Bá Trượng Ngữ Lục

Người xem kinh giáo, đọc ngữ ngôn đều nên uyển chuyển qui về tự kỷ. Nên biết tất cả ngôn giáo của Phật chỉ để hiển bày cái giác chiếu soi của tự tánh. Tâm mình hễ không bị tất cả các cảnh hữu vô xoay chuyển tức là đạo sư của chính mình. Chiếu phá được tất cả các cảnh hữu vô, ấy là Kim Cang Huệ, tức là có phần độc lập tự do. Nếu mà không được như thế, dẫu cho tụng thuộc hết 12 bộ kinh chỉ thành kẻ tăng thượng mạn, ấy là báng Phật, chẳng phải người tu hành. Hễ lìa được tất cả thanh sắc, cũng chẳng trụ nơi lìa, cũng không có tri giải chấp chẳng trụ, ấy là chân tu hành. Đọc kinh xem giáo, theo tiêu chuẩn thế gian là việc tốt, nếu theo người thấu lý mà xem, đó là người ngu dại. Người thập địa nếu thoát chẳng được, còn phải trôi vào sông sanh tử. Kinh giáo của tam thừa đều là trị các bệnh tham sân, như hiện nay nếu niệm niệm có các bệnh tham sân nên cần phải trị trước, chẳng cần tìm cầu tri giải, nghĩa cú trong kinh. Cầu tri giải thuộc về tham, tham tri giải trong kinh lại biến thành bệnh. Như nay chỉ cần lìa tất cả các pháp hữu vô, cũng lìa nơi lìa, thấu qua ngoài “ba câu”, tự nhiên với Phật chẳng khác. Tự đã là Phật còn lo gì Phật chẳng biết thuyết pháp, chỉ e chẳng phải Phật mà bị các pháp hữu vô trói buộc chẳng được tự do. Người chưa ngộ lý, phước trí có trước, bị xe phước trí chở đi như hèn sai sang, chẳng bằng ngộ lý trước rồi sau mới có phước trí. Nếu muốn phước trí tức khắc có liền, nắm đất thành vàng, nắm vàng thành đất, biến nước biển thành tô lạc, phá núi Tu Di thành vi trần, bốn biển lớn nhiếp vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa. Xin đại chúng trân trọng!

Sư khai thị rằng : Ngôn ngữ cần phải phân biệt trắng đen, cần phải biết là lời nói chung hay lời nói riêng, lời nói liễu nghĩa hay bất liễu nghĩa.

Kinh giáo liễu nghĩa phân biệt về thanh (trong) còn kinh giáo bất liễu nghĩa phân biệt về trược (đục). Nói cấu bên pháp uế là phân biệt về phàm, nói cấu bên pháp tịnh là phân biệt về thánh. Nay thuyết từ chín bộ giáo điển tiến lên, chúng sanh không có mắt, cần phải nhờ người gọt giũa. Nếu nói với người tục tai điếc, cần phải dạy họ xuất gia trì giới, tu thiền học huệ, nếu là người tục siêu xuất thì không nên dạy họ như thế, như trường hợp các ngài Duy Ma Cật, Phó Đại Sĩ….Đối với bậc Sa Môn đã thọ giới cụ túc, sức giới định huệ đã có mà nói như thế thì gọi là phi thời ngữ (chẳng ứng cơ), cũng gọi là ỷ ngữ (nói thêu dệt). Nếu là bậc Sa Môn phải nói cấu bên pháp tịnh, phải nói lìa các pháp có không, lìa tất cả tu chứng, cũng lìa cả cái lìa nữa. Nếu trong hàng Sa Môn mà tẩy trừ tập nhiễm tham sân không được cũng gọi là kẻ tục tai điếc, phải dạy họ tu thiền học huệ. Nếu hàng tăng sĩ Nhị thừa đã dứt được bệnh tham sân mà còn trụ nơi vô tham, cho đó là đúng, là thuộc về vô sắc giới, là ngăn trở ánh sáng Phật là làm thân Phật chảy máu, cũng phải dạy họ tu thiền học huệ.

