Phát Tâm Bồ Đề

IV. TÓM KẾT

Từ nay, quý vị có chịu phát tâm Bồ-đề chưa? Học Phật là để phát tâm Bồ-đề, để giác ngộ. Dù chưa giác ngộ bằng Phật nhưng cũng bắt đầu tiến lên. Nhiều kiếp xa xôi chúng ta mê quá nhiều, rồi đến đây còn không thấy đủ hay sao? Phải dừng lại để chuyển về tính giác, đâu thểù tiếp tục nữa. Ngay đây giác trở lại là vừa rồi, không còn hối tiếc gì nữa. Mỗi người hãy phát tâm Bồ-đề là vừa, hãy đi theo con đường giác ngộ, sáng suốt để tiến lên, chứ không thể đi theo con đường vô minh mê lầm mãi.

Khi hiểu rõ, Bồ-đề chính là ở ngay tâm mình, không ở đâu xa. Tâm có hiểu biết tức là có giác, là tính Bồ-đề sẵn trong đó. Vậy thì ai cũng có thể phát tâm Bồ-đề, không có phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn nhỏ, cũng không phân biệt chủng tộc, màu da. Không nói tâm này chỉ có ở người già hay người nam mới phát được. Ai cũng có thể phát hết, đó là một lẽ thật quý báu, vậy mà chúng ta không chịu khai thác sao? Bằng chứng hiện tại là có ông Sadi người Hungari phát tâm tu Phật, là chứng minh cụ thể ai cũng có thể phát tâm Bồ-đề.

Ngày xưa, thời Phật đệ tử của Ngài có đủ những người thuộc nhiều tầng lớp sang hèn khác nhau nhưng tất cả đều có thể chứng đạo được. Tỳ-kheo Vô Não trước kia là kẻ sát nhân, giết người rồi xâu lóng tay thành chuỗi để đeo, nhưng khi được Phật giáo hóa tu theo Phật cũng chứng quả A-la-hán. Còn có vị Tỳ-kheo Ni-đề xuất thân làm nghề hốt phân cũng được Phật độ chứng A-la-hán. Tỳ-kheo Châu-lợi Bàn-đặc là người ngu dốt, học hoài một bài kệ không thuộc, được Phật độ cũng chứng A-la-hán. Chúng ta bây giờ có dốt bằng ông Bàn-đặc không? Rõ ràng ai cũng sáng suốt nên đều phát tâm Bồ-đề được cả. Phát tâm Bồ-đề là phát triển lẽ thật, là chân lý bình đẳng với tất cả. Phát triển lý đó thì sống gần nhau hơn, phá tan mọi ranh giới của mình và người. Khi tình thương rộng lớn thì cuộc đời vui đẹp, sung sướng hơn. Mỗi người cần tha thiết cầu nguyện, mong cho ai chưa phát tâm Bồ-đề thì hãy phát tâm Bồ-đề, ai đã phát tâm Bồ-đề thì mong cho tâm Bồ-đề càng phát triển thêm lên thì cuộc đời này con người sẽ gần gũi hơn.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Đại Thông Trí Thắng” kể: khi Phật Đại Thông Trí Thắng thành Phật, Ngài phóng ánh sáng soi trên thấu các cõi trời ở khắp mười phương, dưới suốt đến cõi địa ngục. Các vị Phạm thiên phương Đông, Tây, Bắc xa xôi đều cảm nhận được ánh sáng của Phật chiếu đến cõi mình, lấy làm lạ nói: “Hôm nay ánh sáng rực rỡ hơn bình thường, nên cùng chung bàn luận”. Trong đó có vị Phạm thiên nói: “Ánh sáng này khác thường, chắc là Phật ra đời hay vị Thánh Nhân nào đã ra đời? Chúng ta phải nương theo ánh sáng tìm xem nó phát ra từ đâu?”. Rồi các vị theo ánh sáng đó được tìm gặp Phật Đại Thông Trí Thắng đang ngồi nơi đạo tràng, sắp thành Chánh Giác. Có mười sáu vị Vương tử đang thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Khi đó, chúng sanh ở các cõi bỗng nhiên thấy nhau, mới lấy làm lạ nói, lâu nay không thấy sao hôm nay lại thấy nhau, sao có chúng sanh nhiều vậy. Lúc đó không còn ranh giới cõi này cõi kia nữa. Khi tâm Bồ-đề phát ra như vậy, đúng là nó xoá tan những ranh giới của mình, của người. Cho nên gọi là không có ranh giới của kia đây, các cõi thông nhau thành một cõi. Còn mình bây giờ hai người ngồi kế bên nhau, mà có thấy nhau không? Hoặc có khi đi đụng mặt nhau mà không thấy nhau nữa, nhất là hai người có thành kiến với nhau! Bởi vì, mỗi người có thế giới riêng ở trong đầu cho nên cách biệt nhau. Tâm Bồ-đề mà phát chiếu soi rồi thì sẽ phá tan những ranh giới giữa ta và người. Thấy ai cũng có tánh giác Bồ-đề hết, mình có, người kia cũng có như mình, cùng cảm thông với nhau, không có phân biệt, ngăn cách. Thấy ai cũng là Phật sẽ thành, ai cũng là những vị Phật tương lai. Vậy càng học đạo thì chúng ta càng thấy vui thêm, tươi sáng thêm, cuộc sống tươi đẹp, gần gũi nhau thêm. Học đạo như vậy đúng nghĩa là học đạo.

