Nhật Ký 20 Ngày Trên Đất Phật

Ngày 6, tức ngày Ngày 22/10/2011.

Sau khi ăn sáng đoàn tập trung trước chánh điện để được hướng dần đi đến chiêm bái bảo tháp tại vuờn Lâm Tỳ Ni. Đoàn đi kinh hành châm rải . Thầy Minh Đức hướng dẫn sai hướng nên thay vì đến bảo tháp lại đến sông Dầu. Đoàn ngược lại, nắng sáng chói chang. Đường đi được lót gạch sạch sẽ và rộng rải. Khoảng 1 giờ sau đến khu vực vườn Lâm Tỳ Ni. Sau thời kinh đi nhiễu xung quanh bảo tháp đoàn tập trung dưới một tàn cây để nghe thầy trưởng đoàn ban bố một bài pháp ngắn nói về Phật đản sanh.

Buổi chiều đoàn viếng cổ thành Ca Tỳ La Vệ (The Ancient Kapilavastu). Cung điện, cổng thành của một thời vàng son rực rở bây giờ chỉ là vùng đất hoang vu và những đống gạch. Nơi đây thầy trưởng đoàn giảng một thời pháp ngắn. Sau đó đoàn băng qua những mảnh vườn chuối, cánh đồng nhỏ để thăm hai ngôi mộ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu.

Tôi vừa đi vừa ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng quằng hạt bổng nhớ đến quê nhà vào những mùa gặ năm xưa lúc tôi còn thơ ấu. Ở đây họ cấy gặt giống như quê tôi vào thập niên 1960. Xa kia đôi ba con cò trắng đứng nhìn lơ đễnh về chốn xa xăm, nọ vài chim màu đen đang rỉa lông trên cánh cây cạnh bờ chuối với những tàu lá tả tơi cạnh chòm lao sậy trắng. Tôi say đắm với cảnh tượng nông thôn vừa thanh bình vừa hoang vu. Tôi tưởng tượng hình bóng thái tử Tất Đạt Đa lúc chưa xuất gia đi lại nơi đây.

Về khách sạn đêm khuya, đâu đây có vài con muỗi kêu vi vu tôi viết bài thơ: 

Vịnh vườn Lâm Tỳ Ni

Lâm Tỳ Ni đến thấp tâm hương,

Đóa vô ưu tỏa khắp bốn phương

Cứu khổ giáng trần xưa dấn bước

Ban vui nhập thế đã lên đường

Xuất gia từ bỏ đâu tham ái,

Tầm đạo quên mình chẳng vấn vương,

Chiêm bái đất thiêng lòng xao xuyến,

Người xưa, cảnh cũ một niềm thương. . . 

Ngày 7, tức ngày 23/10/2011.

Buổi sáng đoàn đến viếng một số ngôi già lam vùng Lâm Tỳ Ni. Đoàn đến thăm chùa Việt Nam và gặp gở thầy Huyền Diệu. Đến thăm tháp Hòa Bình v v. Từ Lumbini đoàn đi Kushinagar. Đoàn băng qua những khu rừng Sa La. Thân những cây sa la thẳng nhìn giống như cây đước ở Cà Mau bên Việt Nam, phía dây leo mọc chằn chịt. Đi ngang qua rừng sa la, dọc theo bờ lề quốc lộ nhiều bầy khỉ giởn hớt chuyển nhảy thậm chí đi ra giữa đường. Chúng ta đến bất cứ nơi nào ở Ấn Độ hay Nepal nếu có một giòng sông hay ao hồ chúng ta dễ dàng thấy những bầy chim bay lượn kiếm ăn. Có thể nói hàng triệu cánh chim trời lẫn lộn với con người trong các làng mạc xa xôi tận đến các đô thị của nước Ấn Độ. Nếu đến nhìn cảnh núi rừng thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khỉ, vượn lang thang, đi lại ngắm ngía du khách. Người Ấn không bao giờ đánh bắt chim nuôn, thú rừng. Lòng từ bi của dân Ấn nên biến đất nước bao la nầy trở thành thiên đường của động vật hoang dã. Trong khi đó có những người ở các nước tân tiến giàu có lại thiếu lòng từ bi đối với chúng sanh. Có những nơi người bắn những con vịt trời giẩy chết để làm niềm vui. Có những người săn cá voi quý hiếm miền nam địa cầu để làm miếng ăn ngon miệng. Ngoài ra nhiều thú hoang khác đang có nguy cơ diệt chủng như cọp voi v v cũng con người vẫn không tha mà lại sát hại.Tôi không biết làm sao gởi một thông điệp đến những động vật nầy hãy tìm về đây như tìm về một tổ quốc mới nầy để được yêu thương và bảo vệ.

