Ảnh Hưởng Của Giáo Lý Nhân Quả

CHƯƠNG 2

ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO LÝ NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC

Như trên đã nói, Đạo Phật đã đến với Việt Nam vào những ngày đầu của thế kỷ thứ II Tây lịch. Do vậy, những tư tưởng, triết lý Phật giáo đã có những ảnh hưởng hết sức to lớn đến đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam. Giáo lý nhân quả của Đạo Phật đã có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào đất nước và con người Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau. Giáo lý ấy đương nhiên đã trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với mọi người Việt Nam có hiểu biết có suy nghĩ. Mọi người dù là những tín đồ Phật giáo hay đơn thuần chỉ là những người ngoài cuộc, nhưng khi nói đến nhân quả dường như tất cả đều tin tưởng và chấp nhận. Điều đó đã được thể hiện rõ nét qua cách sống, qua hành vi cư xử của mọi người dân Việt. Người ta biết lựa chọn cho mình cách sống ăn ở ngay lành. Dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự nhiên âm thầm của lý nhân quả. Không một nhà trí thức, nho sĩ nào, ngay cả ngày nay từ mọi tầng lớp bình dân cho đến trí thức không ai lại không biết qua ít nhiều về giáo lý nhân quả. Nó đã in sâu và đậm nét trong tâm khảm của mỗi con người dân tộc Việt nam.

Từ ngàn xưa cho đến nay, giáo lý nhân quả đã có những ảnh hưởng rất sâu sắc và rộng lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội, trong văn chương bình dân, trong thi ca văn học, trong ngôn từ giao tiếp… Nó đã dẫn dắt bao thế hệ con người biết soi sáng tâm trí minh vào lý nhân quả mà hành động sao cho tốt đẹp trong một cộng đồng xã hội. Do vậy tư tưởng triết lý nhân quả của Đạo Phật đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ trên một bề rộng qua nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội.

2.1  ẢNH HƯỞNG TRONG KHO TÀNG VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM :

Văn học là sự kết tinh của bao cái hay cái đẹp trong cuộc sống. Nó hướng con người ta đến một đời sống lạc quan tốt đẹp. Văn học là nơi gặp gỡ của bao thế hệ nhà văn nhà thơ để cùng nhau thổi vào trong cuộc sống những làn hơi ấm áp nên thơ thông qua ngòi bút tuyệt tác của mình. Họ là những con người đã từng trãi qua kinh nghiệm sống, nhận ra được cái lẽ vốn dĩ xưa nay của cuộc đời cứ luân lưu biến chuyển trong thế  giới nhân sinh và vũ trụ. Qua văn học, người ta có thể phản ánh được cuộc sống một cách chân thật. Triết lý nhân quả của Đạo Phật phải chăng đã hòa cùng cuộc sống, nhằm trả lời và giải quyết rốt ráo mọi vấn đề nan giải trong xã hội. Do vậy triết lý nhân quả đã ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn học Việt Nam không chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp mà hết sức đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại khác nhau.

2.1.1  TRONG CA DAO TỤC NGỮ:

Ca dao, tục ngữ chính là sự đúc kết những kinh nghiệm thiết thực trong cuộc sống. Nó chuyển tải một cách trung thực mọi sự vật, hiện tượng trong xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để nói đến tính nhân quả trực tiếp hiện tiền, trong văn học dân gian có rất nhiều câu ca dao tục ngữ nói lên điều đó :

“Nhân nào quả ấy”
“Không có mây sao có mưa”
“Không có bột sao gột nên hồ”

Hay :

“Đất Bụt mà ném chim trời,
Chim trời bay mất bụi rơi vào đầu”

Những câu nói ấy tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa và nội dung mang tính giáo dục rất cao. Nói “nhân nào quả ấy” hàm chứa một lời răn đe khuyên dạy con người sống ở đời phải biết lấy cái thiện làm chất liệu để xây dựng và hoàn thiện cho mình một đời sống hướng thiện. Nếu ta gieo nhân lành ắt được quả lành, bằng ngược lại ta gieo nhân xấu, bất thiện tất phải nhận lấy kết quả bất hạnh khổ đau. Để mô tả và bộc lộ tính chất trên, trong ca dao tục ngữ lại có câu:

“Gieo gió gặp bão”

Hay :

“Nhân nào quả ấy mảy máy không sai”
“Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc”

Tất cả những ý chỉ ấy tuy không hoàn toàn chuyển tải nội dung của lẽ sống một cách chính xác nhất nhưng nó đã phản ánh một khía cạnh, một đặc tính nào đó của quy luật nhân quả tác động đến cuộc sống của con người.

Nhân quả nói đến báo ứng, thưởng phạt một cách tích cực, trong ca dao tục ngữ dân gian cũng góp phần phản ứng sâu sắc như :

“Ai mà phụ nghĩa quên ơn,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.”

Hay :

“Đạo trời báo phúc chẳng lâu,
Thế là thiện ác đáo đầu chẳng sai”


“Trồng cây chua ăn quả chua
Trồng cây ngọt ăn quả ngọt
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu”

Ở đây, cây chua là chỉ cho nghiệp nhân bất thiện nên phải chiêu cảm nghiệp quả cũng bất thiện (quả chua). Cây ngọt là chỉ cho nghiệp nhân lành nên thọ nhận nghiệp quả cũng lành (quả ngọt). Điều đó đã nói lên đặc tính nhân nào qủa nấy. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường lắm khi ta chứng kiến bao cảnh trái ý nghịch lòng. Trước những hoàn cảnh ấy, nếu xét trên góc độ của thế gian ta sẽ vội vàng kết luận và cho rằng cuộc đời sao bất công vô lý.