Cần phải biện biệt rõ ràng lời nói thanh, trược. Pháp trược là các danh từ tham, sân, ái, thủ….Pháp thanh là các danh từ Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát….Nay cái giác chiếu soi chỉ cần đối với hai giòng thanh trược, các pháp thánh phàm, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, các pháp thế gian và xuất thế gian… đều chẳng nên có mảy may ái thủ. Đã chẳng ái thủ mà y trụ vào chẳng ái thủ cho đó là phải, ấy là Sơ thiện, là trụ nơi điều phục tâm, là hàng Thanh Văn, là người đã đến bờ rồi mà còn lưu luyến chiếc bè không chịu bỏ là đạo Nhị thừa, là quả Thiền na. Đã chẳng ái thủ cũng chẳng y trụ nơi chẳng ái thủ, là Trung thiện, là bán – tự – giáo, vẫn còn là vô sắc giới, khỏi sa vào đạo Nhị thừa, khỏi lạc vào lối Ma dân, vẫn còn là bệnh Thiền na, còn bị trói buộc vào Bồ tát thừa. Đã không y trụ nơi chẳng ái thủ và cũng không khởi cái tri giải về không y trụ, ấy là Hậu thiện, là mãn – tự – giáo, khỏi rơi vào vô sắc giới, tránh khỏi bệnh Thiền na, khỏi sa vào Bồ tát thừa, khỏi bị đọa vào địa vị Ma vương, nhưng vì bị trí chướng, địa chướng, hành chướng nên thấy Phật tánh của mình như ban đêm thấy hình sắc.

Về tập khí vi tế, Phật nói : “Muốn đến địa vị Phật phải đoạn dứt hai thứ ngu : Một là vi tế sở tri ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu”. Cho nên kinh nói : “Có bậc đại trí đập vỡ hạt bụi lấy ra quyển kinh”. Nếu thấu suốt nghĩa ba câu thì chẳng bị kẹt nơi ba đoạn Sơ, Trung, Hậu thiện. Giáo môn thí dụ con hươu nhảy ba lần ra khỏi lưới, gọi là làm Phật ngoại triền, không có vật gì ràng buộc được người này. Đây thuộc về Phật sau đức Nhiên Đăng, là tối thượng thừa, là thượng thượng trí, là đứng trên Phật đạo; người này là Phật, có Phật tánh, là đạo sư, là điều khiển được vô sở ngại phong, là vô ngại huệ, về sau được tư do sai khiến nhân quả phước trí, là làm xe chuyên chở nhân quả, ở nơi sanh không bị sanh nhốt, ở nơi tử không bị tử ngại, ở nơi ngũ ấm như cửa đã mở, không bị ngũ ấm ngăn trở, đi ở tự do, ra vào không khó. Nếu được như thế, không luận thứ bậc hơn kém, dù là thân con kiến, chỉ cần được như thế thì đều là cõi nước thanh tịnh vi diệu không thể nghĩ bàn. Những lời kể trên còn là lời nói mở trói, họ (tự tánh) vốn không thương tích thì đừng làm cho bị thương. Những cái thương tích Phật, thương tích Bồ tát đều là thương tích (có nghĩa là chấp Phật là thương tích Phật, chấp Bồ tát là thương tích Bồ tát). Phàm nói các pháp “có, không” đều là thương tích vì “có, không” bao gồm tất cả pháp.

Hàng Thập địa là chúng ở trong dòng nước đục, tự cho là dòng nước thanh, dựng tướng thanh để nói lỗi của tướng trược. Trước kia 10 vị đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, chánh tín như A Nan, tà tín như Thiện Tinh… mỗi người có một cốt cách riêng, mỗi người có một phép tắc riêng, đều bị Đạo sư (Phật) nói toạc ra là chẳng đúng. Tứ thiền, bát định, A La Hán… trụ trong định tám muôn kiếp, họ là người tu hành theo kiến chấp vì bị rượu tịnh pháp làm say, nên hàng Thanh Văn nghe Phật pháp không phát được đạo tâm vô thượng, do đó bị gọi là người đoạn thiện căn không có Phật tánh. Kinh giáo nói : “Chỗ gọi là hầm sâu giải thoát đáng sợ, nếu có một niệm tâm lui sụt thì rơi vào địa ngục mau như tên bắn”. Cũng chẳng được nhất định nói lui sụt, cũng chẳng được nhất định nói không lui sụt, như các Ngài Văn Thù, Quan Âm, Thế Chí,… đến thị hiện đồng loại với Tu Đà Hoàn để dẫn dụ, chẳng được nói họ lui sụt, mặc dù lúc bấy giờ họ chỉ được gọi là người Tu Đà Hoàn thôi.

