Phương Trời Cao Rộng – Chương 1 – 3

CHƯƠNG HAI

Cách nhà tôi hai căn là ngôi chùa sư nữ Vạn Thạnh. Tôi và bầy em bốn đứa cũng thường đến chùa tụng kinh Pháp Hoa vào mỗi tối. Từ lúc nảy ý muốn xuất gia, tôi càng đến chùa thường xuyên hơn. Tôi đến vào buổi sáng sớm để giúp các sư cô lau chánh điện, quét sân. Rồi mỗi tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, từ sáu đến bảy giờ, tôi lại được sư cô trụ trì cho tham dự lớp học giáo lý dành riêng cho các tiểu ni. Lớp học vỏn vẹn có mười người mà chỉ mình tôi là con trai, lại là tục khách. Vậy mà cuối tháng cộng sổ điểm, tôi được xếp hạng nhất. Sư cô trụ trì lấy đó làm buồn, rầy la các tiểu ni sao học dở để cho tôi là người ngoài chùa vào lại đứng đầu. Các tiểu ni lớn tuổi hơn tôi có hai cô cỡ mười sáu, mười bảy tuổi đã cạo nhẵn tóc, chít khăn rồi thì chỉ cười cười, không tỏ vẻ gì là tự ái. Một cô còn khuyến khích tôi học giỏi để sau này đi tu dễ được chấp nhận. Riêng các tiểu ni cùng lứa hoặc lớn hơn tôi chừng một, hai tuổi thì lại đố kỵ, đâm ghét tôi, cho rằng vì tôi mà các cô bị la. Cũng không trách các tiểu ni này được vì dù sao các tiểu ni này tuy đã mặc đồ tu nhưng vẫn chưa được cạo tóc (chắc là mới đi tu). Chỉ có tiểu ni nhỏ nhất chùa, đâu khoảng tám, chín tuổi (trong chùa thường gọi là Bé, pháp danh Diệu Nguyên, chẳng rõ tên thật là gì) là tiểu ni duy nhất được cạo tóc, để một cái chóp dài vắt qua vành tai (nghe đâu đi tu đã lâu, từ lúc bốn, năm tuổi) là hồn nhiên vui vẻ, có gì chưa hiểu cũng hỏi tôi, coi như chuyện tôi hơn cô ấy là thường vì ở ngoài, tôi học lớp cao hơn, mà tuổi đời tôi cũng lớn hơn nữa. Thấy sự có mặt của mình làm cái gai cho các tiểu ni kia, khiến lớp học mất hòa khí, tôi xin nghỉ học. Nhưng tôi vẫn đến chùa thường xuyên để tụng kinh Pháp Hoa mỗi tối hoặc có mặt tại chùa mỗi cuối tuần để tổng vệ sinh (chùi rửa kỹ lưỡng ngoài sân cũng như trong chánh điện và các dãy phòng). Cái tế nhị không muốn mất lòng người khác không hiểu đuợc tôi học từ đâu mà đã biết áp dụng từ lúc đó. Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau khi tôi thôi học giáo lý, các tiểu ni đã vui vẻ trở lại với tôi. Buổi tối, chúng tôi cùng ngồi hai hàng dọc ở dưới thấp (các sư cô lớn ngồi ở bục trên sát bàn Phật) tụng kinh Pháp Hoa, hồn nhiên như những chim non.

Nếu tôi là một cậu bé bốn, năm tuổi, có lẽ tôi được khuyến khích xuất gia ở chùa sư nữ này rồi. Một số các chùa sư nữ đã nhận cho xuất gia những bé trai nhỏ như vậy, nuôi đến tuổi mười hai, mười ba thì đem gởi ở chùa tăng của quý thầy. Nhưng tôi không thích vậy. Từ khi thường xuyên đến chùa sư nữ, tôi chưa hề có ý niệm là xin xuất gia ở đây. Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất, đây là chùa dành cho phái nữ. Thứ hai, nếu “tu tạm” ở đây một thời gian rồi chuyển qua chùa sư tăng thì tôi cũng đã quá lứa để được nhận rồi (lúc này tôi đã được mười một tuổi). Thứ ba, chùa gần nhà quá. Thứ tư, chùa nhỏ mà gần nơi thị tứ quá. Khi nghĩ đến chuyện xuất gia, tôi luôn phóng sẵn trong đầu mình một ngôi chùa rộng, khoảng khoát, có cây đa hay cây bồ đề thật to, tọa lạc trên núi cao, tách hẳn với thế tục.

