thổ-đan Gia-mục-thố) viên tịch vào năm 1933, khi ngài được 57 tuổi. Cùng trong năm này, vào ngày 6 tháng 7, đức Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14 là Tenzin Gyatso (Ðăng-châu Gia-mục-thố) ra đời.
Mặc dù ngài sanh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Taktser thuộc tỉnhAmdo hẻo lánh, cách thủ đô Lhasa rất xa, nhưng các vị Lạt-ma cao cấp đã có thể tìm ra được ngài bằng vào các điềm báo và linh ảnh. Khi họ tìm được ngài – lúc đó còn là một cậu bé -, họ đã xác định bằng cách đưa cho ngài xem những đồ dùng của vị Ðạt-lai Lạt-ma thứ 13, được trộn lẫn với nhiều đồ vật có hình dáng tương tự khác. Thật đáng kinh ngạc khi cậu bé nhận ra tất cả những món đồ mà trước đây vị Ðạt-lai Lạt-ma thứ 13 đã sử dụng. Nhưng điều quan trọng có tính cách khẳng định chắn chắm hơn nữa là sau khi được tôn xưng làm vị Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14, trí tuệ và nhân cách siêu việt của ngài đã chứng tỏ rằng ngài chính là hóa thân tái sanh của vị Ðạt-lai Lạt-ma thứ 13.
Người Tây Tạng tin chắc rằng các vị Ðạt-lai Lạt-ma chỉ là hóa thân tái sanh của một người, do hạnh nguyện bảo vệ giáo pháp nên đã chủ động tái sanh trở lại thế giới này. Vị Ðạt-lai Lạt-ma đầu tiên là Gendun Drub đã ra đời từ năm 1391 và viên tịch ngày 15 tháng 1 năm 1475. Ngài là giáo chủ của Hoàng giáo Tây Tạng từ năm 1438 cho đến khi viên tịch. Ngoài sự nghiệp hoằng pháp vĩ đại trong suốt cuộc đời mình, ngài còn là người đầu tiên phát nguyện sẽ tái sanh trở lại thế giới này để bảo vệ và truyền bá chánh pháp. Lời phát nguyện của ngài được tin chắc là đã trở thành hiện thực qua sự truyền nối liên tục cho đến ngày nay, với tên tuổi các vị Ðạt-lai Lạt-ma được ghi chép đầy đủ như sau:[28]
1. Gendun Drub (Căn-đôn Châu-ba) 1391-1475
2. Gendun Gyatso (Căn-đôn Gia-mục-thố) 1475-1542
3. Sonam Gyatso (Tỏa-lăng Gia-mục-thố) 1543-1588
4. Yonten Gyatso (Vinh-đan Gia-mục-thố) 1589-1617
5. Losang gyatso (La-bốc-tạng Gia-mục-thố) 1617-1682
6. Jamyang Gyatso (Thương-ưng Gia-mục-thố) 1683-1706
7. Kelsang Gyatso (Cách-tang Gia-mục-thố) 1708-1757
8. Jampel Gyatso (Khương-bạch Gia-mục-thố) 1758-1804
9. Lungtog Gyatso (Long-đa Gia-mục-thố) 1806-1815
10. Tsultrim Gyatso (Sở-xưng Gia-mục-thố) 1816-1837
11. Kedrub Gyatso (Khải-châu Gia-mục-thố) 1838-1856
12. Trinle Gyatso (Xưng-lặc Gia-mục-thố) 1856-1875
13. Tubten Gyatso (Thố-đan Gia-mục-thố) 1876-1933
14. Tenzin Gyatso (Ðăng-châu Gia-mục-thố) 1933 –