Có lần trong buổi thuyết giảng tại một Đạo Tràng Niệm Phật, một vị phật tử trẻ trao cho vị giảng sư một tờ giấy học sinh. Trong đó đặt ra rất nhiều câu hỏi nghi vấn mà lâu nay em ấp ủ muốn hỏi. Tựu trung phần lớn các câu hỏi đều xoay quanh nỗi bức xúc về các vấn đề nhân quả. người viết xin được trích dẫn một câu hỏi tiêu biểu với nội dung như sau : “Bạch thầy ! xưa nay cái gì không thấy thì con không tin, cái gì thấy được con chỉ mới tin một nữa. Vậy mà trãi qua hai mươi mấy năm sống ở đời, con đã chứng kiến biết bao người suốt đời làm những việc thiện , họ sống một cuộc sống hết sức nhân từ phúc hậu. vậy mà họ luôn phải đối mặt với biết bao hoàn cảnh éo le bất hạnh. Ngược lại, con thấy có người luôn làm những điều bất chánh, tâm thì xấu xa ích kỷ, vậy mà đời sống của họ lại luôn được sung túc đầy đủ. Như vậy, liệu rằng cái gọi là nhân quả  trong Đạo Phật có công bằng không? Hay đó chỉ là một lý thuyết không thực tế nhằm  để ru ngủ con người ???”

Qua câu hỏi trên, ta phần nào thông cảm nỗi bức xúc của vị phật tử trẻ này là chính đáng. Do chưa thấu hiểu những đặc tính chi tiết, rốt ráo về nhân quả, nên đã đưa ra những câu hỏi như vậy. Người viết thiết nghĩ Không chỉ vị phật tử trẻ này mà ngay trong xã hội ngày nay phần lớn chúng ta đều có những suy nghĩ như trên. Không chỉ ngày nay, mà đã bao thế hệ cha ông ta trước đây cũng  đã ít nhiều thấy biết điều đó. Nên đã đúc kết qua câu tục ngữ :

“Ăn trộm ăn cướp thành phật thành tiên,
Đi chùa đi chiền bán thân bất toại”

Ý nghĩa của câu ca dao trên nhằm phản ánh một khía cạnh nào đó trong xã hội. Ăn trộm, ăn cướp được xem là những hành động xấu xa bất thiện vậy mà lại gặp được kết quả vô cùng nghịch lý là thành Phật thành tiên. Đi chùa đi chiền là một việc làm hết sức thánh thiện nhưng lại gặp phải kết cục bi thảm là bán thân bất toại. Tuy nhiên, một khi thấu triệt được các đặc tính của lý nhân quả, chúng ta dễ dàng nhận thấy những vần đề trên sẽ được giải quyết một cách hợp lý và sáng tỏ.

Ca dao tục ngữ Việt nam còn chuyên chở những nội dung triết lý sâu sắc trong cuộc sống. Có nhân quả nên có luân hồi, nhân quả luân hồi là một quy luật tất yếu trong nhân sanh và vũ trụ. Cho nên, sức thu hút của ca dao tục ngữ dân gian chính bởi sự kết tinh từ những sự kiện có thật trong cuộc sống . Từ đó nó tác động đến tâm lý, suy nghĩ của con người. Quy luật nhân quả luân hồi còn là bài học giáo dục có giá trị sâu sắc  cho đời, không chỉ trong một thế hệ mà trãi qua nhiều thế hệ tiếp nối. Nói theo ngôn từ của Đạo Phật thì đó là quá trình tiếp nối của kiếp trước và kiếp sau trong  ba khoảng chu kỳ của thời gian Quá khư Ù- Hiện Tại -Vị Lai. Ngôn từ ấy đã được đúc kết qua ca dao tục ngữ :

“Anh ơi ! hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp kiếp sau”

Hay :

“Bởi chưng kiếp trước vụng tu,
Kiếp này tu để đền bù kiếp sau.
Cây khô tưới nước cũng khô,
Kiếp nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo.
Kiếp này trả nợ cho xong,
Làm chi để nợ một chồng kiếp sau.”

Hơn thế nữa, theo quan niệm xưa nay, Tổ tiên ta rất tôn trọng những  con người quá cố. Trên quan niệm ấy mà giáo lý nhân qủa, nghiệp báo, luân hồi của Đạo Phật lại càng dễ dàng được mọi người tin nhận. Người Việt nam tin rằng sau khi chết tuy thân này tan rã nhưng phần hồn, anh linh của người ấy vẫn còn đó. Qua những ngày giỗ kỵ hoặc tế lễ trong mỗi gia đình người Việt Nam, nhất là trên những vùng đất thôn quê làng xã, chúng ta mới thấy rõ niềm tin của người dân Việt Nam đối với những người quá cố như thế nào. Nó chứa đựng một ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong đời sống sinh hoạt tâm linh của xã hội. Do lòng kính ngưỡng, tôn trọng và tin tưởng rằng chết không phải là hết, người Việt nam đã hòa đồng và tiếp nhận triết lý nhân quả của Phật Giáo như một lẽ tất yếu.  Họ đặt niềm tin và hy vọng về một kiếp sống tràn đầy hạnh phúc ở kiếp lai sanh. Họ đã ý thức được rằng kiếp này gieo trồng nhân lành thì kiếp sau ắt sẽ được an vui hạnh phúc. Bằng ngược lại, nếu kiếp này gây tạo những nghiệp nhân ác thì đời sau sẽ lãnh thọ những nghiệp quả khổ đau và bất hạnh. Ý thức được điều đó, người bình dân Việt Nam đã không quên khuyên răn, nhắc nhỡ mọi người hướng thiện thông qua hình thức truyền khẩu bằng những câu ca dao, tục ngữ như :

“Thôi thì đừng có ưu phiền
Kiếp này không gặp để nguyền kiếp sau”

Hay :

“Đây anh không giận đó em cũng chớ hờn
Kiếp tái sanh ta sẽ nối phiếm đàn tri âm”


“Những người đức hạnh hiền hòa,
Đi đâu cũng được người ta tôn sùng.
Những người hiếu để trung trinh,
Vẽ vang tiên tổ thơm danh họ hàng.
Những người truyền đạo khai nhân,
Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lây.”

Một triết lý nhân sinh thật hay và tế nhị, nó đã phản ảnh cuộc sống không có gì là mâu thuẫn mơ hồ. Càng đi sâu vào tìm hiểu kho tàng ca dao, tục ngữ dân gian việt nam chúng ta càng bắt gặp và khám phá thêm biết bao điều mới lạ. Với những câu nói tuy bình dị đời thường nhưng nội dung bên trong lại chứa đựng những triết lý, những bài học giáo dục làm người thật sâu sắc dưới ảnh hưởng của giáo lý nhân quả. Chỉ chừng đó thôi, ta thật tự hào thấy rằng giáo lý của Đạo Phật đã thật sự ăn sâu và thấm nhuần vào tận gốc rễ đời sống sinh hoạt của xã hội thông qua những câu ca dao tục ngữ  dân gian Việt nam.

