Trầm Tư Về Ngày Phật Thành Đạo

Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc siêu nhân thì đó là một bậc siêu nhân cao hơn tất cả các bậc siêu nhân khác. Nếu chúng ta quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.

Người sáng lập ra đạo Phật là Đức Thích-ca-mâu-ni Phật (Sakyamuni) còn gọi là Đức Phật (Buddha), là đấng giác ngộ, là bậc thức tỉnh. Người đã thức tỉnh được lưới tham ái, vô minh, đã thấy rõ bản chất của các pháp như chúng đang là.

Đức Phật tên là Tất-đạt-đa (tiếng Sanskrit: Siddh rtha), họ là Cồ-đàm (Gautama) ra đời cách đây hơn 2600 năm tại miền đông bắc Ấn Độ vào ngày mùng 8 tháng 2, năm 624 trước Tây lịch. Phụ thân Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người cai trị vương quốc của dân tộc Sakya (ngày nay thuộc đất nước Nepal). Mẹ Ngài là hoàng hậu Ma-da (Maya). Theo tục lệ thời bấy giờ, thái tử kết hôn rất sớm vào năm 16 tuổi, với công chúa xinh đẹp và đức hạnh, tên là Da-du-đà-la (Yasodhara). Là một thái tử đương triều sống trong cung điện đầy đủ với tất cả những xa hoa lộng lẫy, nhưng khi va chạm với đời sống bình thường thực tại, Ngài nhận thấy khổ đau của kiếp người, Ngài quyết định tìm giải pháp để con người ra khỏi nỗi thống khổ như mạng nhện này. Năm 19 tuổi sau khi người con đầu lòng và duy nhất là hoàng nhi La-hầu-la (Rahula) ra đời, Ngài quyết định từ bỏ tất cả uy quyền, địa vị, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan và trở thành một nhà khổ hạnh ra đi tìm giải pháp cứu mình và cứu người khỏi ách sanh tử từ nhiều đời kiếp. Ngày mùng 8 tháng 2 ngài bắt đầu xuất gia và sống một đời sống phạm hạnh.

Năm năm tìm thầy học đạo, sáu năm thực hành khổ hạnh, Ngài Cồ-đàm đã đi lang thang khắp thung lũng sông Hằng (Ganga), tìm những vị thầy nổi tiếng bấy giờ học hỏi những phương pháp và hệ thống tu hành của họ; rồi khép mình vào những kỷ luật khổ hạnh khắc khe tột cùng. Kinh Trung Bộ đã mô tả sự nỗ lực của Ngài như sau:

“Này Aggivessana, rồi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, này Aggivessana, khi ta nín thở như thế thì ngọn gió kinh khủng thốt lên đau nhói trong đầu ta. Này Aggivessana, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác vơi một thanh kiếm sắc, cũng vậy, này Aggivessana, khi ta nín thở như thế thì ngọn gió kinh khủng thốt lên đau nhói trong đầu ta. Này Aggivessana, dầu ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm an trú không giao động, nhưng thân của ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta… “

Khi đó sa môn Cù-đàm đã liên tục dùng đủ loại hình thức để cảm thọ sự khổ trong việc tu nín thở, những cảm giác nóng kinh khủng cắt ngang qua bụng như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang qua bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén, những cảm giác nóng kinh khủng khởi lên trong thân như bị hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn nướng người ấy trên một hố than hừng.

