Lâm chung những điều nên biết


V.  NGƯỜI TRỢ NIỆM CẦN NHỚ NHỮNG ĐIỂM SAU

1. Phát tâm trợ niệm người khác niệm Phật vãng sanh Tây phương chính là thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm lớn cứu độ chúng sanh liễu sanh thoát tử. Chúng ta đã tự nhận trách nhiệm lớn giáo hóa chúng sanh nhất định cần phải đem tâm chân thật mà làm, không được phô diễn hình thức bên ngoài làm sai lạc nhân duyên lớn liễu sanh thoát tử của người khác. Cẩn thận! Cẩn thận!

2. Người trợ niệm khi đến nhà người bệnh để trợ niệm trước nhất mời bà con thân thuộc lại nói rõ cho họ biết: “Phàm con người đến lúc lâm chung là giờ phút quyết định cho sự siêu thăng hay đọa lạc, trách nhiệm này tùy thuộc vào toàn gia người bệnh. Các vị là người bà con muốn làm cho người bệnh siêu thăng tránh sự đọa lạc, mỗi mỗi nên nghe theo sự chỉ đạo của những người trợ niệm không được trái lời”. Đây là sự bảo chứng cho người lâm chung quyết định vãng sanh thế giới Cực lạc.

3. Người trợ niệm vào trong phòng người bệnh thái độ đối với người bệnh phải hết sức thương yêu thành khẩn, lời nói phải từ tốn nhẹ nhàng sao cho bệnh nhân nghe hiểu rõ ràng để trong tâm người bệnh không có sự hoài nghi. Trước hết người trợ niệm nên tán thán những công đức trong đời người bệnh tạo được khiến bệnh nhân sanh tâm hoan hỷ; kế lại nói những cảnh thù thắng vi diệu của thế giới Cực lạc khiến người bệnh sanh tâm an ổn và khởi lòng chánh tín cầu sanh Tây phương. Người trợ niệm nên quán sát bản thân họ xem họ như người bà con của mình. Bởi vì người bệnh tuy không phải là thân tộc trong hiện đời nhưng hoặc một đời, hai đời, ba đời trước cũng là bà con trong quá khứ, không thể cho rằng chúng ta với họ không liên quan tình huyết thống. Người trợ niệm nếu có thể xem người bệnh như là người bà con thì tâm trợ niệm niệm Phật lúc này mới có được sự chí thành khẩn thiết vô cùng.

4. Trong phòng bệnh ngoại trừ người khai thị ra còn lại tất cả mọi người không được phép đến bên người bệnh hỏi chuyện cũng không được ở trong phòng bệnh nói chuyện tạp, nếu người bệnh nghe thấy sẽ phân tâm khiến mất chánh niệm. Nếu có người bà con lối xóm muốn đến rờ rẫm thăm hỏi người bệnh, người trợ niệm nên ngăn họ: “Ông đến đây là để trợ niệm cho người bệnh niệm Phật phải không ? Nếu như vậy thì ông nên nghe theo lời chỉ đạo của người trợ niệm, hầu tránh phát sanh sự chướng ngại cho người bịnh”.

Còn bằng họ không phải đến để trợ giúp người bệnh niệm Phật, lúc đó tùy thời đối quyến thuộc bảo họ mời những người này sang phòng khác để tiếp đãi, hầu tránh cho người bệnh gặp mặt phát sanh tình ái dục niệm chướng ngại chánh niệm. Đây là trách nhiệm của người trợ niệm không nên ngại khó hay vị tình mà không làm. Nếu chúng ta để cho họ gặp người bệnh thì làm cho duyên tình ái phát sanh chướng ngại chánh niệm, khiến cho người chết không được vãng sanh và cũng không hợp với tông chỉ trợ niệm.

