Phương Trời Cao Rộng – Chương 1 – 3

Từ quốc lộ số một, xe quẹo vào một con đường đất rộng. Con đường mang tên chùa Hải Đức. Hai bên đường là nhà cửa lưa thưa nhưng đa phần nhà gạch hoặc nhà đúc. Chỉ một khoảng gần chân núi là nguyên một dãy nhà tôn, nhà lá lụp xụp của những người mới đến tại đây. Vài hàng quán lẻ tẻ mọc lên ở khoảng đó. Người ta gọi xóm này là xóm Xưởng. Đến sát chân núi hơn thì con đường trở thành như một bờ đê cao, hai bên là vườn rau–phải nói ruộng rau mới đúng vì quá rộng–với những luống cải xanh thẳng tắp được chăm sóc kỹ lưỡng bởi những người làm vườn chuyên nghiệp. Mẹ tôi nói rau canh tác ở đây cung cấp một số lượng khá lớn cho các khu chợ Nha Trang. Cuối đường đê đó, quẹo phải là dẫn đến chùa Phước Điền–một ngôi chùa nhỏ xíu nằm giữa ruộng rau như một hòn đảo lú lên giữa sông nước; quẹo trái là lên con dốc chính dẫn đến chùa Hải Đức.

Cổng sắt của chùa Hải Đức mở sẵn. Qua khỏi cổng là bắt gặp ngay kho gạo của chùa Hải Đức nằm phía bên phải. Nhà kho phải xây dưới chân núi để xe ra vào chất gạo chất củi cho dễ. Nơi đây có một ngôi nhà ngói rộng, gọi là Tịnh Nghiệp đường dành cho các phật tử thân tín của chùa đến nghỉ lại đêm để tu học vào những ngày trai, và một phòng để quý thầy cất xe đạp, xe gắn máy, khỏi phải dắt lên núi. Phía bên trái của nhà kho là ga-ra lợp tôn, dành cho các xe hơi và xe gắn máy của chùa.

Mẹ con tôi cùng hì hục leo dốc. Đường dốc đá lởm chởm, mẹ và các chị tôi phải bước khó nhọc và cẩn trọng vì mang guốc cao. Hết khoảng dốc đá thì con đường tẻ làm hai, một đường vẫn là dốc đá dẫn đến mặt tiền của chánh điện chùa; một đường là tam cấp trăm bậc dẫn đến phòng khách và nhà bếp. Mẹ đưa tôi đi đường tam cấp để bái kiến thầy Hải Tuệ trước. Dọc đường đi, vài người hành khất ngồi yên lặng, lật nón để sẵn trước mặt. Phật tử đến chùa lên xuống tấp nập. Tự dưng tôi thấy ái ngại. Lần trước đến chùa, tôi không bắt gặp không khí nhộn nhịp này.

“Sao đông quá vậy me?” tôi hỏi mẹ.

“Thì gặp mùa an cư kiết hạ, ngày nào cũng có cúng quá đường, quý thầy lại cấm túc chẳng đi đâu nên phải đông chớ. Hơn nữa, hôm nay là mồng một mà. Đừng ngại, rồi con sẽ quen. Phật tử cũng như me và mấy chị, đến rồi về chứ đâu có ở hoài trên chùa đâu. Sau lễ thì chùa yên vắng trở lại ngay.”

Chùa Hải Đức là tên gọi của chùa khi chưa lập nên Phật học viện. Từ ngày Phật học viện ra đời, người ta quen gọi Phật học viện Hải Đức, hoặc gọi tắt “chùa viện” hay chỉ gọi một tiếng là “viện”. Thầy Hải Tuệ làm chức giám sự của Phật học viện. Chức này chịu trông coi mọi sinh hoạt lễ lược, chịu trách nhiệm quản lý động sản và bất động sản cũng như vấn đề thu nhập và chi xuất tài chánh của chùa. Đặc biệt là ở viện Hải Đức này, chức vụ giám sự rất quan trọng và trở thành một chức vị giống như trụ trì một ngôi đại tòng lâm. Trên chức giám sự chỉ có chức giám viện do Hòa thượng Thích Trí Thủ đảm trách. Nhưng Hòa thượng là Vụ trưởng Vụ Hoằng Pháp thuộc Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, phải túc trực tại Sài Gòn để điều hành nhiều phật sự của Giáo hội trung ương nên mọi việc ở viện Hải Đức đều giao cho thầy giám sự chăm sóc.