Còn chúng ta học đạo càng lâu lại càng phiền não thêm là sao? Như thấy sao thầy đó, cô đó, học đạo càng lâu càng thấy khó thêm, làm cho người ta giảm niềm tin với Phật pháp. Chúng ta phải hiểu kỹ để tu hành đúng pháp, càng học đạo càng chuyển tâm khiến càng gần gũi mọi người thêm. Người học đạo mà có cuộc sống nội tâm, có đạo đức thì phát ra từ trường tốt. Mọi người ai cũng thích tới gần như vậy là tốt đẹp, nên càng phát triển tâm Bồ-đề nhiều chừng nào thì càng tốt chừng ấy.

Có một câu chuyện: Ở một vùng nọ của Tây Tạng, trước kia có ít người sinh sống. Thỉnh thoảng xảy ra những chuyện đấu tranh giữa các bộ lạc. Có vị Đại sư Tây Tạng đã chứng đạo, Ngài đến vùng này thiền định giữa các con đường vắng là chỗ tiếp giáp ranh giới giữa hai bộ lạc. Ngài bỗng cảm nhận được một năng lực hủy hoại như đang sắp bùng phát.

Đại sư quyết định đem tâm thức an tịnh của mình thể nhập vào các năng lực xấu đó xem sao? Ngài đốt lửa nấu trà để xem thử việc gì sắp xảy đến và rồi Ngài nằm ngay giữa đường đi, ai đi qua cũng phải bước qua thân Ngài.

Hai nhóm bộ lạc nghe tin bực tức, phái hai ba kỵ mã mang vũ khí tới để trừ diệt. Mấy vị kỵ mã thấy Ngài nằm như vậy, nhảy xuống ngựa bảo: “Ngươi là thằng điên hay bị ốm, làm cái gì mà nằm như vậy, bộ định truyền bệnh cho người khác hay sao?”. Lúc đó, vị Đại sư nằm thong thả, nheo con mắt, bằng tâm từ bi Ngài nói: “Đừng lo, các người sẽ không được truyền cái bệnh này đâu, ta đang ở trong tâm Bồ-đề tỉnh giác, mà tâm này không thể truyền cho các ngươi đâu!”. Nghe xong, họ tưởng Ngài điên khùng nên lắc đầu, lên ngựa đi mất.

Ngài nói bằng tâm từ bi tươi mát nên cảm đến ba người đó. Ban đầu, họ đến với thái độ bực bội định trừ khử, nhưng lại chuyển hóa dần. Sau đó, người ta truyền nhau một câu chuyện như là phép lạ, sự hiềm khích hàng chục năm giữa hai bộ lạc bỗng nhiên được hóa giải bằng một hiệp ước hoà bình. Người ta cũng kể rằng ba chàng kỵ mã đó được một lão già đắc đạo lây truyền tâm Bồ-đề, từ đó đi đâu họ cũng truyền cái tâm Bồ-đề cho mọi người. Sau này, trong những buổi giảng đạo cho số đông người, vị Đại sư Tây Tạng đã tuyên bố: “Theo ta thì không chừng Bồ-đề tâm cũng có thể lây truyền được. Mặc dù, ta phải thừa nhận triệu chứng của Bồ-đề tâm ít khi được phát ra trọn vẹn”. Ngài nói là nếu người tu đã chứng đạo phát tâm giác ngộ ra trọn vẹn thì ít nhiều cũng có thể lây truyền và phát triển tâm ấy đến người chung quanh. Đó cũng chính là tâm cảm thông, yêu thương khi nhận ra chính trái tim mình ở trong trái tim của mọi người.

Vì vậy, người học đạo, hiểu đạo phải khéo phát triển tâm Bồ-đề của mình để lây truyền cho mọi người, càng nhiều càng tốt. Và cuối cùng, vị Đại sư Tây Tạng chấm dứt bằng một lời nguyện: “Mong thay cho tâm Bồ-đề vô lượng sẽ được lây truyền cho mọi loài, không sót loài nào”. Nếu được như vậy thì đời sống mọi người sẽ phát triển, chuyển hóa theo hướng tốt đẹp. Mỗi người đều sống với tâm Bồ-đề sẽ chuyển đổi thế gian, cõi đời sẽ tươi sáng hơn, ngay đây sẽ chuyển hóa Ta-bà thành Tịnh Độ.

