Hãy hiểu nghiệp chướng

Kính chào anh Diệu Âm ! Tôi xin phép chỉnh sửa chủ đề là : Hảy hiểu Nghiệp Chướng. Bởi vì hảy rời nghiệp chướng thì có “cái tôi” và và cái nghiệp chướng phải rời tôi ! Phải vậy không ?

Tại sao vậy ? Đã là nghiệp thì dĩ nhiên phải chướng. Tại sao chướng ? Bởi vì có niệm về cái tôi là có cái chướng. Bởi vì có cái tôi mới có cái chướng phải rời cái tôi. Có cái tôi thì có cái nghiệp. Có cái ” Nghiệp” thì dù là nghiệp lành hay nghiêp dữ thì đều phải chướng ngại chứ không thể vô ngại. Bởi cái nghiệp thì nó có cái “lực”, gọi là Nghiệp Lực, nó lôi “cái tôi” đi theo nó. Hãy rời nghiệp chướng ra thì nghe như nói đùa, nên phải chỉnh sửa là “Hảy Hiểu” cho dễ chấp nhận. Có chấp nhận thì mới có lắng nghe. Có lắng nghe thì mới hiểu. Hiểu là hiểu cái gì ? Hiểu cái Nghiệp ! Nghiệp chướng mà muốn rời thì phải hiểu, nếu không hiểu mà làm thì hỏng hết chứ không kết quả. Không hiểu giặc là ai và ở đâu thì làm sau đánh giặc được ? Nghiệp chính là mình, mình chính là nghiệp. Nếu mình rời được mình thì làm gì có nghiệp để mà rời ? Nghiệp thì có nghiệp của thân, của miệng, và của ý tưởng. Vì không thể rời ba nghiệp, nên bị gọi là chướng ngại. Chính cái nghiệp là không thể không ngại nên mới gọi là Nghiệp Chướng. Nay bảo rằng hảy buông nghiệp chướng ra, hảy rời nó ra… như vậy thì có thể là điều hợp lý để chấp nhận hay không ? Cũng như khi ta bảo một người què cụt chân rằng : hảy rời cái nghiêp què ra, hảy đứng dậy mà đi ! Vậy thì ta phải là đức chúa trời đem cho người què đôi chân thì người ta mới đứng dậy mà đi được bằng đôi chân của mình cho người ta. Nay mình không thể làm được gì và cho được gì mà lại bảo người ta “Hảy rời Nghiệp chướng ra”, như vậy e rằng người ta không thể hiểu mình nói cái gì ? Phải chấp nhận nghiệp là điều người ta không làm sao chịu được, bởi vì khổ quá. Nay bảo rời ra nghe rằng phải quá, nhưng thật là khó chấp nhận vì không thực tế !

Nghiệp chướng thì có thuận và có nghịch mà ngừơi ta gọi là nghiệp lành và nghiệp dữ. Cái đau bệnh, già chết thì được gọi là nghiệp chướng nghịch hoặc là nghiệp dữ, còn cái nghiệp lành thì gọi là thuận cảnh hay nghiệp chướng thuận. Đối với tu sĩ PHẬT TỬ thì dù là nghiệp chướng thuận hay nghịch gì cũng là nghiệp chướng ! Tại sao ? Con chim bị nhốt trong lồng thì dù lồng bằng vàng ngọc hay tre lá gì, cũng là cái nguc giam của mình nên đều là Nghiệp chướng.Tuy nhiên con cọp hay con chim, đôi khi lại bằng lồng chịu nhốt trong chuồn, bởi vì cái chuồng êm ả quá nên rất sợ bị thả ra khỏi ngục thất êm đềm của nó. Cái khổ mà ngọt ngào quá thì lại có cái thú đau thương, trong cái khổ mà có vị đắm say thì người ta không thể rời bỏ như người nghiên tứ đổ tường, thà để tường đè chết chứ chẳng bỏ đi ! Do đó , phải hiểu Nghiệp-Chướng là điều kiện tất yếu để soi sáng vấn nạn Nghiêp chướng.