Đủ loại cảm giá nóng khổ khởi lên nơi Đức Phật không thể nào chịu xiết nhưng với lòng tinh tấn nỗ lực, Ngài đã vượt qua và không bị chúng chi phối. Rồi Ngài lại bắt đầu thực hiện hạnh tuyệt thực với từng giọt súp đậu nên thân Ngài từ từ trở nên gầy yếu. Tay chân Ngài trở thành như những ngọn cỏ hay những đốt cây leo khô héo, bàn trôn của Ngài trở thành như móng chân con lạc đà, xương sống phô bày giống như một chuổi banh, xương sườn gầy mòn giống như rui cột nhà sàn hư nát, con ngươi nằm sâu trong hố mắt giống như nước long lanh nằm sâu thẳm trong giêng nước sâu, da đầu trở thành nhăn nheo khô cằn giống như trái bí trắng và đắng khi bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhó khô cằn. Ngài nói rằng khi đó Ngài rờ vào bụng mình thì gặp phải xương sống, nếu rờ xương sống thì gặp phải da bụng, vì Ngài ăn quá ít nên da bụng bám chặt vào xương sống. Khi ngài muốn đứng dậy để đi đại tiện hay tiểu tiện thì liền ngã quỵ xuống vì quá yếu. Nếu Ngài muốn xoa dịu thân thể, lấy tay xoa bóp chúng, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ngài.

Sau khi trải qua sáu năm cực kỳ khổ hạnh này, Ngài chợt lóe lên tia sáng rằng: “những sự đau khổ này thực là tối thượng, không gì có thể hơn nữa. Nhưng với sự khổ hạnh khốc liệt như thế, ta vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc thánh. Hay có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ.”

Ngài liền hồi tưởng lại thuở còn bé xưa kia khi vua cha Tịnh Phạn đang cày, Ngài ngồi dưới gốc cây Diêm Phù đề thiền định. Lúc đó tâm Ngài đã ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ và Ngài biết rằng với thân xác yếu gầy như vậy thì Ngài không thể nào đạt được những trạng thái thiền đó. Ngài nghiệm rằng giống như người chơi đàn, phải biết thế nào là mức độ vừa phải. Nếu căng quá thì dây đàn sẽ đứt, còn nếu để chùn quá thì đàn sẽ không kêu. Cuộc sống quá khứ của Ngài trong nhung lụa đài sang nơi hoàng cung lộng lẫy chẳng khác nào như dây đàn thả lõng; đến khi nỗ lực tu khổ hạnh hành hạ xác thân thì tựa như dây đàn quá căng. Hãy nương thân này mà tìm phương pháp “trung đạo” để giải thoát chúng sanh.

Thế là Ngài bắt đầu từ bỏ những tôn giáo với những phương pháp cổ truyền khổ hạnh này và đi theo con đường tu tập của riêng mình. Ngài nhận bát cháo sữa của nàng Su-da-ta cúng và ngồi thiên liên tục trong 49 ngày dưới cội cây bồ đề bên dòng sông Ni-liên-thuyền (Neranjar ) xanh mát tại Bồ đề đạo tràng (Buddha-gaya) thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ.

Ngài bắt đầu bước vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền rồi tứ thiền. Với tâm nhu nhuyến, thuần khiết, Ngài hướng tâm về sự hiểu biết những đời sống quá khứ và vô lượng kiếp về trước của Ngài. Vào canh một của đêm 49, Ngài chứng được Túc mạng minh, phá tan lớp vô minh có liên quan đến quá khứ. Ngài hướng tâm thanh tịnh về sự “tri giác hiện tượng sanh diệt của chúng sanh” và vào canh giữa của đêm thành đạo, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, hướng đến sự phân tán và cấu thành nên chúng sanh. Ngài chứng tâm thanh tịnh về “tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân” và vào canh ba của đêm thành đạo, Ngài chứng được Lậu tận minh. Màn vô minh của ba lậu (dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu) đã giải tỏa và trí tuệ phát sinh. Đêm tối đã tan và ánh sáng đến. Ngài biết rằng “ta đã được giải thoát,” “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại đời này nữa.” Từ đó Ngài được tôn xưng là Đức Phật với mười danh hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật-Thế tôn. Năm ấy Ngài vừa tròn 30 tuổi.

