Phương Trời Cao Rộng – Chương 10 – 12

CHƯƠNG MƯỜI

Đôi khi tôi có cảm nghĩ rằng thầy tôi đã bất công khi đưa tôi sang chùa Linh Phong để sống với một vị thầy trẻ rất ư cổ hủ, lạc hậu. Tôi biết mẹ tôi cũng buồn khi thấy tôi không còn được ở viện Hải Đức nữa. Trước kia mẹ không có ý cho tôi xuất gia tại viện Hải Đức, nhưng khi tôi đã được xuất gia ở viện, được gần gũi tu học bên thầy, được ăn học, sinh hoạt và hưởng mọi qui chế tiêu chuẩn như một học tăng của viện, mẹ tôi thấy là không còn chỗ nào tốt khiến mẹ yên tâm hơn là nơi này cả.

Bây giờ, các chú Dũng, Kính, Sáng v.v… nhởn nhơ bên viện, hằng ngày ôm kinh, ôm sách ngồi học, ăn uống đã có các dì vải nấu, đến giờ phóng tham thì đi dạo núi hóng mát… còn tôi và chú Thiệt thì sống trong một thế giới âm u, hắc ám. Cho dù có học đòi sự rộng lượng cao cả đến mức nào đi nữa, tôi vẫn thấy rằng tôi và chú Thiệt đang bị thiệt thòi. Con nít chúng tôi hay so đo phân bì lắm. Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải chịu thì cũng phải chịu, nhưng làm sao khỏi tủi thân và thèm muốn được trở về với khu viện Hải Đức đẹp đẽ, khoảng khoát kia! Sự khác nhau giữa hai nơi trên cùng một dãy núi, mẹ tôi cũng thấy rất rõ. Chắc chắn là bà phải se lòng khi thấy dứa con trai nhỏ của mình phải xa thầy sớm, bò nơi rộng lớn, tiện nghi để về sống trong thế giới nhỏ hẹp, ít người, thiếu thốn mọi bề mà rồi phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của một học tăng dự thính vốn không được xuất sắc gì lắm. Nhưng sự khác biệt giữa viện Hải Đức và chùa Linh Phong không phải chỉ ở vấn đề khổ nhọc vật chất mà còn ở phần tinh thần nữa. Đâu phải chỉ người lớn mới biết hân thưởng những niềm vui tinh thần, còn con nít thì không! Và đâu là chỗ cách biệt giữa vật chất và tinh thần khi bầu không gian nơi tôi sống bị thu hẹp lại và tôi cảm thấy buồn tẻ, trống vắng, ủ dột trong lòng? Ở viện, tôi có thể nhìn thấy biển Nha Trang mỗi chiều khi đi dạo lên tháp chuông hay qua Kim Thân Phật Tổ. Nơi chùa Linh Phong, dù cũng cùng trên núi, vậy mà chỉ thấy được một khoảnh phố phía bên trái, một khoảnh gia cư phía bên phải và một khoảnh đồng trống bị cắt đôi bởi một vài cao ốc đồ sộ phía mặt tiền. Vào mùa xuân, cây cỏ um tùm bao phủ quanh ven núi, tôi đứng trong sân chùa chỉ nhìn thấy được những cây táo nhơn vươn lên, đan kết thành một hàng rào rậm rịt. Thế giới của ngôi chùa này là vậy, không gian bít bùng, y như một hải đảo nhỏ – không, hải đảo còn đỡ hơn nhiều vì có thể nhìn thấy trời cao nước rộng. Đã vậy, tôi còn phải sống dưới sự kiểm soát quá đáng với những tư tưởng và quan niệm lỗi thời của thầy Trừng Hùng. Thầy ấy mang cả thế giới khuôn thước, kiểu cách của cố đô vào đây, áp dụng vào ngôi chùa nhỏ này, buộc tôi phải lặn hụp theo. Suốt ngày tôi và chú Thiệt phải làm việc trong chùa, hết việc này dến việc khác. Thầy ấy cứ ngồi một chỗ mà sáng tạo ra công việc cho chúng tôi làm, dù thầy tôi đã có lần nhắc rằng chúng tôi cần có thời giờ học hành. Một số sách thầy Thông Chánh tặng tôi để đọc và học thêm, thầy Trừng Hùng tịch thu hết, bảo rằng trong luật dạy không được đọc, học các sách vở bên ngoài, chỉ được đọc kinh Phật thôi, khi nào có đủ trình độ Phật Pháp rồi mới được nghiên cứu học thêm sách ngoài. Điều ấy cũng đúng phần nào cho hoàn cảnh những chú tiểu ở thời đại xa xưa, khi mà vốn liếng kiến thức của người Tàu cũng như người Việt ta chỉ vỏn vẹn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, Luận Ngữ v.v… Thầy ấy cũng đâm ra đố kỵ thầy Thông Chánh, có lẽ vì mang mặc cảm thua sút. Thầy cấm tôi rời khỏi chùa một bước ngoại trừ khi qua viện học. Sự cấm đoán này hẳn là nhắm vào việc tôi qua viện để thầy Thông Chánh dạy kèm. Thời gian đầu, thầy Thông Chánh đích thân qua chùa Linh Phong dạy tôi, nhưng vào dịp an cư kiết hạ, thầy Thông Chánh không rời viện được, tôi phải xin phép sang viện để học thêm mỗi chiều. Thầy Trừng Hùng không thích chuyện tôi học thêm với thầy Thông Chánh từ lâu. Sẵn dịp an cư kiết hạ (thường thường là chư tăng ni các chùa cấm túc trọn ba tháng không rời chùa), thầy cấm tôi luôn. Tôi nói:

