Phật giáo Đại thừa (1) và Tiểu Thừa cùng thuộc tư tưởng nhà Phật nhưng khác nhau về quan điểm và đường lối thực hành. Nếu Tiểu Thừa quan tâm đến sự giác ngộ của bản thân mỗi người thì Đại Thừa muốn giải thoát, cứu độ cả chúng sinh. Đại Thừa từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, về sau chia nhiều nhánh: Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông, Tịnh Độ Tông.
Thiền Tông chủ trương “Dĩ tâm truyền tâm” (2) và dùng toạ thiềnđể “kiến tánh”, trực giác chân lí. Phật Thích Ca vốn đã có chủ trương này nhưng không phát huy được ở Ấn Độ mà phải đợi đến khoảng thế kỉ thứ VI, thứ VII khi tổ sư thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ đem tâm ấn truyền sang đất Trung Hoa thì đạo Thiền mới phát triển rực rỡ. Vị tổ sư ấy là Bồ Đề Đạt Ma, được tính là tổ sư đầu tiên của Thiền Tông Trung Hoa, gọi là Sơ Tổ. Nhị Tổ là Đại sư Huệ Khả, Tam Tổ là Đại sư Tăng Xán, Tứ Tổ là Đại sư Đạo Tín, Ngũ Tổ là Đại sư Hoằng Nhẫn và Lục Tổ là Đại sư Huệ Năng.
Huệ Năng là vị tổ sư cuối của Thiền Tông Trung Hoa. Từ đời Huệ Năng, Thiền Tông bắt đầu chia làm hai phái: Nam Tông và Bắc Tông và không còn lệ truyền Y Bát nữa (3).
LAI LỊCH CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG;LỤC TỔ LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
Việc khai quật quần thể hang động Mạc Cao – Đôn Hoàng, nằm ở phía đông nam huyện Đôn Hoàng, thuộc tỉnh Cam Túc (4) đã thu được nhiều sách vở, nhiều đồ vật mới thấy lần đầu ở Trung Quốc như tiền kẽm Ba Tư, đồ đồng, đồ gốm, các vật chế từ cỏ tranh, những sách cổ đã thất truyền, đặc biệt là thu được nhiều kinh sách Phật. Trong các kinh sách này có cuốn Pháp Bảo Đàn kinh, được viết khoảng từ năm 830 đến 860. Bản kinh này được xem là cổ nhất so với các bản có trước đó như bản Huệ Hân chép năm 967, bản Tào Khê Nguyên Bản của Khế Tung năm 1054-1056, bản của Tông Bảo năm 1291…
Đọc Pháp Bảo Đàn kinh, lai lịch của Tổ Huệ Năng (638-713) hiện lên khá rõ: “…Nghiêm phụ của Huệ Năng quê gốc ở Phạm Dương, bị cách chức đày đến Lĩnh Nam, làm thường dân ở Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, mẹ gìà đơn chiếc dời đến Nam Hải, gian khó đắng cay, thường ra chợ bán củi…”
Địa danh “Phạm Dương” ghi trong kinh có thể là ở tỉnh Hà Bắc của ta (5); riêng tên đất “Lĩnh Nam”, “Nam Hải” thì rất quen thuộc trong sử sách Việt Nam : Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên có nói đến đất Lĩnh Nam, Nam Hải khi viết về việc Trưng Trắc khởi nghĩa như sau:
“Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên […] khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quậnNam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.”
Phần viết về Triệu Đà của Việt Sử Tiêu Án cũng xác định đất Lĩnh Nam chính là vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Sách này cũng xác định đất này là của ta từ đời vua Hùng (6) mà sau bị Tô Định cai quản trong thời Bắc thuộc, về sau Trưng Trắc đã khởi nghĩa giành lại rồi các đời vua sau lại không giữ được, cương thổ phải lui dần về phương nam.