Không chỉ dừng lại ở đó, giáo lý nhân quả của Đạo Phật còn được phản ánh sâu sắc trong các thể loại văn chương bác học, văn chương bình dân cho đến văn thơ viết bằng thể loại Hán Nôm dưới những ngòi bút sáng tác điêu luyện.

2.1.2 TRONG THƠ VĂN CHỮ HÁN NÔM :

Thơ văn Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ triết lý nhân quả của Phật giáo. Kết hợp từ những quan niệm bình dân cùng tín ngưỡng của dân tộc, các nhà văn, nhà thơ đã khéo léo trao chuốt nên những tác phẩm thơ ca bất hủ. Nét đặc biệt ở đây không phải là cao siêu mầu nhiệm, mà những câu cú trong những tác phẩm thơ văn được viết bằng thể loại chữ Hán Nôm, một thể loại thuần túy Việt. Tuy ở thể loại văn Nôm nhưng được xắp xếp trình bày ở một góc độ nghệ thuật rất cao, bằng những vần điệu lục bát tràng thiên nhịp nhàng trầm bỗng. Những khi đồng áng rảnh rang hoặc trong những lễ hội dân gian truyền thống, người bình dân Việt Nam thường lấy đó để ngâm nga đối đáp như một thú vui chơi tiêu khiển không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt.

Văn thơ Hán Nôm đã phản ánh và dường như chịu sự tác động, ảnh hưởng từ triết lý nhân quả của Đạo Phật thông qua những tác phẩm có giá trị để đời như : tác phẩm Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính được viết dưới cả hai thể loại văn và thơ, tác phẩm Cung Oán Ngâm khúc của Ôn Như Hầu, và đặc biệt tác phẩm Kiều của Nguyễn Du…

Dẫu chưa hẵn xuất thân trong môi trường Phật giáo, nhưng ý tứ trong văn thơ của các tác giả đã thấm nhuần và mang đậm tư tưởng triết lý của Phật giáo. Trong đó triết lý nhân quả đã chiếm lĩnh một vị trí rất lớn. Chúng ta cũng biết truyện Kiều của Nguyễn Du đã sớm trở thành tác phẩm gối đầu của người dân Việt Nam. Tính triết lý nhân quả đã được Nguyễn Du thổi vào trong thơ của mình. Một triết lý đề cao trách nhiệm của mỗi người về mọi hành động ngay trong đời sống hiện tại và tương lai. Theo Đạo Phật, con người chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hành động tốt hay xấu mà mình đã tạo tác. Lại càng không phải do một đấng tạo hóa hay một quyền năng vô hình nào thưởng phạt, an bài.

Qua triết lý nhân quả nghiệp báo của Đạo Phật, Nguyễn Du đã lấy đó để làm câu kết cho tác phẩm của mình như một sự khẳng định, đề cao trách nhiệm con người.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Trong tác phẩm truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng tư  tưởng triết lý nhân quả để mô tả và nói đến số phận của nàng Kiều. Nhưng tính nhân quả của ông đã không lột tả một cách sâu sắc và trọn vẹn, cũng như chưa phản ánh được hết những tính chất quan trọng của triết lý nhân quả. Dường như  tính nhân quả trong tác phẩm của ông còn ảnh hưởng một phần triết lý thiên mệnh và số mệnh của tư tưởng triết học nho gia. Số mệnh của nàng Kiều là do thượng đế, mà tiêu biểu ở đây là do ông trời đã xắp đặt.

“Sư rằng: “nhân quả với nàng”,
Lâm truy buổi trước tiền đường buổi sau”.

Hay :

“Khôn thiên muôn sự tại tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Nhưng triết lý nhân quả Đạo Phật không chủ trương “Nghiệp quyết định luận” mà bằng hành động hiện tại con người ta vẫn có thể làm thay đổi cái nghiệp bất thiện trong quá khứ. Cho nên thông qua nhân vật nhà sư Tam Hợp, Nguyễn Du đã nói:

“Sư rằng song chẳng hề chi,
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Hại một người, cứu một người,
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thừa công đức ấy ai bằng,
Túc khiên đã rửa, lâng lâng sạch rồi”.

Thuyết nhân quả nghiệp báo của Đạo Phật không chỉ được phản ánh qua tác phẩm Truyện Kiều Của Nguyễn Du mà nó còn được phản ánh sâu sắc qua truyện Quan Âm Thị Kính, một tác phẩm hết sức gần gũi và quen thuộc đối với người dân Việt nam được viết dưới thể loại thơ Nôm. Nhân vật Tiểu Kỉnh Tâm đã thể hiện trọn vẹn những đức tính cao quý tốt đẹp nhất trong xã hội đương thời. Tuy bị Thị Mầu vu oan, làng nước phỉ nhổ, bao tiếng thị phi nhưng Kỉnh Tâm vẫn một mình kiên nhẫn chịu đựng . phải chăng tác giả đã đưa vào nhân vật của mình những cái hay cái đẹp như thể một gương mẫu điễn hình cho xã hội.

Nhằm ca ngợi đức tính nhẫn nhục, kiên trì, hy sinh và nhất là tấm lòng từ bi của nhân vật. Qua lời đối đáp giữa hai thầy trò, nhân vật Kỉnh Tâm phần nào hiểu rõ tính công bằng, bình đẳng ở đời “Làm lành gặp lành”. Do vậy, Kỉnh Tâm đã không ngần ngại những tiếng thị phi, dèm pha qua lại mà hành động cứu lấy mạng người.

“Bạch rằng muôn đội thầy thương,
Xưa nay thầy dạy muôn đường nhỏ to.
Dầu xây chín cấp phù đổ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
Vậy nên con phải vâng lời,
Mạng người không lấy làm chơi mà liều” .