Dãy hiên của tổ đường có bốn cái bàn, được coi như phòng khách tạm thời trong những ngày lễ lớn. Phật tử lăng xăng lui tới. Thấy mẹ con tôi đến, thầy Hải Tuệ gát công việc đang bàn với khách, mời mẹ con tôi vào trong tổ đường. Mẹ bảo các chị và hai đứa em gái tôi đứng lại ở bên ngoài, rồi mẹ kéo tôi theo thầy vào Tổ đường. Thầy thắp nhang rồi đứng một bên chuông, chờ mẹ tôi thưa chuyện. Mẹ tôi sụp lạy thầy, tôi lạy theo. Thầy khoát tay bảo đừng nhưng mẹ con tôi cứ lạy cho đủ lễ. Lạy xong, mẹ tôi quỳ nghiêm, chắp tay thưa thầy:

“Nam mô A Di Đà Phật, hôm nay con đưa con trai của con đến cầu xin thầy tiếp độ cho nó được xuất gia theo chân thầy để học đạo giải thoát.”

Nghe lời mẹ thưa, tôi bàng hoàng như bị chấn động ở tận đáy sâu tâm thức mình. Ước vọng lâu nay của tôi là tìm đến một thế giới, hay một cõi nào đó mới lạ, khác với cuộc sống buồn tẻ nhạt phèo của nhân sinh, nhưng tôi không thể hiểu và không thể diễn đạt bằng lời cái ước vọng sâu kín đó của mình. Nay mẹ tôi thưa trình với ngôn ngữ và cách hiểu của bà, tôi mới sực thấy rõ rằng thực ra tôi muốn gì. Phải, tôi muốn giải thoát. Hai chữ ấy tôi không hiểu tường tận và cũng chưa hề dùng đến bao giờ, nhưng khi nghe nó, tôi biết đúng là nó chứ không phải chữ nào khác thích hợp hơn với sự mong cầu của tôi.

Thầy từ tốn hướng về tôi dạy rằng:

“Con đường xuất gia là con đường chông gai mà chỉ có những kẻ có chí xuất trần cực mạnh mới vượt qua nổi. Tuổi nhỏ như con mà phát tâm xuất gia là điều đáng quý, đáng khen. Nhưng nếu không hết lòng nương theo thầy tổ để tu học thì đạo lớn sẽ khó kham nhận được. Thay mặt chư tăng, thầy hoan hỷ tiếp nhận con nhập chúng để học hạnh xuất gia. Con đứng dậy lạy tổ đi.”

Tôi và mẹ cùng lạy tổ ba lạy. Xong, thầy bảo mẹ con tôi theo thầy bái kiến Hòa thượng chùa Từ Quang, vị hòa thượng cao đức chứng minh đạo sư của Phật học viện. Hòa thượng pháp tự là Thích Phúc Hộ, là viện chủ tổ đình Từ Quang ở Phú Yên, nên mọi người đều gọi ngài là Hòa thượng Từ Quang (tránh gọi thẳng pháp tự của ngài để tỏ lòng tôn kính). Mỗi năm Hòa thượng từ Phú Yên vào Nha trang để nhập hạ an cư tại đây ba tháng (từ rằm tháng tư, ngày Phật đản sanh, đến rằm tháng bảy, lễ Vu Lan).