Cuộc sống của đa số người dân Ấn và Nepal thô sơ và thiếu thốn. Tài sản của họ thường chỉ là đôi ba con trâu, bò hay dê cùng thửa ruộng, hoặc mãnh rẫy, bờ chuối.Nhưng nhìn kỹ chúng ta thấy đời sống họ bình thản không hối hả, lo âu mà rất tự tại. Họ dùng phân bò làm chất đốt. Vì vậy ở đây khó thấy phân chúng nhiều ngoài đường. Người ta tận thu đem về nhà rồi dùng tay nhào nặn phân và rôm rạ thành những bánh hình tròn đem phơi. Nhìn người dân nông thôn ở đây tôi thấy nhớ đến bà con mình ở quê nhà lam lũ và vất vả suốt tháng năm .

Ngày 8, tức ngày 24/10/2011.

Sáng sớm đoàn đến chiêm bái, dâng y Đại Bảo Tháp nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Từ cổng mỗi người trên tay một đóa lotus màu trắng nhụy vàng hai chiếc y vàng lợt vàng sậm bao quanh tăng ni Phật tử và thầy trưởng đoàn dẫn đầu tiến vào bảo tháp dâng lên tôn tượng của đức Phật. Đoàn đi nhiễu xong ra phía sau đại tháp tụng một thời kinh và sau đó nghe thầy trưởng đoàn giảng pháp. 

Vịnh nơi phật nhập Niết Bàn

Đến nơi nhập diệt ngậm ngùi thương

Nhớ đến Bổn Sư khuất tà dương

Đây lá bồ đề xanh thắm sắc

Kìa hoa giải thoát ngát thơm hương

Động tâm muôn thuở còn ghi dấu

Di tích bao ngày với nguyệt sương

Xá lợi con quỳ xin đảnh lễ                                                      

Lòng thành quy kính để cúng dường

Đến chiêm bái nơi nhập diệt nhận thấy chính đức Phật cũng phải lìa trần thế khi tuổi đến tuổi 80. Tôi thiết nghĩ chết là một sự thật hiển nhiên mà cuối cùng mọi người mặc dù có muốn hay không đều phải như vậy. Đây là điều chúng ta phải ghi nhớ và chấp nhận để khi nó đến không còn phải sợ hãi hay lo âu. Trong cuộc đời nầy chúng ta chỉ là những khách trần vãng lai, đến rồi đi. Nhưng có phải chết là hết hay phải trôi lăn tiếp trong cõi mênh mông vô tận, trong biển khổ sanh tử luân hồi. Tổ Quy Sơn nhắc nhở: “Vô thường già, bệnh, chết không hẹn trước với ta”. Giáo lý nhà Phật dạy sau khi chết thần thức của chúng ta không mất mà nó sẽ lưu chuyển đến một đời sống khác. Nếu chúng ta chưa đạt đạo, giác ngộ, giải thoát thì sẽ chắc chắn sẽ tái sanh trong lục đạo trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỹ hay súc sanh. Kết quả đó là do đời sống vừa qua hay hôm nay. Rõ ràng chúng ta đã và đang tạo dựng một đời sống tương lai của chúng ngày mai.

Quý thầy người Tây Tạng thường nói: “Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết là mỗi người nên làm điều lành và tránh làm đều ác trong suốt cuộc đời mình”

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.