Theo truyền thống Đại thừa, ngày 8 tháng chạp được coi là ngày Đức Phật thành đạo. Trong tuần lễ đầu sau khi thành đạo, Đức Phật đã ngồi bất động nơi tòa kim cang (cội bồ đề nơi Ngài ngồi giác ngộ và chứng ba minh) và trong ba tuần lễ đầu Ngài đã thuyết kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và Bồ-tát ở cõi trời nghe, nhưng vì nghĩa lý của kinh quá cao siêu khó lãnh hội, nên Ngài bắt đầu thuyết về lý Tứ đế rồi sau đó mới dần dần giảng dạy những kinh điển có tính cách triết lý đại thừa cao hơn như được đút kết trong bài kệ tóm tắt sau đây:

“Hoa Nghiêm trước nhất hai mươi mốt ngày,
A-hàm mười hai, Phương đẳng tám,
Hai mươi hai năm bàn Bát-nhã,
Pháp hoa, Niết-bàn cộng tám năm”

Còn theo truyền thống Nguyên thủy, Đức Phật thành đạo vào đêm rằm của tháng Vesaka (tức rằm tháng 4).

Vào tuần lễ đầu sau khi giác ngộ, Ngài nghiền ngẫm lý nhân duyên vô ngã. Tuần thứ hai, Đức Phật đứng nhìn chăm chú biết ơn cây bồ đề đã che chở Ngài trong những ngày thiền định. Tuần thứ ba, Đức Phật đi kinh hành dọc bên trái cây bồ đề. Tuần lễ thứ tư, Đức Phật đã suy ngẫm những vấn đề thuộc về siêu hình học của A-tỳ-đạt-ma. Tuần lễ thứ năm, ngài ngồi dưới cây Ajapala và Mucalinda để chứng nghiệm sự an lạc giải thoát. Khi đó trời bỗng mưa tầm tả, con mãng xà vương Mucalinda liền bò lên và dùng thân quấn quanh Đức Phật bảy vòng và dùng đầu để làm tàng che mưa đỡ gió cho Ngài.

Vào tuần lễ thứ bảy, Ngài ngụ tai cây Rajatana để chứng nghiệm sự an lạc của qủa vị giải thoát hoàn toàn. Sau khi nhận sự cúng dường của hai vị thương gia, Đức Phật liền rời Bồ-đề đạo tràng để đi đến vườn nai (Lộc uyển) ở Isipatana (ngày nay là Sarnath), thuộc thành phố Ba-la-nại (Benares) để tìm năm người bạn đồng tu trước kia mà truyền đạt những gì Ngài đã chứng ngộ. Tứ diệu đế (Catt ri Ariyasaccani) là bài chuyển pháp luân đầu tiên của Đức Phật cho năm anh em Kiều Trần Như. Và đó cũng là trọng tâm toàn bộ giáo lý mà Ngài đã thuyết trong 45 năm hoằng pháp lợi sanh của mình. Từ ngày đó trở đi Ngài đã thuyết pháp cho mọi tầng lớp nam nữ, vua chúa và hoàng hậu, quý tộc và bà-la-môn, thương nhân và công nhân, giai cấp cùng khổ và hành khất mà không hề phân biệt gì giữa họ cả. Ngài không chấp nhận hệ thống giai cấp xã hội ở Ấn Độ cổ đại và con đường Ngài dạy mở ra cho tất cả những ai muốn nghe.

Đức Phật cũng đã thường tự xưng mình không gì khác hơn là một con người, hoàn toàn chỉ là một con người. Những gì Ngài thực hiện được, những gì Ngài đạt đến được và hoàn thành được đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ con người. Một con người và chỉ có con người mới có thể giác ngộ trở thành một Đức Phật. Tất cả chúng ta đều mang trong mình khả năng trở thành một Đức Phật nếu chúng ta muốn và nỗ lực. Nếu có gọi Ngài là một đấng “tối thượng giác ngộ” đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa rằng Ngài đã tìm ra và chỉ ra con đường đi đến giải thoát niết-bàn; rồi tự chúng ta phải cất bước trên con đường ấy.

Chẳng những thế, Đức Phật còn khuyến bảo chúng đệ tử của mình rằng cần phải xét đoán ngay cả chính Ngài để có thể hoàn toàn tin chắc giá trị của một vị thầy mà mình đang theo tu học.