“Thầy con có nhờ thầy Thông Chánh dạy kèm thêm cho con.”

“Lúc đó chưa có lớp học, phải không? Cho nên mới nhờ dạy kèm. Bây giờ đã có lớp học thì còn học thêm gì nữa! Để thời giờ mà làm công quả trong chùa, lo tu nữa chớ!”

“Nếu thầy không cho con đi thì cũng để con qua gặp thầy Thông Chánh nói lý do tại sao, không thôi thầy ấy đợi con bên viện.”

“Không cần. Mai có giờ học thì qua nói với thầy Thông Chánh luôn. Bây giờ cứ ở nhà, không đi đâu hết.”

Trong những chuyện cấm đoán của thầy Trừng Hùng, tôi bất mãn nhất là những chuyện liên quan đến việc học. Thầy ấy luôn chủ trương rằng học nhiều thì loạn tâm, không tu được, không định được. Nghe ai nhắc đến chuyện học, thầy cười khinh khỉnh. Thực ra, thái độ khinh bạc đối với kiến thức sau này tôi cũng đọc thấy từ một số truyện tích trong kinh sách hay tiểu sử các vị Thiền sư đắc đạo. Nhưng các vị ấy là những kẻ đã dứng ở ngoài và ở trên những tầm thường của cuộc đời. Trên đỉnh cao chót vót của trí tuệ siêu việt, họ nhìn những kiến thức của thế gian như là miếng giẻ rách. Ở đây, thầy Trừng Hùng đã thu lượm được gì và đứng ở vị thế nào để tỏ thái độ khinh miệt tri thức như thế? Phong cách giác ngộ không phải là điều có thể học đòi, bắt chước mà giống được. Tôi nhớ hồi còn ở nhà, tôi đã từng chán ghét việc mài ghế nhà trường. Nhưng đó là sự chán ghét tự nhiên của một đứa con nít ham chơi, hoặc ham hưởng thụ thiên nhiên và cuộc sống chứ không phải là sự khinh miệt lố bịch tầm phào của một tâm hồn, một trí óc rỗng tuếch, khi biết được chút ít gì thì bám chặt lấy, coi như là chân lý. Cái đầu óc địa phương hẹp hòi mà nhiều người dân cố đô mắc phải là thường tự cho rằng cái gì thuộc về xứ mình cũng đều nên thơ, độc đáo, tuyệt hảo cả. Tôi không bao giờ quên rằng mình vốn gốc người Huế khi có nhận xét trên. Ở một khía cạnh tâm lý thông thường nào đó, hẳn là tôi phải dành nhiều cảm tình cho người Huế, nhưng quả là tôi khôog thể chịu nổi một đầu óc thủ cựu, một tâm hồn cứng ngắc như một khúc gỗ, như một viên ngói, một khối sắt như thế được.