5. Niệm Phật bốn chữ hay sáu chữ, hoặc nhanh chậm cao thấp nhất định cần phải hỏi qua ý người bệnh. Nếu lúc đó người bệnh không mở miệng trả lời được thì tiếng niệm Phật không nên quá nhanh, nếu nhanh quá nghe không rõ ràng; cũng không nên quá chậm nếu chậm quá tiếng niệm Phật sẽ rời rạc làm cho người bệnh dễ rơi vào hôn trầm; cũng không nên quá cao nếu cao quá người trợ niệm cũng khó niệm được lâu; cũng không nên quá thấp nếu thấp quá người bệnh sẽ nghe không được rõ ràng. Vì thế tiếng niệm Phật không nhanh không chậm không cao không thấp, mỗi câu mỗi câu trong trẻo mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng khiến người bệnh mỗi câu mỗi câu đều lọt vào tai, mỗi chữ mỗi chữ đều sanh tâm khoái lạc. Người trợ niệm niệm Phật được như thế mới đúng cách thức trợ niệm.

Người trợ niệm nên nhớ không được tùy tiện theo ý mình, thích nhanh niệm nhanh thích chậm niệm chậm, ưa cao niệm cao ưa thấp niệm thấp, nếu niệm Phật như thế tuy có tâm trợ niệm nhưng người bệnh khó đạt được sự lợi ích. Nên nhớ lúc trợ niệm là thời điểm người bệnh khí lực rất yếu bản thân họ niệm Phật không nổi hoàn toàn nương nhờ vào câu hồng danh Nam mô A Di Đà Phật do người khác niệm. Tiếng niệm Phật nếu rõ ràng trong suốt khiến tâm người bệnh duyên theo tiếng niệm Phật, mỗi niệm mỗi niệm đều quy hướng về câu hồng danh A Di Đà Phật.

Người trợ niệm nên quán sát hết thảy sự tình làm sao đừng để cho tâm người bệnh dao động khiến họ đạt được chánh niệm niệm niệm tương tục, một niệm sau cùng khi mạng chung sẽ tùy theo chỗ niệm Phật mà được vãng sanh Tây phương. Bởi vì, người trợ niệm là người thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh liễu sanh thoát tử kia mà.

6. Trợ niệm qua một thời gian dài người bệnh đột nhiên tinh thần có sự phân minh, sảng khoái lại có thể nói chuyện hoặc thở dài cho đến tay chân cử động… Lúc đó người trợ niệm nên đặc biệt chú ý không để cho bất cứ một ai đến thăm hỏi rờ rẫm. Nên nhớ, kể từ thời điểm xảy ra tình huống này của người bệnh thì không quá hai giờ đồng hồ sau bệnh nhân sẽ chấm dứt hơi thở. Ví như cây đèn dầu đang cạn dần ánh lửa đang từ từ tối dần, đến lúc đèn hết dầu lúc đó ánh lửa đột nhiên lóe sáng khoảnh khắc rồi tắt. Tất cả mọi người đến lúc chấm dứt hơi thở phần nhiều đều rơi vào tình trạng này.

Thường thường hay xảy ra cảnh người trợ niệm niệm Phật lâu ngày, đến lúc người bệnh đột nhiên tỉnh táo hoặc nói chuyện, thở dài… các tình huống như thế xảy ra khi đó người trợ niệm chẳng có kinh nghiệm hay kiến thức tương đương, lại làm cho người bệnh buồn phiền hoặc đình chỉ sự trợ niệm. Vì vậy đối với cảnh xảy ra như thế người trợ niệm cần nên nhận biết để làm cho người mạng chung được sự lợi ích.

Người trợ niệm đến nếu gặp người vừa mới chấm dứt hơi thở hoặc trải qua một, hai, ba giờ đồng hồ, bấy giờ người trợ niệm không nên thăm dò hơi nóng người chết. Người trợ niệm nên nhớ thời điểm này là thời điểm vô cùng quan trọng khẩn thiết. Tốt nhất người trợ niệm trước nên lớn tiếng khai thị qua một lần sau đó mới niệm Phật. Nhân vì người sau khi mới chấm dứt hơi thở không luận bà con có than khóc hay không tâm người chết thảy đều có sự sầu não. Nếu người trợ niệm lớn tiếng khai thị tâm người chết có sự rõ biết. Do hiểu được lời khai thị tâm người chết có chỗ ( tiếng niệm Phật) để quy hướng, thứ nữa còn biết phát nguyện cầu sanh Tây phương ( tâm hoan hỷ nghe Phật hiệu, sẽ phát nguyện cầu sanh Tây phương).

