Phật , Pháp và Tăng

1. PHẬT

Đức Phật – bậc dẫn đường chân chính

Trong các Kinh điển, Đức Phật nói rằng chúng ta cần xem bản thân là người bệnh, và Đức Phật là bác sĩ, và giáo lý là thuốc. Quan hệ của chúng ta với Đức Phật giống như một người bệnh với bác sĩ. Như khi chúng ta theo một chế độ ăn kiêng và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, chúng ta nên theo những chỉ dẫn của Phật và áp dụng các giáo lý này. Bằng cách uống thuốc, chúng ta sẽ thu được cả những lợi ích tạm thời và dài hạn.

Căn bệnh mà chúng ta mắc phải là sự ngu dốt, những cảm xúc phiền não, nhận thức sai lệch và khổ đau. Bởi vì Đức Phật đã thoát khỏi mọi căn bệnh như thế, ngài thực sự là người chỉ dẫn đáng tin cậy.

Như trong các Kinh điển có nói, làm sao người ta, những kẻ trong hoàn cảnh khó khăn như chúng ta có thể giúp chúng ta thoát khỏi bãi cát lún? Giống như vậy, những người, không thể tự thoát khỏi vòng luân hồi không thể giải thoát chúng ta khỏi vòng luân hồi. Bởi thế, Đức Phật là người dẫn đường chân chính, và giáo lý là thứ thuốc hữu hiệu.

Sự giác ngộ của Phật

Quan điểm Tiểu thừa

Theo quan điểm Tiểu thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni thành tựu Chánh giác ở Bồ Đề Đạo Tràng bằng cách chinh phục mọi che chướng cảm xúc và nhận thức. Trong tiếng Tạng, một bậc giác ngộ làsangyeSang nghĩa là tịnh hóa các cảm xúc phiền não (nyondrip) và che chướng nhận thức (shedrip). Gye nghĩa là sự tỉnh thức của trạng thái tràn đầy những phẩm tánh hoàn hảo của giác ngộ. Trạng thái tỉnh thức của Phật thoát khỏi mọi che chướng và sở hữu các phẩm tánh hoàn hảo của kiến thức, tâm từ, lòng bi mẫn và trí tuệ.

Quan điểm Tiểu thừa nhìn nhận Phật Thích Ca Mâu Ni là một chúng sinh bình thường. Dĩ nhiên, phải công nhận rằng chúng sinh bình thường này rất phi thường, nhưng từ quan điểm này, ngài sở hữu những uẩn bình phàm.

Quan điểm Đại thừa

Theo Đại thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ trong cõi Akanishtha, cõi trời cao nhất – một cõi Phật, không thể nhìn thấy bởi người thường.

Với lòng từ bi, vì lợi ích của người khác, ngài tái sinh trong cõi người và “giả vờ” trải qua toàn bộ quá trình của “mười hai hành động[1],” bao gồm cả hành động giác ngộ dưới tán Bồ đề. Bởi Phật đã hoàn toàn giác ngộ, ngài thoát khỏi mọi trải nghiệm của luân hồi bởi vì ngài không bị trói buộc bởi các uẩn thông thường. Ngài chỉ hiển bày các uẩn này để chúng sinh bình phàm có thể nhận thấy và đưa ra một tấm gương về con đường giác ngộ.

Phật giác ngộ nhờ con đường Bồ Tát, con đường mà ngài đã trải qua từ đầu đến cuối. Ngài nói rằng với ngài điểm khởi đầu của con đường bồ đề tâm là trong cõi địa ngục. Ngài đang kéo chiếc xe bò với một người khác, và cả hai đều bị tra tấn dữ dội. Phật nghĩ rằng, “Tại sao tôi không nhận lấy tất cả nghiệp này, tại sao không trở thành đối tượng dày vò và giải thoát cho người kia?” Ngài bảo các vị yama[2], những kẻ đang tra tấm ngài, hãy để điều này xảy ra. Nhưng họ nói, “Mọi người đều có nghiệp riêng! Ông không thể giải thoát bất kỳ ai khỏi nghiệp riêng của họ,” và đánh vào đầu ngài bằng cái búa sắt. Phật chết, nhưng bởi vì nghiệp quả tốt lành mà ước nguyện của ngài tạo ra, ngài ngay lập tức được giải phóng khỏi cõi địa ngục đó.

Ngài đã giác ngộ ở Akanishtha; sau đó ngài ở Tushita, một cõi Phật nơi mà Phật Vị lai, ngài Di Lặc hiện tại an trụ. Khi thời gian chín muồi, và mọi người thích hợp để một vị Phật tái sinh trong thế giới này, ngài được thụ thai trong tử cung người mẹ.

Sự xuất hiện của Phật trong thế giới này

Nếu chư Phật đã làm cạn kiệt mọi nguyên nhân và điều kiện của luân hồi và sự xuất hiện trong luân hồi cũng như hoàn toàn chứng ngộ chân lý tuyệt đối của tánh không, làm sao và tại sao các ngài thị hiện trong thế giới này?

