Vài suy nghĩ về quan niệm Đức Phật lịch sử và Đức Phật tôn giáo

Chúng ta không thể nói đức Phật lịch sử là con người bình thường như những con người khác bởi vì Ngài không được sinh ra từ nơi bất tịnh, lớn lên trong đau khổ và chết dần trong đau khổ. . . Đức Phật trong kinh Đại thừa không phải là đức Phật tôn giáo mà nhằm tiêu biểu cho pháp môn mà ngài đang giảng. . . Chúng ta đừng bao giờ đem những nhãn hiệu “đức Phật lịch sử” hay “đức Phật tôn giáo” áp đặt lên Ngài!

Kính quý liệt vị,

Ngày Phật Thành đạo năm nay, chúng ta được về Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo, để ôn lại ngày lịch sử thiêng liêng ấy, và cùng thảo luận chuyên về về đức Phật và ngày thành đạo của Ngài. Nhân đây tôi cũng xin được nói lên vài suy nghĩ của mình về đức Phật lịch sử và đức Phật tôn giáo.

Gần đây, có nhiều học giả thuộc tín đồ của các tôn giáo khác nghiên cứu Phật học. Một số ít trong họ đã cho rằng có hai đức Phật. Đó là đức Phật lịch sử và đức Phật tôn giáo. Quan điểm này, thực sự đã đưa đến sự hiểu lầm về đức Phật cho nhiều thế hệ tín đồ Phật giáo cũng như những người nghiên cứu Phật học.

Qua bao năm miệt mài nghiên cứu Phật pháp, tôi chưa tìm thấy một đoạn kinh nào trong Tam Tạng Pàli cũng như Đại thừa đề cập đến vấn đề: đây là đức Phật lịch sử và đây là đức Phật tôn giáo.

Trong thực tế, chỉ có một đức Phật Thích-ca xuất hiện ở thế gian này. Thế thì đức Phật nào là đức Phật lịch sử và đức Phật nào là đức Phật tôn giáo?

– Phải chăng đức Phật phóng hào quang, soi sáng mười tám ngàn thế giới phương đông (phẩm tựa, Kinh Pháp Hoa) là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật bày tướng lưỡi rộng dài đến trời Phạm thiên, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng hào quang, thảy đều soi khắp thế giới mười phương (phẩm Như Lai Thần Lực) là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật mà trên đầu của Ngài mọc lên một hoa sen ngàn cánh, mỗi cánh có một hóa Phật ngồi, đồng thời nói thần chú Lăng-nghiêm và sai ngài Văn Thù đem thần chú ấy giải thoát cho ngài Anan (Kinh Lăng-nghiêm) là đức Phật tôn giáo?

– Lại khi ngài Xá-lợi-phất hoang mang rằng cõi nước chư Phật đều thanh tịnh mà cõi nước của Phật Thích-ca lại bất tịnh, biết rõ tâm của ngài Xá-lợi-phất, Phật bấm ngón chân xuống đất, cõi Ta-bà rung động và cõi đất lập tức biến thành Tịnh Độ (phẩm Phật quốc, Kinh Duy Ma) là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật có một đời sống vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp. Ngài có vô lượng hào quang, vô lượng công đức và ngài đã kiến tạo thế giới của ngài bằng 48 lời thệ nguyện (Kinh Đại Bửu Tích và Kinh A-di-đà) là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật, lại là một thầy thuốc đại tài chuyên chữa trị cho chúng sanh (Kinh Dược Sư) là đức Phật tôn giáo?

– Phải chăng đức Phật Tỳ-lô-giá-na có ba thân trong kinh Hoa Nghiêm là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật hiện thần thông làm cho hai thanh niên Bà-la-môn thấy rõ tướng đại nhân của Ngài (Kinh Lakkhana thuộc Trường Bộ kinh VI) là đức Phật tôn giáo?

– Đức Phật dùng thần thông làm cho tên cướp Angulimala chạy hết tốc lực mà vẫn không đuổi kịp ngài (Kinh Angulimala thuộc Trung Bộ II) là đức Phật tôn giáo? v.v. . .

