Phương Trời Cao Rộng – Chương 1 – 3

CHƯƠNG BA

Công việc đầu tiên của tôi trong ngày đó là xin phép mẹ qua chùa sư nữ Vạn Thạnh để thăm các sư cô và các tiểu ni, đồng thời là để báo tin mừng xuất gia của mình. Tôi mang theo cuốn kinh nhật tụng rách để trả lại cho chùa, dự định thú thật rằng chính mình đã ăn cắp cuốn kinh đó, xin sám hối các sư cô chứ không đá động gì đến “công lao” của chị Su.

Sau khi tôi trốn đi, gia đình tôi có qua chùa tìm và nhờ các sư cô tìm giúp. Vì vậy, các sư cô đều biết chuyện trốn nhà của tôi. Nay thấy tôi về, ai cũng mừng, xúm lại hỏi han như người trong nhà. Quả vậy, tự dưng tôi thấy thân mật với chùa, dù đây là chùa sư nữ. Các sư cô, các tiểu ni, bỗng trở thành những bà con, những chị em thân thiết.

Ngày hôm đó, tôi ở lại thọ trai tại chùa. Tôi cũng được sư cô Huệ Tín hướng dẫn học kinh. Cô cho tôi một cuốn kinh nhật tụng mới. Chiều, tôi theo các tiểu ni tụng thời công phu. Tối, tôi theo các sư cô tụng kinh Pháp Hoa. Sau thời kinh tối này tôi mới về nhà tắm rửa và ngủ. Sáng sớm, tôi lại qua chùa để làm công tác quét dọn y như các tiểu ni ở chùa.

Trong khi đó, mẹ tôi đang lo chuẩn bị mọi thứ cho tôi để chờ ngày xuất gia. Bà mua vải lam để may đồ vạt khách cho tôi. Rồi bà đưa tôi ra phố chợ để chọn lựa mua va-li và đồ đạc cá nhân linh tinh. Nhưng mẹ tôi vẫn chưa quyết định là sẽ cho tôi xuất gia ở đâu. Nha Trang và các quận lỵ lân cận có rất nhiều chùa. Mẹ tôi chưa biết là chùa nào, thầy nào sẽ thích hợp cho tôi đến cầu việc xuất gia học đạo. Mẹ tôi rất tinh tế trong giao tiếp nên chuyện sắp xếp cho tôi xuất gia bà cũng cân nhắc kỹ lưỡng lắm. Một phần bà muốn tôi xuất gia gặp được chùa tốt, thầy tốt để tiến tu lâu dài, thành tựu ước nguyện xuất gia cao đẹp; phần khác, bà sợ ý nguyện xuất gia của tôi chỉ là một ước muốn bốc đồng, nếu cứ lo “chọn mặt gởi vàng” mà rồi cuối cùng chính tôi lại chịu khổ không nổi đòi về nhà thì mất mặt gia đình. Mẹ tôi cứ phân vân mãi chuyện chọn chùa, chọn thầy. Cuối cùng, bà lựa một ngày tốt trời, dẫn tôi đi thăm vài chùa ở vùng quê cách Nha Trang từ năm đến mười cây số. Chiều về đến nhà, mẹ gọi tôi đến nói chuyện riêng:

“Sáng giờ đi mấy chùa rồi, con thấy sao? Con thích chùa nào nhất? Me thấy chùa thầy Như Pháp ở Suối Hiệp hay chùa Diên Thọ ở Diên Khánh đều tốt cho con vì quý thầy ở mấy chùa này rất hiền, không quá nghiêm khắc và đánh phạt mấy chú tiểu như ở một số chùa khác. Ở Phật Học Viện Sơ đẳng Linh Sơn con thấy đó, gần một trăm chú tiểu, sống theo nếp sống tập thể, kỷ luật gắt gao, y như trại lính. Quý thầy đánh phạt dữ lắm mới giữ được trật tự. Mấy chỗ như vậy e không hợp với con. Con nghĩ sao nói me nghe để me tính.”

Mẹ vừa dứt lời là tôi trả lời ngay:

“Con thích đi tu ở chùa Hải Đức.”

