Bá Trượng Ngữ Lục

Thiện tri thức ham dạy người học tìm cầu tri giải, đó là thiện tri thức ma, vì chấp tri giải; nếu phát tứ hoằng thệ nguyện, “nguyện độ hết tất cả chúng sanh rồi sau ta mới thành Phật”, đó là Bồ tát phát trí ma, vì thệ nguyện không buông bỏ; nếu ham gieo trồng thiện căn như trì trai giữ giới, tu thiền học huệ cho đến ngồi đạo tràng thị hiện thành Đẳng Chánh Giác độ chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chứng quả Bích Chi Phật, đó là thiện căn ma, vì khởi tâm tham đắm; nếu đối với các pháp đều không tham nhiễm, diệu lý độc tồn, trụ trong thiền định thâm sâu không còn tiến lên nữa, đó là tam muội ma, vì đam mê cái vui thiền định; nếu chấp Niết bàn chí thượng, ly dục tịch tịnh, là nghiệp ma vì có sự tạo tác. Nếu trí huệ thoát những lưới ma kể trên chưa triệt để thì dẫu cho hiểu được trăm ngàn kinh Phật thảy đều là cặn bã địa ngục, ví như muốn tìm “Phật tương tự” thì không có chỗ đúng.

Như nay nghe nói chẳng chấp trước vào tất cả pháp thiện, ác, có, không,… liền cho đó là rơi vào không, mà chẳng biết rằng bỏ gốc theo ngọn mới chính là rơi vào không. Thế nào là bỏ gốc theo ngọn ? Cầu Phật, cầu Bồ đề và tất cả pháp có, không,… là bỏ gốc theo ngọn. Hiện tại chỉ cần ăn đạm bạc tạm sống, mặc áo vá đỡ lạnh, khát thì bụm lấy nước uống, ngoài ra đối với tất cả pháp có, không, đều không có mảy may nghĩ tưởng, người nầy dần dần sẽ có chút phần nhẹ nhàng sáng suốt.

Thiện tri thức chẳmg chấp có, chẳng chấp không, thoát được mười câu ma ngữ (l) thì nói ra không trói buộc người, có nói lời nào ra cũng chẳng tự xưng là Thầy nói, cũng như tiếng dội trong hang, tiếng nói trùm khắp thiên hạ cũng không có khẩu quá (lỗi khẩu nghiệp), đủ sức làm y chỉ cho người. Nếu nói ta biết thuyết, biết giải, nói ta là Hòa thượng, ngươi là đệ tử, lỗi đó đồng như ma thuyết. Vô cớ nói rằng :”Mắt thấy đạo còn, là Phật hay chẳng là Phật, là Bồ đề hay chẳng là Bồ đề, là Niết bàn hay chẳng là Niết bàn, là giải thoát hay chẳng là giải thoát,… hoặc vô cớ nói ra một tri, một giải, hoặc giơ một cánh tay, dựng một ngón tay bảo là thiền, là đạo, những lời nói cử chỉ này trói buộc người không biết đến khi nào mới thôi, ấy là chồng thêm dây trói buộc tỳ kheo. Dẫu cho không nói cũng có lỗi. Thà làm thầy cho tâm, chẳng cho tâm làm thầy.

Giáo bất liễu nghĩa mới có Thiên Nhân Sư, có Đạo Sư. Trong giáo liễu nghĩa thì chẳng có Thiên Nhân Sư, chẳng cho pháp làm thầy. Nếu chưa thể y được sự chiếu soi nhiệm mầu của tự tánh, tạm y được giáo liễu nghĩa còn có phần thân cận, nếu là giáo bất liễu nghĩa thì chỉ thích hợp để nói trước bọn người tục tai điếc. Nay chỉ cần chẳng y trụ tất cả pháp có, không, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không khởi cái tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là đại thiện tri thức, cũng nói : “Chỉ có một mình Phật là người đại thiện tri thức, không có người thứ hai, ngoài ra đều gọi là ngoại đạo, cũng gọi là ma thuyết”. Nay chỉ cần phá câu nói hai đầu (tương đối), chớ tham nhiễm việc mở trói và tất cả cảnh pháp có, không, ngoài ra không có ngữ cú nào khác để dạy người. Nếu nói có ngữ cú khác để dạy người, có pháp khác để cho người, đó gọi là ngoại đạo, cũng gọi là ma thuyết.

