CHƯƠNG TÁM
Phật học viện Hải Đức là trường đào tạo học tăng trong lứa tuổi và trình độ của thầy Châu, thầy An, thầy Thông Chánh… chứ không phải cho bọn tiểu loi choi như chúng tôi. Vì vậy, tiểu ở viện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sung lại bỏ về, bây giờ chỉ còn Sang, Thỏa, Thiệt, Xuân, Dũng, Kính, Thông, Sáng và tôi. Chín người. Trong số chín người đó, chỉ có bốn là xin theo học lớp Sơ đẳng Phật học tại Phật học viện Linh Sơn. Việc tham gia lớp học Sơ đẳng này không bị bắt buộc. Các chú Sang, Xuân, Thỏa thì thuộc lứa tiểu lớn; còn Thiệt và Thông (tuy cũng lớn nhưng trình độ thấp ngang chúng tôi) thì không muốn đi. Cho nên, mỗi chiều vào giờ phóng tham, chỉ có bốn đứa chúng tôi (Dũng, Kính, Sáng và tôi) cùng cuốc bộ từ viện Hải Đức đến viện Linh Sơn ở Cầu Dứa. Hai viện cách nhau chừng bốn cây số. Đi bộ khoảng hơn nửa giờ thì tới nơi. Ngồi nghỉ mệt đâu chừng nửa giờ nữa thì đến giờ học.
Ngày đầu, thầy quản chúng đưa chúng tôi vào lớp, những ngày kế, chúng tôi tự động đi học. Nhưng Phật học viện Linh Sơn có gần một trăm chú tiểu với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ năm sáu tuổi cho đến mười sáu mười bảy tuổi, nên trình độ học của các chú rất chênh lệch, khó có thể có được một trình độ học thống nhất và hoàn hảo. Ban giám học Phật học viện đã chia các chú tiểu ở đây thành hai, ba lớp. Có môn học chung, có môn học riêng. Thầy quản chúng của viện Hải Đức đảm trách môn Lịch sử Phật giáo tại đây vào một tối trong tuần. Ngày thầy ấy dạy, bọn tiểu ở Hải Đức chúng tôi theo thầy đi, rồi theo thầy về; còn những ngày không có thầy, chúng tôi đến học rồi xin ở lại cho đến trời mờ sáng mới về lại Hải Đức. Nguyên do phải xin ở lại chẳng gì khác hơn là sợ ma. Phật học viện Linh Sơn nằm ở vùng quê, chung quanh là ruộng. Từ quốc lộ vào đến viện Linh Sơn cũng mất hơn một cây số trên một con đường ngoằn ngoèo không có điện đường mà chỉ có những bụi tre hay những bụi rậm um tùm. Lúc đi thì mặt trời sắp lặn, trời hãy còn sáng, chúng tôi đâu có sợ gì nhưng lúc về thì đã tám, chín giờ tối, con nít như chúng tôi thực tình là chẳng dám đi. Rừng nào cọp nấy thôi! Ở viện Hải Đức cũng có những khoảng núi rừng rậm rạp, rắn rít, khỉ, sóc v.v… nhưng chúng tôi đã quen, không thấy sợ. Các chú tiểu ở Linh Sơn thì quen thuộc với cảnh đêm của vùng Cầu Dứa. Cũng may là mỗi tuần chúng tôi cũng chỉ học có ba đêm với các mô Hán văn, Luật Sa-di và Lịch sử Phật giáo. Một đêm theo thầy quản chúng về, hai đêm kia mới ở lại. Tuy vậy, cũng có lúc mặt trời lặn sớm hay vì chúng tôi đi hơi trễ nên mới ngang khúc đường ruộng gần viện Linh Sơn thì mặt trời đã lặn hẳn, đường đi mờ mờ mịt mịt, chúng tôi phải nín thở niệm Phật, niệm thần chú mà bước.
Có lần, Sáng đi chậm quá cứ lọt mãi phía sau, chúng tôi đi một chặp lại phải đứng chờ; Kính và Dũng bực quá liền bàn nhỏ với tôi là hè nhau chạy để Sáng sợ mà chạy theo cho mau. Lúc đầu tôi không đồng ý, nhưng thấy chuyện này cũng là trò vui chứ chẳng hại gì nên khi Kính và Dũng vừa la lên “Ma” rồi vụt chạy trước, tôi cũng chạy theo. Ba đứa vừa chạy vừa cười, vừa ngoái đầu nhìn lại coi Sáng thế nào. Nhưng ông Phật con có tên là Sáng này cũng lì lắm. Thấy bọn tôi bỏ chạy trước, ông hơi nhớm chân một chút, tính chạy theo rồi lại đổi ý, cố gắng giữ bình tĩnh, niệm “Án ma ni bát di hồng” mà thủng thỉnh bước. Kính và Dũng thấy chuyện dọa ma không kết quả (vì chữ “ma” hãy còn trừu tượng, khái quát quá thì phải!) nên đứng lại từ xa, gợi lên những hình ảnh rõ rệt hơn:
“Có ai ngồi trong bụi tre ngó ra kìa!”
