Phương Trời Cao Rộng – Chương 13 – 15

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Một hôm từ trường về, tôi có việc phải ghé thăm một người bạn của mẹ tôi ở gần đường Bờ Sông. Tôi rủ chú Tường cùng đi để dẫn đường vì tôi vẫn chưa biết con đường nào khác ngoài con đường Phạm Phú Quốc quen thuộc từ viện dẫn đến trường Bồ Đề. Xong việc, chú Tường dẫn tôi rẽ sang đường Bờ Sông để về cho được mát một khúc đường.

Đến gần chiếc cầu đá bắc ngang sông dẫn qua xã Cẩm Kim, chúng tôi giật mình trông thấy một xác chết nằm trên mé đường đi, gần phía cầu. Xác chết chẳng được che đậy gì. Đó là một người đàn ông trung niên, dáng người lực lưỡng, mặc áo sơ mi ngắn tay, quần cụt. Vết máu loang đầy trước ngực. Chắc là bị ai bắn. Tôi đứng đọc thầm câu chú Vãng sanh cho người đàn ông ấy. Chú Tường hỏi những người chung quanh về xác chết. Người ta nói đó là một anh “Việt cộng.” Đêm qua người ấy đang lò mò dưới chân cầu để gài mìn thì bị lính gác địa phương phát giác, bắn chết tại chỗ. Không biết người ta còn chờ làm thủ tục gì mà cái xác để phơi ra đó trông thật bất nhẫn.

Tôi không có cảm tình gì với những người gọi là cộng sản. Nhưng tôi cũng không ghét họ cay đắng như kẻ thù. Lý do rất đơn giản: tôi là một học tăng đang tu học theo đạo từ bi, không biết oán thù ai. Tôi cũng thật sự không biết cộng sản là gì cả. Những sách truyện tôi đọc, đôi khi có nhắc đến chủ thuyết cộng sản, nhưng tôi không bận tâm để ý. Còn người Việt Nam theo chủ thuyết ấy mà người ta gọi là Việt cộng, tôi cũng chưa hề bắt gặp bao giờ. Ở Nha Trang rất an ninh, không có Việt cộng quấy nhiễu nhiều như các tỉnh khác. Cho nên nếu có nghe đài phát thanh hay báo chí nhắc đến Việt cộng, tôi cũng chẳng có ý niệm gì rõ rệt hơn về họ ngoài một vài hình ảnh mơ hồ của những người mặc áo bà ba đen, cầm mã tấu, tấn công vào các làng xã ở thôn quê vào ban đêm, ở các tỉnh lỵ nào đó rất xa xôi, không phải ở Nha Trang. Họ có vẻ như chẳng dính nhập gì đến cuộc sống hiện tại của tôi, dù rằng một ông cậu ruột của tôi đã bị họ xử tử hình ngoài Bình Định (ở thành phố Qui Nhơn có một con đường mang tên người cậu này của tôi–Nguyễn Hữu Lộc). Khi nghe mẹ tôi kể sơ về cái chết của cậu, tôi cũng không nảy sinh ý niệm hận thù đối với những người cộng sản mà chỉ thấy se thắt trong lòng, thương cảm cho cậu mình mà thôi. Năm Mậu Thân, người cộng sản nổi lên khắp nơi, vậy mà ở Nha Trang chỉ có mấy tiểu đội lẻ tẻ, bị cảnh sát và quân đội Cộng hòa vây bắt, dẹp tan một cách dễ dàng. Bộ mặt dữ dội và tàn ác của chiến tranh không được phô bày rõ nét ở Nha Trang. Vì vậy, có thể nói rằng, thời thơ ấu của tôi, dù nằm trong giai đoạn nội chiến của đất nước, vẫn là một cuộc sống êm đềm, lặng lẽ. Vào chùa rồi, tất cả thời gian của tôi đều dồn vào việc tu học, chuyện đời dù muốn dù không, cũng gác bỏ ngoài tai. Ở Phật học viện Quảng Nam này cũng thế, quanh năm suốt tháng hầu như tôi chẳng nghe nhắc gì đến mấy chữ “Việt cộng” hay “Cộng sản.”