Đức Phật chủ trương tự do tư tưởng, thêm vào đó tính khoan hồng của Đức Phật, cũng đã làm cho những người nghiên cứu lịch sử tôn giáo phải ngạc nhiên. Như trong kinh Upa li kể rằng: Khi Upali, một đệ tử tại gia nổi tiếng của phái Ni-kiền-tử (Nigantha-Nataputta), sau khi tranh luận thuyết nghiệp báo với Đức Phật, biết được tư tưởng của Thầy mình là sai và đã nhiều lần thỉnh Đức Phật nhận mình làm đệ tử tại gia (Upasaka). Nhưng Đức Phật khuyên ông hãy tiếp tục kính trọng, ủng hộ những vị thầy cũ của mình, hãy suy nghĩ và đừng vội vả vì “sự xét đoán cẩn thận rất tốt cho những người lỗi lạc như ông.”

Trong thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, vị Hoàng đế phật tử A-dục (Asoka) đã khắc trên trụ đá như sau:

“Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo khác vì lý do này hay lý do khác. Như thế ta có thể làm cho tôn giáo mình phát triển và giúp đỡ các tôn gíao khác.”

Tính khoan dung thông cảm ấy từ khởi thủy đã là một trong những lý tưởng được yêu chuộng nhất trong văn hóa và văn minh Phật giáo. Chính vì thế mà suốt trong 25 thế kỷ truyền bá qua, Phật giáo đã không để lại một vết tích đàn áp nào, hay làm đổ một giọt máu nào. Nhãn hiệu Phật giáo là điều không thiết yếu, chúng ta có thể gọi Phật giáo dưới bất cứ danh hiệu nào. Điều quan trọng là nếu vị thuốc hay thì bịnh sẽ lành và sẽ là con đường thoát khổ cho chúng ta. Hầu hết mọi tôn giáo đều được thiết lập trên đức tin nhưng Phật giáo nhấn mạnh sự thấy biết, hiểu rõ, tự nghiệm rồi lãnh hội phương pháp trị bịnh đó. Nói đến sự giác ngộ của chính mình, Đức Phật dạy: “Con mắt đã phát sanh, trí thức đã phát sanh, kiến giải đã phát sanh và ánh sáng đã phát sanh.”

Điều đó có nghĩa là hãy tự mình thấy biết và chứng nghiệm bằng khả năng của mình. Đức Phật chỉ giúp chúng ta chỉ ra con đường Ngài đã đi thôi. Những gì Ngài chỉ dạy chúng ta không phải chỉ để thõa mãn sự tò mò của trí thức mà mục đích là đem hạnh phúc an vui cho con người chúng ta mhằm kiến tạo một xã hội mà ở đó không có sự tranh chấp thế lực; ở đó an tĩnh và hòa bình ngự trị xa hẳn chiến thắng và chiến bại; ở đó sự áp bức người vô tội phải bị mạnh mẽ tố cáo và một người tự thắng mình được kính trọng hơn những người chiến thắng hàng triệu người bằng chiến tranh quân sự kinh tế; ở đó hận thù được hóa giải bằng yêu thương và sự ác độc được chinh phục bằng thiện cảm; ở đó thù hận ganh ghét, ác độc và tham lam không nhiễm độc tâm trí con người, bởi lẻ từ bi là nguyên nhân động lực cho mọi hành động, ngay cả những sinh vật nhỏ bé nhất cũng được đối xử với lòng yêu thương lân mẫn và ở đó cuộc sống con người bình an hòa điệu để hướng đến những mục đích tối thượng cao quý hơn.

Đức Phật đã nhâﰠniết-bàn nhằm ngày rằm tháng 2 lúc Ngài 80 tuổi, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫ còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh. Ngài đã vất vả giong ruổi trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để hướng dẫn con đường thoát khổ cho chúng sanh. Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là gương sáng cho riêng giới Phật giáo mà còn cho tất cả. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc siêu nhân thì đó là một bậc siêu nhân cao hơn tất cả các bậc siêu nhân khác. Nếu chúng ta quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.

