Phật , Pháp và Tăng

2. PHÁP

Các ý nghĩa của từ “Dharma

Từ “Dharma” trong tiếng Phạn có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, nó có thể liên quan đến kiến thức, con đường, niết bàn, hiện tượng, đối tượng của việc suy nghĩ, công đức, cuộc đời và tương lai. Ở đây Pháp liên quan đến Chánh Pháp [hay Pháp cao quý], những giáo lý của chư Phật.

Vậy Pháp cao quý là gì? Nó là điều mà các bậc giác ngộ nhìn nhận trực tiếp, là bản tánh chân thực của sự thật, và là điều mà chư Phật giảng cho người khác cho người khác như là con đường. Bởi thế, Pháp là con đường chân chính dẫn chúng ta thoát khỏi khổ đau của luân hồi và vòng sinh tử.

Pháp như là con đường

Một vài giáo lý chỉ thích hợp cho một vùng hay thời điểm đặc biệt, và khi thời điểm đặc biệt đó trôi qua, sẽ không còn hữu ích nữa. Nhưng giáo lý của chư Phật phục vụ con người liên tục xuyên suốt lịch sử và sẽ tiếp tục như vậy. Nguyên nhân của điều này là bởi chúng đề cập đến tâm bên trong của chúng ta.

Ở Lerab Gar, tháng 9 năm 2000, Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói rằng mọi phát triển khoa học và công nghệ với ý định tạo ra một thế giới tốt hơn chỉ đóng góp cho các nhận thức về giác quan, trong khi điều duy nhất giúp đỡ thức nội tại là trí tuệ. Nếu nó không cung cấp cách thức đối phó với các vô minh che lấp trí tuệ bẩm sinh, thì dù khoa học và công nghê có phát triển thế nào, nó cũng không tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên, khoa học và công nghệ sẽ tạo ra vài ảnh hưởng tích cực, nhưng chúng sinh vẫn chịu nhiều khổ đau.

Đặc biệt trong thế kỷ 20 và 21, người ta nhận thấy điều này rõ ràng hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử loài người. Khi bạn xem tivi, những người nổi tiếng hay các ngôi sao dường như hài lòng về vật chất, nhưng họ vẫn thất vọng; họ vẫn rất tệ.

Bởi vậy món quà lớn lao là được thọ nhận giáo lý Phật Đà trong cuộc đời này, cơ hội lớn lao khi có phương tiện để giải quyết vấn đề tâm, và đặc biệt là cái tôi và các vấn đề đi kèm. Thật tuyệt vời khi trí tuệ và phương tiện thiện xảo được trao truyền không gián đoạn từ thời Đức Phật, khoảng 2500 năm trước. Bởi thế, rất nhiều người đã chứng ngộ nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Giác ngộ không phải khả năng giả thuyết; trí tuệ và phương tiện thiện xảo này đã và đang được sử dụng với thành công lớn lao.

Dòng truyền thừa phương tiện thiện xảo và trí tuệ vẫn còn cho đến nay, và chúng ta có cơ hội là một phần của nó. Chính chúng ta có thể thực hành trong dòng truyền thừa này và trải qua những lợi lạc từ đó. Nếu nó từng bị gián đoạn, sẽ thật khó để tái tạo một dòng như thế.

Thành ngữ Tây Tạng có câu:

“Pháp không phải sở hữu của ai cả; nó là tài sản của bất kỳ ai thực hành nó.”

Nó không phải tài sản cá nhân của bất kỳ vị thầy nào hay nhóm người đặc biệt nào. Nếu vị thầy không thực hành, nó không thuộc về vị thầy, bởi vì Pháp không phải là một nghi lễ trống rỗng. Giống như vậy, nó không phải là tài sản của nhóm người nào, bởi nó không giống như triết học Cộng sản hay tương tự. Nó thuộc về bất kỳ ai thực hành. Bất kỳ cá nhân nào thực hành Pháp sẽ được cải thiện bởi Pháp. Chính bạn có thể là người tận dụng tối đa Pháp.

Pháp như là [đối tượng] Quy y

Mọi giáo lý Phật Đà có hai đặc điểm. Đầu tiên chúng phải là một phương thuốc, hay cách đối trị với các cảm xúc phiền não gây ra khổ đau cho chúng sinh. Chúng cần làm giảm những cảm xúc phiền não mà chúng sinh trải qua, và một cách tuyệt đối tiêu diệt mọi nguyên nhân. Giáo lý Phật Đà cũng cần cung cấp các bước nhờ đó hữu tình chúng sinh tiến lên các cõi cao hơn, và một cách tuyệt đối giải thoát khỏi khổ đau luân hồi và vòng sinh tử.

Các giáo lý cần cung cấp nơi nương tựa theo cả hai cách. Bất kỳ điều gì hòa hợp với hai đặc điểm này là giáo lý Phật Đà. Người ta cũng nói rằng ngoài giáo lý của Phật, những giáo lý như vậy không thể được tìm thấy.