Các sư cô lớn và các tiểu ni ở đây đều biết hoặc nghe nói tôi có ý định xuất gia nhưng không ai biết là tôi bị gia đình ngăn cản. Các tiểu ni thì vui vẻ coi tôi như bạn đạo (ít ra cũng đã từng bạn học cùng lớp) hay như người trong chùa, có chuyện gì tiến bộ hay khó khăn trong việc tu học cũng kể cho tôi nghe. Nhưng tôi chỉ lắng nghe, đôi khi góp ý với các tiểu ni mà chính tôi vẫn có nỗi niềm riêng tư còn phong kín cho riêng mình, chẳng biết bộc lộ với ai.

Nhắm số tiền để dành đã đủ cho một chuyến xe đò đi xa, trưa hôm đó tôi đến chùa sư nữ xin một cuốn kinh nhật tụng. Nhưng chùa hiếm kinh quá, mỗi tiểu ni chỉ được một cuốn, không ai có dư mà cho tôi. Các tiểu ni bảo tôi hãy lên xin sư cô trụ trì. Tôi ngại, không dám vì đang giờ nghỉ trưa, sư cô đã đóng cửa phòng. Tôi còn tần ngần đứng ở phòng khách chưa biết làm sao để có một cuốn kinh thì một tiểu ni đến gần, tìm hiểu, hỏi tôi đủ chuyện. Tiểu ni này lớn hơn tôi vài tuổi, tên là Su (hay Xu gì đó). Tôi vẫn thường gọi bằng chị Su.

“Chiều tối đến xin cũng được chứ chờ chi cho mệt. Bộ gấp lắm hả?”

Tôi đáp:

“Dạ, phải nội trong trưa nay.”

“Bộ đi tu hay sao mà đòi xin kinh? Mà nếu đi tu thì tu chùa nào chùa đó sẽ cho mình kinh chớ, lo gì phải có trước!”

“Em muốn có kinh để lo học cho thuộc trước khi vào chùa chị Su à!”

“Vậy thì chiều đến xin kinh sư cô, xong nhờ sư cô chỉ cho biết kinh nào cần học trước, gấp gáp gì dữ vậy!”

Tôi nóng ruột quá đành nói thật:

“Em tính trốn nhà đi tu, chị Su à! Chị đừng nói ai biết nghe, chút nữa em về nhà lấy đồ xong là đi luôn, cho nên em mới xin kinh đó chứ.”

Chị Su nghe nói giật mình, nhưng cũng tận tình giúp đỡ tôi chứ không có ý can ngăn gì. Chị nói trong tủ kinh có một cuốn kinh rách nát, thiếu một số trang nhưng các kinh quan trọng cũng còn đầy đủ không bị mất trang nào. Tôi mừng rỡ xin chị lấy dùm cho cuốn kinh rách đó. Chị ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Cuốn kinh đó không phải của chị. Chị thấy trong tủ kinh trên bàn thờ Phật. Chắc là bỏ rồi, nhưng… cũng đâu được quyền lấy ngang như vậy, phạm giới ăn cắp đó!”

Tôi năn nỉ:

“Chị lấy đi rồi đổ hô em ăn cắp cũng được. Ăn cắp gì chứ ăn cắp kinh để tụng đọc thì đâu có sao!”

Chị Su xì một tiếng:

“Em lấy kinh đi mất tiêu rồi thì chị ở đây chịu thôi chứ đổ hô với ai bây giờ.”

“Chắc chị lấy kinh đó cũng chẳng ai biết đâu, kinh hư rách rồi mà!”

“Biết là vậy nhưng cũng thấy làm sao ấy, sợ mang tội quá à!”

“Chị lên lạy Phật trước, thưa với Ngài là chị lấy kinh cho em để em học mà xuất gia. Như vậy đâu có mang tội gì chứ!”

Chị Su cười rồi bảo tôi đứng ngoài hiên phòng khách chờ. Chị lên chánh điện một lúc, trở ra, dúi cuốn kinh rách vào tay tôi, bảo giấu đi. Tôi nhét vào bụng. Chị la lên:

“Mô Phật, kinh mà nhét vô bụng vậy đó!”

“Chứ giấu ở đâu bây giờ?”

“Thôi, thôi, cầm tay cũng được, em đi mau đi.”