Cho nên đối với Phật giáo hay đối với tất cả mọi người, Đức Phật đáng được kính cẩn tôn sùng và chiêm ngưỡng.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Đức Phật Thích-ca thành đạo tại cội bồ-đề ở Bồ-đề đạo tràng, Ấn Độ, nơi Ngài đã thiền định và giác ngộ trong bối cảnh các dân tộc trên thế giới đang chuẩn bị đón mừng năm mới 2001 của thiên niên kỷ mới, trong không khí tưng bừng hân hoan đó, chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng ni và phật tử từ Á, Âu, Mỹ, Úc… không phân biệt màu da, chủng tộc, ngu trí, giàu nghèo, Tăng tục… đều tụ tập về đây để cầu nguyện, mong muốn có một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ … để con người không còn bị khổ đau, bịnh tật, đói nghèo và ngu dốt nữa. Tâm nguyện này không phải của riêng ai mà của cả toàn nhân lọai trên hành tinh này đều hướng về ý tưởng đó. Nhân dịp này, thiết tưởng việc trầm tư ôn lại cuộc đời và ý nghĩa Phật thành đạo, hay nói cách khác ôn lại vai trò của nền giáo lý Đức Phật không phải là vô ích, nếu không muốn nói là giáo lý đó có những tư tưởng tiến bộ để con người có thể tự xây dựng một xã hội mà con người đang đi tìm giải pháp.

Kỷ niệm lễ Phật thành đạo, chúng ta thành tâm dâng hương trầm hoa trái, lời kinh tiếng kệ, chuông trống cờ phướng… dâng lên bậc Đạo sư vô thượng; chúng ta thành tâm tưởng niệm Đức Từ phụ mà sự giác ngộ của Ngài là một điều hy hữu, là lợi lạc lớn lao cho mọi chúng sanh, là ánh sáng trí tuệ xua tan bóng tối vô minh và đau khổ. Như: “Mặt trời chiếu sáng ban ngày, ánh trăng chiếu sáng ban đêm, khí giới chiếu sáng dòng vua chúa, thiền định chiếu sáng bậc tu hành; nhưng hào quang Đức Phật thì cả ngày và đêm chiếu sáng cả thế gian này.”

Mong sao đêm nay dưới ánh sáng lấp lánh lung linh của ngàn sao chiếu sáng trên trời, dưới ánh nến cháy đỏ thiêng liêng bất diệt của ngàn ngọn nến bên cội bồ-đề, cầu nguyện cho tất cả hữu và vô tình trên khắp thế giới đều được đượm nhuần hồng ân ánh sáng giác ngộ của Ngài.

Đêm với ngàn sao lung linh
Ôi ! những vì sao như mắt ai
Từ vô lượng kiếp
Đón chờ một bình minh …
Phía trời đông
Ánh sao Mai xuất hiện
Từ đường chân trời lấp lánh nói cùng ai
Ánh quang minh
Tràn ngập thế gian này
Không như mặt trời
Chỉ soi sáng một nửa thời gian.
Một nửa kia là bóng đêm ngự trị
Không như đóa hoa
Bừng hương sắc
Và tàn lụi.
Nụ cười Cồ-đàm từ trí giác vô biên.
Đêm bình an cho ba ngàn thế giới
Đêm vời vợi
Ai về tắm gội hồng ân.

Thích Nữ Giới Hương

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/114-tramtu.htm

____________________________________________________

SÁCH THAM KHẢO

Kinh Pháp Cú, Thích Trí Đức (dịch), Ấn Độ, 1999.

Narada Maha Thera,. The Buddha and His Teachings. (Singapore: Buddhist Meditation Centre, 1973)

Thích Hạnh Nguyện & Vô Thức,. Xứ Phật Tình Quê, tập I. (Ấn Độ: Đại thừa xuất bản, 1996)

Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, I & II. (TP. HCM: THPGTP HCM, 1989)

W. Rahula,. Con Đường Thoát Khổ, TN. Trí Hải (dịch). (Sài Gòn: Đại học Vạn Hạnh, 1966).

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.