Người trợ niệm khai thị cần phải lớn tiếng lời nói phải rõ ràng : “Ông trong quá khứ đã gieo trồng các nghiệp lành cũng như đã tạo các nghiệp ác, giờ phút này không nên nghĩ tưởng đến. Con cháu, tài sản trong nhà tất cả ông đều nên buông bỏ một chút cũng không để nơi tâm. Lúc này ông chỉ một lòng niệm hồng danh Phật A Di Đà phát nguyện cầu sanh Tây phương. Chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên để tâm nghe tiếng niệm Phật của chúng tôi, mỗi niệm mỗi niệm nương tựa hồng danh A Di Đà Phật để cầu sanh Tây phương” ( từ câu Ông nên để tâm lắng nghe… để cầu sanh Tây phương nên nói hai lần ).

Sau khi người chủ trợ niệm nói lời khai thị xong rồi người trợ niệm tùy theo đó mà niệm Phật. Âm thanh Phật hiệu lúc này cần phải lớn tiếng. Nếu người chết lúc sanh tiền có tâm tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây phương quyết định sẽ được vãng sanh, nếu khi sanh tiền không có tâm tín, nguyện cầu sanh, lúc lâm chung nghe Phật hiệu cũng đạt được công đức bất khả tư nghì. Kinh Địa tạng nói : “Người sắp mạng chung nghe được danh hiệu một vị Phật sẽ tiêu diệt được tội ngũ vô gián”. Vì thế công đức trợ niệm người khác lúc lâm chung thật không sao kể xiết.



VI. NHÂN QUẢ TỐI THẮNG CỦA NGƯỜI TRỢ NIỆM.

Có nhân tức có quả có quả tức có nhân. Chúng ta nếu phát tâm trợ niệm người khác niệm Phật cầu sanh Tây phương, như thế tương lai chúng ta đến lúc lâm chung tự nhiên cũng sẽ có người phát tâm đến trợ niệm chúng ta niệm Phật vãng sanh Tây phương. Người khác nhờ chúng ta trợ niệm được vãng sanh tương lai họ sẽ theo hầu đức Phật A Di Đà đồng đến tiếp dẫn dùng thần lực gia hộ chúng ta, khiến chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền vãng sanh thế giới Cực lạc. Do vậy, chúng ta thường trợ niệm người khác vãng sanh đối với vấn đề lợi hại lúc lâm chung thật rất rõ ràng. Sau này đến thời điểm lâm chung, chúng ta cũng sẽ nhất định vận dụng kinh nghiệm quá khứ khiến tất cả đều như pháp. Do đó sẽ không có các sự tình phát sanh ngoài ý muốn quyết định được vãng sanh Tây phương.

Nên biết, đức Như lai sở dĩ xuất hiện ở thế gian là vì độ thoát tất cả chúng sanh khiến các chúng sanh đều thành Phật. Đức Như lai thuyết pháp bốn mươi chín năm là vì sự kiện này; đức A Di Đà phát bốn mươi tám đại nguyện trang nghiêm Tịnh độ cũng vì sự kiện này. Tất cả mọi con đường chung giáo lý là đều nương vào sức tự lực tu hành, người tu cần phải đoạn trừ phiền não mới có thể thoát ly sanh tử đây là pháp môn khó hành.

Còn pháp Tịnh độ là nương nhờ nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà mà được vãng sanh thế giới Tây phương, không cần đoạn trừ phiền não mà được ra khỏi sanh tử, tu hành chỉ trong một đời mà viên thành Phật đạo đây là pháp môn dễ hành.

Chúng ta hiện nay trợ duyên người khác niệm Phật vãng sanh Tây phương đó là thay thế đức Như lai gánh vác trách nhiệm cứu độ chúng sanh, khiến họ nhờ sự trợ niệm mà được vãng sanh. Từ pháp môn dễ hành này chúng ta nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà rất mau ra khỏi sanh tử sớm viên thành Phật đạo thành tựu công đức cao vời. Công đức cao vời này là nhân để chúng ta thành Phật, dùng nhân thành Phật cảm quả thành Phật đây là điều tất yếu vậy.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.