Tôi cám ơn chị rồi đi nhanh. Chị ngó theo một lúc rồi bước theo, tiễn tôi ra cổng. Tôi dặn chị đừng nói cho ai biết tôi bỏ nhà đi tu. Chị nói:

“Chị hứa không nói ai đâu. Em đi may mắn nghe. Sau này có thành Phật thì nhớ độ chị với nghe.”

Tôi cười rồi vụt chạy về nhà.

Giờ này, ba tôi và các anh chị lớn đã đi làm, đi học. Mấy đứa em nhỏ của tôi đến trường buổi sáng, bây giờ đang chơi trước sân. Mẹ tôi ngồi viết gì đó ở phòng khách. Tôi vờ lấy tập học ra học, nhưng thực ra là viết thư để lại cho gia đình.

“Ba Me thương kính,

Con viết lá thư này để ba me đừng lo lắng cho con. Con đi tu một nơi xa, không ở nhà nữa. Ba me đừng tìm con.”

Thư viết ngắn gọn như vậy. Phần tái bút có thêm một câu “có ngày con sẽ về thăm ba me và các em con”. Thăm ba mẹ và các em thôi chứ không đá động gì đến các anh chị, vì ngay lúc viết thư, nhìn ra sân chỉ thấy bầy em chơi đùa chứ có thấy ai khác. Nhìn em út mà lòng tự dưng thắt lại, nước mắt trào ra. Chính lúc ấy mới biết rằng mình thương em cho nên mới thêm là “sẽ về thăm ba me và các em con”. Trên phần tái bút, chỗ ký tên, tôi đề mấy chữ “con bất hiếu của ba me”. Dòng chữ nghe kiểu cách, không biết tôi đã học từ đâu, vào lúc nào. Nhưng bây giờ đem ra áp dụng cho trường hợp ra đi lén lút này, nó khiến tôi nghẹn ngào không sao ngăn được nước mắt.

Viết xong tôi xếp lá thư, không phong bì, đem vào ngăn tủ quần áo và sách vở của mình, đặt nó trên cuốn tập ở trên cùng. Rồi tôi soạn áo quần, mặc vào người hai lớp áo hai lớp quần để khi đi không cần phải mang hành lý. Một áo thun và một quần sọt ở trong, một áo sơ mi và một quần dài ở ngoài. Trời Nha Trang lúc đó đã gần tàn xuân, hơi nóng, nhưng phải chịu vậy thôi. Trong túi tôi có khoảng một trăm năm chục đồng. Một số tiền khá nhiều mà chỉ quyết tâm để dành mới có nổi. Tôi dắt theo một cây bút máy. Cầm theo mấy cuốn tập để ai trong nhà có thấy tưởng tôi đi học. Cuốn kinh rách thì cứ nhét vào bụng mặc dù chị Su lúc nãy đã rầy là không nên. Xong, tôi lau nước mắt kỹ lưỡng rồi đến bên mẹ, hôn bà một cái nơi má.

“Đi học hở con?” mẹ tôi hỏi mà không ngước mặt lên.

Tôi “dạ” nhỏ một tiếng rồi đi nhanh. Có lẽ mẹ tôi có nhìn phớt tôi một cái, lại tiếp tục viết nên không biết nước mắt tôi rơi như mưa. Ra sân, tôi không dám nhìn bầy em mình lần cuối. Những lần trốn nhà trước tôi không hề khóc. Tôi không ngờ lần này quyết tâm ra đi mà lòng tôi lại thấy đau như cắt. Ra khỏi nhà, đi một khoảng khá xa, tôi mới dám quay đầu nhìn lại ngôi nhà thân yêu lần cuối. Đến gần bến xe đò, tôi vứt mấy cuốn tập học vào thùng rác của bến xe. Chưa lúc nào trong đời tôi thấy hả hê bằng lúc vứt bỏ sách vở này. Tôi thấy tôi đã có thẩm quyền, đã có tự do quyết định sự chọn lựa cuộc sống của tôi. Tôi bước lên xe tìm một chỗ ngồi.