Giờ này trở về viện với hình ảnh một một xác chết nằm phơi giữa chợ đời lảng vảng trong tâm thức, tôi thấy quặn đau nhè nhẹ trong lòng. Ở chùa mấy năm nay, tôi đã từng đi đám tang nhiều nơi, nhìn những xác chết nằm trơ trong áo quan với đủ nguyên do, nào bịnh tật, nào già yếu, nào tai nạn, nào tự vẫn… nhưng chưa có cái chết nào khiến tôi thấy thảm thương, vô nghĩa như cái chết của một người giữa đêm đen lầm lũi đi phá hoại, không may bị bắn chết. Và nếu sự phá hoại thành công, vào một giờ nào đó, khi mìn nổ, có thể có nhiều mạng người khác trong đó có người già, em bé… bị tan xác theo cây cầu vô tri kia. Những cái chết như vậy có ý nghĩa gì? À, người ta nói rằng đó là sự hy sinh cao cả của những anh hùng dân tộc. Người cài mìn cũng là anh hùng. Người dân bị chết oan cũng là anh hùng (vì chịu hy sinh theo chiếc cầu để cản bước đi của quân thù?). Thực ra người dân vô tội không cần làm anh hùng. Chỉ có những kẻ mê đắm chiến tranh thù hận mới tự biến mình thành con thiêu thân, lao vào sự chém giết… để trở thành anh hùng. Ôi những anh hùng dân tộc được mô tả trong sách với những cuộc đấu tố cha mẹ bà con, chặt đầu đối phương bằng mã tấu cùn, chôn sống đồng bào vô tội với mồ chôn tập thể. Làm sao tôi khỏi đọc đến những hình ảnh man rợ ấy trong sách báo! Trong sự hiểu biết nông cạn của mình lúc ấy, tôi không sao hiểu rõ được những nguyên nhân nào đưa đến chiến tranh trên quê hương mình để rồi đẩy đưa những chàng trai của đất nước trở thành những anh hùng chết thảm như xác người Việt cộng hôm nay. Tôi chỉ lờ mờ cảm nhận bằng con tim mình rằng hình như ngay cả những người cầm súng của bên này hay bên kia, cũng đều là nạn nhân đáng thương của chiến tranh mà thôi.

Suốt buổi chiều ấy, tâm tôi nặng trĩu như đeo chì. Từ bỏ cuộc đời để vào chùa xuất gia học đạo, đáng ra tôi không cần bận lòng với thế cuộc. Nhưng trái tim biết thương yêu, biết rung cảm của tôi, làm sao khỏi phân vân, xúc động trước những đau thương xảy ra trên khắp đất nước. Những gì tôi muốn lãng quên lâu nay, bất chợt ùn ùn kéo đến, bắt tôi phải suy nghĩ. Tối đó, tôi phải tọa thiền lâu hơn ngày thường để xua tan hoàn toàn ấn tượng xác chết lưu lại trong tâm trí kể từ lúc ban trưa ở bờ sông.

Vài ngày sau, chúng tôi đến trường Bồ Đề thì được thầy Viêm, giáo sư chủ nhiệm của lớp tôi, cho biết rằng trường có tổ chức một cuộc mít-tinh ngay tại sân trường. Tất cả các lớp đều được nghỉ học nửa giờ để tham dự. Đây là cuộc mít-tinh đả đảo cộng sản đã pháo kích vào một trường tiểu học ở Cai Lậy giết chết mấy chục em học sinh cũng như ban giám hiệu nhà trường. Nghe thầy Viêm nói rõ lý do cuộc mít-tinh, tôi thấy bủn rủn cả tay chân. Tôi như nghe được tiếng khóc dội trong lòng. Cùng các bạn ở chung lớp bước ra xếp hàng ở sân trường, tôi vẫn còn thấy hai tay mình run lên.

