Phương Trời Cao Rộng – Chương 13 – 15

Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, thầy tuần chúng đứng dậy trình bày cùng đại chúng sự việc xảy ra đêm qua, yêu cầu ban giám đốc xử phạt nặng cả chúng A Nan. Chuyện kéo bàn ghế, giường tủ ồn ào để bắt con rắn dĩ nhiên là được bỏ qua; còn chuyện giăng bẫy cho thầy tuần chúng vấp thì phải phạt. Chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm chuyện giăng bẫy nên cả chúng đồng lòng chịu phạt–chắc là cả chúng A Nan muốn bao che cho vài cá nhân nào đó về chuyện ấy; vì nếu để cho một cá nhân nhận lỗi thì sự trừng phạt biết đâu là trục xuất khỏi Phật học viện, cái đó ai mà đoán trước được! Cho nên, để cho cả chúng chịu lỗi thì sự trừng phạt sẽ nhẹ hơn (không lẽ trục xuất luôn cả một chúng trên hai mươi học tăng?). Thượng tọa giám viện lắng nghe, im lặng chẳng nói gì, cuối cùng, giao cho thầy quản chúng tùy nghi xử lý. Thầy quản chúng đưa ra một hình phạt chẳng khó khăn gì: cả chúng A Nan phải tụng một thời kinh sám hối vào ngày cuối tuần, bất cứ giờ nào thấy rảnh.

Khi các chú của chúng A Nan tập trung trên chánh điện làm lễ sám hối, tôi cũng đi theo. Các chú trong chúng Ca Diếp hỏi:

“Chú có dính gì bên đó đâu mà phải sám hối?”

“Tôi thích sám hối, không được sao? Thấy tôi tự động sám hối, các chú phải mừng chứ!”

Các chú A Nan thấy tôi, cũng hỏi:

“Chú chỉ qua chơi thôi, đâu có tội tình gì mà sám hối?”

“Tôi muốn sám hối. Không có tội này cũng có tội khác chứ, phải không?”

Một chú nói:

“Biết rồi, biết chú có tội gì rồi.”

Cái tội mà chú kia nói là “biết rồi” đó, chắc là nói cái tội đi “lộn chuồng” của tôi đêm qua, báo hại chú Đồng phải chui xuống giường để khỏi dư nhân số của phòng. Cái tội đó cũng đáng xử phạt lắm, nhưng trong thâm tâm, tôi thích sám hối để chia sẻ với các chú ấy hơn là sám hối để chừa bỏ cái tội “đi hoang” của đêm trước. Tôi muốn được chia sớt một chút nghịch ngợm của tuổi trẻ. Làm ông cụ non lâu ngày tôi mệt lắm rồi.

Vào niên học thứ hai, viện chúng tôi có thêm một giáo sư mới từ viện Đại học Vạn Hạnh trong Sài Gòn ra. Đó là thầy Thiện Phước. Kiến thức nội và ngoại điển của thầy đều quảng bác. Thầy giảng bài rất lôi cuốn khiến tôi say mê và thường mong đến giờ dạy của thầy. Thầy ấy cũng là người khích lệ tôi nhiều nhất trong lãnh vực văn chương. Một hôm trong lúc trò chuyện thân mật, thầy đã nói riêng với tôi:

“Chú Khang à, chú phải là một nhà văn mới được.”

Tôi nói một cách cố chấp rằng:

“Làm nhà tu thì viết văn làm gì, thưa thầy. Trong luật nói là… theo đuổi các ngành nghề chuyên môn của thế tục sẽ bị động tâm nhiều, khó tu lắm, phải không thầy?”

“Nếu mình vững tâm, chánh tâm thì mọi hành xử của mình đều phù hợp với chánh pháp cả. Ngược lại, làm việc chân chính với cái tâm sai trái thì cái việc chân chính đó cũng chỉ là tà pháp mà thôi. Tại sao giáo hội có chương trình huấn luyện cho các giảng sư được mà đào tạo những nhà văn, những người viết sách lại không được? Một bên nói, một bên viết, cũng là cách để hoằng pháp cả, có gì mà phải sợ chứ?”

Rồi thầy đem cho tôi mượn thêm một số sách luyện văn của Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích v.v… Thầy còn giới thiệu một số sách truyện của thầy Nhất Hạnh, của một số đại văn hào ngoại quốc… mà không biết rằng, những thứ ấy tôi đã lén mua và đọc trước rồi. Tôi chỉ không đi vào văn chương theo kiểu luyện văn, cầm bút, chứ đọc sách, đọc truyện thì tôi có từ chối bao giờ đâu.

Về phía trường Bồ Đề, cũng có ba vị giáo sư khuyến khích tôi luyện văn, đi vào ngành văn chương: thứ nhất là thầy Chánh (phụ trách môn Anh ngữ), thứ hai là thầy Biển (dạy Giảng văn và Triết), thứ ba là thầy Viêm (dạy Anh ngữ, vừa là giáo sư chủ nhiệm của lớp tôi trong năm nay).

Sự khuyến khích của các thầy ấy chỉ như những sự nhắc nhở chứ không đẩy tôi đến việc viết được vì thực ra, tôi cũng chẳng có nhiều thì giờ trong ngày để viết. Vả lại, trong tuổi thiếu niên ấy, tôi biết viết gì đây. Không phải chỉ cần có năng khiếu là đủ, dù rằng năng khiếu là điều kiện cốt yếu nhất. Cần phải có kiến thức nữa. Mà tôi là một nhà tu không ham mấy chuyện tích lũy kiến thức. Tôi đọc sách khá nhiều, nhưng không phải để thu góp kiến thức, và trên thực tế, đọc sách xong, tôi cũng không nhớ gì hết. Nếu cầm viết, tôi sẽ không biết viết cái gì. Trước mắt tôi chỉ có những khóa lễ, những câu kinh tiếng kệ, những bài học của nhà trường, của Phật học viện… tôi không có gì để nói về những thứ ấy, dù đó là những sinh hoạt chính, rất cần thiết của tôi. Cho nên, ai khuyến khích thì cứ khuyến khích, tôi vẫn cứ thủng thỉnh mà bước con đường quen thuộc của mình: học, đọc sách, tu tập. Cuộc sống ở Phật học viện chỉ có những sinh hoạt đơn giản như vậy. Tầm mắt tôi được thu gọn trong một phạm vi, tập trung vào những vấn đề then chốt liên quan đến đời sống tu học. Ngoài ra đều thứ yếu. Quả là đôi lúc tôi có thích thú chuyện viết văn, nhưng rồi cũng phôi pha hết. Vấn đề tu học, dù có đặt mục tiêu hay bất cần mục tiêu, cũng đều có khuynh hướng nhắm đến cứu cánh tối hậu là giải thoát giác ngộ. Vậy thì mọi thứ ước muốn không nhắm vào mục đích ấy đều trở thành xa xỉ, rơi rụng dần dần hoặc lẩn khuất đâu đó trong tâm tôi chứ không biểu hiện thành những nhu cầu bức thiết trong đời sống.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.