Mẹ tôi giật mình nói:

“Í, không được đâu. Chùa Hải Đức là Phật học viện Trung đẳng dành cho mấy chú, các thầy lớn, con có vào đó cũng chỉ ở tạm một thời gian rồi chuyển qua Phật học viện Sơ đẳng Linh Sơn ở Cầu Dứa thôi. Mà trên chùa Hải Đức có thầy Phước Châu nổi tiếng đánh điệu ghê lắm. Còn thầy Hải Tuệ nói đùa cười cười, chớ nghiêm khắc khó chịu ai cũng kiêng sợ. Thầy Hải Tuệ còn nọc cả quý thầy, quý chú lớn ra mà đánh nữa chứ kể gì mấy điệu nhỏ! Thầy còn làm giám viện ở Phật học viện Linh Sơn, các điệu ở đó bị thầy Hải Tuệ đánh đòn đau không dám khóc. Thôi, con ở chùa của thầy Như Pháp là tốt hơn hết đó.”

“Điệu là gì vậy me?”

“Là mấy chú tiểu đó. Ở ngoài Huế gọi chú tiểu là điệu.”

Tôi hỏi cho biết vậy, xong, suy nghĩ một lúc rồi cũng cương quyết giữ lấy ý kiến của mình, trả lời rất gọn:

“Me cứ cho con lên chùa Hải Đức đi. Con thích tu ở chùa khó chứ không thích tu chùa dễ.”

Mẹ nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Bà biết tôi nói thật. Và đến lúc đó bà mới hiểu phần nào chí hướng của tôi. Không phải tôi bốc đồng. Tôi đã xin xuất gia với một chí hướng rõ rệt, có suy nghĩ, có đắn đo, chọn lựa trước hẳn hoi. Mẹ xoa đầu tôi, nói:

“Nếu con đã sắp sẵn ý định như vậy thì me cho con lên chùa Hải Đức với thầy Hải Tuệ. Hay con muốn quy y thầy nào khác?”

“Dạ thầy Hải Tuệ.”

Vậy là mẹ tôi lên chùa Hải Đức thưa chuyện với thầy Hải Tuệ trước. Không hiểu thầy và mẹ tôi đã bàn gì về chuyện xuất gia của tôi mà khi mẹ về, tôi đón hỏi thì bà chỉ nói rất ngắn:

“Thầy đồng ý nhận con làm đệ tử xuất gia, nhưng thầy bảo con học thuộc trước hai thời kinh: công phu chiều và công phu khuya. Thuộc rồi thì cho thầy biết để thầy chọn ngày có đông đủ quý hòa thượng cao đức chứng minh cho ngày con nhập tự xuất gia.”

Nghe vậy tôi mừng rỡ vô cùng, nói với mẹ:

“Con đã thuộc thời kinh công phu chiều và một nửa thời kinh công phu khuya rồi. Chắc trong vòng tuần lễ hay nửa tháng nữa là con thuộc hết hai thời kinh công phu đó me.”

Mẹ nhìn tôi, đôi mắt bà lúc ấy sao khó hiểu quá. Bà có mừng chứ chẳng phải không, nhưng trên nét mặt bà, tôi cũng thoáng nhận ra vẻ buồn lo nữa. Có lẽ một phần nào đó trong thâm tâm, bà không muốn tôi xuất gia, sợ tôi phải chịu cực nhọc gian khổ ở chùa. Đời sống gia đình tôi không sung túc dư dả gì, nhưng ba mẹ tôi nuông chiều các con, đổ hết tiền của vào việc nuôi con ăn học nên bầy con lúc nào cũng thấy yên ấm, đầy đủ. Nay thả tôi, một đứa trẻ, ra khỏi vòng tay đùm bọc của gia đình, làm sao mẹ tôi khỏi lo lắng, e dè.

Gia đình tôi không phải là một gia đình giàu có, khá giả. Có thể nói được là một gia đình nghèo đi. Nhưng ít người tin được rằng gia đình tôi nghèo vì cái thể diện tối thiểu mà cả nhà từ trên xuống dưới đều tự động hoặc nhắc nhở nhau lo giữ lấy; vì thế mà qua bao biến thiên hoàn cảnh xã hội, của kinh tế gia đình, cái vẻ phong lưu bề ngoài của gia đình vẫn cứ còn đó. Sống theo cái nếp của thời xưa cũ, đó là sinh hoạt truyền thống của gia đình tôi.