Điều này xảy ra nhờ hai khẩn nguyện; khẩn nguyện của hữu tình chúng sinh có kết nối với chư Phật và đánh thức khỏi trạng thái ngu dốt như mơ của tâm, và khẩn nguyện của chư Phật làm lợi lạc chúng sinh và đánh thức họ khỏi trạng thái huyễn hoặc như mơ đó. Khi khẩn nguyện của hữu tình chúng sinh và của chư Phật gặp nhau, chư Phật xuất hiện trên thế giới.

Sự xuất hiện của các ngài giống như trăng trên trời, được phản chiếu rõ ràng và tự nhiên trên nhiều ao hồ bên dưới. Nhưng điều này không ám chỉ rằng Đức Phật tự mình “hạ xuống” từ hư không, hay có một vị Phật “xuống đây” và một vị khác “ở trên kia,” cũng không phải có nhiều vị Phật khắp mọi nơi.

Một nghìn vị Phật

Trong thời đại đặc biệt này, một nghìn vị Phật sẽ xuất hiện. Theo các miêu tả truyền thống, tất cả những gì chúng ta thấy từng là chân không hay hư không. Sau đó gió và mưa bão nổi lên, tạo thành yếu tố đất. Mưa tiếp tục, và một nghìn bông sen nở. Các vị trời nam và nữ thấy sự kiện này và tự hỏi nó tượng trưng cho điều gì. Các vị trời tuổi cao, uyên bác có thể nhìn thấy tương lai nhờ sức mạnh của thiền định, đã nói rằng đó là dấu hiệu trong thời đại này sẽ có một nghìn vị Phật. Bởi thế, nó được gọi là kalpa zangpo, “thời đại xuất sắc.”

Cho đến nay, chúng ta đã có bốn vị Phật. Trong mỗi thời của bốn vị Phật này, rất nhiều vị Phật khác đã xuất hiện và làm lợi lạc chúng sinh. Nhưng có một vị tối cao trong mỗi thời, bậc đảm bảo rằng mọi giáo lý của thời đại đặc biệt đó sẽ hòa hợp với lời dạy của vị Phật đó. Vị Phật tối cao của hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni, tuy nhiên có rất nhiều các vị Phật khác đã đến thế giới này và làm lợi lạc chúng sinh. Ví dụ, Đức Văn Thù, Đức Quan Âm và Đức Kim Cương Thủ đều là các vị Phật, nhưng các ngài thị hiện dưới hình tướng chư Bồ Tát. Guru Rinpoche cũng là một hóa thân của Đức Phật.

Các vị Phật tối cao này đều đến với mười hai hành động của một vị Phật, đạt giác ngộ và thuyết Pháp. Trong trường hợp của Phật Thích Ca, ngài sinh ra là một vị hoàng tử, nhưng các vị Phật không nhất thiết phải sinh ra làm hoàng tử như vậy.

Hai trí tuệ

Điều quan trọng là biết rằng Phật có hai kiểu trí tuệ [jnana]: trí tuệ nhìn thấy bản chất của mọi thứ như chúng là, và trí tuệ nhìn thấy tính đa dạng của mọi hiện tượng.

Thứ mà Phật nhìn thấy từ quan điểm hay trải nghiệm giác ngộ của ngài được gọi là rang nang trong tiếng Tạng. Nhận thức của chúng sinh khác được gọi là shyen nang. Bởi thời gian là trống rỗng, rang nang và shyen nang có thể xuất hiện cùng lúc. Trí tuệ của việc nhận thấy mọi thứ bao gồm của nhận thức giác ngộ về mọi thứ rang nang, và nhận thức của chúng sinh, shyen nang. Nếu không phải như vậy, thì chư Phật sẽ không thể thuyết giảng.

Chư Phật thuyết giảng ra sao

Một hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu cách thức mà chư Phật thuyết giảng là hãy tưởng tượng hai người trong một căn phòng: một người thức và người kia thì ngủ, và gặp phải ác mộng. Người thức – Phật – có thể nhận ra rằng người kia đang gặp ác mộng. Điều này không chỉ được hiểu qua sự suy luận mà còn qua nhận thức trực tiếp về cơn ác mộng của người đó.

Mặc dù người thức có thể nhận thấy cơn ác mộng của người kia một cách trực tiếp, trải nghiệm của người mơ đó không trở thành sự thật của người thức. Bởi vậy người đang thức có thể chậm rãi đánh thức người kia khỏi giấc mộng. Nhờ đó, anh ta có thể kéo người kia khỏi giấc mơ và trở về thực tại, đó là sự không tồn tại của mọi cơn ác mộng. Đó là cách mà chư Phật dạy hữu tình chúng sinh.

Khi bạn tỉnh dậy trong một giấc mơ, giấc mơ có thể tiếp tục, nhưng mối quan hệ của bạn với nó đã thay đổi. Đó là con đường của chư Bồ Tát, đặc biệt là trong giai đoạn sau thiền định. Khi bạn hoàn toàn tỉnh dậy khỏi giấc mơ, đó là Phật quả. Bạn tỉnh thức với các trải nghiệm hoàn toàn về sự thực và sự xuất hiện; nó không đúng khi nói rằng mọi hình tướng đơn giản biến mất ở điểm này.