Hòa thượng ngồi trên trường kỷ ở phòng khách tăng, bên hông phải của chánh điện. Thầy tôi vào trước trình Hòa thượng. Hòa thượng bảo tôi đến gần. Tôi quỳ sát bên ngài để lắng nghe chỉ dạy. Một tay xoa đầu tôi ngài nói:

“Đáng khen, đáng khen! Con giỏi lắm. Tuổi nhỏ mà đã phát chí xuất trần là việc hy hữu. Thầy hy vọng con đủ chí đủ lực để đi trọn con đường mà chư Phật chư Tổ soi mở. Xuất gia là gì? Tổ Quy Sơn có nói, ‘phù xuất gia giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân…’ nghĩa rằng, người xuất gia là kẻ cất bước hướng tới một vòm trời siêu tuyệt với tâm tính và hình dung khác với thế tục, để tiếp nối và làm hưng thịnh cho giòng giống của Phật Thánh, làm kinh động và thu phục ma quân. Con đường xuất gia chí thượng cao cả như vậy, con phải nỗ lực, quyết tâm mới thành tựu được sự nghiệp.”

Tôi cúi lạy Hòa thượng mà ứa nước mắt. Tôi khóc. Tôi chẳng hiểu vì sao tôi khóc. Lời lẽ của vị hòa thượng già mới lần đầu tiên được bái kiến tôi nghe như âm vang thân thuộc vọng về từ một tiền kiếp xa xưa nào. Nghe như có tiếng chuyển động ầm ì của sóng, của nước, vỗ vào bãi tâm hoang sơ của tôi.

Thầy Hải Tuệ bảo tôi lạy tạ Hòa thượng. Tôi cùng mẹ quỳ lạy ngài ba lạy nữa rồi lui ra. Trở lại phòng khách, tôi gặp hai chú tiểu đang ngồi cầm kinh nhật tụng, vừa học vừa giỡn. Thấy thầy Hải Tuệ bước xuống, hai chú lảng ra xa, làm bộ cắm cúi đọc to tiếng lên. Thầy vào phòng khoác y áo chuẩn bị làm lễ. Trở ra, thầy bảo các chú tiểu hướng dẫn tôi mang hành lý vào phòng dành cho các chú tiểu. Hai chú đưa tôi đi vòng sau dẫy nhà thờ các vị Tổ sư, Tăng Ni đã viên tịch, nằm đâu lưng với nơi thờ Phật nên gọi làhậu tổ. Rồi vào một dẫy phòng sát hông trái với chánh điện là phòng dành cho các chú tiểu. Chỉ có bốn cái đi-văng (ở chùa gọi là cái đơn tức là cái giường nhỏ chỉ nằm được một người). Một chú bảo tôi cứ để hành lý ở đầu một cái đơn, chuyện ngủ ở đâu thì tối có thầy quản chúng sắp đặt. Cất hành lý xong, tôi lại theo các chú trở ra phòng khách. Lúc này, thầy đã vào nhà hậu tổ rồi lên trai đường làm lễ. Mẹ và các chị em của tôi cũng theo các phật tử khác đi lạy cúng trai tăng ở trai đường. Tôi ngồi lại với hai chú tiểu ở phòng khách.

Hai chú tiểu đều nhỏ tuổi hơn tôi. Một chú tên Dũng, một chú tên là Sung. Chú Dũng nhỏ thua tôi một tuổi. Chú Sung nhỏ thua tôi hai tuổi. Chú Dũng là đệ tử của thầy Phước Châu, vị thầy giữ chức quản chúng của Phật học viện–vị quản chúng thường là một vị thầy trẻ tuổi, gần gũi học chúng, chịu trách nhiệm phân công, điều hành những công tác và sinh hoạt thường nhật của học tăng, làm viên gạch nối giữa ban lãnh đạo Phật học viện với các học tăng này. Chú Sung là đệ tử của thầy Hải Tuệ, tức là cùng một thầy với tôi–trong chùa gọi là huynh đệ đồng sư. Chú Dũng cao, ốm tong ốm teo, hai tay hai chân dài như vượn. Mặt chú dài, cằm nhọn, miệng cười rộng sát mang tai, mắt sáng long lanh, hai tai to vểnh ra như tai dơi. Chú Sung gọi chú Dũng là Dũng , có khi gọi là Dũng ròm. Chú Sung thì thấp người, da dẻ đen sạm trông rắn chắc như dân làm ruộng ở quê lên. Mặt chú tròn vin, miệng nhỏ môi mỏng, hai mắt to tròn, sáng và lộ ra như hai trái nhãn. Đáp lại chú Sung đã gọi mình là Dũng cò, chú Dũng gọi chú Sung làSung mèo-có khi gọi tắt hơn: mèo, chắc là nói gọn cho Sung mắt mèo.