Ba tôi là con một của một vị quan văn triều Thành Thái, Khải Định. Ông nội tôi không chỉ là một vị quan mà còn là hoàng thân quốc thích. Ông Tuy Lý Vương (hoàng tử thứ mười một con của vua Minh Mạng) là ông nội của ông nội tôi. Vậy ba tôi gọi ông Tuy Lý Vương bằng ông cố, và anh chị em tôi gọi bằng ông . Tóm lại, người ta vẫn thường gọi gia đình tôi là gia đình hoàng tộc. Ba tôi là con trai độc nhất của ông nội. Ông nội mất khi ba tôi còn nhỏ. Bà nội nuôi ba tôi ăn học, rồi bà nội mất, ba tôi qua sống với bà con chú bác. Sau ba tôi ra làm quan, cũng là quan văn, ngạch hành chánh, cho thời Bảo Đại, thời chính phủ Trần Trọng Kim, thời ông Diệm, thời ông Thiệu. Thực ra, không phải cứ là dòng hoàng tộc thì phải giàu sang quyền quý. Con cháu vua Minh Mạng đông vô kể mà thời vàng son của triều đình họ Nguyễn này đã hết từ lâu rồi, từ trước khi ông vua cuối cùng là Bảo Đại (Vĩnh Thụy) thoái vị kia. Nhưng cứ xét theo hoàn cảnh riêng của ba tôi thì dù gì ông cũng có một sản nghiệp tương đối lớn. Các anh chị lớn của tôi sinh trưởng tại Huế đã thừa hưởng (một thời gian) sự giàu có của ba tôi. Sau hai lần di cư (vào Quy Nhơn, rồi vào Nha Trang), ba tôi đã không còn gì. Ông làm lại từ đầu ở mảnh đất nhỏ Nha Trang, và anh chị em nhỏ chúng tôi chào đời trên mảnh đất ấy, trong hoàn cảnh ấy của gia đình. Miếng cũng chẳng còn, tiếng cũng phôi pha, chỉ có cái nếp trong nhà, trong dòng tộc thì ba mẹ và anh chị lớn hãy còn giữ để truyền lại cho bầy nhỏ chúng tôi.

Cái nếp ấy được chỉ dạy một cách tỉ mỉ qua nếp ăn ở và cách tiếp xử với con người, với xã hội chung quanh. Đơn giản thôi, khi thấy một đứa con trong nhà đem học bạ về mà không xếp được vào hạng danh dự, ba tôi chê: “Con cháu Thánh Tổ Minh Mạng không được học dở như vậy đâu. Ráng lên kẻo thiên hạ chê cười cả dòng họ luôn nghe con.” Khi thấy một đứa em ăn bận không được tươm tất sạch sẽ, anh chị lớn cũng la rầy: “Con ba me mà ăn bận như vậy đó hả? Vô thay áo quần khác, mau!” Ăn uống, nói năng, đi đứng trong nhà hay ở ngoài đường cũng phải theo cái nếp “hoàng tộc” như vậy. Cho nên, thiên hạ nhìn vào cứ thấy là gia đình tôi giàu có, phong lưu. Cả một nhà trai thanh gái lịch, ăn mặc đàng hoàng tươm tất, nói năng lễ phép lịch sự, học hành giỏi giang xuất sắc. Ba tôi ra đường lúc nào cũng bỏ áo sơ mi vào quần, đầu tóc chải mướt, giầy da bóng lộn. Mẹ tôi từ ngày về nhà chồng cho đến khi con khôn lớn, không khi nào rời khỏi nhà mà không mặc áo dài và trang điểm son phấn kỹ lưỡng. Cái nếp nó như vậy đó. Dâu hoàng tộc thì phải như vậy như kia. Con cháu hoàng tộc phải như ri như rứa. Thiếu tiền thiếu bạc chứ không thiếu lễ nghĩa và dáng vẻ cao sang. Bụng có thể đói được, nhưng mặt mày phải sáng láng, nhân cách phải giữ gìn. Thanh bần là hai chữ cha mẹ tôi thường lấy để răn nhắc anh chị em chúng tôi. Phải, nghèo mà sạch, sạch từ thể chất đến tinh thần. Phải ráng mà giữ. Cái giàu sang đã mất đi rồi, không gượng tìm lại được nữa. Chỉ còn hai chữ thanh bần đó để mà sống cho đẹp thơm dòng tộc. Vậy đó mà cuộc sống gia đình thấy vui tươi. Rồi sống trong nhà, ắt phải quen nếp. Quen nếp thì thấy yên ổn, êm ấm, thấy như mình thuộc loại nhà giàu phong lưu vậy.