Ba thân của chư Phật

Bản chất của sự thật được gọi là Pháp thân, và các hình tướng là Sắc thân. Một vị Phật hòa hợp với Pháp thân trong khi xuất hiện như là Sắc thân.

Pháp thân

Trong trạng thái tuyệt đối của niết bàn, trong Pháp thân, không có nhận thức và không có hình tướng. Nhưng điều này không có nghĩa là Pháp thân là rắn chắc và cách biệt, hay một hư không hoàn toàn tách biệt khỏi các hoạt động của chư Phật hay các hình tướng của Phật quả, tức là hai hình tướng của Sắc thân – Báo thân và Hóa thân.

Báo thân

Các hình tướng Báo thân khởi lên từ Pháp thân, thứ như hư không tràn khắp, xuất hiện chủ yếu với chư Bồ Tát, những bậc trên con đường giác ngộ. Các Báo thân khởi lên thông qua duyên khởi như là kết quả của nghiệp và sự rộng mở của chư Bồ Tát, và sức mạnh của chư Phật hiển bày từ Pháp thân. Các hình tướng Báo thân không thể tiếp cận bởi chúng sinh bình phàm.

Báo thân Phật làm lợi lạc cho chư Bồ Tát, những bậc ít nhất đạt đến địa thứ nhất. Những vị Bồ Tát này có thể nhìn thấy và thọ nhận giáo lý từ Báo thân Phật. Cách thức các ngài thọ nhận giáo lý không giống như cách chúng ta nhận, thường là khẩu truyền. Ví dụ, các vị Bồ Tát đơn giản có thể nhìn vào thân của Báo thân Phật và nhận ra các che chướng của bản thân và cách để tịnh hóa chúng một cách rõ ràng.

Hóa thân

Từ quan điểm Tiểu thừa, Phật được nhìn nhận như một chúng sinh bình thường, và chúng sinh bình thường coi Phật là Hóa thân Phật. Từ quan điểm Đại thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni là Hóa thân Phật, người, như là cái bóng của Báo thân Phật, giáng sinh như một bậc toàn giác từ cõi trời Tushita. Hóa thân Phật giống như những cái bóng của Báo thân Phật, như mặt trăng phản chiếu hình bóng xuống ao.

Mặc dù chư Phật xuất hiện, sự xuất hiện của các ngài không phải sự xuất hiện của chân lý tương đối bình thường, ảo mộng, sản phẩm của tâm quan niệm và các lỗi lầm. Các ngài xuất hiện một cách độc lập, nhưng sự xuất hiện này thanh tịnh chứ không có lỗi lầm. Bởi thế, những phẩm tánh vô song của chư Phật được gọi là zakme kyi cho trong tiếng Tạng, nghĩa là “các phẩm tánh không lỗi lầm.”

Pháp thân có sức mạnh làm khởi lên vô số các phẩm tánh không lỗi lầm. Mặc dù Hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni trải qua đủ mười hai hành động của một vị Phật, từ cõi trời Tushita đến khi nhập Niết Bàn, từ quan điểm Pháp thân của chư Phật, không hề có sự di chuyển hay thay đổi nào.

Mục đích đằng sau việc chư Phật đến thế giới này là để chỉ ra con đường giác ngộ. Đức Phật trải qua, theo cách hoàn hảo nhất, đủ mọi giai đoạn của con đường mà chúng ta phải đi. Để chỉ ra sự từ bỏ, Phật rời bỏ cung điện và từ bỏ mọi hài lòng như thể chúng bị nhổ vào bụi. Ngài đi vào rừng, điều này giải thích tầm quan trọng của sự từ bỏ các mối bận tâm, thứ thực ra tạo nên khổ đau và trói buộc.

Những phẩm tánh của Phật như một vị thầy[3]

Các phẩm tánh như một vị thầy của Phật là rất rõ ràng. Ngài sở hữu cả hai kiểu trí tuệ, mười sức mạnh, bốn trạng thái vô úy[4], mười tám đặc điểm phân biệt của trạng thái tâm của Phât, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Tám phẩm tánh của giác ngộ

Như trong Uttaratantra shastra có nói, trong tất cả, Phật là tối thượng. Trạng thái Phật quả, hay giác ngộ hoàn toàn vô song, thoát khỏi mọi lỗi lầm, và hoàn toàn đáng tin cậy.

Tâm giác ngộ có ba phẩm tánh, làm lợi lạc chính bậc giác ngộ. Nó không giả tạo, tự nhiên và tự tỉnh thức, nghĩa là tâm của Phật không chứng ngộ do kết quả của các điều kiện bên ngoài.

Ba phẩm tánh của chư Phật làm lợi lạc người khác là trí tuệ vĩ đại; tâm từ lớn lao, sự chu đáo và từ bi và sức mạnh làm lợi lạc vĩ đại.

Phẩm tánh làm lợi lạc bản thân và phẩm tánh làm lợi lạc người khác, khi được thêm vào ba phẩm tánh được kiệt kê trong hai loại trên, tạo thành cái đôi khi được gọi là tám khía cạnh của giác ngộ.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.