Gần đây nhất, vào khoảng thế kỷ thứ 18 thời vua Lê chúa Trịnh, sự ra đời của tác phẩm “Nam Hải Quan Âm Sự Tích Ca”, một tác phẩm được diễn Nôm theo thể lục bát giới thiệu về sự tích Phật Bà chùa Hương. Tác phẩm đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân tộc Việt nam dưới ảnh hưởng của triết lý nhân quả. Nhân vật vua Trang Vương với bản tính tham lam, sân hận, tàn bạo và độc ác nên đã phạm phải biết bao tội ác trong những tháng ngày trị vị đất nước. vua đã sai người đốt chùa, giết sư, giết hại những con người vô tội. Do những hành động bạo ngược ấy nên trong kiếp hiện tại vua Trang Vương phải gặp phải quả báo mắc bệnh hiểm nghèo

“Phán rằng: “số thọ còn chầy,
Giáng cho bệnh nặng thuốc gì chẳng yên”.
Ôn hoàng vâng lệnh xuống liền,
Bao nhiêu khí độc vào đền Trang Vương.
Vua Trang phát bệnh lạ thường,
Thân hình chốc lỡ chiếu giường tanh hôi”.

Ngoài tính chất “Ác giả ác báo”, Nam Hải Quan Âm Sự Tích còn mô tả về cảnh giới địa ngục A tỳ. Theo quan niệm của người bình dân Việt nam, những ai trong lúc sanh tiền luôn làm những điều bất chánh, bất nghĩa, gian tà, độc ác … thì sau khi chết họ sẽ bị giam cầm và trừng phạt dưới địa ngục A tỳ. Dầu thật chất trong thâm tâm những người bình dân Việt nam không hề hiểu rõ thế nào là A tỳ và cũng chưa một lần đọc đến kinh điển của nhà Phật, nhưng họ cũng thầm hiểu A tỳ là một nơi hết sức tù túng và khổ đau. Ở đây, Nam Hải Quan Âm Sự Tích đưa ra hình ảnh cảnh giới địa ngục A tỳ, nơi trừng phạt những tội nhân, mà tiêu biểu là những quan thần hại dân hại nước.

“Lại xem một ngục A ty,ụ
Mấy tầng chông sắt đen sì tối tăm.
Ngục này thực tội đã thêm,
Biết mấy hình nặng dưới âm mà rằng !
Là người làm hại quân thân,
Làm hại thiên hạ muôn dân lắm người”.

Thấy được quả báo như vậy ắt con người sẽ trùng bước trước những tội ác mà mình đã và đang  gây nên. Truyện Phật Bà chùa Hương như một lời cảnh tĩnh nhẹ nhàng mà sâu sắc. Triết lý nhân quả của Đạo Phật không phải là một tín điều cực đoan khiến con người sợ hãi, mà nó như một lời nhắc nhỡ khuyến cáo nhằm hướng con người  đến một đời sống an hòa hạnh phúc. Nam Hải Quan Âm Sự Tích cũng đã phản ánh được tính chất tích cực ấy qua các câu :

“Dám khuyên bệ hạ từ rày,
Ở lòng nhân đức, cho hay lấy mình.
Các quan văn võ triều đình,
Giúp vua lo nước cho thành chữ trung”.

Thấy được điều sai điều quấy mà ăn năn hối cải là một hành động luôn được mọi người ca ngợi và trân trọng. Bởi lẽ ở đời không ai là hoàn thiện “Nhân vô thập toàn”, nhưng biết nhận ra để khắc phục và sửa chữa vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Nét đặc sắc trong Giáo lý của Đạo Phật không phải là rầy la hay trừng phạt mà luôn mở ra cho con người một hướng đi, một cơ hội để tự khắc phục và hoàn thiện nhân cách cho chính mình. Ảnh hưởng được tinh thần ấy, người dân Việt nam đã đúc kết cho mình một quan niệm sống hết sức nhân từ và độ lượng qua câu nói “Đánh người chạy đi chứ không ai đánh người quay lại”. Hành động quay lại để chỉ cho những con người biết phục thiện. Hành động ấy dĩ nhiên sẽ được xã hội đón nhận và trân trọng Nhất là trong một nền văn hóa truyền thống đạo đức của dân tộc Việt nam thì hành động đó lại càng được nâng cao và khuyến khích.

Ngoài những tác phẩm văn thơ được viết bằng chữ Hán Nôm có giá trị, triết lý nhân quả của Đạo Phật còn được phản ánh sâu sắc trong các truyện kể dân gian cổ tích Việt nam.

2.1.3 TRONG KHO TÀNG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VÀ CỔ TÍCH:

Mục đích ra đời của Đạo Phật là hướng con người đến một đời sống hiền hòa lương thiện, lấy chất liệu của tình thương làm lẽ sống. Giáo lý của Đạo Phật nhằm vào một mục đích duy nhất là khuyên răn con người ta xa lìa các điều ác, thực hành  các việc thiện. Trãi qua 49 năm thuyết pháp độ sanh, đức Thế Tôn đã vận dụng vô lượng pháp môn, vô lượng phương tiện để giáo hóa chúng sanh không ngoài mục đích đó. Giáo lý của Đạo Phật không không mang tính cao siêu hay xa rời thực tế, lại càng không mong cầu hướng dẫn chúng sanh đạt thành chánh quả. Tính thiết thực và gần gũi của Giáo lý Đạo Phật giúp con người nhận rõ chân tướng của những suy nghĩ, những hành động thiện hay bất thiện, từ đó có thái độ nhận thức đúng đắn về cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Tinh thần cốt lõi của giáo lý Đạo Phật đã đựơc thâu lược qua bài kệ :

“không làm các việc ác
Chỉ làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy”

