Nghiệp

 Quynh Ngoc Mai <quynhngocmai@ymail.com> viết:

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Hỏi:

A-Di-Đà Phật.

Kính chào anh Diệu Âm. Tôi thật rất khổ đau vì cái bệnh của tôi. Cứ một ngày được sống trong yên tĩnh, và một ngày phải bị nghe tiếng <trời đổ mưa thật lớn>. Tôi thật sự oằn oại với bệnh này. Các bác sĩ vẫn không tìm ra căn nguyên. Tôi biết căn bệnh do NGHIỆP mà ra. Kính xin anh hãy giúp đỡ cho tôi, xin chỉ dẫn làm cách nào để thoát ra được cái ách nạn này. Xin chân thành cảm ơn anh Diệu Âm rất nhiều.
A-Di-Đà Phật
Diệu Hưng

Trả lời:

Diệu Hưng,

(Hôm mấy thư trước Diệu Hưng có nói đã theo một tập sách niệm Phật, mà người viết tự xưng là chứng đắc, đã đạt đến “Niệm Phật Tam Muội” gì đó tu tập phải không? Cố gắng giữ tâm hồn thanh tịnh, khiêm hạ, chớ nên hiếu kỳ, thì đường tu hành thì mới tránh khỏi ách nạn của thời mạt pháp nhé).

Thôi bây giờ, có bệnh thì lo chữa bệnh trước đã.

Thực ra, cái bệnh của Diệu Hưng không có gì là oái oăm lắm đâu. Rất nhiều người bị bệnh này, chứ không phải chỉ riêng Diệu Hưng. Cho nên, trước tiên hãy cho nó là bệnh bình thường, rất thông thường, chứ không có gì là đặc biệt. Khi tuổi cỡ 40, 50 trở lên thường hay mắc phải. Có người từ đó sinh ra nhức đầu, chóng mặt, ù tai, khó chịu… Có người nhẹ hơn chỉ nghe tiếng “O O” làm mất thoải mái một chút. Thế thôi.

Theo Diệu Âm nghĩ, (không phải là bác sĩ nên chỉ nghĩ mà thôi!), bệnh này liên quan nhiều đến những sợi thần kinh trong lỗ tai (inner-ear) bị kẹt ở chỗ nào đó, thành ra nó phát ra tiếng “O-O” trong tai. Tiếng “O-O” đôi lúc giống như tiếng ếch nhái kêu, tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, v.v…

Bệnh này không giống như cái “Bệnh”, mà lại giống như một cái “Tật”. Đã không phải là bệnh, thành ra bác sĩ chữa không được!…

Thôi thì, bác sĩ chữa không được thì mình khỏi tốn công đi bác sĩ, khỏi tốn tiền chạy chữa. Khỏe ru!…

Đề nghị với Diệu Hưng hãy chữa theo người “Không bác Sĩ” này thử coi.

Một là, “Tự chữa”. Diệu Hương hãy làm các động tác thể dục này:

Trước tiên hãy tập vận động các cơ bắp ở cổ, bằng cách giữ thân đứng im, rồi lắc cái đầu:

– Lắc đầu sang trái rồi phải 20 lần, cố gắng đưa càng sát xuống vai để kéo giãn các cơ ở hai bên.
– Lắc theo hướng truớc-sau, nghĩa là cúi xuống trước, ngước phía sau 20 lần. Cố gắng đưa cho sâu để các cơ được hoạt động tốt.
– Xoay đầu qua phải rồi trái, 20 lần
– Xoay đầu theo vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, rồi ngược lại, mỗi chiều 20 lần.
– Dùng hai ức bàn tay xoa vùng lỗ tai, ép kín lỗ tai rồi nhấn vào 20 lần để kích thích màn nhĩ.
– Dùng ngón tay chà lên xuống 20 lần vùng trước và sau tai để kích thích vùng thần kinh chung quanh tai.
– Dùng mười đầu ngón tay gãi đầu theo chiều từ trước trán ra phía sau, sâu tận sau ót, (khộng nên làm ngược lại) từ 20 lần hoặc nhiều hơn càng tốt.
– Dùng đầu ngón tay út chấm dầu cù-là xoa sâu vào lỗ tai. Có thể dùng cù-là xoa vào lỗ tai cho nóng. Nhớ là trong Lỗ tai chứ không phải vành tai. Rất tốt.

Cố gắng thực hiện phương pháp này mỗi sáng và chiều một thời gian thì có thể sẽ cảm thấy thoãi mái hơn, và bớt đi nhiều đó. (Hy vọng có thể bớt bệnh luôn).

Hai là, nói về “Bệnh Khổ”. Khổ vì bệnh không tốt bằng sướng vì bệnh! Vấn đề “Tâm Lý”.

Khổ hay sướng đều do tâm tạo. Mau mau hãy lấy tâm mà chuyển cảnh giới đi.

Bệnh đã làm mình khổ rồi, mà mình còn lo lắng, còn khổ sở vì bệnh nữa, thành ra mình chịu tới hai lần khổ. Hai lần khổ chồng nhau, tức là “Khô-Khổ”. Không tốt lắm!