Các Ngài không phải là đức Phật tôn giáo với ý nghĩa như là những nhân vật thần thoại, hoang đường, ảo tưởng hay là Thượng đế. Các Ngài không phải là thần linh vạn năng, bắt buộc con người phải cúi đầu vâng lệnh. Đức Phật Thích-ca chính Ngài đã phủ nhận sự hiện hữu của một oai lực siêu thế, một chúng sanh toàn năng hay năng lực khởi thuỷ của các sự vật, cũng không có tính cách thần khải, không có người truyền đạt tin tức và những lời sấm của một thần linh từ đâu trên cao xuống con người (xem Đức Phật và Phật Pháp của Narada, trang 259).

Đức Phật trong kinh Đại thừa cũng như trong kinh Pàli là những nhân vật tiêu biểu cho pháp môn mà đức Phật đang giảng. Chẳng hạn như đức Phật trong phẩm tựa Kinh Pháp Hoa là nhân vật biểu trưng cho tri kiến Phật: nhằm giới thiệu cho mọi người biết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Muốn ngộ nhập tri kiến Phật của mình trước tiên hành giả phải dùng trí tuệ Trung đạo (phóng hào quang giữa chặng mày) để thấy rõ sáu căn, sáu trần, sáu thức (mười tám ngàn thế giới phương đông), thấy rõ từng động tịnh của chúng sanh (thấy rõ chư Phật, Bồ-tát, Thinh Văn và chúng sanh ở các cõi kia). Thấy rõ được như vậy chính là đã ngộ nhập được tri kiến Phật của mình (xem Thích Từ Thông, Pháp Hoa Trực Chỉ Đề Cương, phẩm tựa).

Đức Phẩm ở phẩm Như Lai thần lực, Kinh Pháp Hoa là nhân vật biểu trưng cho năng lực kỳ diệu của chơn tâm. Sau khi hành giả đã thấy được Phật tri kiến, tâm của họ trở nên thuần tịnh. Từ bản giác diệu minh ấy pháp ra trí tuệ tròn sáng (những lỗ chân lông đều phát ra vô số hào quang) và năng lực thuyết pháp của ông ta giờ đây trở nên hữu hiệu hơn, có thể giúp chúng sanh vượt thoát sanh tử luân hồi trong tam giới (tướng lưỡi rộng dài đến cõi trời Phạm thiên) (xem Thích Thiện Trí, Pháp Hoa Giảng Nghĩa, phẩm Như Lai thần lực).

Đức Phật trong phẩm Phật quốc kinh Duy-ma, là nhân vật biểu trưng cho pháp môn bất nhị. Nghĩa là Tịnh Độ (tịnh) và Ta bà (nhiễm) không hai, chúng sanh và Phật không hai (Phật bấm ngón chân xuống đất cõi ta bà lập tức biến thành Tịnh độ) và chỉ có tâm của chúng sanh tịnh hay nhiễm mà thấy cõi Phật trở nên tịnh hay bất tịnh (xem Thích Từ Thông, Duy Ma Cật Trực Chỉ Đề Cương, phẩm Phật Quốc).

Đức Phật A-di-đà trong kinh Đại Bửu Tích và kinh A-di-đà là nhân vật biểu trưng cho tự tánh A-di-đà của mỗi chúng sanh, trong tự tánh ấy có đủ vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức (xem Chán and Zen Teaching, trang 42).

Đức Phật trong kinh Dược Sư là nhân vật biểu trưng cho tâm từ bi, chính nó là môn thuốc chúa, có thể trị lành bệnh chấp ngã cho chúng sanh (xem 10 lời nguyện của Phật Dược Sư).