Trong kho tàng truyện kể dân gian cổ tích Việt nam ta thấy hầu như phần lớn nội dung các cốt truyện đều mang tính chất chung ấy. Nó có tác dụng răn ác khuyến thiện. Nội dung chủ đạo của các cốt truyện chỉ rõ cho con người thấy được quy luật tất yếu trong cuộc sống “Ăn hiền gặp lành” hay “Gieo gió gặp bão”. Hình thức và nội dung cốt truyện lại vô cùng hấp dẫn, dễ hiểu và phong phú. Do vậy, nó đã được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi của nhiều thế hệ khác nhau đón nhận một cách dễ dàng. Nhất là với độ tuổi ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ thì các câu truyện dân gian cổ tích là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của các em. Tình cờ một ngày nào đó, thảnh thơi dạo bước dưới những lũy tre làng xanh mát, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thật dễ thương và đáng nhớ. Có thể là bên một dòng sông xanh hiền hòa yên ả, có thể là chiếc võng tre đung đưa trước hiên nhà đón gió, hình ảnh của những trẻ thơ vừa nhổ tóc sâu vừa nghe ông bà kể chuyện. Những câu chuyện đời xửa đời xưa ấy lại là những bài học đạo đức vô cùng hữu ích và thiết thực. Nó đã thẩm thấu và ăn sâu vào trong tâm hồn trẻ thơ của các em tự bao giờ. Những nếp ảnh hưởng ấy sẽ mãi mãi đồng hành theo em suốt cuộc đời. Tính triết lý nhân quả được cụ thể hóa qua những mẫu truyện như : Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Ăn khế trả vàng, Hét ăn Giun . . .

Trong truyện Tấm Cám, Tấm là một cô gái hiền lành, thật thà, chất phác và lại còn rất xinh đẹp. Cha mất sớm, Tấm phải sống với người dì ghẻ độc ác. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả đầu tất mặt tối không chút ngơi nghỉ. Đã vậy, Tấm lại còn luôn bị hành hạ đánh đập bởi những trận đòn  roi tàn nhẫn của người dì ghẻ. Không vì thế mà tỏ ra hờn giận trách móc, Tấm luôn luôn thể hiện sự hiếu kính với dì va ụhết mực thương em. Ngược lại, Cám là người em cùng cha khác mẹ, nhưng tánh tình thì xấu xa ích kỷ. Với bản chất ghanh tỵ, Cám luôn bày mưu tính kế để hãm hại chị mình. Thế rồi cái gì đến cũng sẽ đến “Ở hiền thì gặp lành, gieo gió thì gặt bão”. Số phận của Tấm cuối cùng rồi được đền bù xứng đáng. Tấm được một vị hoàng tử khôi ngô, tuấn tú chọn làm vợ, họ sống một cuộc sống thật hạnh phúc bên nhau trong cung vàng điện ngọc. Còn nhân vật Cám và người dì ghẻ độc ác phải chịu một kết cục bi thảm, khổ đau trong những ngày còn lại.

Tương tự, truyện “Hét ăn Giun” trong “Truyện Cổ Tích Việt Nam” của Nguyễn Văn Ngọc cũng thấm nhuần tinh thần triết lý Phật Giáo. Nội dung truyện mang ý nghĩa giáo dục răn dạy con người hướng thiện. Truyện kể rằng :

“Xưa có một người tên Giun làm nghề canh lúa. Một hôm có cha thằng Hét đến trộm lúa bị Giun đánh chết. Hét nguyện báo thù cho cha. Một hôm Hét bắt gặp Giun và đuổi đánh. Giun chạy lên núi, gặp ông Bụt đứng đó, Giun van lạy Bụt cứu mình. Sau khi nghe Giun kể lể sự tình Bụt bảo :

“Hay là ta hóa cho mày làm con chim để trốn”
Nhưng Giun thưa thằng Hét sẽ lấy cung bắn
. Bụt lại nói:

“Thế thì ta hóa cho mày làm con cá vậy”.
Giun vẫn sợ cho rằng thằng Hét sẽ chăng lưới bắt
. Bụt nói :

Lên trời không thoát, xuống nước cũng không khỏi, thôi thì vì mày tên là Giun ta sẽ hóa mày thành con giun chui dưới đất thì Hét không làm gì được”.

Hét đuổi đến không bắt được Giun nên khóc lóc thảm thương vì chưa trả được oán thù. Bụt vừa thương vừa nghĩ đến cái luật oan oan tương báo thật khó tránh. Bụt nói :

Thế thì ta hóa mày làm con chim ăn giun vậy và lấy tên là chim Hét”.

Từ đó, loài chim Hét cứ tìm giun mà ăn.

Xuất phát từ nội dung của truyện kể trên, ông bà ta có câu tục ngữ: “Muốn ăn hét phải đào giun” để nói lên cái định luật oan oan tương báo. Nhưng một khi lấy oán để báo oán thì oán nào được tiêu trừ. Thật như trong lời kinh pháp cú Đức Phật đã dạy :

“Lấy oán báo oán , oán mãi không thôi,
Lấy  ân báo oán, oán liền tiêu diệt”

Cũng như :

“Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn xưa.”

Ngoài ra, để lên quả báo của những kẻ vong ơn bội nghĩa, sống thiếu thủy chung thì có truyện “ Sự Tích Con Muỗi”. Hay để ca ngợi những tấm gương chịu thương chịu khó, cần mẫn siêng năng trong công việc, lấy sự thông minh cảm hóa con người thì có truyện “Chú Bé Tí Hon, Cây Tre Trăm Đốt, Chàng Sọ Dừa . . .”.

Điểm qua một số nhân vật chính trong những truyện kể trên, ta dễ dàng nhận ra một điểm chung  trong bố cục nội dung của những cốt truyện là người nào làm lành làm thiện, tức gieo trồng nhân tốt thì sẽ gặp được kết quả tốt lành. Ngược lại, người nào gây tạo những nhân xấu, trái với luân thường đạo lý, kỷ cương của dân tộc thì sẽ gặp phải những kết cục khổ đau. Nét đặc biệt ở đây là thông qua những tác phẩm văn thơ Hán Nôm, những mẫu chuyện dân gian cổ tích Việt nam, những câu ca dao tục ngữ phần lớn nội dung bên trong phản ánh một cách thiết thực về triết lý nhân quả của Đạo Phật. Vậy tư tưởng triết lý nhân quả của Đạo Phật đã đến với dân tộc Việt nam từ bao giờ ? và tính triết lý ấy đã thấm thấu  vào suy nghĩ , hành vi cư xử của người Việt qua những phương thức nào ? Để trả lời những vấn đề trên chúng ta lại phải tìm hiểu xem tính triết lý nhân quả ấy đã ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống xã hội.