Trên bực thềm cao ở lối đi chính dẫn vào văn phòng hiệu trưởng, các vị giáo sư từ các lớp tập trung lại. Học sinh toàn trường thì xếp hàng từng lớp dưới sân. Vị giám học đọc một bài ngắn nói về tin tức pháo kích ở Cai Lậy, chia buồn cùng gia đình các em học sinh tử nạn, lên án hành vi man rợ của người cộng sản đối với trẻ thơ và lương dân vô tội. Sau đó, một vị giáo sư hô khẩu hiệu đả đảo cộng sản, cả trường hô theo. Tiếng đả đảo lặp đi lặp lại nhiều lần và được hưởng ứng bởi mấy trăm học sinh với cùng một giọng hùng mạnh, quyết tâm, rất dễ khích động lòng người. Nhưng trong đám đông đó, tôi chỉ đứng im, ứa lệ trong lòng. Khẩu hiệu, rõ ràng không khích động được ý niệm hận thù tranh đấu nào trong tôi. Tôi chỉ thấy lòng mình khơi dậy một niềm thương cảm cực mạnh. Tôi thương đất nước tôi ngụp lặn mãi trong chiến tranh. Tôi thương đồng bào tôi từ thế hệ này qua thế hệ khác cứ phải nai lưng ra để làm nạn nhân cho u mê và cuồng vọng của những kẻ cầm nắm vận mệnh quốc gia ở cả hai phía. Nhưng với trí óc non nớt, hạn hẹp của tôi, với trái tim mẫn cảm yếu đuối của tôi, tôi thực không biết làm gì cho quê hương hơn là khóc rưng rức. Tôi như đứa trẻ chứng kiến cha mẹ hay người lớn trong nhà gây cãi nhau: chỉ biết òa khóc, chỉ thấy tổn thương trong lòng. Con nít chúng tôi không thích sự dữ tợn, hung hăng của người lớn. Con nít chúng tôi không thích sự tranh cãi lý luận của phe này, phe kia. Chúng tôi là những đứa trẻ trong nhà, thương cha thương mẹ, thương chị thương anh, chỉ biết có thương yêu mà thôi, không muốn là của riêng phía nào. Chỉ có những đầu óc mê muội, điên rồ mới thích tạo ra chiến tranh và thích thú với những thắng lợi chết chóc do mình gây ra. Và cũng trong vị trí của một đứa trẻ đứng ngoài nhìn cha mẹ và người lớn gây cãi nhau, tôi thấy có cái gì rất phi lý trong chiến tranh. Không phải riêng cuộc chiến trên đất nước tôi, mà tất cả cuộc chiến trên thế giới, của loài người ngu muội bày ra. Ngoại trừ cuộc chiến chống ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền dân tộc, tôi thấy chiến tranh vô cùng man rợ dù có khoác mặc lên mình nó bất cứ chính nghĩa nào. Nhất là cuộc chiến gây ra chỉ vì muốn người khác phải tin và hiểu như mình. Khi cha mẹ gây cãi, nếu bạn thương mẹ và đứng về phía bà, bạn sẽ thấy mẹ mình có chính nghĩa hơn cha, và ngược lại. Ai lại chẳng có chính nghĩa! Đã lỡ gây cãi nhau rồi, thì chính nghĩa càng được xây dựng, tô bồi thêm cho vững chắc. Không có cũng thành có. Chẳng ai muốn nhìn nhận mình là sai lầm, phi nghĩa cả. Chiến tranh vì vậy càng không thể gỡ bỏ. Chính nghĩa trở thành một lớp áo giả tạo để khoác mặc cho những cuồng vọng phi nghĩa mà thôi.

Tết sắp đến, ở Phật học viện cũng như trường Bồ Đề đều có làm báo xuân. Ở Phật học viện thì mỗi tháng chúng tôi có làm bích báo (báo tường). Mỗi chúng phụ trách một tờ. Làm xong đem treo trên một tấm bảng lớn để cùng xem. Tờ báo của chúng Ca Diếp do tôi phụ trách trình bày, vẽ vời, chọn lựa bài vở. Báo xuân của Phật học viện cũng không khác báo thường, vẫn là bích báo. Có điều, thay vì làm một tờ báo lớn thì dịp xuân làm ba tờ cho có vẻ đặc biệt hơn. Riêng ở trường Bồ Đề, năm ngoái đến giờ chẳng thấy đá động chi đến chuyện làm báo, bỗng dưng năm nay, thầy Viêm chủ nhiệm lại thông báo việc làm đặc san thi đua với các lớp. Ban đầu, mới vào phòng học, thầy bảo cả lớp lấy ra mỗi người một tờ giấy, tự vẽ một bức tranh nhỏ rồi đặt tựa đề cho bức tranh đó, không đề tên tác giả. Chúng tôi cứ làm theo lời thầy mà chẳng hiểu được thầy tính làm gì mấy bức tranh ấy cho giờ Anh ngữ mà thầy phụ trách. Thầy chẳng giải thích, chỉ cười cười, cho cả lớp nửa giờ để vẽ, rồi thầy đi lên văn phòng. Chưa đầy hai mươi phút, trên bốn chục tấm tranh đã nộp đầy đủ trên bàn giáo sư.