Nay cái giác chiều soi chỉ cần chẳng bị các pháp “có, không” dính mắc, thấu suốt nghĩa ba câu và tất cả cảnh giới nghịch thuận thì dầu có nghe trăm nghìn muôn ức đức Phật xuất hiện ở thế gian cũng như không nghe, cũng không y trụ vào chỗ không nghe, cũng không khởi tri giải về sự không y trụ, nói họ là người lui sụt chẳng được, vì số lượng không hạn chế họ được, ấy là Phật thường trụ thế gian mà chẳng nhiễm thế pháp.

Nói Phật chuyển pháp luân mà lui sụt là phỉ báng Phật pháp tăng. Nói Phật chẳng chuyển pháp luân mà chẳng lui sụt cũng là phỉ báng Phật pháp tăng. Như ngài Tăng Triệu nói : “Đạo Bồ đề không thể suy lường, cao vô thượng, rộng vô cùng, sâu thăm thẳm”. Rơi vào lời nói là bệnh, nói giác chiếu soi cũng còn là không đúng, chỉ là từ trược biện thanh (do cái đục mà biện biệt cái trong) mà thôi. Nếu cho nói cái giác chiếu soi này là đúng tức là ngoài cái giác chiếu soi còn có cái giác khác không đúng tức là Ma thuyết. Nếu chấp lấy cái giác chiếu soi này thì cũng đồng Ma thuyết, cũng gọi là tự nhiên ngoại đạo. Nói cái giác chiếu soi là Phật của chính mình, đó là lời nói thước tấc, là lời tính toán, giống như con chồn (dã can) kêu, vẫn thuộc về cửa keo sơn (dính mắc). Từ trước đến nay chẳng nhận cái tự tri, tự giác là Phật của chính mình mà lại hướng ra ngoài tìm Phật, nhờ thiện tri thức nói ra cái tự tri tự giác để làm thuốc trị cái bệnh hướng ngoại tìm cầu, bệnh hướng ngoại tìm cầu đã lành thì thuốc cũng phải bỏ. Nếu chấp lấy cái tự tri tự giác thì đó là bệnh Thiền na, là định tánh Thanh Văn, như nước đóng băng, toàn băng là nước nhưng khó mong cứu được nạn khát, cũng nói : “Bệnh chắc chắn chết, lương y bó tay”.

Vô thỉ chẳng phải là Phật, chớ cho là Phật thật. Phật là thuốc của chúng sanh, không có bệnh chẳng cần uống thuốc, thì thuốc và bệnh đều hết. Phật tánh dụ như cam thảo, chúng sanh tu hành chánh pháp dụ như nước trong, lấy cam thảo hòa với nước trong, cũng như mật hòa với nước, rất là ngon ngọt, nếu chỉ cho là nước trong thì không đúng, vì chẳng phải không có Phật tánh, Phật tánh vốn là sẵn có, nên cũng nói : “Lý này mọi người đều vốn sẵn có”.

Chư Phật, Bồ tát được mệnh danh là người chỉ cho biết hạt châu. Từ xưa đến nay nó chẳng phải là vật, chẳng cần biết nó, hiểu nó, không cần cho nó là phải hay chẳng phải, chỉ cần cắt đứt câu hai đầu, cắt đứt câu có, câu chẳng có, cắt đứt câu không, câu chẳng không, dấu vết hai đầu chẳng hiện. Hai đầu kéo ông chẳng được, số lượng chi phối ông chẳng được, chẳng phải thiếu thốn, chẳng phải đầy đủ, chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, chẳng phải sáng, chẳng phải tối, chẳng phải hữu tri, chẳng phải vô tri, chẳng phải ràng buộc, chẳng phải giải thoát, chẳng phải tất cả danh tướng. Tại sao không phải là lời nói thật? Nếu cho rằng đục đẽo hư-không làm được tướng mạo Phật, hoặc cho rằng hư-không là do xanh, vàng, đỏ, trắng làm thành, đều chẳng phải là lời nói thật vì pháp chẳng thể so sánh, chẳng thể ví dụ, nên nói : “Pháp thân vô vi bất đọa chư số”, cũng nói : “Thánh thể vô danh chẳng thể nói được”. Lý thất của không-môn khó ghé, thí dụ như con thái mạc trùng (tên một loại côn trùng đặc biệt rất nhỏ) có thể đậu ở khắp mọi nơi, nhưng không thể đậu được trên ngọn lửa, tâm của chúng sanh cũng thế, có thể duyên ở mọi nơi, nhưng không thể duyên trên Bát Nhã.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.