2.2  ẢNH HƯỞNG TRONG ĐỜI SỐNG SINH HOẠT XÃ HỘI :

Đạo Phật đã chung sống với nhân dân Việt Nam qua 20 thế kỷ, một khoảng thời gian đủ để khẳng định giá trị của Đạo Phật trong lòng dân tộc. Tư tưởng của Đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự gắn bó mật thiết và gần gũi như vậy nên người dân Việt Nam đã xem Đạo Phật là đạo của tổ tiên truyền lại. Giáo lý nhân quả nghiệp báo cũng đã ảnh hưởng một cách sâu sắc trong đời sống sinh hoạt và những phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Nó đã được xã hội hóa thành một nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với dân tộc.Chúng ta biết rằng, xã hội hóa là một quá trình mà trong đó mỗi cá nhân tiếp nhận nền văn hóa từ khi con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Từ đó nó hướng dẫn con người có những hành động, hành vi cư xử đúng đắn trong xã hội. Nói khác hơn, xã hội hóa chính là nơi dạy cho mỗi cá nhân học cách làm người. Trong đó, xã hội hóa được thiết lập trong một môi trường mà con người đã được hấp thụ những tinh hoa trong cuộc sống.

Với phương châm “Tùy duyên nhi bất biến” hoặc ngược lại “Bất biến nhi tùy duyên”, Phật Giáo đã khéo vận dụng như là một phương tiện hữu hiệu để đưa giáo lý của Đạo Phật đến với cuộc đời. Vì vậy, Phật giáo đến với đất nước nào liền có hình thái thích nghi với nền văn hóa, phong tục, tập quán của quốc gia đó. Như lời nhận xét của Hòa Thượng Thích Thanh Từ:

“Phật giáo không có giáo quyền chung, không lệ thuộc giáo hội trung ương điều khiển. Cho nên, Phật giáo truyền bá đến địa phương nào, tùy sự thích nghi của dân tộc địa phương đó. Bởi không lệ thuộc giáo hội trung ương nên tất cả động sản, bất động sản của Phật giáo của nước nào đều là của dân tộc của nước đó. Nếu chúng ta phàn nàn phật giáo có nhiều hình thức phức tạp khó thống nhất, thì chúng ta phải phục Phật giáo đã khéo tùy dân tộc tính mà biến thành đạo của dân tộc từng quốc gia”    .

Do vậy, trãi qua một khoảng thời gian hơn hai nghìn năm, Đạo Phật du nhập vào nền văn hóa Việt Nam, nên những tư tưởng triết lý của Đạo Phật mà điển hình là tư  tưởng triết lý nhân quả đã có những ảnh hưởng sâu sắc to lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội Việt Nam cũng là điều tất yếu và dễ hiểu. Tuy nhiên, để  có được một nhận định chính xác và rõ ràng về sự ảnh hưởng này, ta có thể tìm hiểu cũng như so sánh qua hai xã hội trước và nay.

2.2.1 TRONG XÃ HỘI  TRƯỚC ĐÂY:

Nói đến giáo lý nhân quả là nói đến một quy luật tất yếu của nhân sanh và vũ trụ. Nó không chỉ dành riêng cho những người tu sĩ hay cho những tín đồ Phật giáo mà còn dành chung cho toàn xã hội. Điều này đã khiến cho Phật giáo có được những ảnh hưởng sâu sắc đối với gia giáo cổ truyền của người Việt trong xã hội trước đây. Không biết từ bao giờ, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã biết đến tính chất nhân quả như một nếp sống đạo đức được thiết lập từ bên trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Phải chăng cha ông ta đã tiếp nhận những điều hay lẽ phải trong tinh thần cầu tiến để phục vụ cho cuộc sống của nhân dân. Vả lại, giáo lý nhân quả lại rất phù hợp với bản chất con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn hiền hòa dễ mến. Bản chất ấy được kết tinh trong môi trường, hoàn cảnh và vị trí địa lý mà có được. Đất nước Việt Nam, một trong những đất nước nằm trong nền văn hóa chung của khu vực Đông Nam Á, đó là nền văn hóa lúa nước. Do vậy, cuộc sống sinh hoạt xã hội Việt Nam lúc bấy giờ dường như gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với những lễ hội sinh hoạt cộng đồng. Con người luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự chở che và giúp đỡ của một đấng thần linh nào đó.

Trên quan niệm đó, trong xã hội đã bắt đầu có sự xuất hiện của những khái niệm về những thần linh như: thần mưa, thần gió, thần sông, thần biển, thiên lôi, hà bá…  Nên một khi nói điều gì, làm việc gì con người hết sức dè dặt và cẩn trọng trước sự uy hiếp vô hình của các đấng thần linh. Nhờ vậy, con người đã biết chọn lựa những cái hay cái đẹp xử sự lẫn nhau, lấy cái thiện làm chất liệu cho cuộc sống. Bấy giờ, con người tin rằng một khi gây nên điều gì làm phật lòng đến các đấng thần linh thì con người sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như: hạn hán, mất mùa, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh…

Đặc biệt trong sinh hoạt xã hội xưa con người rất coi trọng và tôn kính đối với những người đã khuất. Đây là nhân tố quan trọng, là tiền đề cho sự ra đời của tục lệ thờ cúng ông bà sau này. Dựa trên những sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Việt xưa, ta dễ dàng nhận thấy sự gắn bó mật thiết giữa triết lý nhân quả của Đạo Phật với đời sống xã hội thông qua những giá trị đạo đức chuẩn mực. Bởi triết lý nhân quả của Đạo Phật rất phù hợp với nếp sống, với quan niệm nhân sanh và vũ trụ xưa nay của dân tộc. Trong quảng đại quần chúng thì dấu ấn của thuyết nhân quả được thể hiện rõ nét qua những bài học giáo dục đạo đức làm người, đó là phải ăn hiền ở lành. Bài học giá trị đạo đức ấy đã được phản ánh tích cực trong đời sống sinh hoạt từ gia đình cho đến xã hội. Đúc kết từ những kinh nghiệm sống thiết thực, cha ông ta đã nhắn gởi cho thế hệ con cháu những bài học luân lý mang tính giáo dục rất lớn. Ở đây, ý nghĩa và giá trị của chữ “Đức”  dưới quan niệm triết lý nhân quả đã được người dân Việt nam đón nhận một cách tích cực  và sâu sắc. Trong sinh hoạt của những gia đình gia giáo xưa, chữ “Đức” đựơc xem như là một biểu tượng thiêng liêng cao quý, là mục đích hướng đến cho con cháu mai sau.