Đức Phật Tỳ-lô-giá-na trong kinh Hoa Nghiêm là nhân vật tượng trưng cho Pháp thân Phật. Trong Pháp thân đã có đủ Báo thân và Hóa thân. Lục Tổ Huệ Năng nói “Pháp thân, Báo thân cập Hóa thân, tam thân bổn lai thị nhứt thân.” Nghĩa là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, ba thân ấy vốn là một thân. Và Lục Tổ còn chỉ rõ rằng: “Thanh tịnh Pháp thân nhữ chi tánh dã, viên mãn Báo thân nhữ chi trí dã, thiên bá ức Hóa thân nhữ chi hành dã.” Nghĩa là Thanh tịnh Pháp thân là tự tánh thanh tịnh, Viên mãn Báo thân là trí tuệ và Thiên bá ức Hóa thân là hạnh của mỗi chúng ta. Mỗi chúng sanh đều có đủ ba thân này (xem Pháp Bảo Đàn Kinh, Taiwan 1962, trang 54 và trang 67, bản chữ Hán).

Đức Phật trong kinh Lăng-nghiêm được biểu trưng cho chơn tâm thường trú, thể tánh tịnh minh của mỗi chúng sanh. Vì ngài Anan sống với vọng tâm cho nên ngài bị Ma đăng già quyến rũ. Tuy nhiên vọng tâm không phải thật có, cho nên đức Phật đã dùng huyễn pháp (Hóa Phật) để đối trị huyễn pháp (chú Satì cala) giúp cho ngài Anan thoát khỏi Ma đăng già và sống lại với chơn tâm thanh tịnh, và bản giác diệu minh của chính ngài (xem Sùrangama Sutra trang 01-82 ).

Đức Phật trong kinh Lakkhana Trường Bộ kinh IV và kinh Angulimala Trung bộ II giống như đức Phật trong phẩm Như Lai Thần lực kinh Pháp Hoa, đã được viện dẫn ở trên.

Chính vì kinh Đại thừa quá ư trừu tượng, khó hiểu, khó bàn, nên ông Kern, nhà bác học Hà Lan đã viết trong bài giới thiệu cho quyển sách đã dịch của ông tên là “The Lotus of the True Law” rằng: “Kinh Pháp Hoa có ý đề cao đức Phật Thích-ca như một nhân vật siêu nhân, là thượng đế của những thượng đế toàn năng toàn trí …” (xem Kern, Introduction of the Lotus of true Law, trang 27). Theo ông Kern, đức Phật trong kinh Pháp Hoa là đức Phật tôn giáo và Ngài được đề cao như một thượng đế của những thượng đế.

Dịch giả của quyển Trường bộ kinh III đã viết ở phần đại ý của kinh Đại Bổn như sau:

“Chúng ta thấy sự sai khác giữa hai quan niệm đức Phật lịch sử như được diễn tả trong tập Mahavagga về đức Phật Thích-ca với rất ít thần thông, nếu không phải là không có, và đức Phật tôn giáo như đã diễn tả trong kinh này (kinh Đại Bổn) với các điềm tướng xuất hiện các thần thông diệu dụng. Ở đây chúng ta chứng kiến sự bắt đầu còn dè dặt và thận trọng, đặt nhẹ dưới hình thức một chuyện tiền thân về đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi)… Sau này đặc tính tôn giáo lan qua các mẫu tích về đức Phật Thích-ca Mâu Ni đến nỗi bao phủ con người lịch sử Sa môn Gotama như chúng ta chứng kiến sau này.”

Tác giả bài viết này đã xuyên tạc bài kinh Đại Bổn và đã gán ghép một cách phi lý đặc tính tôn giáo (Thượng đế, mặc khải, mê tín) vào năng lực thần thông của đức Phật Tỳ-bà-thi và sáu đức Phật khác trong kinh ấy. Vị này vô tình đã gieo mầm độc vô minh và chấp ngã vào mảnh đất tâm trong sáng, thanh tịnh của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử, làm cho họ mịt mờ trên con đường học đạo giác ngộ!

Nếu cho rằng đức Phật thần thông là đức Phật tôn giáo, thì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, ngay trong đêm thành đạo Ngài đã trở thành đức Phật tôn giáo. Vì rằng đêm ấy Ngài đã chứng được sáu thứ thần thông. Đó là:

– Thiên nhãn thông: Mắt Ngài có thể nhìn thấy được vật bên kia vách, vật bên kia núi, từ cõi Ta bà Ngài có thể thấy được những thế giới xa xăm khác.