Tôi ngồi nơi phòng khách với hai chú mà chẳng biết nói gì. Các chú cũng chẳng biết nói gì với tôi nên cứ giỡn với nhau để tôi ngồi trơ đó mà ngó, mà nghe. Hai chú thật liếng thoắn, lăng xăng, đứng ngồi không yên. Tâm tư tôi lúc đó hãy còn bập bùng kích động bởi những lời dạy của Hòa thượng Từ Quang và thầy Hải Tuệ nên tôi không sao đùa giỡn và hòa vui được với các chú ngay. Tôi tự hỏi, không lẽ mai này mình lí lắc lí lưởi như mấy chú tiểu này sao? Phải có cái gì khác chớ? Sao các chú ở chùa mà chẳng có gì khác biệt với mấy đứa trẻ bên ngoài hết vậy kìa? Tôi không lớn hơn các chú bao nhiêu, vậy mà tôi bỗng trở nên ông cụ, ngồi im mà nhìn bầy trẻ đùa giỡn. Một chặp, hai chú rủ tôi xuống nhà bếp ăn cơm. Tôi miễn cưỡng bước theo.

Giữa nhà khách và nhà bếp có hai phòng ăn nhỏ để dọn cơm cho các chú tiểu và thập phương bá tánh. Chú Dũng bảo tôi ngồi đợi ở phòng ăn này. Hai chú xuống bếp kiếm cơm thế nào đó mà bưng lên nguyên một mâm với ba thau cơm thật bự. Không phải là các thau đầy cơm, chỉ lưng thau thôi. Món mít kho, món cải xào với đậu hủ và món canh rau muống cũng đổ chung vào đó. Chú Dũng đưa tôi một thau cơm, chú và chú Sung mỗi người một thau khác. Tôi ngán ngẩm bưng thau cơm đồ sộ lên, nhìn hai chú ấy bắt đầu ăn mà thấy khiếp sợ. Đã vậy, trong thau chỉ có vật dụng duy nhất để múc ăn là cái vá thật lớn mà người ta dùng để xúc cơm chứ không phải là cái muỗng nhỏ. Thật khó cho tôi phải ăn bằng cái vá xúc cơm với một thau cơm bành ki như vậy. Nhưng tôi phải ăn thôi. Tôi nghĩ bụng chắc mấy chú tiểu ở đây đều ăn kiểu đó. Các chú được chùa dạy cho chuyện ăn uống như là chuyện chẳng quan trọng gì nên ăn sao cũng được, chẳng cần thứ lớp ngăn nắp hay bày biện lễ nghi gì cho mệt. Thì thôi, các chú ăn được thì tôi cũng phải ăn được. Vậy là xúc cơm ăn ngon lành. Hai chú xúc cơm ăn ào ào, thau muỗng chạm leng keng, lổn cổn. Chỉ một thoáng là thau cơm của hai chú cạn láng. Tôi đâu có đuổi theo kịp. Dù sao cũng là người mới đến, tôi ăn chậm rãi, từ từ mà xúc, cố gắng đưa cơm và đồ ăn vào miệng sao cho gọn, đừng đổ vãi. Hai chú ăn rồi, ngồi chờ tôi một chút, thấy lâu quá, bèn đứng dậy trước, bỏ tôi ngồi một mình. Cũng may phòng ăn lúc đó chẳng có ai. Mọi người đều đi làm lễ. Buổi cơm chay đầu tiên cho ngày xuất gia thấy lạ miệng, thật ngon nhưng hơi ngộ nghĩnh vì thau cơm và cái vá trông khiếp quá.

