Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm

Suy ngẫm chân lý của người xưa: “Anh em kiến giả nhất phận” đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ… Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư” đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại… hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái… mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3…

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:

– “Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức… Bố tôi nếu còn sống mà ngồi “i..” ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào…”

– “Vâng… giữa sàn “nhà” tôi (!) và chỉ “một lần” thôi nên ông nói vậy!”. Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính “cao thượng” khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu “nói dễ làm khó” bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông “hành hạ” ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng…

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm”.

1.
– Chào Bố! Con mới “đi làm” về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?

– Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa… đi mất rồi!

– Bố ơi! Bố phải để chị ấy “đi làm” chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối… Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè…

– Thôi thôi… đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa… cả đám.

2.
– Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

– Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi…

– Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

– Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi… khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng… mới dễ tiêu.

– Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì “phở gà phao câu” được không?

– Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó… Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm…

– Lần trước Bố vừa khen, thế mà… lại chê rồi! Không sao… Bố muốn đi đâu mình đi đó.

3.
– Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ…

– Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay… mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?

– Mới tắm mà sao “khai” thế này? Bố không tắm thì mình không đi…

– Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như “con” kia…

– Con ở đây tắm cho Bố mà… Làm sao Bố tắm một mình được?

– Ông cẩn thận cái áo này của tôi… nó có tiền! Vô ý là hết cả… Sơn Tây.

– Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy… Không ai vào lấy… Thấy chưa? Yên tâm nhé!

– Không ai lấy! Hừ… Mất hết cả rồi mà ông còn nói… không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng… Chán quá!

4.
– Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

– Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ… No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ… lại còn đói à?

– Bây giờ cà phê nhá!

– Cà phê chứ còn gì nữa… Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

– Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

– “Uẩy”! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

– Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài “patio” uống cà phê hút thuốc. Ấy… Bố đi đâu vậy?

– Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi “gọi” cho ông chứ nếu không lại đói… chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số… May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.

– Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho…

5.
– Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi… cho khỏe.

– Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái… Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa… thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết…

– Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

– Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái… Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách… “Moa” bàn với “toa” chuyện quan trọng này nhớ! “Moa” cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi “moa” sẽ trả lại.

– “Toa” trả “moa” bằng cách nào?

– Mấy bữa nay, “moa” nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! “Moa” về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học… Thế nào cũng có nhiều “sìn”.

– Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

– Thế thì tôi về Hà Nội… lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

– Bố già lụ khụ… đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

– Già? Hừ… Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

6.
– Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

– Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại… Hừ… Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo… Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi… Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái… Đồ mất dậy!

– Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật…

– Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

– Thôi con đi làm nhớ!

– Vâng! Ông đi… Mấy giờ về?

– Con không về nữa vì Bố chửi con rồi…

– Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường… Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố “đi” mãi và tôi cũng mong Cụ quên “về” với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: “Bách tuế vị kỳ” mà…

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

Qua kinh nghiệm “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi “bách niên” để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này… khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài…

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu “Bách niên giai lão” mỗi khi xuân về nữa không?

Cao Đắc Vinh

http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-206744/

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.