Học Phật và Đạo Phật

Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Vô Lượng Thọ Phật

Kính gởi đạo hửu D. A.

Tôi rất cảm ơn hồi đáp và lời chúc chân tình của Đạo-hửu, rất vui vì có sự phản hồi, nên tôi xin bạo dạn nói về cảm nhận của tôi về vấn đề học Phật và Đạo Phật, nhân dịp nghe đạo hửu nhận định rằng tôi đã học Phật nhiều năm, điều này có thể gây cảm tưởng cho người đọc nghĩ rằng học Phật thì có nhiều có ít và có mau có chậm. Để giải thích cho tỏ rạng vấn đề mau chậm hay nhiều ít, hoăc rắc rối hơn là cao thấp thì cần phải hiểu là Phật Pháp là vô thượng không trên nên không có thấp cao, lâu mau, nhanh chậm v.v… Để hiểu được thì phải hiểu rằng : Học Phật và Đạo Phật là hai vấn đề khác nhau của 2 mặt bàn tay. Lưng bàn tay và lòng bàn tay khác nhau thì học Phật và đạo Phật cũng khác nhau như vậy. Học Phật thì không bao giờ cho đủ và không thể gọi là nhiều hay ít được, cũng không thể có tiêu chuẩn để gọi là cao hay thấp như các học thuật của thế gian và các học đường phổ thông trên các nước. Kinh điển làm Pháp Bảo của Phật giáo thì nhiều lắm, 100 năm của đời người thì chẳng học được một phân trong muôn một của kho kinh tạng của Phật để lại cho nhân loại. Cái tâm lượng của con người thì như vực thẳm không đáy, bao nhiêu cái học đổ vào tâm cũng không đầy.

Những cái học càng nhiều thì kiến giải càng nhiều, kiến giải càng nhiều thì sở tri chướng càng sâu nặng, mà đã có cái sở tri thì như cái lu đã đựng đầy gạch đá, bây giờ đổ thêm nước thì nước chỉ tràn ra chứ không ở lại trong lu được. cái học sẽ làm chướng ngại cho cái học, cũng như bàn tay đã cầm một cái gì đó thì không thể cầm thêm cái khác đựợc, nếu cầm cái ly thì phải để cái ly xuống thì mới cầm cái chén được, mỗi lúc mỗi nơi chỉ làm một việc và học một viêc rồi phải để xuống, chứ không thể gôm hết lại được, vì vậy càng học thì càng thấy được chổ dốt , ví như cái vực không đáy, chẳng biết làm sao mà lắp bằng cho được. Học Phật thì theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng, theo sự học mà tìm cái biết, cái giác ngộ của mình để tỉnh thức.

Học Phật thì không giống với cái học của thế gian là để thu nhập kiến thức và nghề nghiệp để lao động và thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống. Học phật là làm tỉnh dậy sự sống trong tất cả mọi sinh hoạt. Học cái cách để thức tỉnh với giác tánh của mình, do đó những lời kinh dạy là những cái ngón tay chỉ cho mình tìm về chính chủ nhân của mình là Phật tánh. Nhưng nếu học Phật là học kiến thức, học chủ thuyết hay học một ý thức hệ thì đó là chạy theo cái vọng tưởng, kinh dạy dứt vọng tưởng là về với chơn tâm, cũng như mây tan thì trăng hiện, nay mình lại chạy theo vọng tưởng mà cho là học Phật, học cái kiến thức phật học để cho kiến-thức của mình trở thành vọng-tưởng của mình thì đó không phải là học Phật mà học kiến thức về kinh điển. Học kiến thức về kinh điển thì có bằng tiến sỹ Phật Học, người ta được cấp bằng tiến-sỹ, nếu viết được một luận án về một đề tài giáo lý cho sâu sắc, xứng đáng là một luận lý nghiêm chỉnh thì được cấp cho bằng cấp tiến sỹ Phật giáo. Trong khi định nghĩa chính xác của từ ngử học Phật là học cho giác ngộ như một Giác-Giả chứ không phải học vọng tưởng.