Ông Phật con chưa nao núng, vẫn bươc từ từ, nhưng niệm chú dồn dập hơn:
“Án ma ni bát di hồng, án ma ni bát di hồng…”
Dũng bèn chêm vào thêm một câu:
“Có con ma ngồi dưới ruộng le lưỡi lên kìa!”
Ông Phật con vẫn chưa chịu chạy, nhưng chân bước nhanh hơn một chút, miệng niệm thầy chú lia lịa:
“Án ma ni bát di hồng, Án ma ni bát di hồng, Án ma ni bát di hồng…”
Kính lại thêm vào hình ảnh khác:
“Có bà già ẵm con khóc sau lưng kìa!”
Ông Phật con dợm mình một chút, niệm thật to câu thần chú để trấn át sợ hãi, “ÁN MA NI BÁT DI HỒNG!”, nhưng rồi hình ảnh một mụ già ẵm con chạy theo phía sau, đưa bàn nhăn nheo ra khều ngoắc, có vẻ ghê khiếp quá khiến ông Phật con không sao bình tâm nổi, bèn… chạy. Thần chú cũng rơi rớt theo bước chân thình thịch. Kính và Dũng thấy Sáng chạy thì khoái trá lắm, vừa vười nắc nẻ vừa chạy mau hơn vào cổng viện Linh Sơn. Tôi cũng phải bật cười theo, không sao kềm nổi.
Đó là trời chỉ hơi mờ tối thôi mà còn vậy. Sau giờ học là chín giờ đêm rồi, làm sao chúng tôi dám về. Đành phải ngủ lại đêm với gần một trăm chú tiểu khác.
Chùa Linh Sơn vốn là ngôi chùa do thầy Như Ý làm trụ trì. Sau, thầy vận động một số thầy khác cùng thành lập một Phật học viện Sơ đẳng để nuôi dạy các chú tiểu. Từ đó, chùa Linh Sơn trở thành Phật học viện Linh Sơn; và thầy trụ trì nhận chức giám sự cho Phật học viện. Ngoài chánh điện và Tổ đường đường rộng lớn, viện Linh Sơn còn có dãy hậu tổ, trai đường dành cho cách thầy và các chú sa-di lớn tuổi, có ba phòng khách tăng nằm phía sau; bên trái chánh điện là một tịnh thất có gác của thầy giám sự; bên phải chánh điện, cách một khoảng sân là phòng học và một dãy nhà nhỏ gồm hai phòng ngủ; đi sâu vào trong là nhà bếp và phòng ăn nhỏ cho các chú tiểu. Phía sau dãy hậu tổ là một dãy phòng dài chia làm nhiều gian, mỗi gian có bốn giường ngủ nhỏ ở bốn góc; các gian được ngăn cách bởi một vách tường, nhưng các vách đều được chia làm hai để chừa một cửa cái không có cánh nằm ở giữa. Như vậy, từ đầu dãy có thể nhìn tới cuối dãy, không gì ngăn ngại. Vị quản chúng có thể đi tuần tra dễ dàng qua lối đi ở giữa dãy phòng này.