Pháp của Kinh điển và Chứng ngộ

Như ngài Vasubandhu nói trong Abhidharmakosha, giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chia thành hai loại: Pháp của Kinh điển và Pháp của Chứng ngộ.

Khía cạnh Kinh điển của Phật Pháp được duy trì bởi sự nghiên cứu, bao gồm việc giảng dạy, lắng nghe, biên soạn và tranh luận. Điều này liên quan đến cả che, trong tiếng Tạng nghĩa là giải thích Pháp và nyen nghĩa là lắng nghe Pháp.

Khía cạnh Chứng ngộ của Pháp bao gồm thiền định và thực sự chứng ngộ. Khái cạnh này xuất phát từ khía cạnh đầu tiên.

Bằng cách tham gia vào các hoạt động này, chúng ta bảo tồn Pháp không chỉ trong các cuốn sách mà còn trong sự chứng ngộ của chúng sinh. Chúng ta duy trì truyền thống Pháp kinh điển và bảo tồn Pháp chứng ngộ. Nếu chúng ta đánh mất một trong hai, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều còn lại; Pháp sẽ không trọn vẹn. Giống như việc điều này rất quan trọng với chúng ta, với thế hệ tương lai, điều quan trọng là có cơ hội tham gia và trở nên uyên bác cả về Pháp của Kinh điển và Pháp của Chứng ngộ.

Giáo lý và Luận giải

Nói chung có hai kiểu Kinh điển Phật giáo. Ka trong tiếng Tạng là những lời dạy của chính Đức Phật và tencho là các luận giải của các đại học giả xứ Ấn Độ và Tây Tạng.

Ka

Các giáo lý của Đức Phật gọi là ka. Nhưng ka không chỉ gồm những lời mà Đức Phật nói ra. Ví dụ, Bát nhã tâm kinh là ka, nhưng chính ngài Quan Âm đã giảng về Bát nhã tâm kinh, khi trả lời câu hỏi của ngài Xá Lợi Phất. Nguyên nhân nó được xếp vào ka là sự gia trì của Đức Phật được chuyển đến ngài Quan Âm, người trở thành phát ngôn viên của Đức Phật. Vì thế, Bát nhã tâm kinh là “ka khởi lên từ sự gia trì.”

Có rất nhiều dịp khác mà Đức Phật không nói, nhưng âm thanh đến từ nhiều phần khác của thân ngài. Các giáo lý này được gọi làchotrul gyi ka, tức ka kỳ diệu.

Chính Đức Phật gợi ý rằng khi các giáo lý của ngài được kết tập, chúng cần được bắt đầu bằng câu, “Tôi nghe như vầy …” Mọi giáo lý bắt đầu như thế đều là ka.

Những lời dạy của Phật là thanh tịnh, hoàn hảo và an bình. Chúng hòa hợp với sự thật tương đối và tuyệt đối, chân thật, đúng đắn và là phương thuốc cho mọi căn bệnh. Chúng vượt khỏi mọi so sánh.

Tencho

Nghĩa đen của từ tencho trong tiếng Tạng [tiếng Phạn là shastra] là “chỉ ra và chuyển hóa.” Khi bạn được chỉ ra rõ ràng cách thức mọi thứ thực sự là, tâm bạn được chuyển hóa. Sự ngu dốt chuyển hóa thành giác tánh, tiêu cực thành tích cực. Vì thế, mục đích của tencho là chuyển hóa tinh tế tâm của đệ tử, và kết quả của tencho là bạn được bảo vệ khỏi những cõi thấp hơn.

Tencho được viết bởi các học giả. Về Luận, người ta nói rằng bảy bậc trưởng lão chứng ngộ từ truyền thống Tiểu thừa gặp nhau và biên soạn bản shastra đầu tiên, Chedrak Shedzo Chenmo. Để được phép biên soạn một shastra, học giả, ít nhất cần phải hiểu năm ngành khoa học chính và năm ngành phụ.

Năm ngành chính gồm nghệ thuật, y học, ngôn ngữ, logic và triết học nội tâm.

Năm ngành phụ gồm đồng nghĩa, toán học, biểu diễn, thơ ca và biên soạn.

Chỉ người hiểu những ngành này mới có thể biên soạn luận giải về giáo lý Phật Đà. Bên cạnh đó, để có thể biên soạn một bảnshastra, họ ít nhất phải chứng ngộ địa thứ nhất hay có thể giao tiếp với Bổn tôn, chẳng hạn Đức Văn Thù. Một cách lý tưởng, tác giả cần trực tiếp trải nghiệm dharmata, chân lý.

Có khoảng một trăm bản ka (Kangyur) bằng tiếng Tạng và khoảng hai trăm bản tencho (Tengyur). Tất cả các bản tencho được viết bởi các đại học giả, những bậc uyên bác mọi ngành khoa học chính và phụ.