Người không hiểu nghiệp của mình thì phải giúp người ta tự soi sáng , chứ mình chỉ là người gợi ý và hổ trợ không thể làm thế cho họ được. Bởi vì ai ăn thì người đó no, ai học thì người đó biết , không thể làm thế cho nhau được. Đức Phật tại thế cũng không hóa độ được người vô duyên. Nghiệp của mình mà mình còn không hiểu thì làm sao nói cho người khác hiểu ? Đó là vấn đề của chính mình, thì mình mới giải trình cho người khác cái kinh nghiệm của tri thức chính mình trong tiến trình nhận thức về nghiệp và chuyển nghiệp từ mê sang tỉnh. Vì vậy cái mà không hiểu được thì phải buông bỏ, không nên giử trong lòng làm thứ sở tri chướng có hại cho con đường trở về chơn hạnh phúc của người đã biết nghiệp là gì. Phải hiểu nghiệp đó là bước đầu tiên và cũng là cuối cùng của “duy tuệ thị nghiệp”, tức là Đạo Pháp. Sống 100 năm mà không thấy đạo, không bằng sống một ngày mà thấy đạo. Không hiểu nghiệp chướng thì làm sao thấy đạo……. Đó chính là lý do mà tôi xin mạn phép chỉnh sửa chủ đề là ” Hảy hiễu nghiệp chướng” tức là nghiệp chướng cần được soi sáng bằng tâm trí thanh tịnh.

Mới nghe qua sự giải thích như trên, chắc anh Diệu Âm thấy là quá khó khăn chứ không đơn giản chúc nào. Phải ! Rất khó khăn với người chưa hoc, chưa biết. Nhưng cái vị mặn của nước biển thì chỉ cần một giọt là đủ hiểu nó mặn như thế nào. Cái cây mía tuy dài, nhưng chỉ cần cắn một cái là có thể biết ngọt hay không ? Chỉ cần tìm thấy một giọt nước trên mặt trăng là người ta có thể kết luận là Trăng có nứớc hay không ? Kinh Bách dụ có câu chuyện của một anh khờ đang khát nước, đi ngang qua một thác nước mà không chịu uống một hớp nước nào, vì cho rằng không thể uống cạn thác nứoc, vậy là đành chịu khát nước mà bỏ đi khỏi thác nước. Câu chuyện khùng điên như vậy mà vẫn xảy ra trong cuộc sống đời thường quanh ta hàng ngày. Đang hạnh phúc bên những thiện tri thức quanh ta mà lại bỏ đi vì cho rằng không thể tiếp nhận hết được những gì của thiện tri thức trao cho ngay trong cuộc sống ,mà đành bỏ hình bắt bóng, tìm ở nơi thế giới chiêm bao ảo hóa gọi là vô sắc giới ở trên cao. Tất cả thân cận xứ quanh ta đều có thiện tri thức, mà ta đành bỏ đi như anh khờ trong kinh Bách dụ.