Vậy là quê hương của Lục Tổ chính là ở miền Bắc nước ta thời đó. Huệ Năng là người nước Nam. Đoạn đối thoại sau đây trong Pháp Bảo Đàn kinh chứng rõ thêm điều này:
“…Huệ Năng sắp xếp cho mẹ mọi việc rồi từ biệt. Không quá 30 ngày đã đến được Hoàng Mai vào bái Ngũ Tổ. Ngũ Tổ hỏi: ngươi là người ở xứ nào? Muốn cầu việc chi? Huệ Năng đáp: Đệ tử là dân ở xứ Tân Châu, Lĩnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu được làm Phật, không cầu việc chi khác. Ngũ Tổ nói: Ngươi là người Lĩnh Nam, ấy là dân mọi rợ (7) sao có thể làm Phật được? Huệ Năng thưa: Người có chia ra nam bắc nhưng tính Phật vốn không có nam bắc. Tấm thân mọi rợ này với thân Hòa-thượng tuy có khác, nhưng tính Phật có chi khác biệt?”
Ngũ Tổ có ý muốn nói thêm nhưng lại thấy học trò đông đúc ở hai bên bèn bảo ngài hãy lui ra, theo mọi người mà làm việc…(8)
CUỘC TRUYỀN Y BÁT NỔI TIẾNG ĐƯỢC GHI LẠI TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO
Theo lệ từ đời Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chuẩn bị tìm người truyền Y Bát. Lúc này tăng chúng, đệ tử theo học tại chùa khá đông, trong đó Đại sư Thần Tú là trội nhất trong 11 môn đệ xuất sắc của ngài. Nguyên Thần Tú đến tuổi 50 mới nghe danh Đại sư Hoằng Nhẫn, đã vượt ngàn dặm xa xôi tìm đến làm đệ tử, được Ngũ Tổ rất quý cử làm Giáo Thụ chuyên giảng dạy cho tăng chúng. Một hôm, Ngũ Tổ gọi mọi người hãy tự viết bài kệ trình bày sự hiểu biết của mình về đạo Thiền; ai ngộ được trọn ý của Phật pháp thì sẽ truyền Y Bát. Muốn trình kiến giải nhưng lại chẳng muốn bộc lộ bản tâm của mình là muốn cầu chức vị, Thần Tú đương đêm cầm đèn viết ở hành lang bài kệ:
Thân thị Bồ Đề thụ
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai
DỊCH:
Thân là cội Bồ Đề
Tâm ấy đài gương sáng
Ngày ngày năng quét lau
Bụi trần không dễ bám
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)
Những ai hiểu Thiền đều có thể nhận ra được bài kệ trên của Thần Tú chưa đạt đến được chỗ quan yếu của đạo vốn không phân biệt nhị nguyên: tâm/ thân ; Bồ Đề thụ/ minh kính đài và cũng không chủ trương hành động theo cách “hữu vi” : thời thời cần phất thức…và như vậy là chưa “kiến tánh”. Nhận ra khiếm khuyết ấy, hôm sau Ngũ Tổ gọi riêng Thần Tú đến để cho biết chỗ chưa đạt và yêu cầu làm lại bài kệ khác. Qua nhiều ngày Thần Tú vẫn không có được bài kệ mới.
Đến đây Pháp Bảo Đàn Kinh có nêu một sự kiện đáng suy nghĩ: tuy không chấp nhận trí huệ của Thần Tú vậy mà Ngũ Tổ vẫn phải tỏ vẻ hoan hỉ, cho đốt hương lễ kính trước bài kệ và dạy đồ chúng cứ tụng bài kệ ấy mà tu niệm. Ấy mới biết đến như Ngũ Tổ ở chốn Thiền môn mà cũng phải dè chừng những họa hiểm của lòng người.
Chẳng bước chân lên nhà trên, mấy ngày sau mới nghe được bài kệ của Thần Tú, Huệ Năng bèn nhờ người viết lên tường bài kệ của mình:
Bồ Đề bản vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
DỊCH:
Bồ Đề chẳng phải cây
Gương kia nào là đài !
Trước sau không một vật
Đâu chỗ lấm trần ai ?!