Chính vì vậy mà chuyện tôi trốn nhà mấy lần là một chuyện động trời đối với gia đình. Lại thêm chuyện đòi đi tu nữa, cũng là chuyện lạ thường mà chính những người trong gia đình tôi cũng không ngờ tới được nói chi những người ngoài. Mẹ tôi, người đã đóng vai dâu hoàng tộc mấy chục năm, không dám tin rằng một đứa cháu chắt ngài Tuy Lý Vương hào hoa phong nhã lại đòi xuất gia đầu Phật đang khi anh chị em trong gia đình sum vầy vui vẻ dưới sự đùm bọc của mẹ cha. Lũ con này, từ gái công nương, đến trai hoàng tộc, học hành chẳng chịu kém sút ai mà ăn chơi cũng đâu chịu thua thiệt gì thiên hạ. Ăn chơi gì? Là ca hát, đàn địch, văn thơ, viết vẽ… tiếng không đồn khắp nước thì cũng nở rộ lên như những cánh hoa rực rỡ của xóm nhà Nha Trang. Mỗi đứa mỗi tài, mà tài nào cũng lòng vòng trong ngành văn chương nghệ thuật. Vui quá đi chứ.

Nhà mười bốn đứa con, bảy trai bảy gái, làm thơ, viết văn, vẽ, đàn ca, chẳng theo trường lớp chuyên môn nào mà tài năng thi thố với thiên hạ cũng xuất sắc, có nét riêng, đâu vào đó không chê được; giới nghệ sĩ Nha Trang hay Sài Gòn ghé thăm phải kiêng dè, nể mặt… Cái nhà văn nghệ đó ai ở Nha Trang mà chẳng biết. Chuyện đói no giàu nghèo thì khó đoán định nổi, nhưng chắc chắn một điều là không khí gia đình hẳn là vui tươi, rầm rộ, tưng bừng. Vậy mà một đứa bỗng đòi đi tu. Chuyện lạ thường. Mẹ phải e dè suy nghĩ lại nhiều lần, dù rằng đã hứa cho nó đi tu, đã sắm sửa đồ đạc chờ ngày nó lên đường.

Anh lớn của tôi, người được coi như là một cảnh sát viên tận tụy với bổn phận bảo vệ nề nếp gia đình, là người chống đối chuyện đi tu nhiều nhất. Anh tin Phật, như ông bà cha mẹ đã tin. Nhưng trong cái nhìn của anh, chuyện xuất gia đầu Phật hình như là chuyện của những đứa bé chăn trâu, những đứa bé mồ côi ở cô nhi viện hay lũ trẻ bụi đời cù bơ cù bấc, chứ không phải là một đứa em trong gia đình này. Cho nên chuyện đi tu của tôi làm cho anh phải xấu hổ với bạn bè anh, nhất là các cô bạn gái. Có một người trong gia đình xuất gia vào chùa thì tự dưng cái nhà này kém vẻ văn minh tiến bộ đi một chút thì phải. Rõ ràng anh muốn cản tôi một phần vì thương, không muốn tôi khổ sở ở chùa nhưng một phần cũng vì thể diện, vì cái nếp mà anh từng gìn giữ cho gia đình. Có lẽ anh nghĩ rằng một đứa em đi tu sẽ chứng tỏ với thiên hạ rằng gia đình này không có gì vui thú, hấp dẫn hay sự sung túc vật chất để giữ chân nó. Những lần trước, ba mẹ tôi không chấp thuận cho tôi đi tu là cũng có ý kiến anh góp vào một phần. Nhưng lần này, dù đã hết sức chống đối, anh cũng không cản được tôi, vì lòng tôi đã quyết, và ba mẹ tôi cũng đã vui lòng ưng thuận.

Ngày tôi xuất gia là ngày mồng một tháng năm âm lịch, sau lễ Phật Đản nửa tháng. Lúc đó Tăng Ni các chùa đã nhập hạ an cư. Chùa Hải Đức là một Phật học viện nên tập trung các thầy đông nhất, trên hai trăm vị. Các vị hòa thượng, thượng tọa cũng như các thầy từ các chùa lân cận cũng tập trung tại chùa Hải Đức mỗi trưa để cúng quá đường và làm lễ cầu an, cầu siêu.