Cách chú tiểu ở Linh Sơn quá đông, có nhiều chú hao hao giống nhau làm tôi lẫn lộn hoài. Có vài chú mới bốn, năm tuổi. Chú lớn nhất là mười lăm, mười sáu tuổi. Sau giờ học, tôi ngồi ở thềm chánh điện nhìn sinh hoạt của viện Linh Sơn, thấy chú này chạy ra chú kia chạy vô, kêu réo, chọc ghẹo, cười giỡn, nạt nộ, la khóc, thưa kiện nhau… thật là lăng xăng, rộn ràng đến nhức đầu. Thầy giám sự ở đây ắt phải có tình thương bao la và tính nhẫn nại kinh khiếp lắm mới có thể chịu đựng nổi cả trăm đứa bé quần thảothầy suốt ngày đêm. Thầy cũng phải tài giỏi lắm mới đưa viện Linh Sơn với trăm chú tiểu đủ lứa, đủ thành phần con cháu xã hội vào nề nếp thiền môn. Nhìn qua, thấy các chú ra vào tấp nập, xem có vẻ như không trật tự, nhưng kỳ thực, những sinh hoạt của các chú đều nằm trong khuôn khổ cả rồi. Sinh hoạt ở Phật học viện nào cũng vậy, giống như một trại lính. Kỷ luật, nội quy rất gắt gao. Tên lính ba gai nhất cũng phải vào khuôn mà tên lính hiền nhất, có khi cũng nổi máu ba gai, phá kỷ luật như ai vậy. Nhưng phạm nội quy, phá kỷ luật, đôi lúc lại là cái dễ thương nhất của con người trong một trường hợp và thời gian nào đó trong đời.
Đêm đầu tiên ở lại, đang ngồi quan sát các chú, bỗng nghe kẻng báo ba tiếng. Có một chú lớn hơn tôi vài tuổi–chắc là chịu trách nhiệm “tiếp khách” với chức tri khách hay chúng trưởng, phòng trưởng gì đó của một dãy phòng–đến mời chúng tôi vào phòng tăng để ngồi thiền niệm Phật trước khi ngủ. Chúng tôi theo chú ấy vào dãy phòng lớn nhất của chúng tiểu tại đây. Nơi đó, chúng tôi được sắp xếp nhường cho chỗ ngủ–vì chúng tôi ngủ lại đêm phải chiếm mất chỗ ngủ của vài chú tiểu nơi đây. Dù sao chúng tôi cũng là “khách tiểu” nên được nhường cho hai cái giường. Như vậy, Kính và Dũng chung một giường, tôi và Sáng chung một giường (Dũng và Kính không thích Sáng, còn tôi và Sáng dù sao cũng có ngủ chung trong phòng thầy tôi ở viện Hải Đức rồi). Chẳng có mùng gì cả. Ban đầu thấy các chú nhường chỗ cho chúng tôi phải lau nền xi-măng mà nằm, chúng tôi cũng ái ngại. Nhưng sau đó mới biết rằng không phải chỉ hai chú nhường chỗ mới nằm đất mà nhiều chú khác cũng bỏ giường xuống đất mỗi đêm vì các chú thích nằm vậy cho mát; hoặc có chú biết phận mình ngủ mê hay té xuống đất nên đã dọn sẵn nền đất mà nằm để khỏi mất công té đi đâu nữa. Cho nên chuyện mùng màng cũng chẳng phải ở viện thiếu thốn gì. Chỉ tại các chú muốn vậy mà thôi. Có nhiều lý do để khỏi giăng mùng lắm: thứ nhất, lười biếng; thứ hai, mỗi chú chỉ được cái giường nhỏ, nằm xoay qua xoay lại là đứt giây mùng mà khi giăng lại thì đinh mất, giây thiếu (có chú khác ăn cắp đinh và gỡ giây của mình rồi!); thứ ba, phòng đông người lại kín gió, ngủ trong mùng nực nội không chịu nổi; thứ tư, nếu ngủ có đái mế thì chỉ cần lau cái nền đất thôi, khỏi phải lau giường hay giặt mùng.
Tôi hỏi hai chú nằm dưới đất gần chỗ mình nằm:
“Mấy chú nhường mùng cho tụi tôi nên không có mùng hả?”
Một chú trả lời:
“Đâu có, trong kho còn dư mùng để dành cho khách nữa mà. Treo mùng chi cho mệt!”
“Nhưng muỗi cắn chết đó!”
Chú khác nói:
“Xí, ở đây có bao nhiêu muỗi đâu. Trăm người ngủ ngoài mùng, muỗi chia nhau mỗi con một người thì cũng đâu có sao!”
Chú kia lại thêm vào:
“Với lại tụi này giăng mùng cũng như không thôi, ngủ mê rồi tay chân cũng thò ra khỏi mùng cho muỗi đốt. Vậy giăng làm gì cho phiền chớ!”
Tính kỹ tới mức đó thì tôi cũng chịu thua, còn ý kiến gì để mà bàn góp nữa.
Nhưng chuyện mà tôi chẳng bao giờ quên được nơi mái viện Linh Sơn là trò chơi nghịch ngợm của các chú tiểu tại đây mà tôi chứng kiến trong một đêm ngủ lại.