3. TĂNG

Những bậc với ý định thiện lành

Những bậc nghiên cứu, quán chiếu và thiền định về giáo lý của Đức Phật, và ý định được đặt trên con đường Pháp và giác ngộ được gọi là Tăng [tiếng Tạng là gendun, tiếng Phạn là Sangha]. Từ Sanghanghĩa đen là “những bậc với ý định thiện lành.”

Có hai kiểu đức hạnh: đức hạnh hướng về các hành động trong thế giới này, và đức hạnh tuyệt đối của việc thành tựu Chánh giác.

Quy y Tam Bảo

Những người bình thường bị lạc trong sự chăm sóc và bảo vệ cái tôi và trong các cảm xúc phiền não. Dù đau đớn nào được gây ra bởi việc chăm sóc và bảo vệ cái tôi, đó là cách mà họ sống. Dù họ cố gắng nhiều lần, thái độ này không thể làm họ hạnh phúc hơn, và không giải thoát họ khỏi khổ đau.

Gần như không thể với người thường để hiểu được rằng khả năng của việc buông bỏ cái tôi và làm giảm khổ đau, căng thẳng và hận thù mà chúng ta cảm thấy bên trong, có thể xuất hiện. Nó như thể bạn chắc hẳn rất điên rồ khi đề xuất như vậy. Tuy nhiên, mặt khác, rất rõ ràng là việc nuôi dưỡng và bảo vệ cái tôi là nguồn gốc của mọi khổ đau.

Bởi vậy, con đường của bạn và con đường của chúng sinh thông thường trở nên khá khác biệt. Mặc dù bạn sống như một thành viên trong gia đình và chăm sóc từng thành viên, bạn vẫn nhận thấy bạn đang trở nên khác biệt với phần còn lại. Mặc dù bạn có thể kết hôn và đã thề sống với vợ/chồng, và mặc dù yêu thương và chăm sóc vẫn còn, bởi bạn làm việc với tâm, bạn sẽ nhận ra khoảng cách giữa bạn với vợ/chồng ngày càng lớn.

Sự tách biệt này không dựa trên kiểu thành kiến vào với bạn đời. Nó là kết quả của sự thấu suốt tăng lên mà bạn sở hữu như là kết quả của việc giải quyết vấn đề tâm. Trí tuệ bạn đang vun bồi nhìn ra không chỉ vấn đề của người khác mà còn cả vấn đề của bạn. Điều này liên quan đến việc nhìn ra cái khổ trong cuộc đời, và đâm thủng nguyên nhân của nó, thứ đang bám chấp vào cái tôi.

Chúng ta mong muốn làm việc với các vấn đề tâm lý và cảm xúc bằng cách áp dụng chánh Pháp. Vì thế, chúng ta nhận Đức Phật là người chỉ dẫn và Pháp là con đường, và chúng ta trở thành một phần của Tăng đoàn cao quý.

Mặc dù tình yêu thương, sự chăm sóc và từ bi giành cho người khác tăng lên, và chúng ta vẫn muốn có ích với người khác hơn nữa, con đường của ta trở nên rõ ràng hơn. Vì thế, chúng ta quy y Tam Bảo một cách đúng đắn hơn. Đây là mục đích của việc nghiên cứu và thực hành của chúng ta; quy y một cách đúng đắn, không phải chỉ là nghi lễ. Chúng ta không quy y chỉ để đi theo người khác, mà để phát triển mối quan hệ cá nhân với các đối tượng quy y. Một cách tương đối, chúng ta quy Phật là người chỉ đường, Pháp là con đường và Tăng là những người đồng hành. Một cách tuyệt đối, chỉ có một sự quy y duy nhất, đó là giác ngộ.

Trích: Nghiên cứu Phật học 1, Dzigar Kongtrul Rinpoche
Việt dịch: Nhóm Thuận Duyên.

 


[1] Mười hai hành động gồm: an trú trong Tushita, giáng sinh và nhập vào tử cung, chào đời, tinh thông nghệ thuật, tận hưởng phối ngẫu, từ bỏ thế giới, thực hành khổ hạnh, đạt đến điểm quan trọng của giác ngộ, chinh phục Ma vương, giác ngộ hoàn hảo, chuyển bánh xe giáo Pháp và thị hiện Niết Bàn cuối cùng. Xem Truyền thống Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, quyển II, trang 169, Dudjom Rinpoche.

[2] Các thế lực ma quỷ trong cõi địa ngục.

[3] Xem Kho tàng các phẩm tánh quý giá, Phụ lục 5.

[4] Bốn sự vô úy là (1) Vô úy trong kiến thức của tất thảy mọi vật; (2) Vô úy trong kiến thức của sự ngừng mọi lỗi lầm; (3) Vô úy để tuyên bố dứt khoát rằng các hiện tượng ngăn cản con đường không trở thành thứ gì khác; (4) Vô úy rằng con đường từ bỏ nhờ đó mọi đặc tính hoàn hảo sẽ đạt được, vừa được chứng ngộ.

 

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.