Mẹ tôi đã cho thuê một chiếc xe lam từ ngày hôm trước để gia đình cùng đưa tôi lên chùa. Nhưng ngày đó không phải là ngày cuối tuần nên ba tôi không đi được, các anh chị em khác thì bận đi học, đi làm, chỉ chia tay tôi tại nhà rồi thôi. Mẹ tôi, hai người chị và hai đứa em gái theo xe đưa tôi lên chùa. Ba tôi ôm hôn tôi trước khi ông đến sở. Không có vẻ gì cho thấy là ông lo buồn chuyện xuất gia của tôi cả. Lúc đó tôi chợt nghĩ rằng có lẽ ý định ngăn cản không cho tôi đi tu trước đây là do mẹ chứ không phải là do ba tôi. Sau này, tôi còn biết rằng mỗi lúc có việc quan trọng trong gia đình, ba tôi thường chỉ góp ý, bàn luận thêm, nhưng rồi cũng thường lấy quyết định tối hậu của mẹ tôi mà thôi. Tính tình ông hiền hòa, nhũn nhặn, cởi mở, một lòng cưng chiều vợ mà cũng một lòng cưng chiều con; lý đâu tôi quyết tâm đi tu mấy lần ông lại ngăn cản không cho!

Ba tôi tắm rửa từ sáng sớm, thay áo quần, ăn sáng, rồi tiến đến chỗ tôi, hiền lành nắn bóp đôi vai tôi, đặt những nụ hôn lên tóc tôi, rồi nói đôi câu khích lệ:

“Dòng họ nhà mình thuần thành tin Phật từ bao nhiêu đời rồi nhưng hiếm có người nào đi tu. Hình như chỉ có duy nhất sư cô Trí Hải là thuộc giòng Tuy Lý nhà mình thôi. Nhưng cô ấy xuất gia khi tuổi đã trưởng thành. Nay con là người thứ hai, mà con hãy còn nhỏ quá, chắc là khó khăn khổ nhọc, nhưng ba tin con trai của ba sẽ vượt qua được. Lâu lâu con xin phép thầy về thăm nhà nghe. Bây giờ ba phải đi làm. Hôn ba một cái đi. Bên này cái nữa…”

Ba tôi ra sân. Tôi bước theo ông ra cổng, nhìn theo dáng ông gầy gò mất hút ở cuối đường. Tôi ứa nước mắt quay vội vào trong.

Không phải đã chọn được lối đi thì không còn băn khoăn đau khổ. Khi cha-con tôi ôm nhau lần cuối vào phút từ biệt, tôi mới sực nhận biết rằng nỗi khó khăn cực nhọc nhất của một đứa trẻ khi xuất gia là sự chia cắt nhiều ngày với gia đình thân thuộc, nhất là phải chia cách với cha mẹ, những suối nguồn dạt dào thương yêu mà dù cho bầy con mười bốn đứa hay hai chục đứa có tận hưởng suốt đời cũng không vơi cạn mất…

Khi bước ra xe lên đường, tôi nhìn qua chùa sư nữ, thấy các tiểu ni đứng nơi cổng chùa hướng về phía tôi, đưa tay vẫy. Tôi vẫy tay đáp lại họ.

Xe chuyển bánh. Mẹ ngồi bên tôi, dặn dò đôi điều, thỉnh thoảng lại vuốt tóc tôi. Các chị và em gái tôi ngồi ở băng ghế đối diện nhìn qua, ai cũng im lặng ứa nước mắt. Lúc sống bên nhau, chúng tôi ít có dịp nào để trò chuyện hay tâm sự với nhau. Nhà tôi con đông, nhiều lứa, thân với nhau thì cũng chia thành cặp đôi, cặp ba: trai chơi với trai, gái chơi với gái, lớn với lớn, nhỏ với nhỏ. Đâu phải cứ là chị em thì phải thân mật và hiểu nhau hết. Vậy mà bây giờ tiễn đưa tôi lên chùa, các chị đã không kềm được xúc động. Như thể chuyến đi này sẽ thật sự cắt đứt những cơ hội cho tình cảm anh chị em được bộc lộ một cách bình thường. Tôi chỉ lặng lẽ quan sát các chị, rồi nhìn cảnh vật hai bên đường chứ không bận tâm điều đó lắm. Tôi cũng không khóc hay xao xuyến nhiều vì chuyện chia tay này. Tôi đang nôn nao phóng nhanh một bước vào thế giới mới lạ có khoảng trời bao la phất phơ mây trắng. Thế giới đó từng hiện hữu trong những giấc mộng sâu kín của tôi, nay sắp trở thành hiện thực. Chỉ một chốc nữa thôi, khi chiếc xe này ngưng bánh, tôi sẽ bước vào đó.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.