Tuyến xe đò Nha Trang – Ba Ngòi tôi đã từng đi với mẹ nhiều lần để thăm bà Vú và thỉnh thoảng đến dự lễ tại chùa Quận hội ở Đá Bạc nên lần đi này dù là đi xa, tôi cũng không thấy bỡ ngỡ hay sợ hãi gì. Trái lại, tôi còn thấy sung sướng nữa đằng khác. Có lẽ giây phút sung sướng nhất của một con chim non là khi nó bắt đầu biết bay. Tôi chọn ghế gần cửa sổ để có thể ngắm cảnh trên đường đi. Tài xế đến thâu tiền, tôi móc tiền ra trả một cách “người lớn”. Tiền vé là sáu chục đồng, mất một nửa số tiền tôi mang theo. Nhưng không sao, tôi nghĩ bụng. Nếu một chùa nào có nhận cho tôi xuất gia thì còn bao nhiêu tiền tôi cũng vứt hết cho những người ăn xin hay ai đó ngoài đường lượm cũng được. Ở chùa đâu cần xài tiền!

Chuyến xe khởi hành đâu khoảng hai giờ trưa. Tạm biệt Nha Trang. Tạm biệt bãi biển hiền hòa tuyệt đẹp. Tạm biệt trường Sinh Trung, ngôi trường cũ thời tiểu học, ngôi trường mà tôi trải qua năm năm ở đó vẫn không thấy chán. Tạm biệt những đường phố với những vỉa hè tôi thường lang thang. Tạm biệt chùa Tỉnh Hội với Kim Thân Phật Tổ. Tạm biệt chùa Hải Đức với những vị sư hiền lành treo võng đọc sách. Xe lao nhanh về hướng Thành, bỏ thành phố Nha Trang lại phía sau. Qua khỏi Thành (Diên Khánh) thì hai bên đường toàn những núi là núi. Tôi nhìn chăm chăm lên những ngọn núi cao, ước ao có một ngôi chùa trên đó. Nếu mai này đã trở thành một chú tiểu ở chùa rồi, tôi sẽ viết thư về cho ba mẹ biết tin. Chắc lúc đó ba mẹ tôi không còn buồn lo nữa mà sẽ vui lòng để tôi xuất gia theo ý nguyện của tôi. Ba mẹ và anh chị em tôi sẽ tìm đến chùa thăm tôi.

Đang lan man suy nghĩ thì xe từ từ vào bến. Chắc cũng khoảng bốn năm giờ chiều. Tôi hăm hở xuống xe, tìm đường ra quốc lộ rồi hướng về phía Ba Ngòi, nơi tôi tin là sẽ có một vài ngôi chùa đâu đó gần ngã ba Đá Bạc. Bất cứ ngôi chùa nào cũng có thể vào mà xin đi tu được, tôi nghĩ vậy. Định bụng rằng nếu không tìm được chùa nào trên quốc lộ này, hoặc có chùa mà không được phép sư trụ trì cho xuất gia, tôi sẽ đến nhà bà vú nuôi mà tá túc, sau đó nhờ bà vú nhận làm con để xin phép cho mình xuất gia. Kế hoạch trốn nhà đi tu của tôi lúc đó “quy mô” như vậy.

Đi bộ bốn, năm cây số rồi mà tôi chẳng thấy ngôi chùa nào cả. Tôi nhớ rõ ràng những lần đi chung với mẹ, xe lam chạy ngang khoảng này, có một ngôi chùa nằm phía bên trái như vầy. Vậy mà bây giờ đi bộ hoài hủy, vả mồ hôi, ướt dầm cái áo thun bên trong, vẫn chẳng thấy tăm dạng một ngôi chùa nào. Mệt quá tôi ghé vào một quán nước mía, kêu một ly lớn. Vẫn còn sang! Chưa học được tánh cần kiệm. Rồi tôi hỏi chị bán nước mía:

“Chị à, ở gần đây có một ngôi chùa, sao em đi hoài chẳng thấy, chị biết ở đâu không?”

“Làm chi có chùa ở gần đây em. Chị nhớ có chùa nhưng ở xa lắm, phải đi xe đò hay xe lam mới tới được. Mà chị cũng chẳng biết đường đâu. Em hỏi người khác đi.”