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)
Xem bài kệ, Ngũ Tổ lấy làm vừa lòng, biết đã chọn được để tử chân truyền nhưng lại làm ra vẻ chẳng xứng ý, lấy giày chà bài kệ đi và cho là vẫn chưa đạt. Mọi người không ai nghi ngờ chi cả. Vậy là qua thời gian khảo nghiệm, ngài đã chọn Huệ Năng – mà Huệ Năng lúc này mới chỉ nhập môn được hơn 8 tháng, đang xay giã gạo suốt ngày ở nhà dưới. Suốt thời gian dài, bề ngoài tuy lộ vẻ coi thường nhưng bên trong Ngũ Tổ đã đánh giá cao khả năng đốn ngộ của Huệ Năng, vì vậy đọc bài kệ rồi, ngay nửa đêm, Ngũ Tổ gọi Huệ Năng vào truyền Y Bát và pháp môn đốn ngộ rồi lập tức đến bến Cửu Giang cùng lên thuyền. Ngũ Tổ tự tay cầm chèo mà đưa Huệ Năng rời chùa đi về phương nam. Mấy ngày sau, biết việc, đồ chúng có đến vài trăm người quyết đuổi theo, giành lại chức vị. Huệ Năng đi 2 tháng thì đến núi Đại Dữu, lại đi tiếp đến Tào Khê… Vẫn bị ác nhân săn đuổi, Huệ Năng lại đến đất Tứ Hội ẩn mình sống chung với đám thợ săn, mãi 15 năm sau mới đến chùa Pháp Tánh đưa Y Bát ra để định danh và bắt đầu giảng kinh truyền đạo pháp. Đồ chúng tập trung về học đạo ngày một đông. Từ đây Lục Tổ Huệ Năng lập nên phái Thiền Tông ở phương nam gọi là Nam Tông, chủ trương “Đốn ngộ” khác với đường lối “Tiệm ngộ” của Bắc Tông ở phương bắc do Thần Tú lập nên rồi tàn lụi chỉ sau vài đời.
Theo tác giả Nguyễn Minh Tiến thì thời gian trên Huệ Năng có thể đã cư trú trên đất Việt Nam bởi vì tại làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức nước ta có chùa Lục Tổ (nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chùa Lục Tổ (sau gọi là chùa Cổ Pháp) là nơi sư Vạn Hạnh đời Lý đã tu ở đó. Lúc đắp nền chùa có đào được một cái lư hương và mười cái khánh. Lư và khánh này là của một ngôi tổ đình rất xưa trước đó; có thể đây chính là ngôi chùa Lục Tổ Huệ Năng đã tu. Nguyễn Minh Tiến cũng nêu thêm một bằng chứng nữa là Thiền Uyển tập anh có chép việc Trưởng lão La Quý (852-936) có cho đúc một pho tượng Lục Tổ bằng vàng; vậy rõ ràng là hình ảnh Lục Tổ Đại sư đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt (9).