Cần phải biết lời giáo liễu nghĩa, lời giáo bất liễu nghĩa, cần phải biết lời tùy tục, lời nghịch tục, cần phải biết lời nói sống, lời nói chết, cần phải biết lời thuốc, lời bệnh, cần phải biết lời ví dụ thuận, lời ví dụ nghịch, cần phải biết lời nói chung, lời nói riêng. Nói do tu hành được thành Phật, có tu có chứng, là tâm là Phật, tức tâm tức Phật,…,dù là do Phật thuyết nhưng đều thuộc về lời giáo bất liễu nghĩa, là lời tùy tục, là lời nói chung, là lời nhẹ như mang một lon một lít, là lời nói về bên pháp uế, là lời ví dụ thuận, là lời nói chết, là lời nói trước kẻ phàm phu. Chẳng cho do tu hành mà được thành Phật, không tu không chứng, phi tâm phi Phật,… cũng là lời do Phật thuyết, nhưng đều thuộc về lời giáo liễu nghĩa, là lời nghịch tục, là lời nói riêng, là lời nặng như mang trăm tạ, là lời nói ngoài giáo tam thừa, là lời ví dụ nghịch, là lời nói về bên pháp tịnh, là lời nói sống, là lời nói trước người có quả vị.

Từ Tu Đà Hoàn trở lên cho đến bậc Thập địa, hễ có lời nói đều thuộc về pháp trần cấu, hễ có lời nói đều thuộc về bên phiền não, hễ có lời nói đều thuộc về giáo bất liễu nghĩa. Giáo liễu nghĩa là trì, giáo bất liễu nghĩa là phạm, Phật địa không có trì phạm nên giáo liễu nghĩa và giáo bất liễu nghĩa đều chẳng cho.

Do mạ biết đất tốt xấu, do trược (đục) biết thanh (trong). Như nay cái giác chiếu soi nếu theo bên thanh mà xét thì có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, không có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, thanh cũng chẳng phải, không thanh cũng chẳng phải, thánh cũng chẳng phải, không thánh cũng chẳng phải, tại vì thấy nước đục (trược) mới nói lỗi của nước đục, nước nếu trong (thanh) thì đâu có gì để nói nữa, nói ra là làm đục nước rồi.

Nếu có cái hỏi của không hỏi thì cũng có cái nói của không nói, bởi Phật chẳng vì Phật mà nói pháp. Pháp giới bình đẳng chân như, không có Phật nào mà không độ chúng sanh, Phật chẳng trụ Phật gọi là chân phước điền.

Cần phải phân biệt lời chủ khách, nếu tham nhiễm tất cả cảnh pháp có, không, sẽ bị tất cả cảnh pháp có, không làm mê hoặc thì tự tâm là ma vương, chiếu dụng thuộc ma dân. Như nay cái giác chiếu soi chỉ cần chẳng y trụ vào tất cả các pháp có không, các pháp thế gian và xuất thế gian, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không có tri giải về “không trụ nơi chẳng y trụ”.

Tự tâm là Phật, Phật là bất nhị, nếu chiếu dụng (khách quan) thuộc Bồ tát. Tâm tâm là chúa tể thì chiếu dụng (chủ quan) thuộc khách trần. Như nước nổi sóng thì chẳng thể chiếu soi vạn tượng, nếu nước trong lặng tịch chiếu, không lập năng sở, tự nhiên thấu suốt cổ kim, như nói : “Thần vô chiếu công, chí công thường tồn” (2), bậc người như thế được làm đạo sư ở khắp mọi nơi.

Tánh thức của chúng sanh là tánh keo sơn, luôn luôn dính mắc các pháp có không, vì chưa từng bước lên thềm bậc Phật nên thình lình cho uống thuốc huyền chỉ chẳng được, bỗng nghe lời nói xuất cách họ tin chẳng nổi, cho nên đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề bốn mươi chín ngày lặng lẽ tư duy, vì Phật tánh không có hình tướng số lượng, chẳng thể thí dụ, thực là khó nói. Nếu nói chúng sanh có Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng, nói chúng sanh không Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng. Nếu nói có Phật tánh là chấp trước báng. Nếu nói không Phật tánh là hư vọng báng. Như nói về tứ cú kệ : Nói Phật tánh có là tăng ích báng (nói thêm), nói Phật tánh không là tổn giảm báng (nói bớt), nói Phật tánh cũng có cũng không là tương vi báng (trái ngược nhau), nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận báng (nói bông đùa). Ban sơ nếu không nói thì chúng sanh không có hy vọng giải thoát, còn ban sơ nếu muốn nói lại sợ chúng sanh đuổi theo lời nói sanh ra kiến giải, lợi ít mà hại nhiều. Nên Phật nói : “Ta thà chẳng thuyết pháp, hãy mau nhập Niết bàn”. Nhưng sau đó tìm về chư Phật quá khứ, thấy các Ngài đều nói pháp tam thừa nên Phật mới giả lập kệ pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ đề, Niết bàn, giải thoát, nói với họ là Bồ đề, Niết bàn, giải thoát,…. Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi tạm cho họ gánh một lon một lít, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác. Vì thiện quả mãn rồi thì ác quả đến, được Phật thì có chúng sanh đến, được Niết bàn thì có sanh tử đến, được sáng thì có tối đến, tất cả chỉ là nhân quả hữu lậu đối đãi nhau, nếu muốn vượt qua sự đối đãi chỉ cần cắt đứt câu hai đầu (tương đối) thì chẳng bị số lượng hạn chế.

