Phương Trời Cao Rộng – Chương 7 – 9

Vào một ngày cuối tuần thầy Thông Chánh tìm gặp tôi ở phòng khách, rủ tôi đi Vườn Dừa chơi. Ở xóm Vườn Dừa có chùa Phổ Tế do mấy ni cô coi sóc. Cũng như dân trong xóm, chùa trồng rất nhiều dừa, đủ loại dừa. Dừa là nguồn lợi chính của chùa. Thỉnh thoảng các sư cô cho chở dừa lên cúng dường Phật học viện và các chùa có đông tăng hay ni chúng. Các thầy ở viện đều có quen biết sư cô trụ trì ở đây. Nhân dịp nghỉ, thầy Thông Chánh rủ tôi xuống thăm chùa Phổ Tế – luôn tiện ăn dừa xiêm một bữa cho thỏa! Dĩ nhiên là tôi không dám đi chơi với thầy. Lệnh cấm hãy còn nóng hổi, chuyện thầy An bị đòn nặng của thầy tôi hồi tháng trước hãy còn đậm nét, chưa phai nhòa, làm sao tôi dám liều lĩnh cãi lệnh thầy tôi lần nữa! Thầy Thông Chánh thấy tôi sợ sệt và từ chối mãi bèn hỏi:

“Nói thầy nghe con sợ gì? Tại sao?”

“Dạ… trước đây con đi tắm giặt với thầy Châu nên bị thầy con cấm. Sau đó còn thường lên chơi với thầy An cũng bị cấm. Thầy An bị thầy con đánh phạt nặng lắm, rồi cấm tuyệt giao du với mấy thầy, chỉ được chơi với các điệu thôi.”

“Thầy Châu và thầy An khác, thầy Thông Chánh này khác chứ!”

Tôi cười nhẹ, lắc đầu:

“Thầy con nói cấm chơi với bất cứ thầy nào.”

“Nhưng trong lòng con có muốn đi chơi với thầy không?”

Tôi ngập ngừng một lúc rồi đáp nhỏ:

“Dạ… muốn.”

“Vậy là được rồi. Đề thầy xin phép thầy giám sự cho con đi chơi với thầy ngày hôm nay, chứ quanh năm suốt tháng ngồi học một chỗ như vầy sao chịu nổi! Cũng phải có giải trí hay du ngoạn gì cho khuây khỏa chứ!”

Tôi nghe vậy thì thất kinh, cản thầy Thông Chánh:

“Thôi, thầy đừng xin phép làm gì mất công, coi chừng cả thầy và con bị đòn hết đó!”

Thầy Thông Chánh mỉm cười, quay đi, hướng thẳng về phía phòng thầy tôi, gõ cửa:

“A Di Đà Phật, thầy có rảnh không, bạch thầy?”

Tôi xanh mặt mày, chạy trốn phía sau bàn thờ tổ, nhưng cũng nghe được tiếng thầy tôi từ trong phòng vọng ra:

“Ai vậy?”

“Dạ con, Thông Chánh đây.”

Im lặng một lúc. Có tiếng lách cách, rồi cửa phòng thầy tôi mở ra. Rồi cánh cửa lưới quen thuộc kêu lên. Tôi biết thầy tôi đã ra khỏi phòng.

“Sáng sớm mà có việc gì vậy?” thầy tôi hỏi.

“Dạ, con muốn xin phép thầy cho chú Khang đi chơi với con sáng nay cho khuây khỏa, thấy nó học hoài tội nghiệp quá!”

Núp phía sau bàn thờ, tôi nghe thầy Thông Chánh nói vậy thì run cầm cập. Nhưng tiếng thầy tôi vọng tới nghe rất vui vẻ chứ không có vẻ gì khó chịu.”

“Nó mới tu thì để nó lo học là phải rồi chứ chơi chi cho nhiều.”

“Dạ, nhưng lâu lâu cũng cho nó giải trí chút, thầy ạ.”

“Thầy tính dẫn nó đi đâu vậy?”

“Dạ qua chùa Phổ Tế ăn dừa.”

“Sướng quá há. Tôi bận quá có được đi chơi như vậy đâu. Đi chừng nào về?”

“Bạch thầy, chắc cũng xế chiều mới về tới.”

“Vậy đi chơi vui vẻ há.”

Thầy Thông Chánh chào quay đi thì thầy tôi gọi lại, nói nhỏ giọng:

“Thông Chánh có rảnh thì hướng dẫn cho nó học với nha. Nó sáng sủa học nhanh nhưng giao tiếp thì khờ khạo, nhẹ dạ lắm, chẳng phân biệt được người nào tốt, người nào xấu, ai nói gì cũng nghe, cũng tin. Nếu Thông Chánh giúp tôi dạy dỗ nó thì còn gì bằng. Tôi đâu có thì giờ để theo dõi nó hoài được.”

“Dạ, thầy đừng lo. Con kèm nó được mà.”