THIỀN TÔNG PHÁT HUY TƯ TƯỞNG CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Quá trình tu tập giảng đạo pháp của Huệ Năng, một thiền sư Việt Nam đã ghi lại những ảnh hưởng khá quan trọng tại Trung Hoa: Năm 675 các vị sư đức hạnh, danh tiếng đương thời như Trí Quang Luật Sư ở Trường An, Huệ Tịnh Luật Sư ở Tô Châu, Kỳ-Đa-La Luật Sư ở Trung Ấn, Mật-Đa Tam Tạng Pháp Sư ở Ấn Độ tôn Huệ Năng tức Lục Tổ làm thầy. Rằm tháng giêng năm 684, Đường Trung Tông sai quan Nội Thị Tiết Giảng đến chùa Bảo Lâm thỉnh Lục Tổ vào triều để thuyết pháp cho thái hậu và vua. Cùng năm ấy, vua nhà Đường ban chiếu khen thưởng, cúng dường “y cà sa bá nạp”, bình bát thủy tinh và truyền cho Thứ Sử Thiều Châu sửa sang chùa. Năm 760. Đường Túc Tông sai sứ thỉnh Y Bát của Lục Tổ đem vào nội cung cúng dường, năm 765 lại sai Trấn Quốc Đại, Tướng quân Lưu Sùng Cảnh mangY Bát về lại chùa Bảo Lâm và cho Thứ Sử Thiều Châu Dương Giam đến truyền chùa giữ gìn cẩn thận. Vua lại đặt tên chùa là Quốc Bảo. Đời Đường Hiến Tông (806 – 821), vua ban thụy hiệu Huệ Năng là Đại Giám Thiền Sư, đề tên tháp nhục thân là Nguyên Hòa Linh Chiếu. Đời Tống Thái Tông (976 – 983) gia tặng thụy hiệu là Đại Giám Chân Không Thiền Sư, cho sửa sang lại tháp và đặt tên là Thái Bình Hưng Quốc Chi Tháp. Năm 1033, Vua Tống Nhân Tông (1023 – 1064) rước nhục thân, Y Bát của Lục Tổ vào đại nội cúng dường lại gia tặng thụy hiệu là Đại Giám Chân Không Phổ Giác Thiền Sư. Vua Tống Thần Tông (1068 – 1086) gia tặng thụy hiệu là Đại Giám Chân Không Phổ Giác Viên Minh Thiền Sư.
Tóm lại, Lục Tổ Huệ Năng đã có nhiều ảnh hưởng đối với các triều đại vua chúa Trung Hoa đồng thời đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng như Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Hà Trạch Thần Hội, Vĩnh Gia Huyền Giác, Nam Dương Tuệ Trung, Pháp Hải… Chính Ngài Pháp Hải thường theo Lục Tổ ghi chép thiền ngữ, ngôn hành rồi soạn thành bộ Tông Bảo. Tư tưởng, hành trạng của Lục Tổ cũng được ghi lại trong các văn bia của 3 nhà thơ, nhà văn lớn đời Đường là Vương Duy, Liễu Tông Nguyên và Lưu Vũ Tích.
Về mặt tư tưởng, quan điểm của Lục Tổ đã có tầm quyết định cho việc quảng bá Thiền t Những bài thuyết pháp của Huệ Năng giàu tính quần chúng bởi vì không uyên bác-trừu tượng, không xa rời đại chúng. Tư tưởng Lục Tổ bàn đến những điều cụ thể của đời sống và thực nghiệm cá nhân. Những lời giảng của Tổ phát xuất từ kinh nghiệm bản thân nên sống động và sáng tạo. Ðiểm chánh yếu của pháp môn Lục Tổ là “kiến tánh”. Học giả nổi tiếng của Nhật Bản là Giáo sư Suzuki đã căn cứ Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ mà luận về “Tánh” một cách đầy đủ trong hai cuốn: Zen Buddhism và The Zen doctrine of no-mind. Đạo Thiền trình bày trong hai cuốn sách này gọn, dễ hiểu, nhờ đó đã phổ biến được tư tưởng Thiền rộng rãi trên thế giới.
Vinh danh thay cho một người Việt Nam đã có tầm tư tưởng lớn trong dòng tư tưởng chung của nhân loại.
Nguyễn Cẩm Xuyên ( khoahoc.net)
http://phapbao.org/to-su-doi-thu-6-cua-phat-giao-thien-tong-trung-hoa-la-nguoi-viet-nam/
_____________________________
Chú thích:
(1) Đại Thừa (大乘) nghĩa là cỗ xe lớn; Tiểu Thừa là cỗ xe nhỏ.
(2) Thiền tông chủ trương không dùng các nghi thức và lí luận rườm rà về giáo pháp. Để truyền chân lí cho người thì Phật Thích Ca cũng như Thiền Tông chủ trương cách tốt nhất là “dĩ tâm truyền tâm” nghĩa là không dùng ngôn từ mà chỉ dùng tâm của mình truyền chân lí cho tâm của người khác (xem tích Niêm hoa vi tiếu ở bài “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận…”; tạp chí Kiến thức ngày nay số Tất niên Kỉ Sửu ngày 01/ 02/ 2010)
(3) Truyền Y Bát : Sư tổ đời trước truyền lại cho người kế vị chiếc bình bát và tấm áo cà sa đã dùng từ đời Sơ Tổ.