Nếu có dịp ghé thăm những ngôi nhà cổ ở vùng Bắc Trung bộ, ta sẽ tìm thấy dấu tích về quan niệm chữ “Đức” trong những gia đình truyền thống lễ giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Đặt chân vào đây ta sẽ thấy một bức đại tự (hay còn gọi là bức hoành phi) được treo ở một không gian rất trang trọng và thiêng liêng với dòng chữ được viết bằng chữ Hán Nôm thật đẹp “LƯU ĐỨC MUÔN PHƯƠNG”. Dòng chữ ấy như một lời nhắc nhỡ, đồng thời còn được xem như một bức gương sáng có công năng soi sáng cho chính bản thân mình trước khi suy nghĩ hay khởi sự cho một công việc gì. Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức được giá trị cao quý của con người không phải ở địa vị và danh vọng mà chỉ có nơi những con người đức hạnh. Thời gian qua đi mọi sự vật đều đổi thay, địa vị, tiền tài, danh vọng kia rồi cũng tan biến, duy chỉ có danh thơm tiếng tốt của những con người đức hạnh sẽ còn lưu mãi với thời gian. Thật như trong Kinh Đức Phật đã dạy :

“Hương của các loài hoa
Không thể bay ngược gió
Hương người đức hạnh đó
Ngược gió bay muôn phương.”

Một lần nữa chúng ta lại bắt gặp hình ảnh của chữ đức trong quan niệm sống của người dân Việt. Một quan niệm về ý thức tích đức cho thế con cháu mai sau. Như lời nhận định của nhà sử học – Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần :

“Từ nhận thức với những mức độ khác nhau và từ phép ứng dụng thiết thực thuyết nhân quả vào cuộc sống, đạo đức làm người được tôn vinh, vượt lên trên tất cả những giá trị vật chất khác. Tất nhiên, đạo đức làm người giữa bao phong trần biến đổi không phải chỉ có bấy nhiêu, nhưng một bộ phận cấu thành có nguồn gốc từ triết lý nhân quả là điều không thể phủ nhận.”

Qua những phản ánh trong kho tàng văn học dân gian Việt nam, qua những truyện kể dân gian cổ tích cho đến những tác phẩm văn thơ bất hủ được thể diễn dưới nhiều thể thức  khác nhau cũng đủ để cho ta thấy đước mức độ ảnh hưởng to lớn và sâu sắc của triết lý nhân quả trong Đạo Phật đối với xã hội trước đây như thế nào. Xã hội ngày nay thì sao ? liệu rằng triết lý nhân quả có còn tác động và ảnh hưởng đến xã hội ngày nay hay không ?

2.2.2     TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY :

Ngày nay, khi xã hội phát triển đến một mức độ tột cùng, mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều được giải quyết dưới lăng kính khoa học. Cuộc sống con người đang bị cuốn hút bởi những dòng thác vật chất, bởi sự bùng nổ của những khám phá và phát minh trong nghành khoa học hiện đại. Con người đang dần lệ thuộc và tỏ ra tự mãn trước  những thành tựu mà họ đã và đang đạt được. Trong xã hội lúc này xuất hiện những quan điểm cho rằng con người có thể cải tạo thiên nhiên và buộc thiên nhiên quay lại phục vụ cho những nhu cầu của con người. Trước những quan điểm ấy, liệu rằng triết lý nhân quả trong Đạo Phật có còn ảnh hưởng và mang giá trị cần thiết cho xã hội ngày nay hay không ?

Trên phương diện vật chất, ta không phủ nhận những thành tựu khoa học đạt được đã mang lại cho con người một đời sống đầy đủ và tiện ích hơn. Nhưng trên phương diện luân lý đạo đức của xã hội, tính nhân quả vẫn mãi là một quy tắc chuẩn mực mà con người không thể trốn chạy hay vượt qua. Dù con người có thành công đến đâu đi nữa thì vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nhân quả. Bởi lẽ, chúng ta phải hiểu rằng tính nhân quả không phải là một sản phẩm do Đạo Phật tạo ra, mà nó là một quy luật tất yếu trong vũ trụ. Đức Phật chỉ là người khám phá và chỉ ra cho con người nhận biết. Cũng như bản chất Phật tánh của mỗi con người ai cũng có, nhưng do vô minh vọng tưởng ta không nhận ra được điều đó. Nên mục đích của Đức Phật ra đời không phải là sáng tạo thêm cho mỗi con người một Phật tánh mới, mà nhằm một mục đích duy nhất là chỉ ra cho chúng sanh nhận biết Phật tánh sẵn có trong mỗi con người.

Thực tế cho thấy, do những tác động quá mức của con người vào môi trường tự nhiên, nên cũng chính con người đang phải gánh chịu biết bao hiện trạng thảm khốc. Nạn khai phá rừng bừa bãi, đốt phá cỏ cây, săn bắn động vật quá mức. . . chính là nguyên nhân đưa đến các thảm họa thiên tai như  hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần. . . và một hiện trạng đáng báo động của xã hội ngày nay là con người đang phải đối mặt với  chiến tranh, bệnh tật phát sinh từ những hành động ghê sợ của con người như chế tác vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử, và biết bao độc tố có thể giết chết con người trong phút chốc. Sự bùng phát của những tình trạng trên là do con người chưa nhận thức được vai trò ý nghĩa quan trọng từ việc thực hành và hiểu rõ tính chất nhân quả. Đạo Phật đã khẳng định con người là trung tâm của vũ trụ. Do vậy, những gì con người tạo tác thì cũng chính con người phải gánh chịu kết quả từ những hành động ấy. Vì “con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp”. Điều này đã được Đức Phật lý giải trong đoạn kinh sau :

“Do nhân gì, thưa tôn giả Gotama, do duyên gì, ngày nay loài người lại bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các thành phố trở thành không thành phố, các quốc độ trở thành không quốc độ ?