Trò chơi này không biết có xảy ra thường xuyên không. Chỉ biết là vào một trong những đêm tôi ngủ lại, trò chơi đã diễn ra sau giờ tham thiền niệm Phật, tức là đã đến giờ chỉ tịnh (ngủ). Có lẽ trò chơi này chỉ được bày ra trong dãy phòng lớn cách xa phòng thầy giám sự và các vị trong ban lãnh đạo Phật học viện. Bọn “khách tiểu” chúng tôi lúc đầu chẳng hiểu gì, nhưng trò chơi cứ tái đi tái lại, nên khờ mấy cũng thành quen thôi.
Đêm ấy, sau giờ niệm Phật, chúng tôi nằm xuống, nói chuyện nho nhỏ đôi lời rồi ngủ. Bỗng thấy đèn thật sáng lên khắp dãy phòng. Đèn của các gian buồng bắt chung một công tắc nên chỉ cần bật một cái là có thể thắp sáng hết cả dãy. Tôi tưởng là vị quản chúng hay chúng trưởng vào phòng tuần tra gì đó. Nhưng một chú tiểu nằm dưới đất, kế giường nằm của tôi, vụt chồm lên nói nhỏ với tôi:
“Chuẩn bị nghe, khi nào đèn tắt thì xích sát vào vách chứ không thôi tụi nó uýnh đó.”
Tôi chưa kịp mở miệng hỏi lại cho rõ thì đèn tắt cụp một cái, tối thui, chẳng thấy gì nữa. Cũng lúc đó, có tiếng thụi nhau nghe bình bịch, thùm thụp… thỉnh thoảng lại có tiếng la lên “ui chao!”, “ái da!”. Rồi nhiều tiếng chân chạy rần rật qua lại trong phòng. Tôi đẩy Sáng xích vào góc tường rồi ngồi che ở ngoài để bảo vệ chú ấy. (Sáng là ông Phật con lúc nào cũng lim dim niệm Phật bắt ấn mà, cho nên không bảo vệ ổng thì ổng bị đòn oan tội nghiệp!). Đâu chừng hai, ba phút thì đèn bật sáng trở lại. Tôi chỉ kịp thấy mấy chú nằm gần nhất rút người lại, giả đò nằm ngủ. Vị trí ai nấy giữ. Có vài chú lui về chỗ nằm của mình không kịp, đứng xớ rớ giữa đường hoặc giả đò chậm rãi đi ngang qua các gian buồng, miệng cười tủm tỉm. Rồi bỗng thấy mấy chú đâu từ cuối dãy cùng đi ngang, nhìn rõ từng mặt người ở mỗi gian. Tôi đoán là những chú này bày đầu và kiểm soát trò chơi. Các chú ấy đang đi một vòng để nhìn xem ai nằm chỗ nào, người mình muốn đánh đang nằm ở đâu. Các chú đi dần đến chỗ cái công tắc điện. Ở đó có hai chú khác đứng sẵn, chắc là để bảo vệ và kiểm soát cái công tắc khi muốn bắt đầu hay kết thúc trò chơi. Các chú đứng lại nói chuyện to nhỏ với nhau gì đó. Tôi hỏi Hưng–chú tiểu khi nãy báo tôi biết về trò chơi–để biết tình hình thế nào:
“Xong chưa vậy?”
“Chưa đâu. Mới thử thôi. Chút nữa còn ác liệt hơn nữa, kéo dài hơn nữa.”
Nghe vậy, tôi ngó qua Kính và Dũng, dặn nhỏ:
“Nếu đèn tắt, hai chú ngồi sát vô góc kia nghe, còn không thì qua đây, bốn đứa ngồi chung một góc này, chẳng ai đụng đến đâu. Đi lộn xộn ở ngoài mới bị đòn.”