Còn Đạo Phật thì là sự sống ngay chính nơi mình, đạo là con đường nhưng là con đường của chính hành giả đi, từ nơi hành giả đứng, con đường là của chính hành giả đang sống, nơi hành giả đứng chính là nơi hành giả khởi hành gọi là đạo. Ai đang sống trong giác ngộ thì là đang sống trong đạo Phật, nếu có vọng tưởng khởi lên thì như mây che mặt trăng, chơn tâm bị che mất bởi vọng tưởng thì làm chúng sanh vọng tưởng, tuy trong vọng tưởng mà tạo nghiệp, nhưng chơn tâm cũng có đó, giống như mặt trăng có đó, mà người không có mắt thì không thấy mặt trăng, lại cũng giống như người có mắt mà bị mây che nên cũng không thấy trăng. Cũng như người chiêm bao thì rất khốn khổ với ác mộng, như người có vọng tưởng thì rất là khổ với vọng tưởng. Ai cũng sống trong chơn tâm mà không nhận ra chơn tâm , lại chỉ chạy theo vọng tưởng , nên gọi chúng sanh là “Mê”, gọi “Giác” là Phật. Đạo Phật là cái mà người ta đang sống chứ không phải là cái người ta đang học.

Vì vậy học Phật và Đạo Phật là hai cái khác nhau như mặt phải và mặt trái của một bàn tay. Học Phật thì không phải là đạo Phật , đó là sự thật rất tế nhị và hiển nhiên không nên lầm lẩn. Học Phật thì còn nương ngón tay để tìm mặt trăng, nương nơi vọng tưởng mà tìm chân tâm, nên không ngờ rằng vọng tưởng như mây che bóng trăng, trăng vẫn ở đó mà vọng tưởng chính là mây che trăng. Những cái miêu tả là khái niệm về chơn tâm mà không phải là chơn tâm. Còn Đạo Phật thì chính là sự sống đang là của chúng sanh, nó có cả chiêm bao và lổi lầm, nhưng nó chính là Đạo, từ đạo mà tỉnh thức thì là Phật. Do đó Kinh Pháp Hoa nói rằng khi chúng sanh đi ngang tháp thờ Phật, hoặc trẻ thơ dùng móng tay để vẻ hình Phật trên bải cát, đứng trước hình vẻ này hoăc trước tháp miếu mà khẻ xá một tay thì cũng thành đạo Phật. Chỉ một niêm lễ Phật như vậy cũng đã bắt đầu thành đạo Phật. Bởi vì Phật là vô lượng thọ và vô lượng quang, thọ mạng và ánh sáng là không thể suy lường được.

Những cái suy lường của chúng sanh đều là nghiệp của vọng tưởng, rời các vọng tưởng này mà khởi niệm thấy phật thì đã thành Phật đạo, trãi qua sự cúng dường chiêm bái vô số Phật thì sẽ thành một đức Như-Lai. Thọ Mang của các đức Như Lai là vô lượng, và ánh sáng của các đức Như Lai đều vô lượng, nên gọi pháp giới tạng thân là A-Di Đà Phật. Tất cả chúng sanh niệm phật thì đều vãng sanh. Tùy nguyện mà có vãng sanh về các cỏi tịnh độ, đó là đạo Phật, tất cả đều ở trong đạo Phật. Nếu như không nhận ra hoặc không bằng lòng với chơn tâm Phật tánh của tự tâm, mà lại hướng ngoại tìm cầu thì rơi vào ngoại đạo và vọng tưởng, từ trong đạo mà lại mất đạo, bị đọa vào lục đạo chúng sanh, theo nghiệp mà thọ khổ, không hay rằng : Tâm- Phật- Chúng -sanh đều đồng nhất thể, rời tâm bỏ phật chỉ nhận chúng sanh là thật thể mà chịu cảnh chiêm bao dài dài với số phận đầy oan nghiệt của một chúng sanh. Nếu hiểu được sự khác nhau của giữa học và sống , học phật và sống với Phật thì không có cao thấp, chậm mau, mà tất cả đều ở trong Phật Pháp. Cái khác nhau của Đạo là Ngộ và Mê. Dù mê hay ngộ thì cũng là thân phận chúng sanh phải chịu hệ lụy cùng chúng sanh không thể khác nhau được.

Do đó người phật tử phải thường quy y Tam Bảo để giải thoát hệ phược chứ không thể sống giải đãi và bằng lòng với vọng tưởng của mình được. Cái hạnh phúc của phật tử là được Thiên tri thức hộ niệm yểm trợ nhau trên đường tinh tấn. Vài hàng nhận định ngắn ngủi, mong rằng sẽ có dịp nói rộng hơn, xin đạo hửu bỏ qua cho những vụn về không rỏ nghĩa. Nếu có thể sẽ bổ túc thêm, mong nhận được ý kiến bổ túc để chỉnh sửa sai sót không đúng pháp.

Kính chúc đạo hữu luôn tinh tấn và vui đạo. Kính chào.

Nam mô A-Di-Đà Phật.

MINH ĐỨC-NGUYỄN TRINH TUẤN

http://www.tangthuphathoc.net/tacgia/minhduc/63-hocphatvadaophat.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.