– Ngày nay, này Bà la môn , loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm. Vì bị ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối, chúng cầm gươm sắc bén sát hại lẫn nhau. Do vậy nhiều hạng người mạng chung. Đây là nhân này Bà la môn, đây là duyên, ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế . . . các quốc độ trở thành không quốc độ.”

Ngoài những hiện trạng trên, vấn đề luân lý đạo đức trong xã hội cũng đang là thực trạng mà mỗi chúng ta cần nhìn nhận. Đạo đức con người ngày càng bị tha hóa trước những lợi danh, vật chất. Trong một số gia đình truyền thống gia phong lễ giáo xưa nay là niềm tự hào của dân tộc nay đã bị đảo lộn. Thật đau lòng biết bao khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh trái ý nghịch lòng, xem thường đạo đức. Trong đó cảnh con giết cha, chồng giết vợ, trò đánh thầy . . . không còn là điều xa lạ với xã hội ngày nay. Rồi lại những tệ nạn mại dâm, ma túy, trộm cướp, giết người … đang là ung nhọt đau nhức, nó làm băng hoại giá trị đạo đức con người và xã hội. Ngay cả những con người đại diện cho pháp luật, là bộ mặt cho xã hội cũng bị tha hóa bởi nạn tham ô hối lộ, khiến cho nền kinh tế trở nên chậm phát triển, bao người dân rơi vào hoàn cảnh khốn đốn.

Tất cả những hiện tượng trên là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của những giá trị luân lý đạo đức con người. Hệ quả ấy là do đâu? Phải chăng do một bàn tay vô hình nào đó đang chi phối và làm thay đổi trật tự của xã hội. Không nói ra có lẽ ai cũng biết, hệ quả không ai khác hơn chính tự thân của con người tạo tác. Qua đó ta sẽ thấy rõ hơn quy luật của xã hội dưới sự tác động của tiến trình nhân quả. Một khi những thỏa mãn về nhu cầu vật chất đạt đến tột đỉnh thì yếu tố đạo đức con người ngày càng suy thoái. Làm thế nào để cân bằng một xã hội vừa đầy đủ những nhu cầu vật chất, vừa không đánh mất đi giá trị nhân văn đạo đức của con người?Chỉ có giáo lý của Đạo Phật mới có thể giải quyết những vấn đề trên một cách trọn vẹn. Thật đúng như lời phát biểu của Einsten, một nhà bác học nổi tiếng của thế giới: “Tôn giáo mà ngày nay rất gần gũi và phù hợp với thời đại khoa học,  không có tôn giáo nào khác ngoài Đạo Phật”. Do vậy, yếu tố phù hợp với thời đại khoa học đã khẳng định vai trò và giá trị thiết thực của giáo lý Đạo Phật đối với xã hội. Trong đó, triết lý nhân quả không còn xa lạ gì với con người ngày nay. Tuy nhiên, để cho lý nhân quả được trở nên thiết thực và cụ thể, đòi hỏi con người phải thật sự ứng dụng  vào đời sống một cách đúng đắn, hầu xây dựng một xã hội hướng thượng tốt đẹp.

Theo quan điểm của người viết, con người ngày nay không phải không biết đến triết lý nhân quả, hay lý nhân quả không còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống sinh hoạt của xã hội, nhưng do chúng ta còn quá thờ ơ trong việc ứng dụng, thực hành một  cách đúng đắn và hợp lý. Mặt khác, do sự chi phối và tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vật chất bên ngoài khiến con người ta trở nên  lạnh lùng băng giá trước những giá trị đạo đức cao đẹp. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự khác biệt của xã hội trước đây và xã hội ngày nay trước tác động của triết lý nhân quả.

Trước đây, con người luôn chú trọng đến việc ứng dụng thực tiễn vào đời sống, từ đó đúc kết thành những bài học có giá trị sâu sắc. Ngược lại, ngày nay chúng ta lại quá đam mê và đặt nặng về học thuyết kinh điển mà quên đi yếu tố quan trọng là thực hành. Tuy nhiên, dù trong mọi xã hội trước hay nay thì con người vẫn không thể vượt ra ngoài quỹ đạo trong tiến trình diễn tiến của lý nhân quả. Bởi tính nhân quả là một quy luật khoa học khách quan, công bằng, cụ thể cũng như mọi quy luật khác trong tự nhiên. Sự khác biệt trong từng xã hội chẳng qua là cách nhân thức trong từng bối cảnh của thời đại nên có sự ảnh hưởng khác nhau trong từng quan niệm sống. Như lời nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Thuần: “Tính triết lý sâu sắc của thuyết nhân quả không phải ai ai trong xã hội nhận thức được, nhưng xã hội bao giờ cũng có cách ứng dụng thiết thực của xã hội. Trong quảng đại nhân dân, dấu ấn của thuyết nhân quả thể hiện rõ nhất ở những quan niệm về giáo dục đạo đức làm người”

Qua lời nhận định trên, ta thấy triết lý nhân quả của Đạo Phật không phải chỉ được nói đến trong những học thuyết lý luận mang tính kinh điển mà nó đã được phổ cập rộng rãi trong đời sống nhân dân. Lý nhân quả còn mang đậm dấu ấn trong đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam ngay từ những ngày đầu dựng nước. Ảnh hưởng ấy không còn đơn thuần là một khái niệm, một định lý tất yếu. Nội dung sâu xa bên trong của giáo lý nhân quả chính là những bài học mang tính giáo dục nhân văn đối với xã hội cũng như mang lại cho nền văn hóa dân tộc  một bản sắc thuần túy Việt nam. Đó chính là những bài học giáo dục đạo đức làm người. Với nền văn hóa phương Đông, đạo đức con người được xem là một chuẩn mực tất yếu không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Đạo đức ở phương Đông theo Khổng tử: “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo, vi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo”. Đạo vốn ở nơi người, chứ không ở xa người. Người làm đạo mà để cho đạo tách xa người thì chẳng còn là đạo nữa. Do vậy, đạo đức còn là  sự biểu hiện tình người trong mối liên hệ của mình đối với những người xung quanh, vơi cộng đồng và xã hội.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.