Phật tánh bất nhị, không Phật, không chúng sanh, không thân, không sơ, không cao, không thấp, không bình, không đẳng, không đi, không đến, chỉ cần chẳng chấp trước văn tự, cắt đứt hai đầu thì sự tương đối trói buộc chẳng được, khỏi bị khổ vui lôi kéo, khỏi bị sáng tối khống chế. Nói về lý thì chân thật cũng chẳng chân thật hư vọng cũng chẳng hư vọng, vì không phải là vật có số lượng nên dụ như không, chẳng thể tu sửa. Nếu tâm có một chút tri giải liền bị số lượng dính mắc cũng như keo sơn, năm chỗ (ngũ uẩn) đều bị dính mắc thì bị ma vương nắm bắt được, chẳng được tự do về nhà.

Luận về giáo ngữ đều có ba câu liền nhau là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ là bảo họ phát thiện tâm, trung là phá thiện tâm, hậu mới gọi là thiện tốt. “Bồ tát tức phi Bồ tát thị danh Bồ tát”, “Pháp, phi pháp, phi phi pháp”, cũng như tất cả ba câu trong kinh Kim Cang nghĩa đều như thế. Nếu chỉ nói nghĩa một câu hoặc hai câu làm cho chúng sanh vào địa ngục là tội của pháp sư, nếu đồng thời nói cả nghĩa ba câu mà họ hiểu lầm tự vào địa ngục thì việc ấy không liên can gì đến pháp sư. Như nay nói cái giác chiếu soi là Phật của mình, là sơ thiện không chấp lấy cái giác chiếu soi này, câu là trung thiện, cũng không có cái tri giải về sự không chấp lấy, là hậu thiện. Những lời trên còn thuộc về Phật sau Đức Nhiên Đăng, chỉ là không phàm cũng không thánh, chớ sai lầm nói Phật chẳng phải phàm chẳng phải thánh. Sơ Tổ Trung Hoa nói : “Vô năng, vô thánh là Phật thánh”. Nếu nói có thần thông biến hóa là Phật thánh thì chín phẩm tinh linh rồng, súc sanh… cho đến các cõi trời trở lên cũng có thần thông cũng có thần thông biến hóa, cũng biết được việc xưa nay trăm kiếp, nhưng đâu được gọi là Phật! Như A Tu La Vương thân gấp đôi núi Tu Di vô cùng to lớn, lúc cùng với trời Đế Thích giao chiến, tự biết sức không bằng bèn dắt trăm muôn binh sĩ chui vào cọng sen ẩn núp, thần thông biện tài cũng không biết nhưng chẳng phải là Phật.

Giáo ngữ có cấp bậc ẩn hiển, cao thấp, lên xuống bất đồng. Lúc chưa ngộ, chưa giải thoát, gọi là tham sân, ngộ rồi gọi là Phật huệ, nên nói : “Không khác người thuở trước, mà chỉ khác cái hành vi thuở trước”.

GHI CHÚ :

(l) Mười câu ma ngữ : là trược tâm, tham tâm, ái tâm, nhiễm tâm, sân tâm, chấp tâm, trụ tâm, y tâm, thủ tâm, luyến tâm.

(2) “Thần vô chiếu công, chí công thường tồn” : Thần dụ cho tự tánh, tự tánh bất nhị không có năng chiếu sở chiếu nên nói “thần vô chiếu công”, nhưng không phải là không có chiếu soi. Vì thể dụng của tự tánh cùng khắp không gian thời gian nên nói “chí công thường tồn”.

 

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.