(4) Năm 1900, một mật thất tàng chứa nhiều kinh sách tình cờ được phát hiện tại hang Mạc Cao, Đôn Hoàng với hơn 500 nghìn văn vật có niên đại từ công nguyên thứ 4 đến công nguyên thứ 11. Nhiều đoàn thám hiểm khắp nơi đã ồ ạt đến và chưa đầy 20 năm sau họ đã lần lượt lấy đi gần 40 nghìn cuốn sách Kinh, nhiều bích họa, vật điêu khắc… Mấy chục năm qua, học giả của các nước trên thế giới không ngừng tiến hành nghiên cứu nghệ thuật Đôn Hoàng. Riêng khoa Đôn Hoàng học ở Trung Quốc nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng. Hiện Mạc Cao-Đôn Hoàng được chính phủ Trung Quốc bảo tồn và xem đây là kho tàng văn hóa quý giá của quốc gia..
(5) Theo Nguyễn Minh Tiến; Lục Tổ Đại sư – Con người và huyền thoại ; NXB Tôn Giáo 2006; trang 20.
(6) Ở phần viết về Hùng Vương, Việt Sử Tiêu Án chép: “…Hùng Vương là con vua Lạc Long, dựng nước đặt tên là Văn Lang, đóng kinh đô ở Phong Châu. Phong Châu theo sử cũ: đông đến bể, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam tiếp giáp Hồ Tôn chia làm 15 bộ… gồm: Giao Chỉ, Chu Diên,Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Toàn, Lục Hải, Vũ Dinh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức.” Vậy là vào đời Hùng Vương phía bắc nước ta rất rộng : “tây đến Ba Thục” nghĩa là gồm một phần của Tứ Xuyên, Vân Nam; “bắc đến Động Đình” nghĩa là gồm một phần của Hồ Nam và 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay.
(7) Dịch chữ “cát lão” 獦獠 nghĩa là giống mọi ở phía tây nam Trung Hoa. Nguyên người Hán xưa vẫn thường tự tôn, xưng nước mình là Trung Hoa nghĩa là tinh hoa ở chính giữa, còn các chủng tộc ở bốn bên họ đều gọi là man di, cát lão… Người Âu Mĩ ngày trước cũng bị họ gọi là Tây di (bọn mọi ở phía tây).
(8) Dịch từ Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh (六祖大師法寶壇經 – http://www.foshu.org/wenhai/books/0011.htm): 能安置母畢。即便辭親。不經三十餘日。便至黃梅禮拜五祖。問能曰。汝何方人。欲求何物。能對曰。弟子是嶺南新州百姓。遠來禮師。惟求作佛。不求餘物。祖言。汝是嶺南人。又是獦獠。若為堪作佛。能曰。人雖有南北。佛性本無南北。獦獠身與和尚不同。佛性有何差別。祖更欲與語。且見徒眾總在左右。乃令隨眾作務。 Năng an trí mẫu tất. Tức tiện từ thân. Bất kinh tam thập dư nhật, tiện chí Hoàng Mai lễ bái ngũ tổ. Vấn Năng viết: nhữ hà phương nhân; dục cầu hà vật . Năng đối viết: đệ tử thị Lĩnh Nam, Tân Châu bá tính; viễn lai lễ sư; duy cầu tác phật; bất cầu dư vật. Tổ ngôn: nhữ thị Lĩnh Nam nhân; hựu thị Cát Lão; nhược vi kham tác phật. Năng viết: nhân tuy hữu nam bắc; Phật tính bản vô nam bắc. Cát Lão thân dữ hoà thượng bất đồng. Phật tính hữu hà sai biệt. Tổ cánh dục dữ ngữ. Thả kiến đồ chúng tổng tại tả hữu. Nãi lệnh tuỳ chúng tác vụ
(9) Sách đã dẫn ở mục (5); trang 68-75