Bậy giờ, bệnh làm mình khổ, nhưng mình không thèm khổ, thì cái khổ đó nó được trung hòa. Vậy thì đâu còn khổ nữa. Phải không?
Trước đây, Diệu Âm có đọc một quyển sách, tựa đề là “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, có một vị bác sĩ đã nói như vầy: “Người chết vì sợ bệnh nhiều hơn chết vì bệnh”. Vị đó nói, trong mười người chết, thì người chết vì sợ bệnh chiếm đến chín phần, còn thực sự người chết vì bệnh chỉ có một phần. Vị đó khuyên rằng, hãy vui vẻ mà sống, đừng quá lo sợ về bệnh. Đây thực là một lời khai thị khá hay!

Phật dạy, “Vạn pháp duy tâm sở hiện”! Vạn sự đều do tâm tưởng mà hiện ra, thì khổ đau hay sung sướng đều do tâm mình tạo ra. Cụ thể, mỗi lần nghe tiếng mưa lớn làm mình khổ đau. Nay nghe tiếng mưa rơi thì hãy vui đi. Nếu không thấy vui, thì coi như bình thường, đừng lo ngại gì nữa cả. Thực ra, tiếng mưa rơi có gì đâu mà phải “Khổ”! Nó có đánh đập mình đâu mà “Đau”! Cảm thấy “Khổ đau” là tại mình ghét nó, ái ngại nó, đố kỵ với nó… mới bị vậy thôi!

Nếu Diệu Hưng là người biết niệm Phật thì giải quyết càng dễ dàng hơn nữa. Hãy lấy tiếng mưa rơi làm tiếng niệm Phật. Mỗi lần nghe tiếng mưa rơi thì niệm Phật. Lấy âm thanh này như lời nhắc mình niệm Phật. Nếu có thể, hãy niệm ra tiếng càng tốt, tiếng niệm Phật phủ lấp mất tiếng mưa rơi. Hãy lắng nghe tiếng niệm Phật của mình, hãy chú tâm vào lời niệm Phật của mình, hãy lấy tiếng ồn làm cơ hội để niệm Phật. Như vậy, mỗi lần nghe tiếng mưa rơi, là thời gian mình công phu. Không nghĩ tới mưa rơi, cứ chăm chú tới câu Phật hiệu. Như vậy, vui sướng biết bao!

Hãy quyết lòng tự chuyển đổi hoàn cảnh. Chuyển bất thuận thành thành thuận lợi, chuyển khó chịu thành dễ chịu, chuyển khổ đau thành hạnh phúc… Phật dạy, “Phiền não là Bồ-đề”, chính là đây. Thế gian pháp và Phật pháp đâu có khác nhau.

Ba là, về “Nghiệp Chướng”. Nếu Diệu Hưng cho rằng đó là bệnh nghiệp, thì nên càng yên tâm hơn nữa. Vì đã là nghiệp của mình, thì nó sẽ theo sát mình, không trước thì sau mình cũng phải chịu. Chịu bây giờ thì tương lai khỏi chịu nữa. Như vậy, bây giờ nó trỗ ra tức là mình đang được tiêu nghiệp. Nghiệp tiêu thì phước tăng, phước tăng thì khi lâm chung mình niệm Phật dễ dàng và sẽ được an nhiên vãng sanh Tịnh độ. Vậy thì vui chứ sao lại buồn?

Bệnh nghiệp nó đã trỗ ra, mình sợ hay không thì nó vẫn hiện hành. Bệnh khổ hiện hành thì chắc chắn không thể thoải mái! Nhưng mình càng trốn nó, thì nó càng bám theo mình. Mình càng sợ nó, thì nó càng làm dữ. Vạn pháp duy tâm sở hiện mà!

Nên nhớ, nghiệp đã hiện hành là nghiệp báo hiện tiền. Nghiệp báo hiện tiền là “Hiện Báo”. Hiện báo thì tương lai bớt nghiệp báo. Hiểu được đạo lý này, thì phải chăng, đây là một sự may mắn. Hãy an tâm cho nghiệp nó tiêu đi, đừng than vãn, đừng lo lắng, đừng than trời trách đất mà tâm mình lại duyên với nghiệp, khiến cho nghiệp muốn rời đi mà nó không nỡ ra đi. Nghĩa là, mình bám lấy nó thì nó sẽ ở lại với mình để tương lai tái diễn cái trò báo hại khác. Không tốt!

Vậy thì, tại sao không hoan hỷ với chứng bệnh này, để nó đi luôn đi cho rồi, niếu kéo nó lại làm chi?…

Ngài Liên Trì Đại Sư dạy rằng, đừng nghĩ tới nghiệp, đừng tưởng tới nghiệp, đừng nhớ tới nghiệp mà đành phải theo nghiệp thọ báo.. Hãy nghĩ tới Phật, tưởng tới Phật, nhớ tới Phật, niệm Phật cầu vãng sanh thì cuối báo thân này sẽ được vãng sanh Cực-lạc, về với A-Di-Đà Phật.