– Thiên nhĩ thông: Tai Ngài có thể nghe và hiểu được tiếng của muôn loài.

– Tha tâm thông: Ngài hiểu rõ được tâm tư tình cảm của mỗi chúng sanh.

– Túc mạng thông: Ngài biết rõ những kiếp quá khứ của Ngài và của chúng sanh như một đời, hai đời cho đến vô số đời.

– Thần túc thông (còn gọi là biến hóa thần thông): Ngài, từ một thân, biến thành nhiều thân, và từ nhiều thân biến thành một thân. Ngài có thể đi qua vách, qua núi, đi trên nước, ngồi trên hư không. Ngài có thể sờ mặt trăng, mặt trời với bàn tay của Ngài.

– Lậu tận thông: Ngài đã gọt sạch phiền não từ tâm của Ngài và dạy cho người khác về phương pháp đoạn trừ cấu nhiễm để chứng đạt Niết bàn (xem Đức Phật và Phật Pháp, trang 51 – 53; xem kinh Maha Sakuludi Dayi, Trung bộ II trang 308, kinh Maha Sihanada Sutta (Kinh Đại Sư Tử Hống) Trung bo䠉 trang 120).

Như vậy, thần thông không những chỉ bao phủ con người lịch sử Sa-môn Gotama mà nó còn ăn sâu tận đầu, não, tim, gan, qua từng hơi thở và từng bước đi của con người lịch sử Sa-môn Gotama.

Như chúng ta đã biết, không những đức Phật mới đặt vấn đề thần thông trong kinh Đại Bổn mà Ngài đã giảng nhiều về thần thông trong kinh Đại Sư Tử Hống, Trung bộ I, kinh Kevadha, Trường bộ I, kinh Angulimala, Trung bộ II, kinh Lakkhana, Trường bộ IV, v.v… Quyển “The Buddha and His Teaching” cũng đã chép những mẫu chuyện về thần thông của đức Phật: Ngài đã dùng thần thông độ bà Khema, thứ hậu xinh đẹp của Bình Sa Vương; độ bà Patacara một phụ nữ bất hạnh; hàng phục con độc long của ngài Xá-lợi-phất; hàng phục voi say của vua A-xà-thế. Khi Đề-bà-đạt-đa từ trên núi cao, xô một tảng đá to cố ý giết Phật vì mục đích muốn làm giáo chủ Tăng đoàn, Đức Phật đã dùng thần thông làm cho tảng đá ấy vở ra từng mảnh vụn v.v…

Thần thông không phải là vấn đề tôn giáo hay không tôn giáo mà nó là năng lực kỳ diệu của chơn tâm (phẩm Pháp Sư Công Đức, kinh Pháp Hoa). Mỗi chúng sanh đều có cái năng lực diệu dụng ấy. Một ngày mà lớp bụi vô minh bao phủ trên tấm gương sáng trí tuệ được quét sạch hoàn toàn, thì cái năng lực kỳ diệu ấy sẽ xuất hiện.

Nếu chúng ta cho rằng đức Phật tôn giáo là sản phẩm của ảo tưởng, hoang đường, thần thoại thì vô tình chúng ta đã nói đức Phật là “Linh hồn của những điều kiện không có linh hồn, là trái tim của thế gian không có trái tim, là nha phiến của dân chúng” (Marx). Và chính chúng ta tự giới thiệu mình là người kém hiểu biết về giáo lý thuần túy của đức Phật.

Về khía cạnh lịch sử, đức Phật Thích-ca được xem là đức Phật tôn giáo vì Ngài là giáo chủ của một tôn giáo, có giáo đoàn và giáo lý.