Trở vào lớp, thầy Viêm ngồi cầm xấp tranh mà ngắm nghía từng tấm, từng tấm. Xem hết xấp tranh, thầy chọn tấm tranh của tôi, và quyết định chọn tôi làm người trình bày cho tờ đặc san của lớp. Thầy là giáo sư chủ nhiệm của lớp, dĩ nhiên cũng chịu luôn trách nhiệm đốc thúc và cố vấn cho tờ đặc san. Lý do vẽ và lựa tranh lúc đó mới được sáng tỏ. Thầy Viêm đưa tấm tranh của tôi lên cho cả lớp xem, thầy không giải thích gì nhiều, chỉ nói: “Nét vẽ lạ, điêu luyện. Đặc biệt là bức tranh rất ý nghĩa.” Rồi thầy lại bảo cả lớp bầu một ban báo chí. Việc bầu bán này diễn ra cũng khá nhanh, vì chuyện văn thơ trong lớp biết nhau cả rồi. Cuối cùng, trưởng ban báo chí cũng là tôi. Thầy Viêm yêu cầu cả lớp tham gia viết bài trong vòng một tuần, đem nộp cho thầy xem trước để kiểm duyệt, rồi cho vào đặc san.

Bức tranh của tôi vẽ khung cảnh một góc nghĩa trang, nơi đó có một ngôi mộ của người lính. Sát mộ bia có dựng một cây súng, và một cái nón sắt được úp trên đầu súng. Một con chim bồ câu đậu trên cái nón sắt ấy. Dưới bức tranh, tôi đề mấy chữ: “Mơ hòa bình”. Có lẽ vì một nỗi cảm xúc đồng điệu nào đó, thầy Viêm đã chấm bức tranh của tôi là xuất sắc nhất trong những bức vẽ của lớp. Thầy còn lấy tựa đề của bức tranh ấy làm tựa đề chung cho tờ đặc san của lớp nữa.

Thầy Viêm là một viên sĩ quan, cấp bậc trung úy, của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chưa bao giờ thầy vận quân phục vào lớp. Nhưng bạn học cùng lớp cho tôi biết thầy là quân nhân. Tánh tình thầy hiền hòa, cởi mở, nụ cười chực sẵn trên môi. Thầy đẹp trai, giảng dạy có phương pháp, tận tâm, nên trong lớp, trong trường ai cũng quý mến.