Nhất thiết duy tâm tạo. Hãy cố gắng hướng tâm mình theo A-Di-Đà Phật là hay hơn cả.

HT Tịnh Không dạy, nghiệp chướng, phiền não chướng đều do tâm tưởng mà hiện ra. Người sợ bệnh thì bệnh cứ đeo đuổi suốt đời. Người không sợ bệnh thì không còn thấy bệnh. Nếu tâm vững như vậy, thì bệnh đến chẳng qua là thân bệnh, chứ đâu phải là tâm bệnh. Mỗi lần có bệnh thì tâm càng an nhiên tự tại đón nhận cơn bệnh như một bài pháp thật hay để ngộ ra đường đạo.

Người niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc mà còn sợ bệnh, còn sợ chết, thì sao gọi là nguyện vãng sanh tha thiết, thì làm sao được vãng sanh bất thối thành Phật?

Nói rõ hơn một chút, người sợ chết thì phải chết. Vì mê mờ tham tiếc cái thân vô thường, khi chết họ bám theo cái thân vô thường mà chịu sanh tử vô thường trong sáu đường luân hồi khổ nạn.

Người hiểu đạo, họ không bám theo cái thân, thành ra họ không sợ chết. Khi xả bỏ báo thân là cơ may cho họ thực hiện mộng ước vượt sanh tử luân hồi.

Cùng một sự việc, nhưng khổ đau hay hạnh phúc khác nhau.. Người không biết đường vãng sanh, họ bám theo thâm mạng vô thường để chịu chết trong đau khổ! Người niệm Phật, biết đường vãng sanh, họ sẽ vãng sanh về Tây-phương Tịnh-độ, hưởng cảnh sống an vui, thanh tịnh, thần thông diệu dụng bao trùm pháp giới.

Hãy rời nghiệp ra thì tự nhiên hóa giải được nghiệp.

Bốn là, nếu cho đây là “Ma Nghiệp”, thì Ngài Ấn Quang Đại Sư nói, người biết tu hành, nếu gặp ma chướng vẫn có thể làm tăng thiện duyên cho họ tiến tu đạo nghiệp. Còn người không biết tu hành, dù có gặp thắng cảnh đi nữa cũng sớm biến thành mà sự mà thôi.

Tại sao vậy? Vì người biết tu hành là người khiêm nhường, chí thành, chí kính. Người biết khiêm nhường, chí thành, chí kính thì luôn luôn tự xác định rõ ràng là mình còn yếu kém, nhiều nghiệp chướng. Nhờ đó mà họ mới lo tinh tấn tu hành, siêng năng niệm Phật, tha thiết cầu Phật tiếp độ vãng sanh, chứ không bao giờ dám vỗ ngực xưng danh là mình đã tu hành chứng đắc.

Nhờ lòng chí thành và khiêm cung này, một khi nghiệp báo hiện hành, hoặc bị ma chướng thử thách, thì đây trở thành một lời nhắc nhở thích đáng, giúp họ cố gắng hơn, tinh tấn hơn, thành tâm hơn. Như vậy, nghiệp chướng, ma chướng, nghịch duyên… không phải đả làm tăng thiện duyên cho họ sao?.

Còn người không biết tu hành thì tâm hồn thường vọng động, thích hiếu kỳ, hay khoe khoang, không khiêm nhường, thiếu lòng chí thành chí kính. Khi mới có được một chút công phu nào đó thì liền vội vã tự mãn. Thật quá sai lầm!

Tâm vọng động thì cảm ứng cảnh vọng động. Lấy tâm vọng soi cảnh vọng mà cứ tưởng là chứng đắc. Ấn Quang Đại Sư nói, người không biết tu, dù thấy thắng cảnh cũng biến thành ma sự, hà huống chưa chắc đó thực sự là thắng cảnh! Thật là một lời khai thị quý hóa.

Chính vì vậy, xin khuyên rằng, người tu hành trong thời này, cần phải theo sát kinh. cần y giáo phụng hành, chớ nên tự tung tự tác. Phải nương theo thiện tri thức chân chính, phải lấy các lời huấn thị của chư Tổ Sư, Cao Tăng… làm mẫu mực tu tập. Nhất định đừng nên sơ ý, mới mong ngày thành tựu vậy.

Hãy vui vẻ, thành tâm niệm Phật, đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng lịch đại kiếp số oán thân trái chủ, hồi hướng cho cửu huyền thất tổ, hồi hướng cho những ai có duyên với mình trong bất cứ hinh tướng nào. Hãy thành tâm làm hằng ngày nhé.

Thoải mái, vui vẻ, tin tưởng… Rời tất cả nỗi khổ ra để niệm Phật thì tự hóa giải tất cả vậy.

Diệu Âm (Úc Châu)

http://www.tangthuphathoc.net/lathuphathoc/nv/tltda.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.