Trong kinh Pháp Hoa, khi tháp Phật Đa Bảo hiện ra, các đệ tử muốn thỉnh Phật Thích Ca mở cửa tháp Phật Đa Bảo để thấy chân thân của Phật. Phật Thích Ca nói: “Phật Đa Bảo có nguyện: “Sau này dù ở đâu nếu Đức Phật nào nói kinh Pháp Hoa thì tháp của Ngài hiện ra, và vị Phật nào muốn mở cửa tháp để thấy chân thân Phật thì phải thâu hồi tất cả các hóa Phật của Phật ấy khắp nơi về một chỗ””. Sau đó, Đức Phật Thích Ca thu hồi hết các hóa Phật của Ngài. Khi ấy, cõi Ta-bà được kết bằng lưu ly, dây vàng giăng ngang đường, trang nghiêm tốt đẹp. Đất đá lồi lõm, xấu xí đều được dời đi nơi khác v.v… trở thành Tịnh độ.

Có nghĩa là khi muốn mở cửa th báu để thấy Phật Đa Bảo, tức Phật pháp thân hay tính giác Bồ-đề thì phải thâu hồi tất cả hóa Phật đang đi giáo hóa về một chỗ, lúc đó sẽ sáng tỏ tháp Phật Đa Bảo hay sáng tỏ tánh giác Bồ-đề nơi mình, và khi ấy cảnh Ta-bà được chuyển thành Tịnh Độ. Những chúng sanh tham, sân, si, cống cao, ngã mạn v.v… bị di dời đi chỗ khác. Hội Pháp Hoa sẽ được thanh tịnh, sáng suốt. Ngay đó chính là cõi Phật. Nghe pháp với tâm thanh tịnh thì mình sẽ dự được pháp hội đó.

Vậy khi quý vị tụng kinh Pháp Hoa, quý vị có được dự trong hội Pháp Hoa không? Hay bị dời qua cõi khác? Chúng ta phải tụng với tâm thanh tịnh, sáng suốt để được dự trong hội Pháp Hoa, mới đúng nghĩa là tụng Pháp Hoa. Nếu tụng Pháp Hoa mà nghĩ chuyện buồn, vui, phiền não v.v… là bị dời đi cõi khác rồi. Nên hiểu rõ, sẽ thấy kinh Pháp Hoa nghĩa lý huyền diệu, sâu xa, đừng nghĩ rằng đó chỉ là chuyện của Phật không liên quan đến mình.

Phật nói kinh là nói cho chúng sanh chứ đâu phải nói cho Phật, mà nói cho chúng sanh là nói cho ai? Cho chính chúng ta. Vậy là có phần của chúng ta trong đó. Nếu đọc tụng kinh theo chữ nghĩa, không hiểu nghĩa kinh thì sẽ thấy kinh xa, cách biệt. Khi hiểu rồi thì đúng là Phật dạy cho chính mình, lúc đó mình càng cảm nhận sâu ý nghĩa trong kinh, niềm tin càng vững. Sẽ cởi mở rất nhiều tình chấp, mê lầm. Như vậy mới đúng nghĩa càng học, càng tụng kinh trí tuệ càng thêm sáng suốt, công đức lớn thêm. Nếu tâm sáng suốt, trang nghiêm thì dù ở xa cũng như ở gần Phật, dự được trong hội Phật, mặc dù mình cách Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ. Còn tâm mình không thanh tịnh, có đối diện với Phật cũng xa, cũng bị dời đi chỗ khác. Do đó tất cả đều từ tâm tịnh hay không thanh tịnh.

Quý vị nhớ trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa, trong hội có năm nghìn vị Tỳ-kheo đứng dậy bỏ đi. Như vậy, có nghĩa là đang đối diện với Phật mà đâu có thấy Phật. Hiểu được ý nghĩa rồi thì thấy học Phật, tu Phật không xa lắm mà ở nơi ngay chính mình. Chỉ cần chuyển từ cái nhìn mê lầm thành cái nhìn giác ngộ, trí tuệ. Tu là chuyển cái nhìn, thay đổi cái nhìn thì cuộc đời mình thay đổi theo.

Trong nhà Thiền có câu chuyện bà già hay khóc: Bà già có hai con người con gái, một người bán quạt, một người bán áo mưa. Mỗi khi trời nắng bà nghĩ tới người bán áo mưa chắc bán ít được nên bà khóc thương cho đứa con gái đó. Còn khi trời mưa bà nghĩ tới người con gái bán quạt, chắc bán không được nên bà thương con mà khóc.

Bà đến gặp Thiền sư thưa: “Làm sao để bà có thể chuyển được cái khổ này?”.