Tôi đang ăn đến vài muỗng cuối cùng thì có một thầy trẻ từ đâu đi tạt ngang. Sau này tôi biết là không phải tất cả quý thầy đều đi làm lễ, mà phải có một vài thầy ở ngoài để trực, coi chùa, tiếp khách, dọn dẹp trai đường v.v… Thấy tôi ngồi ăn bằng thau với cái vá xúc cơm to bự như thế, thầy tức cười dừng lại nhìn, hỏi han. Tôi nói tôi mới đến chùa xuất gia hôm nay. Thầy hỏi tôi ai dọn cơm cho tôi ăn. Tôi thật thà nói hai chú Dũng và Sung. Thầy xuống gọi hai chú lên la rầy một lúc. Té ra không phải các chú tiểu ở đây ăn bằng thau và vá cơm lớn. Chỉ vì các chú lười biếng không chịu chờ đợi cô Bảy và chú Đông (những người làm công quả dưới bếp) rửa chén bát mà lấy đại những thau muỗng nào còn úp trong rổ. Cũng may thầy la trong giọng vui vẻ, chỉ nhắc các chú đừng lười biếng vậy thôi chứ không đánh phạt gì. Các chú không giận gì tôi chuyện đó, rủ tôi đi chơi. Tôi không biết tôi có được phép đi chơi với các chú không. Nhưng không theo các chú thì biết làm gì, ngồi đâu, đứng đâu, vì vậy cứ phải theo.

Các chú dẫn tôi lên tháp chuông cũ ở gần bệnh xá. Ở đây có gió mát rượi. Ngọn gió từ đâu nghe mát và mằn mặn như là gió biển. Chung quanh là những cây phượng vĩ to cao, hoa nở đỏ rực. Nhưng từ các ven rào cho đến các gốc phượng, tôi thấy nhiều cây xương rồng bò khắp leo lên cả những nhánh phượng trên cao. Dũng nói đó không phải là cây xương rồng mà là cây thanh long. Thanh long trên núi này mọc nhiều lắm. Loại này cũng dễ mọc nên có thầy chiết nhánh trồng thêm ở nhiều nơi quanh chùa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thanh long đỏ chín trên cây. Nhưng thanh long là loại trái cây ngọt lờ lợ mà lại đầy hột nên tôi không bao giờ có hứng thú để ăn. Dù vậy, khèo hái thanh long với các chú thì cũng thích thật. Dũng và Sung bẻ cây táo nhơn ở ven rào để làm sào. Các chú bứt các dây leo quanh đó để buột một cái ngàm thật chắc ở đầu sào. Có sào rồi, chú Sung leo lên một cây phượng gần tháp chuông. Chú Dũng và tôi đứng dưới chuyền cây sào lên và chỉ cho chú Sung thấy những trái thanh long ở đâu. Dũng đang chỉ chỏ la hét như vậy bỗng xuỵt một tiếng, kéo tôi núp vào sau tháp chuông.

Tôi hỏi nhỏ chú Dũng:

“Sao vậy? Tại sao phải trốn?”

“Xuỵt có thầy nào đi ngang kìa.”

“Thầy thì sao, bộ thầy không cho mình hái trái sao?”

“Không. Xuỵt!”

Trong khi tôi và chú Dũng im lặng trốn nấp thì chú Sung ở trên cây không biết, cứ tiếp tục la hét ỏm tỏi:

“Đâu có thấy trái nào đâu? Chỉ coi. Dũng!”

Vị thầy kia đi ngang nghe được tiếng chú Sung trên cây thì ghé lại, đứng dưới gốc cây phượng chỉ lên, nói:

“Kìa, một trái đỏ loét kìa!”

Chú Sung ở trên cây nghe tiếng người lớn thì hết hồn, tụt mau xuống định trốn. Cũng may thầy kia hiền quá, chỉ đứng ngó chú Sung mà cười. Rồi thầy bảo cứ hái đi, thầy chẳng mét ai đâu. Nói xong thầy đi mất. Lúc đó Dũng mới kéo tôi rời khỏi chỗ nấp để trở lại với chú Sung. Nhưng tôi không thích chơi trò hú tim nữa. Tôi không thích hái trộm một thứ trái mình chẳng thích, chẳng ăn, để rồi mang tiếng nghịch ngợm. Dũng và Sung tiếp tục hái, tôi đứng gần đó hỏi:

“Tại sao thanh long mọc nhiều quá mà mình không được hái, thấy mấy thầy lại trốn. Bộ chùa cấm hái trái cây sao?”

