Nhật Ký 20 Ngày Trên Đất Phật

Ngày 3, tức ngày 19/10/2011

Mới 3 giờ sáng dù chưa đến giờ thức chúng mà mọi người đã thức dậy . Mọi người bận rộn với việc tắm giặc sau hai ngày bám đầy bụi đường. Tôi bước ra ngoài nhìn những ánh đèn néon chói sáng từ các phòng .

4:30 sáng đoàn bắt đầu lên xe đi ngắm bình trên sông Hằng. Xe đậu cách bờ sông chừng 200 mét. Mọi người trong đoàn y áo tề chỉnh và di chuyển theo hàng một xuống bến thuyền. Trời mới tờ mờ sáng mà khu phố ở đây rất bận rộn. Trên đường nhiều xe cộ qua lại. Trong hơi sương mờ đặc pha trộn cát bụi, phố xá đông người qua lại, nhiều trẻ em nài nỉ mua hoa, mua chuỗi v v . Tôi cảm thấy hơi buồn nôn khó chịu vì mùi hôi lạ xông lên. Sư cô Huệ Hòa, Phước Sinh nhanh nhẹn mua hoa, đèn và tìm thuê hai chiếc thuyền để đưa đoàn đi đón bình minh trên sông Hằng.

Gần cả trăm chiếc thuyền đậu sẵn dưới bến chờ khách. Sông Hằng hiện ra trước mắt tôi. Đây là đầu tiên tôi đến Ấn Độ nên cái gì cũng lạ và thích thú. Bên bờ sông những đống lửa cháy bập bùng. Những căn phố có nhiều lầu cao, đèn tỏa sáng. Đoàn từ từ xuống thuyền. Khi thuyền rời bến mọi người niệm hồng danh chư Phật, Bồ Tát. Trong khi thuyền đi chậm chậm trên sông, thầy trưởng đoàn giảng giải nhiều điều về giòng sông thiêng liêng nầy. Đoàn thả đèn, hoa xuống sông và mua cá phóng sanh.

Theo Ấn Độ giáo giòng sông thiêng liêng rất nhiệm mầu nầy có khả năng tẩy rửa tội lỗi của con người. Nói đến sông Hằng không thể loại bỏ được yếu tố tâm linh được. Giòng sông nầy từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào tâm linh của người Ấn. Tôi nhìn giòng nước sông Hằng đang chảy một cách an bình, thầm lặng. Đã có biết bao nhiêu giòng sông đi qua đời tôi. Tất cả đều trầm bổng, chuyển vận như những bài thơ. Nhưng đặc biệt bây giờ xin cảm ơn chư Phật đã cho tôi có một lần chiêm ngưỡng tác phẩm kỳ bí sông Hằng. Tên con sông hay đúng hơn cát sông Hằng đức Phật Thích Ca hay nói trong kinh. Nó bắt nguồn từ những khe sơn kỳ bí của Hy Mã Lạp Sơn; nơi quê hương của các đạo sĩ bí ần. Sông Hằng đầy đủ quyền năng xoa dịu nỗi đau thương của tâm linh con người. Kỳ diệu thay biết bao nhiêu hoa đèn, không biết bao nhiêu xác người đổ xuống nhưng giòng sông nó vẫn trong xanh trôi chảy.

Buổi chiều đoàn trở lại vườn Lộc Uyền và đến Bảo Tháp tụng kinh sau đó được nghe thầy trưởng đoàn giảng về bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế mà đức Phật giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như. Thầy ngồi trên thềm gạch cao dưới tàn cây đối diện đại chúng. Thầy đưa ra những thí dụ rất cụ thể về khổ đau ở đời. Thầy nói tại sao chúng sanh khổ và làm sao diệt được khổ và tiến trên con đường đạo. Đêm về tôi miên man suy nghĩ về bài học đầu tiên để đức Phật chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển – tôi cảm xúc ghi lại những dòng thơ:

Vịnh Chuyển Pháp Luân.

  1.  

Về đây cùng vượt những đường dài

Viếng tứ động tâm mây trắng bay

Tợ kẻ tha hương lòng khắc khoải

Như người viễn xứ dạ mong hoài

Nhìn lên nhớ đến vô thượng giác

Cúi xuống trầm tư cảnh đổi thay

Nơi chuyển pháp luân trầm phảng phất

Con về quỳ lạy dưới chân Ngài

Con về quỳ lạy dưới chân Ngài

Muôn thuở lòng nầy dám lạt phai

Diệu đế chỉ bày cho ngộ đạo

Nhân duyên quán chiếu để tâm khai

Bao lần đau khổ vì lầm chấp,

Mấy kiếp luân hồi bởi hiểu sai.

Nơi cội Bồ đề khai đạo cả

Con qùy khấn nguyện thoát trần ai

3.

Con qùy khấn nguyện thoát trần ai

Kiếm trí huệ mài, khó chẳng nài

Phát nguyện Bồ Đề lòng chẳng đổi

Nương theo Pháp Phật chí không thay

Thánh nhân réo gọi người lưu lạc

Từ phụ trông chờ viễn khách lai

Kìa tháp ngàn năm còn đứng mãi

Người xưa như thể ở đâu đây . . . .