Tôi không rõ tình hình chiến tranh trong nước đang ở mức độ nào. Nhưng sau vụ Việt cộng pháo kích ở Cai Lậy, tinh thần các giáo sư cũng như học sinh nơi đây bị chấn động không ít. Có thể một số người căm hờn cộng sản nhiều hơn. Nhưng số khác, trong đó có tôi, chỉ biết ước mơ một vận hội mới cho đất nước quê hương. Chúng tôi không cần bất cứ một chủ nghĩa nào. Không cần bất cứ một ý thức hệ nào. Không cần bất cứ một đảng phái nào. Chúng tôi chỉ cần những người cha, những người mẹ, những thế hệ đàn anh đàn chị đi trước, hãy ngồi lại với nhau trong tình thương yêu ruột thịt của gia đình. Vụ học sinh tiểu học chết oan ở Cai Lậy chỉ là một trường hợp trong muôn ngàn trường hợp ngu xuẩn khác của chiến tranh. Việt cộng không phải chỉ mới pháo kích và giết oan một trường tiểu học mà còn rất nhiều vụ tàn bạo khác nữa. Cũng vậy, khi oanh tạc cơ của Mỹ và của Không quân Quốc gia dội bom ở Bắc Việt, có thể cũng có nhiều trường tiểu học, và mẫu giáo nữa, đã trở thành tro bụi. Người lớn quý vị chỉ “hy sinh” thời giờ để hội họp, bàn thảo kế họach chém giết nhau. Chỉ có bầy con nít ở hai miền Nam Bắc chúng tôi mới thực sự là hy sinh cả xương máu của mình. Nhưng tất cả máu xương mà chúng tôi đóng góp đó, cũng chỉ là hậu quả của chiến tranh mà thôi. Hậu quả không sai lầm, chỉ có nguyên nhân mới sai lầm. Vậy thì có ích gì cho việc hô hào chiến đấu đả đảo! Ích gì việc cổ võ cho hận thù và chém giết! Nơi đây quý vị tổ chức mít-tinh cho con nít chúng tôi đả đảo cộng sản thì ngoài kia, cộng sản cũng hô hào con nít đả đảo Mỹ-Thiệu. Giải quyết được cái gì? Có ai đúng đâu! Có ai thắng đâu! Chỉ có sự mê mờ và thảm bại cho cả dân tộc! Không chịu vứt đi những mê chấp của ý thức hệ thì cuộc chiến hãy còn tiếp diễn mãi. Chua xót, mỉa mai nhất là các bậc cha mẹ anh chị đã lỡ bước mê lầm ấy mà lại còn khích động, dạy dỗ con em mình lao vào con đường tang tóc đổ vỡ kia; cũng lao vào với “chính nghĩa sáng ngời” mà chỉ có bom đạn mới bảo vệ nổi. Trong chính nghĩa đó, quý vị đem cái tâm đen tối để chém giết nhau; và quý vị xô đẩy con em, xô đẩy hàng triệu học sinh thơ dại chúng tôi vào vực thẳm. Quý vị không thương tiếc gì máu xương vô tội của bầy con nít chúng tôi cả. Quý vị chỉ lợi dụng cái chết của chúng tôi để hô hào chiến tranh. Đừng nói rằng quý vị chém giết nhau chỉ vì quyền sống của bầy con nít chúng tôi. Quý vị không thương, không hiểu gì con nít chúng tôi cả. Con nít chúng tôi đâu cần hận thù, đâu cần tranh đấu, đâu cần huy chương hay bằng tưởng thưởng gì! Trước sự mê muội cấu xé nhau của quý vị, chúng tôi chỉ biết khóc và bật ra ước mơ nhỏ nhoi của mình mà thôi. Đó là ước mơ hòa bình. Trong tâm cảnh của một học sinh, một đứa con nít chưa học hiểu gì về các chủ nghĩa, tôi vẽ nên bức tranh đó.

Khi thầy Viêm chọn bức tranh và cái tựa “Mơ hòa bình” của tôi làm tranh bìa và chủ đề cho đặc san của lớp, tôi biết thầy ấy đã thay mặt cho nhiều thế hệ cầm súng khác, nói lên ước vọng hòa bình của mình. Những thế hệ cầm súng ấy, trước đây cũng chỉ là những đứa con nít như chúng tôi bây giờ, vừa kịp lớn lên đã lao vào cuộc chiến, không cưỡng lại được. Tuổi trẻ chúng tôi đã thức tỉnh, đã thấy được cái phi lý vô cùng của chiến tranh. Nhưng chúng tôi không làm gì được với hiện tình quê hương. Bổn phận của chúng tôi là phải bước chứ không cần phải thấy. Trong khi đó, chỉ có quý vị người lớn có thẩm quyền của cả hai phía mới có được giải pháp hòa bình cho quê hương này. Nhưng tiếc thay, quý vị đã mù lòa, không còn thấy gì khác ngoài lợi danh và thù hận.