Tôi nói ý nghĩ đó cho thầy Thông Chánh nghe khi thầy đến gặp tôi trước giờ học. Thầy lại khuyên tôi cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa, vì tôi đã sắp rời Nha Trang để nhập học khóa Trung Đẳng Phổ Thông của Phật học viện Quảng Nam ở Hội An. Tôi than:

“Có khi con tưởng chừng là một ngày cũng không chịu đựng được nữa!”

Thầy Thông Chánh an ủi, khích lệ tôi:

“Hãy xem đó như những thử thách cho bước đầu xuất gia của mình. Có lẽ thầy giám sự muốn chú tập sống quen với mọi hoàn cảnh trước khi rời thầy để đi học xa đó. Sau này không có thầy, không có người thân bên cạnh, sống ở xứ xa, làm sao chú chịu nổi nếu bây giờ không luyện tập cho chí nguyện kiên cường, sắc bén? Im lặng và nhẫn nại. Đừng để cho những cái tầm thường làm cho ý nghĩ mình trở nên tầm thường.”

Cũng nhờ những lời khuyên nhắc của thầy Thông Chánh, tôi đã cố gắng kiểm điểm tâm mình, sửa đổi cho nó tốt đẹp hơn, hay ít nhất cũng giữ cho nó không trở nên nhỏ mọn, thấp hèn. Tôi tập từng bước sự cởi mở và buông xả những tâm niệm thù hằn, ganh tị, ngạo mạn cũng như những ý nghĩ và lời nói bài xích, chê bai kẻ khác. Khi thầy Trừng Hùng làm điều gì khiến tôi bất bình, tôi tự chế mình bằng một câu niệm Phật vang mạnh trong lòng. Có khi tôi phải mượn ý nghĩ rằng thầy ấy là người anh lớn của tôi để khơi dậy lòng thương trong tôi. Hai tháng sau, tôi không thấy ghét thầy Trừng Hùng nữa. Nhưng vẫn không sao thương quý thầy ấy như đã từng thương quý những vị thầy khác.

Cho đến một hôm, sau nửa giờ ngồi thiền vào giấc khuya, tôi ngồi yên trên giường lắng nghe tiếng tụng kinh của thầy Trừng Hùng, bất chợt tâm tôi nở ra như một cánh hoa. Tôi thấy quanh tôi cái gì cũng đáng thương, cũng dễ thương hết. Nhất là tiếng tụng kinh của thầy Trừng Hùng, nó mang cái vẻ bi thiết rất tội nghiệp của kiếp người khổ lụy. Tôi nghe tiếng ấy mà trong lòng quặn lên một mối xúc cảm kỳ lạ. Tôi thấy thương mọi người, thương tất cả, kể cả thầy Trừng Hùng, người đã từng gây cho tôi bao nỗi bực mình, bất mãn.

Trạng thái ấy không phải là một trạng thái miên viễn. Nó xuất hiện nhất thời, lưu lại trong tôi một thời gian rồi phai nhòa. Nhưng ít nhất, tôi đã có thể thương yêu được thầy Trừng Hùng rồi. Tôi kể lại kinh nghiệm tâm linh đó cho thầy Thông Chánh nghe, thầy ấy mừng cho tôi, khích lệ tôi thường xuyên tọa thiền hay niệm Phật để tâm càng lúc càng mở rộng hơn. Tôi theo đó mà thực hành, nhưng phải ba năm sau tôi mới nhận ra được những khúc mắc cũng như những cái vi tế của bản ngã mình.

Tình thương chân thật thì không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Cũng không nằm trong sự ly cách giữa những cái bản ngã với nhau. Nếu còn thấy kẻ thù để thương yêu và tha thứ thì tâm hãy còn nhỏ hẹp, đó chỉ là sự khỏa lấp cái bản ngã thấp hèn của mình mà thôi.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.