Như vậy, rõ ràng là những gì được truyền dạy trong bản văn này không hề phủ nhận vấn đề nhân quả hay tác dụng của nghiệp lực. Một cuộc sống tốt đẹp với nỗ lực tu tập theo đúng chánh pháp và làm nhiều điều thiện sẽ giúp cho chúng ta có được một tâm thức sáng suốt và bình thản vào những giây phút cuối cùng của đời sống này. Và với những người như vậy, lời khai thị của Luận vãng sanh này sẽ là một sự nhắc nhở định hướng chắc chắn giúp thần thức người chết ngay tức khắc vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Khi gạt bỏ được những cách hiểu sai lệch về Luận vãng sanh này, chúng ta sẽ thấy tập luận không chỉ có giá trị trong việc khai thị cho người chết, mà hơn thế nữa, nó còn là những lời chỉ dạy mang đến nhiều lợi lạc ngay cả cho những người đang sống. Ðiều này có được là vì nó có thể thúc đẩy chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn những phần giáo lý căn bản khác trong Phật giáo.
Nhìn từ góc độ những gì được mô tả trong luận này, chúng ta sẽ nhận ra được tính bình đẳng của hết thảy các hữu tình, và do đó có được một cách hiểu đúng đắn về tinh thần “bất hại”[37] trong giáo lý đạo Phật. Không có được nhận thức đúng đắn về vấn đề này, người Phật tử không thể hiểu hết được tầm quan trọng của việc thọ trì Ngũ giới, mà trong đó giới không sát sanh được xếp lên trước hết.
Một khi hiểu được rằng tất cả các hữu tình khi bị đoạn dứt mạng sống đều sẽ trải qua những giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết như luận này mô tả, chúng ta sẽ không thể coi thường mạng sống của bất cứ loài vật nào, cho dù đó là loài vật nhỏ bé nhất. Bởi vì nếu như thần thức của một con người khi chết đi có thể nhập vào mẫu thai của loài súc sanh, thì xét cho cùng thần thức của các loài hữu tình nào có khác gì với chúng ta đâu?
Mặc dù từ lâu vẫn say mê bài thơ Phụng hiến của Bùi Giáng, nhưng chỉ sau khi đọc tập Luận vãng sanh này tôi mới có thể hiểu hết được tấm lòng của nhà thơ:
Xin yêu mãi – yêu và yêu nhau mãi,
Trần gian ơi, cánh bướm cánh chuồn chuồn.
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại,
Con vi trùng, con sâu bọ cũng yêu luôn!
Ngay cả lòng từ bi vô lượng của chư Phật, Bồ Tát cũng chỉ có thể được chúng ta cảm nhận và hiểu được phần nào khi biết rằng các ngài luôn nhìn tất cả chúng sanh bằng một cặp mắt bình đẳng không phân biệt.
Những hiểu biết về thân trung ấm giúp chúng ta bình thản hơn khi nghĩ đến cái chết, thậm chí ngay cả khi phải đối mặt với nó. Bởi vì, xét cho cùng thì có ai trong chúng ta lại không một lần phải chết? Còn gì hãi hùng và đáng khiếp sợ hơn khi không biết rằng sau giây phút ấy mình sẽ đi về đâu?
Người tin vào giáo lý Tịnh độ, khi đọc hiểu tập luận này sẽ thấy kinh A-di-đà và sự vãng sanh Cực Lạc không còn là khó hiểu, khó tin nhận nữa. Kinh A-di-đà nói rằng:
“… Như những kẻ nam, người nữ có lòng lành, nghe giảng nói về Phật A-di-đà, liền chuyên tâm niệm danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, tâm không tán loạn. Người ấy khi lâm chung liền có đức Phật A-di-đà cùng với các vị thánh chúng hiện ra trước mắt. Khi mạng chung tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.”[38]
Quả thật không thể nào phủ nhận sự tương hợp giữa đoạn kinh văn này với những gì được Luận vãng sanh mô tả về hào quang tiếp dẫn của chư Phật, trong đó có đoạn nói về Phật A-di-đà. Vấn đề duy nhất quyết định sự vãng sanh ở đây là sự phát khởi lòng tin nơi thần thức người chết và quy hướng về chư Phật, thay vì là để cho tham ái, ác nghiệp cuốn hút về phía lục đạo luân hồi. Thấy rõ được điều này, chúng ta mới biết giáo lý Tịnh độ hoàn toàn không phải là một giáo lý thụ động, tiêu cực như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại sự nỗ lực tinh tấn để đạt đến chỗ “nhất tâm bất loạn” là hoàn toàn không khác với các hành giả của Thiền tông.