Hỏi xong, tôi trả tiền rồi lầm lũi bước tiếp. Chẳng muốn hỏi ai. Mình tự do rồi, đi bộ cho tới lúc nào gặp chùa cũng được, đâu có sợ trời tối hay trời sáng. Vậy đó, cứng đầu cứng cổ, cứ cho rằng phải có một ngôi chùa ở trên quốc lộ này, nằm phía bên trái, nên đi hoài, đi hoài cho tới khi trời tối dần. Trong lòng bắt đầu thấy lo sợ. Ở Nha Trang còn biết chỗ này chỗ nọ, không vào chùa thì lẻn vào trường học mà ngủ hoặc đến nhà bạn bè, thiếu gì. Còn ở đây là Ba Ngòi, chỉ biết có nhà bà vú nuôi. Nhà bà vú phải đi ngược chiều lại. Ba Ngòi là vùng quê, chỉ có một khoảng ở gần nhà bà vú tức ngã ba Đá Bạc là được tạm coi như phố thôi. Mà nhà quê thì ghê lắm. Nhà cửa thưa thớt, nào ma, nào Việt cộng, làm sao dám ngủ bậy ngoài vỉa hè. Cũng chẳng có vỉa hè đâu mà ngủ. Nhà nào nhà nấy nằm thụt vào trong, có vườn, có rào, có chó dữ, ai mà vô ngủ ké được. Tôi đã bắt đầu thấy chùn bước. May sao thấy một cái chùa lờ mờ trong bóng đêm. Đúng rồi, đây là cái chùa nằm phía bên trái quốc lộ mà tôi đang tìm kiếm. Tôi mừng quá bước vội vào cổng lớn. Băng qua một khoảnh sân nhỏ, hai bên có trồng dăm ba chậu kiểng, nhưng cửa chùa đóng im ỉm. Chỉ có cửa sổ phía trước là hơi hé ra một chút. Tôi gõ cửa mấy cái rồi đứng chờ một chặp. Thấy bên trong không động tĩnh gì, tôi mới kéo cánh cửa sổ để nhìn vào. Bên trong tối hù. Chỉ ở bàn thờ giữa là có một cây đèn dầu leo lét không soi nổi tượng thờ ngự ở sâu phía trong, sau những bình bông và cỗ bồng trên bàn. Tự dưng thấy rùng mình. Nghĩ rằng đây là một ngôi chùa hoang, định bụng quay lui thì đụng phải một ông già từ đâu bước tới ngó bộ như muốn túm lấy cổ mình. Tôi mới buột miệng la “ớ” một tiếng thì ông già đã lớn tiếng:

“Thằng nhỏ này làm gì ở đây mậy? Tính ăn trộm hả? Đây là đình miếu có cái khỉ gì đâu mà ăn trộm hả mậy?”

Tôi vội đáp nhanh:

“Dạ đâu có. Con tưởng đây là chùa nên mới vào…”

“Vậy mày ở đâu tới chứ đâu phải dân ở đây phải không?”

“Dạ, con ở Nha Trang.”

“Kiếm chùa làm gì?”

“Dạ, xin đi tu,” tôi phải trả lời rõ ràng như vậy chứ úp úp mở mở thì bị nghi oan là ăn trộm.

“Đi tu?” ông già vừa hỏi vừa nhìn kỹ lại tôi trong bóng tối nhờ nhờ. Chắc thấy tôi ăn mặc cũng khá tươm tất, ra vẻ con nhà chứ không phải dân bụi đời, ông đổi giọng:

“Con muốn đi tu thật hả? Thất tình hay sao mà đi tu vậy?”

Tôi chưa biết trả lời sao thì ông cười nói tiếp:

“Giỡn chơi vậy thôi chứ con đi tu được là tốt đó chớ, nhưng cha mẹ đâu không dẫn đi, lại đi tìm chùa giữa đêm hôm như vậy?”

“Dạ… con muốn đi tu… nhưng…”

“Ba má không cho phải không? Phải rồi, đi tu cực khổ lắm con à. Còn nhỏ xíu như vầy sao không lo ở nhà vui chơi mà đi tu làm gì con! Mà con có muốn trốn nhà đi tu cũng chẳng được đâu, chùa đâu có nhận.

“Sao vậy bác?”

“À, thì cái luật nó như vậy. Đây là cái đình làng, bác ở đây trông coi, bây giờ con muốn xin ở đây với bác, bác cũng đâu dám nhận. Suy ra ở chùa cũng vậy thôi. Con nít con nôi đi đâu, ở đâu cũng phải có phép của cha mẹ chớ.”

“Vậy…” tôi nói đến đó thì rơm rớm nước mắt, chẳng biết tính đường nào nữa. Ông già thấy tội nghiệp nói:

“Bây giờ đón xe về lại Nha Trang cũng còn kịp. Nếu hết xe thì trở lại đây, ngủ với bác một đêm rồi mai hãy tính.”

Tôi dạ một tiếng rồi cám ơn ông già, lật đật quay đi. Ngược về hướng bến xe. Nhưng tôi không đến bến xe. Tôi tìm đến nhà bà vú.

 

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.