Ngày 4, tức ngày 20/10/2011.

Sáng nay cả đoàn thức dậy chuẩn bị đi thành phố Sravasti (Xá Vệ quốc). Sau khi dùng sáng trời chưa sáng đoàn đã khởi hành.Trong khi di chuyển quý Thầy Cô luân phiên thuyết minh, giảng giải cùng đại chúng đời sống người Ấn, đọc quyển văn minh Ấn Độ cũng như ca hát trên tạo cho bầu không khí của đạo tràng lưu động thêm linh hoạt.

Buổi trưa Thầy trò ngừng lại tại một khu chợ ven đường mua thêm một số rau trái cây nào đậu bún, đậu que, cà rốt, chuối v v. Người dân Ấn bình dị, đạm bạc. Nhìn sinh hoạt chợ búa của cư dân Ấn vài ngày qua tôi nhận thấy họ không nhà cao cửa rộng, hàng hóa cao cấp mà chỉ là những nông sản rẻ tiền, đơn sơ. Trong chợ hầu như có đủ mặt hàng rau trái như ở Việt Nam vì thổ nhưỡng, khí hậu giống như đồng bằng sông Cửu Long từ chuối, ổi, cà chua, cà rốt v v. Họ còn xử dụng cân xách bằng gỗ. Nhìn cảnh nầy tôi không thể tưởng họ đã có nền văn minh sáng chói nhất loài người từ thời thượng cổ (10 ngàn năm văn hóa). Khi đặt chân nơi đây chúng ta sẽ không ngờ được rằng các đại tỷ phú hàng đầu trên thế giới lại là người Ấn. Trong khi đó những người cơ hàn, khổ sở, không nhà nhiều nhất thế giới lại cũng là người Ấn. Rõ ràng Ấn Độ là một thế giới thu nhỏ, một cộng đồng lạ lùng và sự cách biệt giữa người giàu kẻ ngèo rất lớn. Đây những kẻ khốn cùng, kia ông hoàng bà chúa. Ở đây pha trộn giữa hư, ảo, một xã hội được tạo dựng bởi mọi nghịch lý của cuộc sống. Nơi có nữ thần sông Hằng đầy huyền năng, có sự che chở của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Đi viếng nước Ấn Độ mênh mông làm cho tôi bị pha trộn giữa ngạc nhiên, kính trọng, thương cảm, mến yêu… Đoàn đi thăm nơi Đức Phật thi thố thần thông với ngoại đạo (Kantamjetiya). Tháp ngài Vô Não v v. Nơi đây thầy trưởng đoàn kể cho mọi người câu chuyện giết người chặt ngón tay.

Ngày 5, tức ngày 21/10/2011.

Sáng khởi hành đi Nepal. Dọc đường chương trình văn nghệ rất khởi sắc. Nguyên Nhật Huyền ca những bài ca vọng cổ. Chú Bảy Lý kể chuyện vui v v. Những bài họp ca cũng được mọi người hưởng ứng nhất là bài “Miềm an vui” được cả đoàn yêu thích.

Niềm an vui vẫn luôn có thật,

Như bửa cơm thanh đạm dưa cà.

Giản đơn thôi người đừng đánh mất,

Khổ tâm đi tìm hình bóng đâu xa 

Phật quanh ta ở nơi Ta Bà,

Khi uống ăn nhớ niệm Di Đà.

Và khi ta làm điều nhân ái,

Thấy y như là Phật đến trong ta

 

Đời ta qua bao nhiêu phố phường,

Nhưng chỉ vui trên một con đường.

Đường thanh cao dạt dào mưa pháp,

Sống trong muôn loài ngập nắng yêu thương

 

Về đi thôi dứt tan não phiền

Xa nẽo mê danh lợi sắc tài

Làm thân ta hận sầu tê tái

Quyết quay trở về bờ giác an vui . . .

Trưa đoàn đến biên giới Ấn Độ và Nepal. Giữa hai nước chỉ có hai trạm kiểm soát của cảnh sát biên phòng. Văn phòng của đại diện bộ Di Trú mỗi bên chỉ là hai căn phố nhỏ. Sau thủ tục phức tạp của Ấn Độ cuối cùng đâu cũng vào đó. Đến 5 giờ chiều đoàn đến thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu). Đoàn đến thăm và lễ Phật tại vườn Lâm Tỳ Ni. Đêm về tại khách sạn của chùa Đại Hàn. Ngôi chùa nầy nằm trong khu vực của các chùa Quốc Tế cạnh chùa Trung Quốc và cách chùa Việt Nam Quốc Phật chừng 200 mét. Ngôi chánh điện vừa xây với hai tầng lầu cao ngất ngưởng chưa kịp sơn phết. Bên cạnh chùa là những dãy khách sạn cũng hai tầng rất rộng rải. Tối cả đoàn vân tập lên chánh điện tụng thời kinh Di Đà. Dưới ánh sáng của dãy nến cháy lung linh chói vào gương mặt từng người trẻ có Út Phượng, cao niên có chú Bảy. Nhưng nếu để ý kỹ gương mặt mọi người đều lộ vẻ mệt mõi, lừ đừ vì thiếu ngủ.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.