“Đâu có, ở đây thiếu gì trái! Ổi, xoài, mít, mãng cầu xiêm, mãng cầu gai, ô-ma, sa-bô-chê… tùm lum hết, muốn ăn thì hái ăn, đâu có ai biết. Nhưng hái thanh long thì hái những trái mọc hoang ngoài núi chứ hái khu vực này không được vì trái ở đây là để dành cúng Phật. Cúng xong là dọn cho đại chúng dùng.”

“Mình có phải đại chúng không?”

“Đại chúng chắc là nói mấy thầy lớn. Nhưng tụi mình cũng ăn ké đại chúng được. Cũng như ăn cơm vậy thôi, đâu phải đại chúng có cơm còn mình không có.”

“Vậy thì hái làm chi, chờ mấy thầy cúng Phật xong rồi ăn. Còn không mình ra ngoài núi hái, đừng hái ở đây bị la đó.”

Dũng cười nói:

“Trời ơi! Ăn thanh long mà chờ! Bây giờ mấy thầy đang làm lễ thì mình hái chớ. Còn ra ngoài núi cũng chưa chắc là có trái. Có bao nhiêu người ta ở dưới núi cũng lén hái hết trơn rồi đâu để tới phiên tụi mình.”

Sung ở trên cây cũng tiếp lời:

“Thanh long dọn trên bàn ăn, mỗi người được một miếng chớ mấy. Hái ngoài này ăn đã hơn.”

Nói đến đó thì Sung cũng vừa khèo được một trái thanh long lớn. Chú Dũng đứng dưới đón lấy. Hái đủ ba trái, Sung leo xuống. Cả ba chúng tôi đi tìm chỗ mát và kín để ngồi ăn. Tôi chỉ ngồi ngó hai chú ăn chứ không ăn được thứ trái cây này. Thanh long chín đỏ, lột vỏ dễ như lột vỏ chuối. Hai chú ngồi ăn ngon lành. Trái còn lại, hai chú lại chia nhau ăn. Ban đầu thấy hai chú hạm ăn quá tôi hơi nản. Nhưng chỉ sau một lúc, tự dưng tôi thấy vui lây.

Lâu nay tôi cứ ngỡ một chú tiểu ở chùa thì phải đạo mạo, lim dim như một chú tiểu đồng hầu hạ tiên ông ở cõi tiên. Tôi ngỡ rằng những chú tiểu ở chùa sẽ không bao giờ có các trò chơi, các thú vui và những ham thích mà những đứa trẻ ngoài đời đang có. Từ những ngày biết mình sắp xuất gia, tâm tư và phong cách của tôi đã có vẻ như sẵn sàng để chịu đựng và thích nghi với cuộc sống khuôn khổ, nề nếp của cửa chùa mà mẹ tôi và các sư cô ở chùa sư nữ có nói trước. Tôi cứ nghĩ là ngay ngày đầu tiên bước vào chùa là tôi đã trở thành một tu sĩ, chấm dứt mọi thói đời. Bây giờ, ngồi cạnh hai chú tiểu này, tôi mới thấy rằng, con đường xuất gia cao đẹp lắm, nhưng cũng phải bước đi bằng những bước bình thường. Không phải ai ở chùa cũng đạo mạo, uy nghiêm. Trước mắt tôi là hai chú tiểu, chỉ khác với những đứa trẻ bên ngoài ở hình thức. Tâm tư tôi lúc ấy giống như tâm trạng của một con chim đã chui vào lồng nhưng thấy cửa lồng không đóng, nó nhảy vô nhảy ra, chưa biết làm gì. Vừa hân hoan, vừa hụt hẫng. Thôi thì các chú sống sao mình sống vậy.

Tôi phải sống với lứa tuổi của tôi.

Vĩnh Hảo – Nhà Xuất Bản Chiêu Hà

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.