Trong vòng nửa tháng, tập đặc san hoàn tất. Thầy Viêm hài lòng lắm. Thầy đem đặc san nộp cho ban giám khảo của cuộc thi báo chí toàn trường. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt và gần đến dịp nghỉ Tết, chúng tôi mới biết được kết quả của cuộc thi báo. Thầy Viêm vào lớp với nụ cười rất tươi, cho biết tờ đặc san của lớp chiếm được hạng nhất. Thầy còn cho biết không phải chỉ nhờ hình thức trang nhã và ý nghĩa của bức tranh, của chủ đề “Mơ hòa bình” mà còn nhờ vào nội dung khá đặc sắc của đặc san. Trong đó, đặc biệt nhất là truyện ngắn đầu của tôi, tựa đề là “Cởi trói.

Truyện kể rằng, có một tên cướp bị quan quân truy nã, trốn vào một ngôi chùa. Nơi đây có một vị hòa thượng đang tọa thiền. Trốn lánh được một lúc lâu, tên cướp thấy đói bụng mà vị hòa thượng vẫn còn ngồi thiền như không hay biết sự có mặt của hắn trong chùa. Không chờ đợi được nữa, tên cướp đến lay hòa thượng, kề gươm vào cổ người, bảo người đi kiếm thức ăn cho hắn. Nhưng vị hòa thượng vẫn bình thản, không chút sợ hãi, từ tốn nói: “Nguy hiểm tới chân rồi mà còn hung hăng uy hiếp kẻ khác để đòi miếng ăn sao?” Vừa dứt lời thì có tiếng quan quân ùa tới ngoài sân, bao vây chùa. Tên cướp ngỡ rằng vị hòa thượng đã cho người đi báo với quan quân sao đó họ mới kéo đến đây, bèn đem trói vị hòa thượng, treo lên xà nhà để đánh đập, hành hạ cho bõ ghét đồng thời để giữ làm con tin. Trong khi đó, quan quân bên ngoài vì tôn trọng nơi thờ tự tôn nghiêm đã không dám mang vũ khí xông vào chùa, nên chỉ đứng ở ngoài kêu gọi vị hòa thượng đuổi tên cướp ra khỏi chùa thì họ mới bắt được. Dĩ nhiên vị hòa thượng không thể làm được chuyện đó vì đang bị khống chế. Quan quân thấy tên cướp không ra mà vị hòa thượng im lặng không trả lời nên cho rằng vị hòa thượng cố tình chứa chấp, bao che hoặc đồng lõa với tên cướp. Trong khi đó, bên trong, tên cướp tự động kiếm thức ăn rồi cứ ngồi kề gươm giữ hòa thượng làm con tin. Nhưng trước thái độ bình thản và tấm lòng từ bi, bao dung của hòa thượng, tâm sân hận của tên cướp dần dần dịu xuống. Hắn bắt đầu gợi chuyện với vị hòa thượng. Sau một lúc đàm đạo, hắn được vị hòa thượng cảm hóa, bèn sám hối, mở trói cho vị hòa thượng và xin làm đệ tử. Vị hòa thượng vẫn hiền lành nói: “Ta đã cởi trói cho ngươi trước rồi đó.”

Câu chuyện ấy, tuy kỹ thuật non yếu, văn kể vụng về với đôi chỗ không thực tế, thiếu hợp lý, nhưng nội dung câu chuyện cũng nói lên được phần nào thái độ của người phật tử (kể cả xuất gia lẫn tại gia) hay của những thường dân Việt Nam đối với chiến tranh. Cái “ước mơ hòa bình” cũng được gởi gắm nơi ấy. Và phải chăng ban giám khảo của cuộc thi báo chí cũng đã mệt mỏi với chiến tranh, với thù hận, đã quyết định chấm điểm cao nhất cho tập san của chúng tôi? Có lẽ là vậy. Chiến tranh là trò chơi phí phạm máu xương nhiều nhất mà chỉ có những kẻ xuẩn ngốc mới hăng hái bày ra. Không có chiến tranh, cuộc sống cũng đã đầy đủ ý nghĩa rồi, cần gì phải tìm thêm ý nghĩa nào trong trò chơi rồ dại ấy! Tôi chỉ muốn nói lên một điều đơn sơ như vậy thôi. Lũ con nít chúng tôi không cần trò chơi mà quý vị người lớn bày ra.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.