Nghe được lời trao đổi giữa hai thầy, tôi sung sướng muốn trào nước mắt. Thầy Thông Chánh đi tìm tôi. Chờ thầy tôi vào phòng rồi tôi mới dám chui ra để tìm lại thầy Thông Chánh. Thấy tôi, thầy Thông Chánh cười cười nói:

“Xin phép được rồi. Yên tâm chưa? Đi được chưa?”

Tôi cười sung sướng, chạy về phòng lấy chiếc áo năm thân mặc vào, cùng đi với thầy Thông Chánh xuống Vườn Dừa. Đây là lần đầu tiên tôi được phép đi chơi ra khỏi chùa với một vị học tăng của viện. Điểm đặc biệt nhất của chuyến đi này là “đi chơi” và đi chơi công khai, có sự đồng ý của thầy tôi – những lần trước tôi ra khỏi viện chỉ là theo thầy tôi đi chẩn tế hay làm lễ.

Chúng tôi đón xe lam đi được một khoảng đường rồi cuốc bộ từ quốc lộ vào Vườn Dừa, tìm đến chùa Phổ Tế. Sư cô trụ trì đang phơi vỏ dừa ngoài sân, thấy chúng tôi vào thì lật đật đứng dậy chắp tay chào, mời vào phòng khách. Tôi ngồi im nghe thầy Thông Chánh nói chuyện với sư cô một lúc. Rồi  thầy Thông Chánh đi vào vấn đề chính của cuộc viếng thăm này là “ăn dừa”. Sư cô trụ trì vui vẻ đưa hai thầy trò tôi ra vườn, sai một thanh niên Phật tử leo lên cây dừa xiêm, chặt nguyên một buồng dừa xuống, đem vào phòng khách cho chúng tôi. Sư cô mời chúng tôi vào phòng khách dùng dừa. Thầy Thông Chánh không chịu, đòi ăn dừa ngoài vườn cho mát. Sư cô bèn sai mang dừa ra lại ngoài sân, còn đem đến cho chúng tôi con dao lớn để bổ dừa nữa. Sư cô định giúp chúng tôi, nhưng thầy Thông Chánh nói:

“Thôi, sư cô lo làm việc chùa đi, để chúng tôi tự lo lấy cho tự nhiên.”

Rồi thầy Thông Chánh bỗ dừa ra cho thầy, cho tôi. Hai thầy trò ăn uống một bụng dừa no nê rồi mới về. Trước khi về, thầy Thông Chánh vào gởi tiền cho sư cô trụ trì. Sư cô từ chối nhưng thầy cứ đưa, nói là để mua nhang đèn cho chùa.

Rời Vườn Dừa, chúng tôi không về viện ngay mà đi thẳng xuống biển Nha Trang, ngồi hóng mát cho đến chiều. Chuyến đi ngày ấy thật vui, thoải mái. Từ đó, tôi và thầy Thông Chánh trở thành đôi thầy-trò huynh-đệ thân thiết. Thầy ấy dạy tôi học thêm chữ Hán, tiếng Anh, luật Sa-di, kiểm soát bài vở tôi mỗi ngày. Thầy bắt tôi học dữ lắm, nhưng ngày nào, tuần nào cũng có giờ giải trí. Có sự dẫn dắt của thầy Thông Chánh, tôi tiến bộ rất nhanh. Mã cũng từ khi tôi công khai thân cận thầy Thông Chánh, các chú tiểu khác cũng được giải tỏa lệnh cấm. Chú Dũng công khai theo thầy Viên, chú kính theo thầy Đức, chú Sáng theo thầy Thông Nghĩa v.v…

Nhân một lúc vui, tôi có hỏi thầy quản chúng tại sao thầy tôi cấm các chú tiểu giao du thân cận với hàng tỳ-kheo nhưng rồi cuối cùng lại cho phép tôi theo thầy Thông Chánh. Thầy quản chúng nói vắn gọn một câu:

“Vì thầy con tin tưởng thầy Thông Chánh.”

Tôi nghĩ quý thầy đi tu thì ai cũng tốt như nhau hết chứ sao lại tin người này không tin người kia. Tôi thắc mắc hỏi tiếp:

“Tại sao chỉ tin thầy Thông Chánh mà không tin những  thầy khác?”

“Vì thầy Thông Chánh là học tăng học giỏi nhất viện, lại cũng là học tăng có hạnh kiểm hàng đầu của viện. Chỉ có vậy thôi.”

Té ra là vậy. Thầy tôi đâu muốn làm khó gì tôi. Chẳng qua, giới luật là cái cổng rào, đóng hay mở là tùy theo mặt khách mà thôi. Tôi thầm cảm tạ thầy đã chọn lựa và tặng tôi một vị hướng đạo tốt, có ảnh hưởng rất lớn trong việc tu học của tôi. Vị hướng đạo này không chỉ là một vị thầy, một người anh, mà còn là một người bạn thân thiết nhất của tôi suốt thời làm tiểu cho đến khi trưởng thành.

 

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.