Thiền sư nói: “Đơn giản thôi! Bà chỉ cần chuyển cái nhìn là được, khi trời mưa thay vì bà nhớ người con bán quạt, bà nhớ người con bán áo mưa, hôm nay chắc nó sẽ bán được nhiều, bà vui thôi. Còn trời nắng bà nhớ tới người con bán quạt là hôm nay nó bán đắt. Vậy là bà vui thôi!”.

Bà về thực hành đúng vậy, trở thành thường xuyên vui vẻ, nên được gọi là “Bà già hay cười”. Cũng vậy, nếu khéo chuyển cái nhìn thì vui buồn cũng theo đó mà thay đổi.

Có thiền sư đang đi trên đường gặp một cô gái nhảy xuống sông tự tử, Ngài kêu la gọi mọi người cứu cô gái. Sau khi được cứu lên, cô gái trách vị thiền sư sao cứu cô làm chi trong khi cô đang muốn chết, muốn thoát khỏi cuộc đời đau khổ.

Thiền sư hỏi cô gái: “Tại sao?”

Cô gái kể về cuộc đời cô toàn gặp những thất vọng, đau khổ, chỉ có tìm cái chết để an ủi.

Thiền sư giải thích: “Con người có hai mạng sống: một mạng sống cho chính mình, một mạng sống cho mọi người. Lâu nay cô sống cho cái mạng sống của chính mình, bị xúc phạm có nhiều cái không được như ý, nên cô muốn huỷ hoại mạng sống. Bây giờ cô hãy coi như mạng sống đó đã chết, chuyển nó thành mạng sống cho mọi người, không còn mạngg sống ích kỷ nữa. Cô hãy sống thật tốt đẹp vì mọi người, đem lại những điều phúc lành cho mọi người, làm được như vậy cuộc đời cô sẽ chuyển đổi”.

Cô gái về và thực hiện sống quên mình đúng như lời dạy, đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người, nên quên đau khổ của mình, lâu ngày cuộc đời cô tươi sáng hơn.

Như vậy, rõ ràng chỉ cần khéo tu, chuyển cái nhìn là cuộc đời sẽ được thay đổi, sẽ tốt đẹp. Tức là, tùy theo cái nhìn, cái nhìn theo phiền não, đau khổ sẽ gây phiền luỵ cho mình; còn cái nhìn trong sáng, cởi mở thì đem lại nhiều an vui.

Nhà Thiền có câu chuyện giữa Thiền sư Phật Ấn với ông Tô Đông Pha. Một lần, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn gặp và cùng ngồi thiền với Thiền sư Phật Ấn. Sau buổi ngồi thiền ông hỏi ngài Phật Ấn:

– Hôm nay, thầy thấy tôi ngồi thiền thế nào?

Ngài Phật Ấn nói:

Hôm nay ông ngồi giống như vị Phật.

Và hỏi lại Tô Đông Pha:

– Hôm nay, ông thấy tôi ngồi thế nào?

Lâu nay, khi đối đáp với Ngài Phật Ấn ông luôn thua, hôm nay được dịp ngài Phật Ấn hỏi nên ông nói:

– Giống như đống phân bò.

Ngài Phật Ấn nghe xong rồi im lặng cười. Tô Đông Pha nghĩ rằng Ngài Phật Ấn thua nên không nói thêm nữa.

Tô Đông Pha ra về, kể lại câu chuyện cho cô em gái, cô em gái này cũng là người học thiền và khá thông minh. Nghe xong câu chuyện, cô trầm ngâm một hồi rồi nói:

– Anh thua Ngài Phật Ấn rồi!

Tô Đông Pha hỏi:

– Thua chỗ nào?

Cô nói:

– Tâm của ngài Phật Ấn giống như Phật nên nhìn anh như Phật, còn tâm anh như đống phân bò nên nhìn ngài Phật Ấn như đống phân bò!

Cho nên, nếu tâm mình xấu thì mình thấy người xấu, cuộc đời xấu. Tâm mình tốt thì nghĩ người tốt, cuộc đời tốt. Khi tâm người phiền não mà ai tới làm phiền thì tự nhiên lửa sân bừng lên. Tâm mà vui vẻ, lạc quan thì người có muốn làm mình giận cũng không làm được.

Vậy tu Phật có khó không? Không khó. Chỉ cần nhìn theo tâm Phật, tâm Bồ-đề thì cuộc đời sẽ chuyển hóa tốt đẹp. Mong sao, từ nay quý Phật tử khi được lây truyền tâm Bồ-đề rồi chuyển cái nhìn, tiếp tục lây truyền tâm Bồ-đề cho mọi người để cuộc đời ngày càng sáng sủa, tươi đẹp hơn, chuyển Ta-bà thành Tịnh Độ.

Thích Thông Phương

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.