Xin trở lại cái vấn nạn bệnh đau của câu chuyện mà Diệu Âm đang cố gắng gở rối tơ lòng cho người bệnh bằng rất nhiều khuyên giải sâu sắc của giáo lý Phật Đà, đem tịnh độ ra mà truyền trao kiến giải cho bệnh nhân vuợt ách nạn rất hay. Những chia sẻ như vậy rất là cảm động, vì đã có tấm lòng chân thành gởi đến bệnh nhân tất cả những gì mà có thể biết, có thể làm để chia sẻ và hồi hướng cho bệnh nhân vượt qua ách nạn của bệnh tật. Đọc câu chuyện khuyên người niệm Phật,làm tôi nhớ đến một đạo hửu già, có lẽ bây giờ đã chết vì già lắm rồi. Ông già tu theo tịnh độ cầu vãng sanh, nhưng ông lại bị chứng đau răng mà bác sĩ cũng bó tay, nên ông già dùng pháp môn niệm Phật để sống chung với bệnh đau răng. Mỗi lần nhói đau thì ông xem như là một tiếng chuông gọi ông niệm Phật A-Di-Đà. Ông chấp nhận cơn đau là tiếng niệm Phật, vì vậy cứ lỳ lợm như không cần hết đau, vì đau là Phật. Cứ niêm Phật liên tục như cơn đau, đến lúc về sau, cơn đau đã êm dịu mà ông vẫn trông chờ cho nó đau như nhớ Phật, ông niệm phật với cơn đau, nên đau có mặt như một thiện tri thức nhắc nhở cho ông, và thuyết` cho ông nghe về Khổ , Không, vô thường , vô ngã…v.v… Như vậy là ông chấp nhận và không sợ hải tất cả các cái khổ khổ, hành khổ và hoại khổ…..Khổ có mặt với ông như tiếng niệm Phật, ông có niềm tin như vậy, nên cơn đau với ông là Phật, ông còn biết đau là còn biết Phật, do có niềm tin và hành trì miên mật như vậy, nên tôi tin rằng ông già này chắc chắn đã có vãng sanh, ngay khi ông còn sống với cái thân già đau yếu bệnh hoạn. Một ngưới có niềm tin mà niệm Phật thì tịnh độ chính là cái mà họ đang sống trong đó., tất cả nghiệp báo thuân nghịch đều là trợ duyên cho Pháp niệm Phật. Nếu không tỉnh giác biết nghiệp của mình thì dù đang ở trong nghiệp lành của cỏi trời mà vẫn rơi vào ma sự, bởi vì tham đắm cái thuận cảnh mà quên rằng thuận cảnh cũng có thể là ma sự, khi cái tâm mê đắm quên mất là mình đang bị nhốt trong cái lồng son của bản ngã mê lầm. Bởi vì Nghiệp thì có mười kiết sử trói buộc con người trong cái bãn ngã chấp hữu, có chấp hữu thì có già chết bệnh hoạn khổ nảo ưu bi…Vì vậy trong nghiệp chướng mà tìm được một pháp môn đi vào Phật đạo thì nghiệp chướng tức là Niết bàn, Khổ nảo phiền trược lại là duyên phát tâm bồ đề. Nghiệp lành đưa đến thụân duyên thuận cảnh nhưng quên mất tâm bồ đề thì lại biến thành ma sự. Thà rằng ngay nơi bệnh khổ mà phát tâm bồ đề thì lại vào đạo giải thóat.

Một người niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ thì cũng phải luôn luôn có tâm nguyện trở lại cỏi đau khổ để cứu hộ chúng sanh, khi sang Phật quốc mà quên nổi khổ của chúng sanh thì không phải là bản nguyện của người tu tịnh độ. Tịnh Độ chính là Đại thừa Phật giáo, nếu tâm lượng hẹp hòi ích kỷ chỉ muốn đào tẩu về tịnh độ để lo cho cái tôi của mình, thì sức mấy mà có vãng sanh ! Nếu ngay nơi bệnh khổ của mình, mà phát nguyện độ tận chúng sanh, biết thương tưởng đến những chúng sanh cũng đang chịu đau khổ như mình thì coi như đã thay chúng sanh mà chịu khổ, giống như chúa Ky-Tô chịu đau khổ trên thập tự giá , vì tất cả chúng sanh, thì bản nguyện không phân biệt cái tôi ích kỷ và các tha nhân có sự sai khác. Nếu khi đau bệnh mà biết quên mình và nghĩ đến cái đau này là cơ hội để mình biết được nổi đau của chúng sanh thì đó là đã và đang đi trên đường Phật Đạo. Còn cứ như mong cầu khấn vái 10 phương, mà bi tâm không phát khởi, tật chướng không tiêu trừ thì chẳng có phật trời nào có thể cứu bệnh đươc đâu ! Vì không có bệnh thì làm sao có chết ? Nếu không có chết thì nổi đau khổ sẽ ngập tràn trái đất, vì những con người chỉ ích kỷ lo cho cái nghiệp già bệnh chết của mình. Phải hiểu nghiệp bệnh của mình thì mới chấp nhận cái bệnh như một thiên tri thức giúp mình ngộ đạo, quên cái tôi ích kỷ mà biết thương tưởng đến muôn loài…..

Tôi cũng chẳng có pháp môn gì để trị được bệnh và cũng là nạn nhân của bệnh. Nhưng bệnh của thân thì cũng chưa ghê sợ bằng bệnh của Tâm. Bệnh tâm mà không chửa được thì bệnh thân có mạnh lành thì cũng chẳng ích gì.

Vài hàng ghi lại cảm nghĩ, nhân dịp đọc một bài viết hay hay….Mong đạo hửu lượng thứ cho những thiếu sót không tránh khỏi. Kính Đạo Hữu.

Nam mô A Di Đà Phật…..

Minh-Đức kinh thư.

http://www.tangthuphathoc.net/lathuphathoc/22-hayhieunghiepchuong.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.