Nhưng Kính và Dũng cứ cười cười, nói nhỏ với nhau gì đó, trông chú nào cũng có vẻ thích thú và sẵn sàng để tham gia trò chơi. Bỗng nghe cụp một cái. Đèn lại tắt, trong phòng tối như mực, vài tiếng la ó lên như sợ hãi, chắc là tiếng của các chú nhỏ nhất (bốn, năm tuổi). Các chú ấy thì chẳng ai đánh đập đâu, nhưng biết có chuyện đánh nhau xảy ra trong phòng, các chú la lên để khỏi bị đánh nhầm mà thôi. Tiếng chân người chạy. Tiếng đấm nhau nghe thình thịch. Và những tiếng “ai da”, “ui chao” lại vang lên. Tôi và Sáng cứ ngồi yên một góc. Các chú nằm đất hình như đã chạy đi đâu rồi, chẳng nghe thấy tiếng. Dũng và Kính cũng rút vào góc thủ thế hay sao mà tôi chẳng thấy động tĩnh gì phía bên giường của hai chú. Tôi cố nhướng mắt soi thủng bóng tối để ít nhất cũng nhìn thấy những gì xảy ra gần chỗ mình nhất mà vô hiệu. Tối quá. Tôi đưa tay sờ thử trong góc xem Sáng có còn ngồi đó không hay đã bị tha đi rồi. Còn. Ông Phật con hãy còn ngồi trong góc, chắc là đang lim dim niệm Phật cho tai qua nạn khỏi! Bỗng có người quơ tay đấm vào ngực tôi. “Bịch, bịch”. Tôi lấy hai cánh tay ôm che lấy mặt và phần trước ngực. “Bịch, bịch”, lại đấm nữa, thấu trên lưng tôi. Tôi hơi ngửa người ra sau, vung tay loạn xạ, đấm về phía trước. “Hự!”. Hình như trúng ai đó. Kẻ trước mặt chắc là bỏ chạy rồi, nhưng một người khác, rồi một người khác nữa xông vào, một kẻ chụp lấy chân tôi mà kéo, một kẻ đấm thình thịch trên đầu, trên vai, trên lưng tôi. Cha! Đến nước này thì chắc là không cần phải nhịn nữa rồi. Tôi ráng chịu đòn, quờ quạng một lúc mới bấu được hai tay vào thành giường, tung mạnh hai chân về phía trước. Rầm! Nghe như tiếng có người té ngửa thì phải. Nhưng một người khác hãy còn xông vào đấm tôi. Lạ thiệt! Tôi đứng dậy, vừa gạt vừa đỡ lung tung, hướng về phía có hai cánh tay hăng hái vung về phía mình, một tay che ngang mặt, một tay đấm thẳng. Đấm theo kiểu các võ sĩ quyền anh. Đấm thẳng, chẳng quơ quào làm gì yếu lắm. Hự, hự. Đối thủ chịu không nổi, rút lui ngay. Tôi vội lui về phía góc giường, lại đưa tay sờ vào trong, kiểm tra ông Phật con còn ngồi đó không. Không! Chết rồi, ông Phật bị khiêng đi rồi! Tôi hốt hoảng kêu lên:
“Sáng! Sáng! Chú đâu rồi?”
Vừa lúc đó thì đèn lại bật lên, chói cả mắt. Tôi đảo mắt nhìn quanh thật nhanh trên giường mình và giường kế bên của Dũng và Kính. Chẳng thấy ai cả. Nhưng ông Phật con tên là Sáng kia thì đang đứng ở lối đi chính, tức là phía đầu giường tôi, hai mắt ông nhắm nghiền, hai tay quơ hung hổ về phía trước như hai cặp chong chóng. Đèn bật lên rồi, chiến tranh đã kết thúc rồi, mà ông hãy còn nhắm mắt, quơ tay, miệng cười rất vui như thể chẳng còn gì trên đời vui bằng. Tôi kêu lớn:
“Sáng!”
Sáng giật mình mở mắt ra, thấy thiên hạ chung quanh ai cũng đã “ngưng chiến” hết rồi thí mắc cỡ, chạy về lại chỗ nằm. Miệng hãy còn cười khoái trá. Một phút sau, Dũng và Kính mới khom người chạy về đến chỗ nằm, leo nhanh lên giường giả đò nằm ngủ. Chắc là hai cậu đi chinh chiến ở phương xa mới về tới. Và chắc là có thầy nào nghe ồn, xuống kiểm tra. Cả phòng im phăng phắc. Có tiếng thầy la ở đầu dãy phòng. Tôi nằm xuống mà trong lòng hãy còn bàng hoàng. Té ra trận chiến trong cõi u u minh minh này lại lôi kéo được cả ông Phật con tham gia. Chẳng qua đó là một trò chơi thôi mà. Trò chơi thì phải vui, phải tích cực tham dự, ai đấm mình chẳng biết; trò chơi nó vô tư như vậy đó, đâu phải vì thù hận ganh ghét gì nhau đâu, chơi xong thì ngủ, có gì mà bận tâm chứ! Có tôi mới là kẻ lạc hậu chỉ biết thu vào một góc để tự vệ mà thôi. Tôi nằm im ngẫm lại chuyện đã qua, bật cười một mình.