Để tỏ lòng tôn kính đối với đức Phật, học giả Radha Krishnan đã viết:

“Nơi đức Phật Cồ-đàm ta nhận thấy một tinh hoa toàn diện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu, cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính tôn Ngài là người đã dựng lêm một hệ thống tôn giáo vô cùng thâm cao huyền diệu, Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí, bởi vì đứng về phương diện trí thức, đạo đức trang nghiêm và tinh thần minh mẫn chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử” (xem Gotama the Buddha, trang 1).

Tôn giáo mà đức Phật đã dựng lên không phải là một hệ thống tín ngưỡng và tôn sùng lễ bái, trung thành với một thần linh siêu nhiên. Niềm tin của người Phật tử đặt vào đức Phật cũng giống như người bệnh đặt niềm tin vào vị lương y tài giỏi, hay niềm tin của người học trò đặt trọn vẹn nơi thầy. Mặc dù nương tựa nơi đức Phật và tôn trọng Ngài là vị hướng đạo sư, là thầy dắt dẫn trên con đường giải thoát, người Phật tử không qui phục mù quáng như kẻ nô lệ, mà họ nương theo giáo pháp tự nỗ lực để đạt đến giác ngộ giải thoát. Giáo sư Rhys David đã viết:

“Dầu là Phật tử hay không là Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, trong tất cả tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có cái gì đẹp đẽ và hoàn toàn hơn Bát chánh đạo của đức Phật. Tôi chỉ còn một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù với con đường ấy (xem The Buddha and His Teaching, trang 160).

Chúng ta không thể nói đức Phật lịch sử là con người bình thường như những con người khác bởi vì Ngài không được sinh ra từ nơi bất tịnh, lớn lên trong đau khổ và chết dần trong đau khổ (xem phần Bồ-tát nhập thai, kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu, Trung bộ III, số 123 trang 248).

Theo tinh thần kinh Pháp Hoa, đức Phật Thích-ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp (phẩm Như Lai Thọ Lượng). Vì thấy chúng sanh đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tham, sân, si, ưu bi khổ não. Hiện thế họ phải chịu nhiều đau khổ như sanh, già, bịnh, chết: khổ, yêu thương mà phải xa lìa: khổ, oán thù gặp nhau: khổ, cầu mong không được toại ý: khổ, chấp mắc về thân năm uẩn là khổ. Họ còn chịu nhiều đau khổ hơn nữa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh trong đời sống tương lai của họ (phẩm Thí dụ). Vì lòng thương chúng sanh, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, Ngài đã giả vờ sinh vào đây như một con người; Ngài đã thị hiện có sinh ra đời, hưởng thọ dục lạc, xuất gia, tu hành, thành đạo, thuyết pháp độ chúng sanh và nhập Niết bàn ở tuổi 80. Đó là phương tiện của Ngài, nhằm giúp cho chúng sanh căn cơ hạ liệt biết quay về với chánh pháp và từng bước dắt họ tiến gần đến Phật quả (phẩm Phương Tiện).

Vì lý do này, vừa sinh ra đời Ngài đã có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có đủ đại từ, đại bi, thập lực vô sở úy; đến nỗi vị Bà-la-môn tên A-tư-đà, một vị tướng số giỏi nhất thời bấy giờ, phải sụp lại dưới chân Ngài, khi vị này thấy rõ 32 tướng đại nhân của Phật.

Đức Phật đã dạy rằng Ngài không phải là Thượng đế, cũng không phải là thần thánh, cũng không phải là con người mà Ngài là Phật (xem Nalinaksha Dutt, Mahayana Buddhism, trang 140).

Chắc chắn Phật không phải là người thường, Ngài sinh ra với cái nghiệp phi thường mà Ngài đã tạo ra từ vô lượng kiếp.

Đến đây xin được kết luận rằng đức Phật là đức Phật. Ngài có đủ thần thông diệu dụng, đại bi đại trí và Ngài đã để lại cho nhân loại một lịch sử vẻ vang về cuộc đời của Ngài! Chúng ta đừng bao giờ đem những nhãn hiệu “Đức Phật lịch sử” hay “Đức Phật tôn giáo” áp đặt lên Ngài!

Thích Thị Quả

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/112-vePhat.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.